27/12/2024 lúc 07:37 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển thương hiệu ngành dệt may tại thị trường trong nước và quốc tế

Trong những năm qua, ngành Công nghiệp Dệt May Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của nền kinh tế.

Trong tất cả các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu hiện nay, Dệt May là ngành có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng cao và là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, chiếm 12 - 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Theo đó, nhiều năm qua, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã tập trung phát triển và xây dựng thương hiệu, qua đó tạo giá trị cao hơn trong các đơn hàng xuất khẩu mà ngay cả thị trường nội địa, những sản phẩm “made in Vietnam” đã tạo vị thế vững chắc, chinh phục người tiêu dung.

 

Thấy được chuỗi giá trị và phân tích rất rõ trong chiến lược hàng chục năm hình thành và phát triển, mới đây, Tổng Công ty May 10 đã đưa ra thị trường hai dòng sản phẩm mang thương hiệu Generos và DeTheia nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trong đó, Generos sẽ hướng tới phân khúc khách hàng trẻ tuổi, được kỳ vọng sẽ mang lại luồng gió mới, phong cách trẻ trung, năng động; DeTheia là dòng sản phẩm cao cấp dành cho nữ giới.

Không chỉ hai dòng sản phẩm trên, nhiều năm trước, May 10 đã không ngừng đầu tư, thiết kế và đưa ra nhiều sản phẩm thời trang đa phong cách, chủng loại phong phú với nhiều chất liệu, kiểu dáng theo xu thế của thời trang Việt Nam và quốc tế như dòng sản phẩm Eternity GrusZ, May10 M series hay dòng sản phẩm ECO là một trong những dòng sản phẩm mới mang đặc trưng riêng, gần gũi với thiên nhiên. Các sản phẩm này gồm các chất liệu tơ tằm, Linen, các loại vải sợi tự nhiên,... không gây hại cho môi trường và người sử dụng. Qua đó, từng bước tiếp cận nhằm phát triển ở thị trường thế giới, với việc xuất khẩu thương hiệu của chính May 10.

Với quy mô 12.000 lao động của May 10, riêng các nhà thiết kế, bộ phận phát triển mẫu, phát triển thị trường,... lên tới hơn 300 người sẽ giúp May 10 sớm đạt mục tiêu tăng tỷ trọng ODM (thiết kế-sản xuất-bán thành phẩm), ngoài tỷ trọng tăng FOB (mua nguyên liệu, sản xuất, bán thành phẩm) hiện nay.

Bên cạnh xuất khẩu, ngay từ những năm 1992, đơn vị đã xây dựng thương hiệu May 10 bán tại thị trường nội địa. Với thương hiệu này, May 10 làm theo phương thức OBM (sản xuất, gắn thương hiệu gốc), không khác gì những nhãn hiệu thời trang toàn cầu, chỉ khác ở chỗ bán tại thị trường trong nước. Qua đó, từng bước tiếp cận nhằm phát triển ở thị trường thế giới, với việc xuất khẩu thương hiệu của chính May 10, thay vì đang làm FOB hay ODM cho các thương hiệu nước ngoài.

Tương tự, Tổng Công ty cổ phần May, Việt Tiến đã từng bước khẳng định được tên tuổi và vị thế trên thị trường với những thương hiệu nổi tiếng như Viettien, Viettien Smartcasual San Sciaro, Manhattan, T-up, Vietlong, Camellia…

Với hơn 1.300 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm trên toàn quốc Công ty cổ phần May Việt Tiến đặt mục tiêu đến năm 2030, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, hướng tới đạt tỷ trọng xuất khẩu mang thương hiệu Việt Tiến chiếm từ 10 đến 15% tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam, với kim ngạch đạt 1,2-1,4 tỷ USD toàn hệ thống.

Không chỉ May 10, Việt Tiến, hiện có rất nhiều doanh nghiệp như may Ðức Giang, Nhà Bè,... cũng đang tập trung đẩy mạnh phát triển thương hiệu, trong đó, không ít doanh nghiệp đã xây dựng cả chiến lược nhằm đưa sản phẩm ra thị trường thế giới.

Mặc dù, xuất khẩu Việt Nam đang nằm trong top các nước đứng đầu thế giới nhưng sự đa dạng của các nguồn nguyên vật liệu trong nước còn hạn chế, làm giảm năng lực cạnh tranh của ngành.

Để đáp ứng và tháo gỡ được điểm nghẽn này, cần tập trung phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước nhưng theo xu thế Xanh và tuần hoàn, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn về xác định nguồn gốc xuất xứ, cũng như các sắc thuế bổ sung có thể áp dụng trong thời gian tới như ERP (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon).

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư các trang thiết bị hiện đại nhằm tăng năng suất, chuyển đổi phương thức sản xuất từ cắt may sang phương thức FOB, ODM, OBM để gia tăng giá trị, chất lượng sản phẩm; tiếp tục xu thế sản xuất Xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường và lấy đó là tiêu chí cạnh tranh cho dệt may Việt Nam.

Do đó, muốn phát triển thị trường trong nước, doanh nghiệp dệt may cần phải chủ động được nguồn nguyên phụ liệu; đầu tư, đào tạo đội ngũ thiết kế, đưa ra những mẫu phù hợp xu thế, bắt kịp xu thế thị trường xuất khẩu, thời trang toàn cầu. Đồng thời, đầu tư phát triển chuỗi cửa hàng hiện đại, kinh doanh tổng hợp... phục vụ đa dạng nhu cầu mọi phân khúc của người tiêu dùng.

                                                    Quang Nhật