08/01/2025 lúc 15:07 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam – Từ nhu cầu thực tiễn và giải pháp thúc đẩy phát triển

Thương mại điện tử (TMĐT) là hoạt động mua bán hàng hóa và dịch vụ trên Internet, nơi những cửa hàng truyền thống bước vào từ phố xá nhộn nhịp của thế giới thật. Ngày nay, bán hàng trên các sàn TMĐT lớn ở Việt Nam là một trong nhiều phương thức mà người bán có thể lựa chọn. Trong khi một số công ty chỉ tập trung bán hàng trực tuyến, thì cũng rất nhiều doanh nghiệp coi TMĐT là một trong nhiều kênh phân phối được phát triển mạnh mẽ…

TMĐT hiện diễn ra ở 3 nơi, gồm: TMĐT di động: là các giao dịch trực tuyến diễn ra trên thiết bị di động. TMĐT doanh nghiệp: là việc mua bán sản phẩm của các công ty hoặc tổ chức lớn. TMĐT trên mạng xã hội: Mạng xã hội có thể giúp cá nhân tiếp thị và quảng bá cửa hàng TMĐT của mình đến nhiều đối tượng.

Trong hoạt động TMĐT hiện đang tồn tại một số mô hình kinh doanh phổ biến, như: Doanh nghiệp bán cho người tiêu dùng cá nhân (người dùng cuối); đây là mô hình phổ biến nhất và đa dạng nhất (B2C); Doanh nghiệp bán cho các doanh nghiệp khác (B2B); Người tiêu dùng tạo ra giá trị và bán cho doanh nghiệp (C2B); Người tiêu dùng bán cho người tiêu dùng khác (C2C); Doanh nghiệp bán cho chính phủ hoặc cơ quan chính phủ (B2G); Người tiêu dùng bán cho chính phủ hoặc cơ quan chính phủ (C2G); Chính phủ hoặc cơ quan chính phủ bán cho các doanh nghiệp (G2B); Chính phủ hoặc cơ quan chính phủ bán cho người tiêu dùng (G2C).

Chủ trương và kết quả phát triển

Để thúc đẩy TMĐT phát triển, thời gian qua, Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa chủ trương này.  Trong đó có Quyết định số 645/2020/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của Kế hoạch là đến năm 2025, đưa TMĐT trở thành một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc CMCN 4.0 được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp (DN), đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Kế hoạch cũng đồng thời đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm; doanh số TMĐT B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước; thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt 50%; 80% website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 40% DN tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động; 1.000.000 lượt DN, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT…

Để phát triển thị trường TMĐT lành mạnh, mới đây nhất, Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2022/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết về một số điều của Luật Quản lý thuế về trách nhiệm của chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT. Theo đó, Nghị định số 91/2022/NĐ-CP bổ sung Khoản 8 Điều 27: Tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam là chủ sở hữu sàn TMĐT có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn theo quy định cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT, bao gồm: Tên người bán hàng, mã số thuế hoặc số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại liên lạc; doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn. Xây dựng giải pháp, lộ trình cung cấp thông tin theo hình thức điện tử từ các sàn giao dịch TMĐT đến cơ quan thuế nhằm mục đích xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý thuế theo rủi ro, đảm bảo yêu cầu về bảo mật thông tin theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của sàn giao dịch TMĐT...

Đặc biệt, nhằm bảo đảm hoạt động TMĐT được minh bạch, lành mạnh, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của DN và người tiêu dùng, ngày 29/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/2023/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025. Đề án trên được kỳ vọng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, ngành, người dân và DN nhằm tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng. Từ đó, giúp nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT, tạo niềm tin trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến.

Từ những chủ trương như vậy, TMĐT của nước ta đã có những bước phát triển nhanh. Theo Sách trắng TMĐT Việt Nam năm 2022, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới với tốc độ 35% mỗi năm, thậm chí gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. Mức tăng trưởng TMĐT của Việt Nam được các hãng dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ trong những năm tới và sẽ cán mốc 39 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 sau Indonesia (104 tỷ USD), ngang bằng Singapore. Tổng doanh thu kinh tế internet Việt Nam đến năm 2025 dự báo đạt mức 57 tỷ USD, chỉ đứng sau Indonesia. Việt Nam cũng có tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến cao thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Singapore. TMĐT đã tạo ra hàng tỷ USD cho hoạt động kinh tế của Việt Nam. Những lợi ích và đóng góp của TMĐT đối với sự phát triển của nền kinh tế là không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, hoạt động TMĐT cũng đang đặt ra vấn đề liên quan đến việc kiểm soát hàng hóa, bao gồm kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, chống thất thu thuế... rất cần được giải quyết. Bên cạnh đó, nhiều DN có hàng hóa sản phẩm chất lượng nhưng vẫn chưa biết ứng dụng công nghệ thông tin nói chung cũng như TMĐT nói riêng, hoặc chưa sẵn sàng để triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại rộng trên nhiều nền tảng khác nhau. Đây đang là điểm yếu của đại đa số DN Việt Nam. Một hạn chế nữa là, phần lớn những sàn TMĐT do các địa phương xây dựng và vận hành hoạt động chưa hiệu quả, số giao dịch thấp, sản phẩm nghèo nàn, công nghệ lạc hậu, thông tin sản phẩm ít được cập nhật, thiếu các dịch vụ hỗ trợ như tiếp thị, thanh toán, hoàn tất đơn hàng,…

Giải pháp thúc đẩy phát triển

Để phát triển TMĐT tương xứng với tiềm năng và nhu cầu thực tế, cần triển khai thêm một số giải pháp, cụ thể là:

Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý về TMĐT: TMĐT là một lĩnh vực rất đặc thù, đó là sự kết hợp giữa công nghệ và thị trường, giữa yếu tố thực và yếu tố ảo, giữa thực thể tồn tại với thực thể trong không gian số. Chính vì vậy khung pháp lý đang tiếp tục được hoàn thiện gắn với thực tiễn. Cụ thể, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển TMĐT trong bối cảnh CMCN 4.0: Rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng TMĐT và các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số… Nhà nước cũng cần có thêm những cơ chế hỗ trợ, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân ứng dụng TMĐT một cách an toàn, hiệu quả và bền vững trong tương lai.

Thứ hai, nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động TMĐT, đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong TMĐT.

Thứ ba, phát triển các hạ tầng số, hạ tầng TMĐT: Hoàn thiện hạ tầng dịch vụ chuyển phát và logistics cho TMĐT, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động logistics. Phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại và và dịch vụ công; chú trọng phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR code, NFC, POS... Chính phủ cần có các giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại và và dịch vụ công; chú trọng phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR code, NFC, POS...; đảm bảo an ninh, an toàn thanh toán để góp phần thúc đẩy thanh toán điện tử trong giao dịch TMĐT, bao gồm: mô hình TMĐT doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C), doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B), Chính phủ - người dân (G2C), Chính phủ - doanh nghiệp (G2B); Online - Offline (O2O)… Xây dựng các hệ thống tra cứu, truy xuất, kiểm soát lưu thông hàng hóa trên nền tảng các giải pháp về chứng từ điện tử trong thương mại, bao gồm: hóa đơn điện tử, tem điện tử, chứng từ xuất kho điện tử và các chứng từ thương mại khác. Xây dựng nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử phục vụ việc định danh và xác thực người sử dụng trong các hoạt động TMĐT.

Thứ tư, tập trung đào tạo nguồn nhân lực số, nhân lực TMĐT: Tăng cường tuyên truyền, đào tạo kỹ năng TMĐT cho người dân và DN nhằm nâng cao trình độ tham gia và khai thác các ứng dụng TMĐT của DN, tăng cường khả năng nhận biết và ứng phó của người tiêu dùng với những hành vi tiêu cực trong TMĐT. Để đáp ứng được tính cấp thiết trong việc đào tạo nhân lực, việc xây dựng mô hình quản lý và phát triển nguồn nhân lực bền vững đảm bảo 3 yếu tố: đa dạng, công bằng và hòa nhập, đối với các doanh nghiệp TMĐT là vô cùng quan trọng. Cùng với đó, cần tăng cường hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường, đẩy mạnh chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong các doanh nghiệp./.

ThS. Phạm Quang Lân

...