28/03/2024 lúc 22:44 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển thị trường bất động sản bền vững tại Việt Nam

Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia; quyền sử dụng đất là sản phẩm hàng hóa cần thiết, cơ bản, gắn với mọi hoạt động đời sống của con người. Sự gia tăng những yếu tố, như dân số, kinh tế, văn hóa - xã hội “kích thích” thị trường bất động sản ngày càng tăng theo quy mô lớn. Chính vì vậy, bất động sản “bền vững” là sự lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu góp phần phát triển nhanh và bền vững quốc gia.
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh_Nguồn: zing.vn

Thực trạng phát triển thị trường bất động sản ở Việt Nam

Về quy mô thị trường: Hiện nay, cả nước ước tính đã và đang thực hiện trên 5.000 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 4,5 triệu tỷ đồng, tăng hơn gấp 3 lần so với năm 2009, có hơn 100.000 doanh nghiệp xây dựng và 15.000 doanh nghiệp kinh doanh BĐS cùng với hơn 1.000 sàn giao dịch bất động sản (BĐS) được thành lập. Trong 5 năm trở lại đây, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực BĐS chiếm hơn 18 tỷ USD, đứng thứ 2 trong tổng nguồn vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Tính đến ngày 20-3-2022, vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài lĩnh vực kinh doanh BĐS đứng thứ hai trong số các lĩnh vực thu hút FDI lớn, với tổng vốn đầu tư gần 2,7 tỷ USD, chiếm 30,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh 47,2%. Tính đến cuối tháng 4-2022, có khoảng 800 sàn giao dịch đã trở lại hoạt động, tăng hơn 400 sàn so với quý IV-2021(1). Số liệu thống kê cho thấy, quy mô thị trường BĐS ngày càng tăng dần, đây là thị trường được giới đầu tư xem là kênh đầu tư có sức hấp dẫn, dự đoán tương lai sẽ đón nhận số lượng lớn nhà đầu tư mới.

Về cơ chế, chính sách: Thời gian qua, nhìn chung nhiều chính sách mới ban hành kịp thời, trở thành công cụ hiệu quả cho công tác quản lý, điều hành, khai thác, sử dụng đất đai, thúc đẩy phát triển thị trường BĐS trên cả nước. Những chính sách nổi bật, như miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê quyền sử dụng đất (QSDĐ) đã được cải tiến, cập nhật phát huy tác dụng, thể hiện chủ trương ưu đãi, khuyến khích của Nhà nước cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng đất khai thác, đầu tư. Hành lang pháp lý cho chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê QSDĐ ngày càng hoàn thiện, minh bạch hơn. Quản lý nhà nước về thị trường BĐS trong cơ chế thị trường ngày càng chuyên nghiệp, đi vào nền nếp hơn. Các chính sách thuế đã góp phần khắc phục bước đầu tình trạng sử dụng đất manh mún, tạo tiền đề cho việc sử dụng đất có hiệu quả, đóng góp vào nguồn thu ngân sách và phân bổ nguồn lực đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhà ở của người dân. Cơ chế đấu giá QSDĐ được rà soát thường xuyên, ban hành kịp thời, thông tin công khai, minh bạch, cơ chế giao đất, nghĩa vụ tài chính giao đất dự án sát dần với thực tế, giảm dần tình trạng tiêu cực, công tác định giá đất, giá thuê, tiền sử dụng đất, thu các loại phí, lệ phí hợp lý. Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt điều hành chính sách vĩ mô, các chỉ số chính sách tài chính (chính sách tiền tệ, thị trường vốn, thị trường phái sinh), tài khóa, ngoại thương và thu nhập vận hành nhịp nhàng, ổn định bám sát sản lượng tiềm năng theo kế hoạch tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tuy nhiên, hành lang pháp lý đất đai, vận hành, hoạt động thị trường BĐS vẫn còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro cần được điều chỉnh, bổ sung, cập nhật mới sao cho tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, khắc phục những điểm nghẽn, tuân thủ những nguyên tắc và quy luật thị trường, tạo sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư lớn vào Việt Nam.

Về năng lực cạnh tranh: Thể chế, cơ chế, chính sách và các yếu tố quyết định mức năng suất của nền kinh tế là nội dung quan trọng của năng lực cạnh tranh bền vững để hình thành mức độ thịnh vượng quốc gia, lượng hóa năng lực cạnh tranh BĐS bền vững Việt Nam, nhận diện qua các khía cạnh sau: 1- Vốn tự nhiên, khả năng cạnh tranh về nguồn lực trong môi trường tự nhiên nhất định kể cả các nguồn tài nguyên sẵn có của Việt Nam ở mức khiêm tốn, không là yếu tố vượt trội so với nhiều nước. Hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên thời gian qua đã chỉ ra nhiều yếu kém, dần cạn kiệt, cần được cơ cấu lại; 2- Vốn xã hội, sức khỏe, an sinh xã hội, tình hình an ninh, tự do, bình đẳng và sự hài lòng về cuộc sống của người dân được chú trọng ưu tiên, năm 2022, chỉ số hạnh phúc Việt Nam tiếp tục được cải thiện thứ hạng, tăng 2 bậc lên thứ 77/150 quốc gia so với năm 2021. Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, tuy nhiên lao động giá rẻ tới hạn, lực lượng lao động có hàm lượng chất xám cao chưa đáp ứng nhu cầu phát triển cả về số lượng và chất lượng; 3- Hiệu quả và sức mạnh nguồn lực, việc khai thác, sử dụng các nguồn lực tài chính, đất đai, BĐS và các lĩnh vực, ngành khác đã được cải thiện cơ bản theo hướng tăng tỷ trọng ứng dụng khoa học - công nghệ vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhưng còn chậm so với kỳ vọng; 4- Vốn trí tuệ và sự đổi mới, khả năng tạo ra của cải và việc làm thông qua các ngành công nghiệp đổi mới sáng tạo và giá trị gia tăng Việt Nam nói chung và BĐS nói riêng trong thị trường toàn cầu có chuyển biến mạnh mẽ, nhưng chỉ mới bước đầu; 5- Hiệu quả quản trị và mô hình tăng trưởng, kết quả của các lĩnh vực và đầu tư cốt lõi của Nhà nước trong mô hình tăng trưởng cũ đã và đang chuyển đổi, cung cấp khuôn khổ mới để tạo ra của cải bền vững và lâu dài đạt được nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, nhiều yếu tố mới mang tính quyết định cần xem xét bổ sung vào mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam, như tăng trưởng dựa trên nền tảng công nghệ, đổi mới sáng tạo, lợi thế quốc gia, kinh tế tuần hoàn, khát vọng vươn lên, quyết tâm trở thành quốc gia thịnh vượng, dịch chuyển dòng đầu tư tài chính quốc tế vào Việt Nam.... Công tác quản trị công, đặc biệt triển khai dự án, đổi mới nâng cao trách nhiệm, hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công còn khá chậm, vai trò quản trị cấp cao doanh nghiệp nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập, mở rộng thị trường quốc tế, quốc tế hóa khu vực kinh tế tư nhân còn khó khăn gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế chung quốc gia.

Nhận diện những hạn chế của việc phát triển thị trường bất động sản bền vững ở Việt Nam

Bên cạnh những mặt tích cực, quản lý đất đai, quy hoạch, phát triển thị trường BĐS tại Việt Nam thời gian qua vẫn còn những hạn chế thiếu bền vững, nhận diện chủ yếu xung quanh các nhóm vấn đề sau:

Về kinh tế

Thứ nhất, quản lý nhà nước đất đai, vận hành thị trường BĐS nhiều nơi còn lúng túng, thiếu chặt chẽ, điều hành chính sách cung - cầu, giá cả thị trường có nơi chưa cân đối hợp lý, chênh lệch giữa giá đất do Nhà nước xác định và giá đất thị trường diễn ra phổ biến, lúng túng trong công tác thẩm định giá các dự án cùng khu vực, giá Nhà nước điều chỉnh tăng theo giá thị trường gây ra sốt giá, tạo ra kẻ hở lớn cho lợi ích nhóm thao túng giá cả thị trường, vi phạm pháp luật, thu lợi bất chính, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Giá cả thị trường BĐS có lúc liên tục tăng nóng, nhiều địa phương tăng ảo, sốt giá, các đợt sốt giá đất ở một số khu vực đô thị, nông thôn mỗi đợt tăng từ vài chục đến hàng trăm lần. Tình hình chênh lệch giữa giá BĐS và thu nhập bình quân đầu người dân cư cùng khu vực vượt quá ngưỡng hợp lý, có nơi giá cao hơn nhiều so với các đô thị lớn ở các nước phát triển, lâu dài dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn mâu thuẫn, phân hóa giàu nghèo. Tình trạng lợi ích nhóm bắt tay thổi giá, rửa tiền thông qua mua, bán, chuyển nhượng BĐS, thông tin bất cân xứng, thiếu minh bạch, theo phản ánh của báo chí, gây ra nhiễu loạn thị trường. Chính sách liên quan đến giao đất, thu hồi đất, nghĩa vụ tài chính, cấp quyền sử dụng đất dự án, thương thảo giá bồi thường tái định cư, quy định trách nhiệm quản lý liên quan chưa đủ mạnh, thiếu bao quát toàn diện, còn nhiều chồng chéo, thời gian triển khai kéo dài, nhiều dự án đóng băng gây thiệt hại cho nhà đầu tư, người dân và kế hoạch phát triển kinh tế chung của Nhà nước. Chính sách cấp quyền sở hữu nhà ở cho người dân ở các khu chung cư còn bất cập kéo dài gây bức xúc, người dân khiếu kiện tập thể. Tình trạng quy hoạch treo ở nhiều đô thị kéo dài, chưa cân bằng cả 3 yếu tố, gồm biến động quy mô dân số đô thị tương lai, duy trì ổn định diện tích phủ xanh và bảo đảm không gian sinh tồn mặt đất, trên không và mặt ngầm, làm tổn thương đến hình thành nền văn minh đô thị tương lai. Quy hoạch các khu kinh tế, công nghiệp ở nhiều vùng nông thôn phải thu hồi đất diện tích canh tác lớn, tổng thể dự án kém hiệu quả, chậm hoàn thiện hạ tầng, độ phủ dự án thấp. Quản lý và sử dụng đất nông nghiệp, đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh, đất dành cho việc thờ tự, tôn giáo, nghĩa trang, nghĩa địa còn chồng chéo, thiếu nhất quán.

Thứ hai, lực lượng môi giới BĐS khá lớn trong khi quản lý còn lỏng lẻo, số lượng môi giới tự phát thiếu chuyên nghiệp, chưa qua đào tạo, thiếu chứng chỉ hành nghề còn nhiều, tạo ra thông tin bất cân xứng làm rối loạn giá cả thị trường BĐS. Tình trạng tách thửa, phân lô bán nền trái quy định, mua bán đất, kể cả đất nông nghiệp, san lấp thay đổi hiện trạng gây thách thức trong công tác quản lý ngành. Giao dịch mua bán dàn xếp giá cả thấp hơn giá thực tế, trốn thuế gây thất thu ngân sách nhà nước. Tính minh bạch thông tin toàn ngành còn hạn chế, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực thuế, quản lý đất đai, BĐS quốc gia còn chậm so với yêu cầu.

Về xã hội

Sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế được đánh giá là những động lực phổ biến của sự thay đổi môi trường, đặc biệt lĩnh vực năng lượng, giao thông, đô thị hóa và toàn cầu hóa, gây ra áp lực phát triển bền vững. Xu hướng di dân làm tăng nhân khẩu đô thị là một phần của áp lực đô thị hình thành khu dân cư nhà ở lớn, có thể dẫn đến khó khăn trong ngành xây dựng, BĐS phát sinh các vấn đề xã hội phức tạp thiếu bền vững. Dân số già dẫn đến sự cần thiết và tầm quan trọng của việc cung ứng sản phẩm BĐS thân thiện với từng lứa tuổi cũng sẽ tăng lên, phát sinh mở rộng quy mô BĐS. Khiếu kiện tập thể quyền sở hữu nhà ở các khu dự án do chính sách giao đất chậm trễ, thương lượng bồi thường dự án gây mất an ninh, trật tự xã hội. Tình hình an ninh phi truyền thống lĩnh vực đất đai, BĐS xuất hiện làm mất an ninh kinh tế - xã hội, khiếu kiện do công tác quy hoạch, quy hoạch treo kéo dài. Ý thức chấp hành luật pháp của người dân chưa cao trong việc chấp hành về pháp luật đất đai, BĐS, trật tự, văn minh đô thị.

Về môi trường

Khối lượng chất thải trong hoạt động xây dựng và tháo dỡ ảnh hưởng đến môi trường sống. Dự báo giảm mở rộng đất nông nghiệp trong tương lai do đô thị hóa và biến đổi khí hậu trong khi dân số ngày càng tăng là nguy cơ mất an toàn hệ sinh thái bền vững. Sự liên hệ giữa ô nhiễm ngày càng tăng và chạy theo lợi nhuận của doanh nghiệp gây rủi ro cao trong bảo vệ môi trường. Cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch đất đai để phát triển năng lượng trong dài hạn chưa hoàn thiện, dẫn đến thực thi chính sách năng lượng, quản lý hiệu quả năng lượng chưa đạt yêu cầu.

Nguyên nhân những hạn chế của việc phát triển thị trường bất động sản bền vững tại Việt Nam

Những hạn chế phát triển thị trường BĐS bền vững tại Việt Nam bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ yếu sau:

Một là, khung chính sách, hành lang pháp lý đất đai, phát triển thị trường BĐS bền vững chưa hoàn thiện, còn chồng chéo, mặc dù đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức, cách tiếp cận, cập nhật mới qua nhiều thời kỳ. Quản lý đất đai còn nặng cơ chế “xin - cho”.

Hai là, quan niệm chung đất đai là tài nguyên thiên nhiên, một loại tài sản - hàng hóa đặc biệt không do con người tạo ra, là tư liệu sản xuất, nguồn vốn quý giá của quốc gia và của người sử dụng đất. Vì là hàng hóa đặc biệt nên hoạt động quản lý vận hành từ khâu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tổ chức thực hiện hiệu quả, điều hành hoạt động khai thác, sử dụng đất tối ưu, kiểm tra quá trình sử dụng đất chặt chẽ... tất cả theo một cơ chế “đặc biệt” nhằm tạo ra thị trường BĐS bền vững. Trên thực tế hiện nay chưa xác định được khung cơ chế, chính sách “đặc biệt” đối với “hàng hóa đặc biệt” trong bối cảnh phát triển BĐS bền vững sao cho nguồn tài nguyên đất, sản phẩm BĐS được tạo ra bảo đảm mang lại những lợi ích hài hòa, to lớn cho Nhà nước, người dân, doanh nghiệp và cho toàn xã hội, giảm phân hóa giàu nghèo, giảm tối thiểu các rủi ro trong quá trình phát triển.

Một vài khuyến nghị

Khai thác, sử dụng đất đai hiệu quả, thúc đẩy phát triển BĐS bền vững được xem là chìa khóa tạo ra sức hút các nguồn vốn đầu tư lớn cho tăng trưởng, góp phần phát triển đô thị và nông thôn bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, cần làm tốt các việc sau đây:

Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy phát triển thị trường BĐS bền vững. Xây dựng hoàn thiện “cơ chế đặt biệt” nhằm thúc đẩy phát triển thị trường BĐS bền vững. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý “đặc biệt” bao gồm cả sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Giá và các luật liên quan nhằm sắp xếp trật tự khai thác, sử dụng đất đai, điều hành giá cả, phát triển thị trường BĐS bền vững. Đối với đô thị, để tránh tình trạng manh mún trong quá trình phát triển, rà soát chi tiết thực trạng sinh sống dân cư trên các dự án quy hoạch “treo”, xử lý dứt điểm tình trạng “treo”, trong đó chú ý đến phương án kéo giãn dân ra khu vực đô thị mới bằng nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó giải pháp dân vận là nền tảng, điều tiết kinh tế được ưu tiên, bảo đảm cân bằng lợi ích hài hòa các bên liên quan. Đối với nông thôn, rà soát tổng thể quy hoạch “treo” các khu kinh tế, công nghiệp, khu kinh tế mở trên cả nước, phân tích hiệu quả khả năng triển khai dự án, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức, đặc biệt là những dự án thu hồi QSDĐ canh tác đất nông nghiệp của dân với tổng diện tích lớn, kéo dài trên 10 năm, 20 năm không có khả năng tiếp tục triển khai.

Thứ hai, xây dựng hệ thống định danh và kiểm soát giao dịch đất đai, BĐS. Dựa trên quy hoạch tổng thể, phân loại, khai thác, sử dụng đất đai cấp quốc gia và địa phương tiến hành mã hóa định danh đất đai gắn với BĐS. Mỗi chủ thể thực hiện giao dịch, mua bán, sử dụng được kiểm soát thông qua định danh, xác định đúng mục đích sử dụng, kiểm soát chặt chẽ tất cả các quá trình giao dịch trong hệ thống cả ba thị trường. Một là, thị trường hàng hóa và dịch vụ - phát huy tối đa công năng ở thị trường này chỉ phục vụ mục đích nhà ở. Hai là, thị trường các yếu tố sản xuất - phát huy hiệu quả đất đai, BĐS, dự phòng, bảo đảm nguồn cung đầu vào cho quá trình sản xuất, kiểm soát chặt chẽ chuyển đổi mục đích sử dụng từ thị trường hàng hóa, dịch vụ sang thị trường các yếu tố sản xuất thực hiện mục đích sử dụng cho sản xuất, kinh doanh. Ba là, thị trường điều tiết xã hội - xây dựng quỹ dự phòng nguồn cung đất đai bảo đảm điều tiết vĩ mô, điều tiết giá, phân phối nhà ở xã hội đúng đối tượng, công nhân, người nghèo, người yếu thế. Kiểm soát trật tự giao dịch mua bán, chuyển đổi công năng đất đai và tài sản khác gắn với đất đai, BĐS bảo đảm tuân thủ nguyên tắc thị trường, tuân thủ các quy định của pháp luật và bảo đảm quá trình này được kiểm soát thông qua hệ thống định danh ứng dụng công nghệ thông tin xử lý dữ liệu lớn, khuyến nghị các địa phương xây dựng hệ thống định danh và kiểm soát giao dịch đất đai, BĐS tích hợp vào hệ thống quốc gia phục vụ quản trị và vận hành ứng dụng công nghệ thông tin, thông tin công bố công khai, minh bạch.

Thứ ba, hoàn thiện hệ thống nhận diện thúc đẩy hiệu quả khai thác, sử dụng đất đai, phát triển thị trường BĐS bền vững làm cơ sở định hình những chính sách mới, căn cơ cho vấn đề đất đai và BĐS. Hệ thống nhận diện linh hoạt những yếu tố thúc đẩy hiệu quả sử dụng, khai thác đất đai, phát triển thị trường BĐS, cụ thể: Hoàn thiện chính sách, kiểm soát vận hành gia tăng hoạt động kinh tế cấp độ quốc gia, ngành công nghiệp, doanh nghiệp các lĩnh vực liên quan đến sử dụng đất đai, kinh doanh BĐS nhằm ngăn chặn những rào cản cản trở phát triển, trong đó loại bỏ trục lợi chính sách và xáo trộn thị trường được ưu tiên; nhận diện tổng thể những điểm nghẽn mới về chính sách làm cản trở sự vận hành minh bạch của thị trường; quy hoạch ngành, thị trường bảo đảm nguồn lực tham gia thị trường, năng lực quản trị đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế theo xu thế toàn cầu hóa; định vị chính sách thuế kích thích thúc đẩy phát triển thị trường BĐS bền vững, bảo đảm nguồn thu, không thất thoát ngân sách nhà nước.

Thứ tư, triển khai hoàn thiện hệ thống đánh giá phát triển thị trường BĐS bền vững. Trong bối cảnh môi trường kinh tế luôn thay đổi, các quyết định đưa ra cần được phân tích, xem xét không chỉ về chu kỳ kinh doanh và chu kỳ BĐS, mà còn xem xét toàn diện dựa trên hệ thống đánh giá phát triển thị trường BĐS bền vững nhằm xác định mức độ hiệu quả khai thác, sử dụng đất đai.

Thứ năm, thay đổi cơ chế quản lý linh hoạt. Xác định rõ vai trò, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia đại diện chủ sở hữu, sử dụng đất đai, xóa bỏ cơ chế quản lý “xin - cho”. Dựa trên hệ thống định danh đất đai, BĐS tiến hành giao đất, cho thuê đất, thu hẹp các đối tượng được giao đất và mở rộng đối tượng được thuê đất linh hoạt, đấu giá có thu tiền sử dụng đất, kiểm soát chặt chẽ, minh bạch, khắc phục tình trạng giao đất không thu tiền sử dụng đất gây thất thu ngân sách, tạo điều kiện cho tham nhũng gia tăng. Chú trọng các yếu tố kinh tế của đất đai, xem đất đai là hàng hóa đặc biệt trong cơ chế thị trường, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Thực hiện đấu giá QSDĐ đúng quy định của pháp luật khi sắp xếp lại trụ sở, cơ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước để chuyển sang mục đích phát triển kinh tế, bảo đảm đúng quy định, tránh thất thu ngân sách nhà nước. Khuyến nghị các địa phương ban hành khung giá đất, điều hành giá đất nhà nước quy định theo cơ chế “linh hoạt đặc biệt”, điều chỉnh linh hoạt theo tiến trình thay đổi giá thị trường không theo khung thời gian làm chậm phản ứng thị trường, hướng đến điều hành giá đất tiệm cận giá thị trường. Nhà nước quyết định giá đất, giao đất linh hoạt khi tham gia điều tiết thị trường và can thiệp thị trường nhằm tạo ra sự ổn định.

Thứ sáu, điều hành cân đối thị trường tài chính quốc gia bảo đảm dòng tiền dịch chuyển vào đúng khu vực có nhu cầu phù hợp theo mục tiêu, kế hoạch từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, có kiểm soát chặt chẽ dòng tiền vào - ra không gây lạm phát, không là rào cản dòng tiền minh bạch chảy vào thị trường BĐS. Khuyến nghị điều hành chính sách tài chính chú trọng dịch chuyển dòng tiền vào thị trường các yếu tố sản xuất, đặc biệt vào các khu vực ngành công nghiệp sáng tạo phát triển quốc gia, các lĩnh vực công nghiệp chế biến có lợi thế cạnh tranh quốc tế, tài chính cho phát triển các lĩnh vực mới, như đô thị thông minh, nông thôn thông minh, kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, cần tập trung sắp xếp, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển minh bạch thị trường vốn, thị trường tiền tệ, chấn chỉnh hoạt động cầm cố trái phiếu BĐS nhằm giảm thiểu rủi ro, khuyến khích xã hội hóa dịch vụ cầm cố trực tuyến, thẩm định giá trực tuyến, mạng lưới cung cấp thông tin chính thống thị trường đất đai, BĐS./.

TS. NGUYỄN VĂN VẸN
Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế ứng dụng,
Trường Đại học Tài chính - Marketing

---------------------------

(1) Xem: Hùng Võ: “Bộ Xây dựng: BĐS Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút nhà đầu tư ngoại”, Báo điện tử VietnamPlus, ngày 4-5-2022, https://www.vietnamplus.vn/bo-xay-dung-bds-viet-nam-van-la-diem-sang-thu-hut-nha-dau-tu-ngoai/788124.vnp