27/12/2024 lúc 06:49 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Quảng Trị

Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã ưu tiên dành nhiều cơ chế, nguồn lực tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ đó, bộ mặt nhiều xã vùng sâu, vùng xa được cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.

 

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Trị có hơn 192.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu là dân tộc Pa Cô, Vân Kiều, với gần 95.000 người, phần lớn tập trung ở hai huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông. Số còn lại sinh sống ở một số xã vùng miền núi các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh. Quảng Trị có vị trí địa lý kinh tế - chính trị quan trọng, là giao điểm của trục kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây, có điều kiện giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt và đường thuỷ, trong đó có các tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia; đặc biệt có tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), tuyến đường xuyên Á ngắn nhất nối các nước trong khu vực từ Myanmar - Thái Lan - Lào qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến miền Trung Việt Nam và mở rộng ra khu vực ASEAN. Với lợi thế đó, kinh tế - xã hội của Quảng Trị đã có những bước chuyển biến quan trọng, nhưng nhìn chung còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung cả nước.

So với mặt bằng chung của tỉnh Quảng Trị, đời sống của người dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), ngân sách Trung ương bố trí cho tỉnh Quảng Trị gần 1.500 tỷ đồng. Trong đó, những nhóm dự án lớn bao gồm: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư những nơi cần thiết; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các đơn vị sự nghiệp công lĩnh vực dân tộc; Phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Truyền thông, tuyên truyền vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi… Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh Quảng Trị ưu tiên dành nhiều cơ chế, nguồn lực tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số nên cơ sở hạ tầng các xã miền núi từng bước được đầu tư cải thiện, chính sách an sinh xã hội đảm bảo, chương trình giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao hơn trước. Tỷ lệ hộ nghèo ở 28 xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn) ở Quảng Trị đã giảm mạnh. Chỉ tính từ thời điểm cuối năm 2022 đến tháng 9/2023, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS ở Quảng Trị đã giảm 5,85%. Tính chung toàn vùng DTTS ở tỉnh Quảng Trị đã giảm 4,6% trong 9 tháng đầu năn 2023. Đây là dấu hiệu khởi sắc sau một thời gian ngắn thực hiện mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể của Chương trình MTQG 1719 ở Quảng Trị.

Bên cạnh đó, toàn vùng có 100% xã, thôn bản có điện lưới quốc gia; 100% xã được phủ sóng truyền hình; 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã; 77% số thôn, bản được có đường liên thôn theo tiêu chuẩn cứng hóa; 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% số xã có trường tiểu học, 75% số xã có trường trung học cơ sở, 38 trường đạt chuẩn Quốc gia; tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đúng độ tuổi đến trường bậc Tiểu học đạt 95%, bậc Trung học cơ sở đạt 96%; 40,4% xã có nhà văn hóa đạt chuẩn; 88% thôn bản có nhà nhà sinh hoạt cộng đồng; 66% số hộ gia đình dân tộc thiểu số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của tỉnh, đời sống của người dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn. Năm 2022, tỉ lệ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh Quảng Trị là 49,51% (áp dụng chuẩn nghèo mới theo Nghị định 07/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ), cao hơn nhiều so với tỉ lệ hộ nghèo chung của tỉnh là 10,44%.

Để giải quyết những khó khăn trên, tỉnh Quảng Trị xác định, phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vừa là nhiệm vụ trước mắt vừa mang tính chiến lược lâu dài nên các địa phương cần rà soát, nghiên cứu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững chứ không nên chạy đua dự án để giải tỏa áp lực giải ngân vốn đã bố trí.

Nguồn vốn cần được ưu tiên cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất với quy trình áp dụng thống nhất trong các dự án, tiểu dự án của chương trình để không trùng lắp giữa các hoạt động, nội dung đầu tư cũng như đối tượng thụ hưởng.