02/01/2025 lúc 23:42 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”

Đem lại những trải nghiệm mới mẻ, độc đáo, du lịch cộng đồng đang có sức hấp dẫn lớn đối với du khách cả trong nước và quốc tế khi đến Việt Nam nói chung và thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) nói riêng. Với tiềm năng thiên nhiên và văn hóa phong phú, đa dạng, Nha Trang có đầy đủ điều kiện để phát triển loại hình du lịch này, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.

Tiềm năng và lợi thế so sánh trong phát triển du lịch cộng đồng ở Nha Trang

Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch có sự tham gia đặc biệt của cộng đồng địa phương trong chuỗi cung cấp dịch vụ, tổ chức khai thác, quản lý hoạt động du lịch. Người dân địa phương đóng góp vai trò quan trọng trong việc đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt, trải nghiệm của du khách, như cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống, đi lại, tham quan… Du khách tham gia được trải nghiệm nếp sống đời thường, thưởng thức những món ăn dân dã qua quá trình sinh hoạt, làm việc cùng người dân địa phương. Du lịch cộng đồng vừa góp phần phát triển kinh tế, vừa góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tạo cơ hội mở mang kiến thức, tăng cường sự hiểu biết về lịch sử, văn hóa, kinh tế - xã hội của mỗi địa phương... đem đến cho cả du khách và người dân địa phương những trải nghiệm, những giá trị tinh thần quý giá trong quá trình trao đổi dịch vụ du lịch. Trong bối cảnh giao thoa các nền văn hóa khác nhau trên thế giới ngày càng mạnh mẽ do sự phát triển của giao thông, internet, ngoại giao, thương mại…, thì du lịch cộng đồng là một trong những phương thức thúc đẩy giao lưu văn hóa một cách trực tiếp nhất và nhanh nhất.

Du lịch cộng đồng hiện nay đã trở thành một loại hình quan trọng trong ngành du lịch. Dựa vào những yếu tố trải nghiệm được khai thác, có thể phân chia thành một số loại hình du lịch cộng đồng tiêu biểu, như: du lịch bản địa (mô hình du lịch dựa vào những tài nguyên sẵn có ở địa phương (nhà ở, thức ăn, nếp sống, công việc,…); du lịch sinh thái (mang đến cho du khách cơ hội khám phá thiên nhiên, môi trường, tìm hiểu văn hóa địa phương); du lịch văn hóa (yếu tố được khai thác chủ yếu là những giá trị văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lịch sử, kiến trúc của địa phương); du lịch nông nghiệp (du khách được tham quan những vùng sản xuất nông nghiệp, như vườn cây ăn trái, trang trại chăn nuôi nông, lâm, ngư nghiệp,…); du lịch làng quê (loại hình du lịch diễn ra ở vùng nông thôn, làng nghề, giúp du khách có những trải nghiệm chân thực về các nghề thủ công truyền thống và cuộc sống bình dị của người dân địa phương)…

Nha Trang là thành phố có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. Bên cạnh hệ sinh thái tự nhiên phong phú, Nha Trang bảo tồn được nhiều làng nghề truyền thống độc đáo với giá trị văn hóa đặc sắc, như: nghề gốm Lư Cấm (phường Ngọc Hiệp); nghề dệt chiếu cói (xã Vĩnh Ngọc), Nhà cổ Ông Hải (xã Vĩnh Thạnh)..., cùng nhiều lễ hội, di tích lịch sử, văn hóa ẩm thực khác… Sản xuất lò gốm ở Lư Cấm đã có trên 300 năm với những sản phẩm đa dạng (chum, vại, lu, bình, ấm, chén bát, lò đốt…), là loại gốm sắc đỏ, kiểu dáng men gốm giống nghệ thuật sản xuất Chăm Pa. Theo thời gian, nghề làm gốm ở đây bị mai một, đến nay chỉ còn 7 gia đình sản xuất lò gốm nhưng các bí quyết sản xuất gốm truyền thống ở đây vẫn được các nghệ nhân bảo tồn. Làng Ngọc Hội (xã Vĩnh Ngọc) có nhiều vùng đất ngập nước ven sông, thuận tiện cho việc trồng cói và tiêu thụ sản phẩm, những người dân từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hội An, Quảng Nam… đến định cư và phát triển nghề trồng cói, làm chiếu từ trên 300 năm trước. Trước năm 1975, cả làng Ngọc Hội đều dệt chiếu, đến nay, làng chỉ còn 9 hộ gia đình làm nghề trồng cói và dệt chiếu cói; trong đó, 4 hộ gia đình sản xuất gốm và dệt chiếu vẫn bảo tồn được nhà truyền thống, vườn cây trái, nhiều đồ vật, hương án thờ cổ cùng truyền thống thờ cúng tổ tiên, trở thành các điểm tham quan hấp dẫn cho những du khách ưa thích khám phá, tìm hiểu về lịch sử và văn hóa địa phương. Hằng tháng, các hộ gia đình làm nghề truyền thống ở đây đón trung bình trên 400 lượt khách du lịch đến tham quan, mua các sản phẩm dệt chiếu, giúp cho các hộ gia đình có thêm thu nhập. Tại các làng chài Trí Nguyên, Vũng Ngán và Bích Đầm (phường Vĩnh Nguyên), cảnh quan xinh đẹp vẫn được bảo tồn, nhiều kinh nghiệm truyền thống trong việc nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản bằng lưới đăng, câu,… vẫn được gìn giữ. Một số hộ gia đình ở làng chài Trí Nguyên phối hợp với các công ty lữ hành tổ chức phục vụ du khách câu cá, câu mực vào các buổi tối để tăng thu nhập, du khách sẽ có dịp khám phá giá trị độc đáo của những làng chài có tuổi đời mấy trăm năm đã được giữ gìn và tôn tạo… Hiện thành phố đã và đang hỗ trợ người dân chuyển đổi từ nghề đánh bắt thủy, hải sản sang dịch vụ du lịch, bảo tồn gắn với sinh kế, tạo việc làm ổn định. Làng Phú Vinh (xã Vĩnh Thạnh) trải qua hơn 200 năm tồn tại, với nhiều biến cố, thăng trầm lịch sử nhưng vẫn giữ được những nét rất riêng và độc đáo, mang đặc trưng của làng quê miền Trung xưa. Trong làng hiện còn 6 ngôi nhà cổ gần như nguyên trạng và đều nằm trên trục đường vòng cung của xã Vĩnh Thạnh. Nhà vẫn giữ được kết cấu bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương hoặc ngói liệt; cửa chính, cửa hông được làm bằng gỗ sao, gỗ gõ; các vì, kèo xà, con đội… vẫn giữ được những nét chạm, khắc hoa văn tinh xảo, thu hút được nhiều du khách đến tham quan.

Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-1-2022, của Bộ Chính trị, về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định thành phố Nha Trang sẽ là đô thị hạt nhân của tỉnh Khánh Hòa. Năm 2023, thành phố Nha Trang đã hoàn thành và vượt 23/23 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, doanh thu du lịch, dịch vụ đạt trên 23.800 tỉ đồng. Đây là những tiền đề thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch ở Nha Trang nói riêng. Xác định được lợi thế, vai trò quan trọng của du lịch cộng đồng trong phát triển du lịch, lãnh đạo thành phố đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức để cả người dân và các doanh nghiệp cùng tham gia phát triển du lịch; bảo đảm các điều kiện về hạ tầng du lịch, vệ sinh môi trường, an ninh, trật tự…; đồng thời đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch sau khi hoàn thiện các sản phẩm du lịch cộng đồng; phát triển du lịch cộng đồng phù hợp với quy hoạch chung của thành phố. Để phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, thành phố chú trọng hướng cộng đồng làm du lịch phát huy những yếu tố tích cực, giảm thiểu những mặt tiêu cực, có chiến lược phát triển du lịch theo hướng bền vững, chú trọng tăng cường tính văn hóa trong hoạt động du lịch. Đề cao định hướng phát triển du lịch cộng đồng để làm giàu thêm bản sắc và truyền thống dân tộc, nhưng không làm hại đến cảnh quan, môi trường, ngăn chặn không cho các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội xâm nhập vào hoạt động kinh doanh du lịch.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 21-3-2022, của Chính phủ; Nghị quyết số 55/2022/QH15, ngày 16-6-2022, của Quốc hội; Kế hoạch số 3360/KH-BCĐ, ngày 11-4-2023, của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Khánh Hòa, về phát triển du lịch Khánh Hòa theo Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-1-2022, của Bộ Chính trị…, Ủy ban nhân dân thành phố Nha Trang đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể: Đa dạng hóa hình thức, sản phẩm du lịch, chú trọng liên kết du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh, bền vững và phương châm “Lấy trải nghiệm của khách du lịch là trung tâm”. Trong đó, tập trung triển khai nhiệm vụ, giải pháp định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; tổ chức những chương trình, sự kiện quy mô lớn mang tầm khu vực, quốc tế; tập trung công tác quảng bá hình ảnh du lịch Nha Trang ra cộng đồng quốc tế; đa dạng hóa các kênh xúc tiến quảng bá, cung cấp thông tin đến thị trường trọng điểm của du lịch; thực hiện các ấn phẩm, số hóa 3D các điểm du lịch trên địa bàn thành phố để phục vụ công tác quảng bá; thực hiện Đề án “Phát triển sản phẩm du lịch Khánh Hòa” gắn phát triển hệ thống các sản phẩm du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đặc sắc, đa dạng, đồng bộ, chất lượng; có giá trị gia tăng cao, thu hút thêm nhiều thị trường khách du lịch và thu hút đầu tư vào du lịch; bảo đảm tính bền vững và cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Tăng cường quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, chú trọng vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an toàn phòng, chống dịch bệnh; phối hợp rà soát, đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch thành phố; triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Đảm bảo trật tự an toàn xã hội cho các hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố Nha Trang giai đoạn 2022 - 2030” nhằm bảo đảm môi trường du lịch thuận lợi, an ninh, an toàn, thu hút khách du lịch trên địa bàn thành phố; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt quy chế phối hợp trong hoạt động hỗ trợ khách du lịch đến Nha Trang, trong đó chú trọng bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm, như: đeo bám, chèo kéo khách du lịch mua hàng; các hiện tượng trộm cắp, cướp giật và các vấn đề gây mất an ninh, trật tự; kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội, sự kiện lớn; tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm. 

Du khách thăm di tích Tháp Bà Ponagar ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa_Nguồn: tcdulichtphcm.vn 

Một số vấn đề đặt ra trong quản lý và phát triển bền vững du lịch cộng đồng ở Nha Trang

Tốc độ tăng trưởng du lịch của thành phố Nha Trang trong những năm gần đây, đặc biệt là sự tăng trưởng đột phá của khách du lịch quốc tế đã đưa ngành du lịch của thành phố biển này lên một quy mô và tầm cao mới. Du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, đem lại nguồn thu ngân sách và việc làm cho cộng đồng, tạo được sự lan tỏa tích cực cho các hoạt động kinh tế khác liên quan đến du lịch. Tuy nhiên, sự tăng trưởng đột phá này cũng đặt ngành du lịch Nha Trang đứng trước những vấn đề lớn cần được quan tâm để bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững. Sự tăng trưởng quá nhanh của lượng khách du lịch quốc tế đã tạo ra sự quá tải đối với kết cấu hạ tầng giao thông, các điểm du lịch, tham quan, phương tiện vận chuyển…, đặt ra những thách thức cho việc đầu tư bổ sung và nâng cấp hạ tầng du lịch, các khu vui chơi, giải trí… Ảnh hưởng tiêu cực rõ rệt nhất là sự tác động đến môi trường tự nhiên do hoạt động du lịch khai thác nhiều tài nguyên thiên nhiên, xả rác và nước thải, gây tiếng ồn, sử dụng quá mức nguồn nước sạch, không khí sạch, làm biến động hệ sinh thái, nhất là làm giảm thiểu tính đa dạng sinh thái khi du lịch phát triển, số lượng du khách quá tải… 

Sự phát triển đột phá của hoạt động du lịch cộng đồng cũng đồng thời tạo ra những vấn đề bất cập trong công tác quản lý nhà nước, cần được tập trung tháo gỡ, tăng cường chất lượng quản lý, bảo đảm sự lành mạnh, công bằng trong hoạt động của các doanh nghiệp du lịch. Tăng trưởng du lịch của Nha Trang trong những năm qua đạt được tốc độ cao và liên tục, tuy nhiên vẫn chủ yếu về số lượng, chưa đạt kỳ vọng về chất lượng tăng trưởng. Sự tăng trưởng đột phá về lượng đến từ thị trường khách Trung Quốc với đa số là các “tour” giá rẻ với mức chi tiêu hạn chế và còn nhiều bất cập trong quản lý doanh thu. Do đó, cần xây dựng chiến lược về thị trường, trên cơ sở đó có chương trình đầu tư quảng bá và tập trung khai thác các thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng tiềm năng. Du khách đến từ Trung Quốc vẫn được xem là thị trường tiềm năng lớn, nhưng các công ty lữ hành, du lịch cần chủ động thay đổi về phân khúc thị trường, hạn chế khai thác khách theo “tour” tham quan, mua sắm giá rẻ mà cần có chiến lược tập trung vào các đối tượng khách du lịch nghỉ dưỡng, có mức chi tiêu cao hơn.

Để bảo đảm chất lượng tăng trưởng bền vững, ngoài việc củng cố và nâng cao chất lượng của sản phẩm du lịch, hạ tầng du lịch, cần đặc biệt chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành du lịch. Nguồn nhân lực hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, thậm chí đang có sự thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng, nghiệp vụ, kinh nghiệm quản lý, khả năng giao tiếp ngoại ngữ. Do đó, Hiệp hội Du lịch Nha Trang cần tiếp tục tạo sự gắn kết giữa các doanh nghiệp du lịch nhằm tăng cường liên kết, trao đổi kinh nghiệm, tìm ra giải pháp cho các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển của ngành du lịch. Bản thân các doanh nghiệp du lịch cũng cần phát huy hơn nữa sự chủ động tham gia đóng góp cho hoạt động chung.

Du lịch cộng đồng cần được định hướng và phát triển quản lý theo phương châm kết hợp hài hòa nhu cầu của hiện tại và tương lai trên cả hai góc độ tổ chức, sản xuất du lịch và tham gia tiêu dùng du lịch, nhằm đạt tới mục đích bảo tồn, tái tạo và phát triển được tài nguyên tự nhiên, giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa đặc trưng. Nói cách khác, muốn phát triển du lịch bền vững phải đặc biệt chú ý đến yếu tố cân bằng, giữa cung và cầu, giữa số lượng và chất lượng; giữa thu hút khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa trong những giai đoạn nhất định; giữa khai thác và bảo vệ, phát triển nguồn tài nguyên du lịch lễ hội; giữa yêu cầu phát triển và khả năng quản lý, trong đó số lượng và chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt; cân bằng giữa chi phí và lợi ích... Những vấn đề này không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được vì thường bị sức ép của lợi ích trước mắt, song đây là những nguyên tắc phải tuân thủ nghiêm ngặt khi phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững.

Bảo vệ thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”

Để tiếp tục phát triển du lịch cộng đồng ở Nha Trang, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao cho địa phương mà không làm ảnh hưởng đến sự bền vững của môi trường, cần chú ý thực hiện một số giải pháp như sau:

Về cơ chế, chính sách

Tích cực tổ chức, giáo dục, phổ biến hệ thống pháp luật, các quy định về hoạt động du lịch, tài nguyên môi trường tới các bên tham gia du lịch cộng đồng, đồng thời ban hành, thực thi các chính sách hỗ trợ cho phát triển du lịch cộng đồng tại các làng nghề truyền thống. Cần có chính sách ưu tiên để thu hút các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp hợp tác đầu tư vốn, cơ sở vật chất - kỹ thuật, bảo vệ tài nguyên môi trường cho phát triển du lịch cộng đồng. Thực thi các chính sách xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ các hộ sản xuất nghề thủ công truyền thống; hỗ trợ vốn, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để các hộ gia đình bảo tồn và phát triển nghề truyền thống khi tham gia kinh doanh du lịch. Có cơ chế đầu tư hạ tầng để mở rộng không gian du lịch.

Về tổ chức quản lý và quy hoạch

Các cơ quan quản lý về du lịch địa phương cần tiến hành quy hoạch chi tiết cho việc phát triển du lịch cộng đồng tại các làng nghề truyền thống và giám sát, quản lý các hoạt động du lịch. Tư vấn, giúp đỡ cộng đồng địa phương thành lập các tổ, nhóm sản xuất nghề và phát triển du lịch, quản lý các hoạt động du lịch cộng đồng theo mô hình tổ, nhóm (tổ trồng cói, dệt chiếu; tổ sản xuất gốm; tổ kinh doanh ăn uống; tổ vận chuyển…). Cộng đồng địa phương phải được tham gia vào quản lý các nguồn thu để bảo đảm sự minh bạch và công bằng cho các chủ thể khi kinh doanh du lịch và phát triển cộng đồng.

Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch

Cần hỗ trợ các hộ gia đình tham gia sản xuất nghề truyền thống về cơ sở vật chất, kỹ thuật, tu sửa, nâng cấp nhà cửa, sân vườn, trang thiết bị, nhưng vẫn bảo tồn được kiến trúc truyền thống, hấp dẫn khách du lịch. Nguồn nhân lực đón tiếp khách du lịch tham quan cần được đào tạo chuyên nghiệp để nâng cao chất lượng hoạt động du lịch. Các hộ gia đình sản xuất nghề truyền thống cần nghiên cứu, sáng tạo để sản xuất các loại sản phẩm đa dạng, mẫu mã đẹp nhưng vẫn bảo tồn được giá trị truyền thống, phù hợp với du khách và khách hàng. Đưa sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) vào phục vụ du lịch, tạo thêm nhiều màu sắc phong phú, đa dạng, hấp dẫn du khách, đồng thời tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Bảo vệ tài nguyên, môi trường

Tăng cường hơn nữa công tác giáo dục các chủ thể tham gia du lịch cộng đồng tuân thủ các quy định về bảo vệ tài nguyên môi trường; đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, các thiết bị thu gom, xử lý rác thải, nước thải; không xả nước thải trực tiếp xuống sông, biển. Các gia đình kinh doanh du lịch hướng dẫn khách bỏ rác vào thùng rác, đổ rác đúng nơi quy định; xây dựng, lắp đặt nhà vệ sinh tự hoại. Nghiêm cấm, chấm dứt các tệ nạn, như: chặt phá rừng; mua bán, săn, bắt các động vật, thực vật quý hiếm; đổ dầu mỡ, hóa chất và các chất thải xuống sông, biển; đánh bắt thủy sản, hải sản theo phương thức hủy diệt... Giáo dục cộng đồng địa phương và các chủ thể khác về các giá trị văn hóa truyền thống, ý nghĩa và trách nhiệm, tham gia đóng góp cả tinh thần và vật chất để bảo tồn, khôi phục, tôn tạo các di tích lịch sử, nghề truyền thống, lễ hội và các giá trị văn hóa truyền thống khác.

Phát huy vai trò của các doanh nghiệp du lịch cộng đồng

Các doanh nghiệp du lịch cộng đồng cần nhận thức rõ về vai trò trụ cột trong ngành du lịch, đặc biệt, các doanh nghiệp lữ hành có vai trò rất lớn trong việc phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, độc đáo, có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó, các doanh nghiệp du lịch cộng đồng cần tích cực tham gia tư vấn, phản biện về chính sách, chiến lược phát triển du lịch, đề xuất các định hướng và giải pháp phát triển thị trường; chủ động liên kết trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch theo định hướng chung; tham gia đóng góp tích cực cho các hoạt động quảng bá điểm đến và có ý thức bảo vệ uy tín, chất lượng sản phẩm của ngành du lịch. Cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch cộng đồng theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại với quy mô đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, đội ngũ và bảo đảm tính cạnh tranh.

Đoàn Hiền - Tạp chí Cộng sản 

... Theo tapchicongsan.org.vn