06/05/2024 lúc 21:31 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển nguồn lao động chất lượng cao - giải pháp đột phá cấp thiết để phát triển lực lượng sản xuất ở nước ta hiện nay

Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mang đến nhiều điều kiện thuận lợi để có thể rút ngắn thời gian hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tuy nhiên, trên con đường phát triển Việt Nam chúng ta cũng đang phải đối mặt thách thức không nhỏ, đó là thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao cả về quy mô và chất lượng. 

Tính cấp thiết của việc đáp ứng nguồn lao động chất lượng cao

Ngày nay, khi mà khoa học công nghệ phát triển rất nhanh, hình thành nên hệ thống khoa học kỹ thuật sản xuất cũng không ngừng đổi mới thì yêu cầu người lao động phải phát triển toàn diện cả về thể lực và trí lực - là nhân tố quyết định đến trình độ phát triển của lực lượng sản xuất - động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đó chính là đòi hỏi về nguồn lao động chất lượng cao.

Tuy nhiên, khi xem xét thực trạng nguồn lao động ở nước ta, cần xem xét mối quan hệ giữa quy mô với chất lượng nguồn lao động thì mới đánh giá được thực chất nguồn lao động của Việt Nam trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Đối với nước ta, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế là một nhiệm vụ rất cấp thiết. Vấn đề là nâng cao bằng cách nào cho phù hợp với thực tiễn.

Về mặt khái niệm, Tổ chức Lao động quốc tế của Liên Hợp Quốc (ILO) đã đưa ra tiêu chí để nhận diện lao động chất lượng cao, đó là: "Có đạo đức nghề nghiệp; yêu nghề; say mê với công việc; có tính kỷ luật và trách nhiệm với công việc; có khả năng thích ứng với cái mới và linh hoạt cao trong công việc chuyên môn; có khả năng sáng tạo trong công việc". 

Xét trên tiêu chí đó thì ở nước ta hiện nay, tỷ lệ lao động được đào tạo mới chiếm xấp xỉ 20%, nghĩa là vẫn còn tới khoảng 80% lực lượng lao động chưa được đào chuyên môn kỹ thuật. Đó là một con số rất lớn, đặt ra những thách thức không nhỏ cho công tác đào tạo ở nước ta; đặc biệt là trong vấn đề đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực này trong các trung tâm công nghiệp, công nghệ trong lĩnh vực đầu tư FDI… Thực tế cũng cho thấy, lực lượng lao động chất lượng cao của Việt Nam còn nhỏ bé so với quy mô nguồn lao động, trình độ của người lao động hạn chế làm cho năng suất lao động xã hội và sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp. 

Giải pháp cho vấn đề

1.Tăng cường phát triển nguồn nhân lực thông qua nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo

Vấn đề quan trọng là phải định hướng giáo dục theo nhu cầu thực tế nhằm tạo ra sự cân bằng trong đào tạo và sử dụng nhân lực ở các ngành nghề, vùng, miền và các thành phần kinh tế; trên cơ sở phát triển một hệ thống giáo dục mở, chú trọng xây dựng xã hội học tập; tránh việc đào tạo lao động có bằng cấp mà không được sử dụng hay sử dụng sai so với nội dung đào tạo. Mặt khác, nội dung đào tạo cần đổi mới theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, gắn nhiều với thực hành…

Đẩy nhanh việc xây dựng các chuẩn đầu ra dựa trên tiêu chuẩn nghề phù hợp với Khung trình độ quốc gia, trước mắt tập trung vào các nghề trọng điểm, các nghề có trong danh mục của hội thi tay nghề ASEAN; Rà soát và điều chỉnh việc xây dựng các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, theo hướng linh hoạt, tăng tính thực hành. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện danh mục thiết bị dạy nghề, ưu tiên tập trung các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, theo hướng tiếp cận với các nước trong khu vực; áp dụng tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo theo chuẩn khu vực, quốc tế.

2. Đẩy mạnh đầu tư đào tạo nhân lực trẻ có kỹ năng nghề cao, đáp ứng yêu cầu nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Tập trung phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm; đi đôi với phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao gắn với các ngành nghề mới, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, kỹ năng mới, kỹ năng tương lai; nghiên cứu áp dụng và nhân rộng công nghệ đào tạo, mô hình đào tạo tiên tiến của các nước phát triển.

Thông qua đào tạo, khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng của thanh niên vào thực tiễn nghề nghiệp; đổi mới phương thức đánh giá và công nhận tốt nghiệp có sự tham gia của doanh nghiệp đối với các chương trình chất lượng cao…

3. Đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân luồng trong đào tạo, hướng nghiệp cho học sinh 

Qua đó tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, phù hợp với nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm thu hút nguồn nhân lực từ nơi thừa sang nơi thiếu; từ thành phố, đồng bằng lên vùng sâu, vùng xa. Đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Có chính sách khuyến khích, thu hút lực lượng lao động trẻ đã qua đào tạo nhưng lại chưa tìm được việc làm ở các khu đô thị về làm việc tại các khu vực nông thôn, miền núi…

4. Tăng cường phối hợp, liên kết với các trường, viện, cơ sở đào tạo của trung ương và các trường ở địa phương

Khuyến khích các cơ sở đào tạo của địa phương phối hợp với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, gắn kết các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, mở rộng hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và thu hút doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào đào tạo nhân lực. Tạo điều kiện cho các cơ sở kinh tế thành lập cơ sở đào tạo, nhằm đa dạng hóa phương thức đào tạo nhân lực chất lượng cao.

                                                                                 

CN. Nguyễn Minh Hòa

...