VNHN - Những năm gần đây, ngoài sản xuất nông nghiệp người dân thôn Lĩnh Mai, xã Quảng Phú (Lương Tài) còn chú trọng phát triển nghề gỗ mỹ nghệ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, giúp nhiều gia đình có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu.
Lĩnh Mai có gần 700 hộ, hơn 2.500 nhân khẩu trước kia sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng. Năm 1975, sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, hàng trăm thanh niên đến làng nghề Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn) và các tỉnh Nam Định, Hải Dương học nghề gỗ mỹ nghệ với khát vọng sớm thoát khỏi đói nghèo. Khi mới học về, đa số anh em đóng giường, tủ, bàn, ghế theo đơn đặt hàng tại gia đình.
Ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết: “Trước đây, nghề mộc sản xuất mang tính nhỏ lẻ. Sản phẩm làm ra đơn điệu, cung ứng chủ yếu cho người dân địa phương và một số xã lân cận, giá trị sản phẩm, lợi nhuận không cao. Những năm gần đây, nhiều gia đình, cơ sở đầu tư mở rộng quy mô và có sự đổi mới về kỹ thuật, mỹ thuật đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, giá cạnh tranh đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Sản phẩm có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và còn vươn ra nước ngoài như: Lào, Campuchia, Trung Quốc giúp nhiều gia đình thoát nghèo có tích lũy làm giàu, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Khách chọn mua hàng tại cơ sở sản xuất của gia đình anh Nguyễn Văn Sáu ở Lĩnh Mai.
Tiêu biểu như cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Như Viễn, với 2 xưởng sản xuất, các công đoạn xử lý gỗ nguyên liệu, phun sơn... trước đây làm bằng tay nay thay thế bằng hệ thống máy, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và giải phóng sức lao động. Trung bình mỗi tháng cơ sở sản xuất 30-50 bộ ghế, nhận làm 10 bộ sản phẩm thô từ các cơ sở, công ty khác, tạo việc làm ổn định cho 15-20 công nhân thu nhập từ 6-10 triệu đồng/người/tháng và đem lại nguồn thu cho gia đình 400-500 triệu đồng/năm.
Để nghề gỗ duy trì và phát triển, thời gian tới địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia làm nghề; Khuyến khích đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm tăng sức cạnh tranh; Đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết tìm kiếm thị trường, giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương phát triển theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp những năm tiếp theo.
Những người có tay nghề khá, có vốn thành lập cơ sở, xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ với quy mô vừa và nhỏ nhằm tạo việc làm cho người dân địa phương, thêm thu nhập cho gia đình. Từ năm 1990 trở lại đây, nhu cầu của người tiêu dùng về đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp tăng cao, nhiều gia đình mạnh dạn mở rộng quy mô; đầu tư máy móc hỗ trợ quá trình sản xuất; cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa các mặt hàng với chất lượng tốt, giá hợp lý, thu hút ngày càng nhiều khách cả trong và ngoài tỉnh đặt mua. Hiện thôn Lĩnh Mai có gần 200 cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động. Trừ chi phí, mỗi cơ sở còn lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.