Dữ liệu mở - dữ liệu trực tuyến của Việt Nam đang được Liên Hợp quốc xếp hạng thứ 86/193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đó là một thứ bậc tốt so với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất lợi từ bên ngoài. Tuy nhiên, thứ hạng về dữ liệu vẫn là khiêm tốn trên trường quốc tế, cần nỗ lực nhiều hơn, bởi đây là “mỏ vàng” cho tăng trưởng, trong giai đoạn mới.
Dữ liệu là yếu tố trọng tâm để phát triển Chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp
Về mặt chủ trương chiến lược, phải khẳng định từ tầm vĩ mô đến cấp DN đã nhận thức được “chuyển đổi số là bước đi không thể chậm trễ và cần nỗ lực nhiều”. Về mặt thể chế, pháp luật, Chính phủ cũng đã nhận diện “còn chưa kip thời, nhất là trong việc định rõ các tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức số hoá, các chính sách khuyến khích, đào tạo nhân lực số; cùng những khó khăn trong phát triển đồng bộ hạ tầng, quy hoạch số”…
Trong đó, Nghị quyết Trung ương đã rất toàn diện rõ ràng, nhưng khâu tổ chức thực hiện còn nhiều vấn đề phải bàn, cần nghiên cứu các giải pháp thiết thực. Đó là lý do khi cộng đồng DN mong muốn “chính sách dẫn đường và là động lực cho cộng đồng DN sáng tạo, chuyển đổi mạnh mẽ”.
Trong một sự kiện thúc đẩy kinh tế số mới diễn ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thẳng thắn nhìn nhận những thiếu sót, hiện đang tích cực để thực hiện hoá Nghị quyết của Trung ương, của Đảng. Trong đó, mong muốn DN là chính sách và pháp luật dẫn đường, Chính phủ dẫn đường, nhưng tư duy phải từ DN, từ khoa học công nghệ sẽ giúp Chính phủ có nhận thức và có sự đổi mới.
“Chỉ có DN, các nhà khoa học trong chuyển đổi số mới có thể hình dung và đưa ra những khuôn khổ về pháp lý, về chính sách. Là người trong cuộc mới thấy được những khó khăn và cần Chính phủ tham gia đồng hành. Một mặt là trách nhiệm của Chính phủ, một mặt là trách nhiệm của các nhà khoa học, nhà công nghệ”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Thực tế trước nay Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, chủ trương thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Toàn nền kinh tế đã có 3 năm chuẩn bị, nỗ lực thử nghiệm để đến nay đã có những kết quả thiết thực - tạo ra những giá trị mới cho nền kinh tế. Nhưng để cải thiện thứ hạng 86/193 quốc gia và vùng lãnh thổ về “dữ liệu mở”, hay cao hơn là để đạt những mục tiêu xã hội số, chính phủ số, kinh tế số theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trách nhiệm của người dân, DN còn rất lớn.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ FPT, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam cho rằng, cộng đồng DN và công nghệ số của Việt Nam có đủ nguồn lực, năng lực công nghệ và kinh nghiệm để giải quyết các bài toán của quốc tế.
“Những gì chúng ta làm được có thể tương đương với những gì cộng đồng thế giới đang thực hiện. Cộng đồng DN mong muốn nhận được những trọng trách của Đảng, chính phủ giao cho để cùng tham gia, chung tay vào các giải pháp của Việt Nam, đặc biệt là những giải pháp có tính chất lõi, cơ sở”, ông Khoa đề xuất.
Việt Nam có thể tăng tốc chuyển đổi số mạnh mẽ đến mức nào, rất cần sự nỗ lực, tích cực từ cộng đồng DN và người dân. Trong đó, để thúc đẩy việc khai thác mỏ vàng dữ liệu Việt Nam hiệu quả, cần có thêm những chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn và thúc đẩy khả năng khai thác của cộng đồng DN chung. Đây là điều kiện cần và đủ đối với chủ trương số hoá nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới.