25/11/2024 lúc 20:30 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển điện khí LNG: Cơ hội để Ninh Thuận là trung tâm năng lượng tái tạo

Với những điều kiện tự nhiên thuận lợi, Ninh Thuận đang phát triển mạnh về các dự án điện gió, điện mặt trời. Việc phát triển các dự án điện sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ là yếu tố quan trọng tiếp theo để Ninh Thuận đạt mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo.

Với những điều kiện tự nhiên thuận lợi, Ninh Thuận đang phát triển mạnh về các dự án điện gió, điện mặt trời. Việc phát triển các dự án điện sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ là yếu tố quan trọng tiếp theo để Ninh Thuận đạt mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo.

Khu vực xây dựng cảng nhập LNG ở Phước Diêm (Thuận Nam). Ảnh: Báo Ninh Thuận.

Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ nêu chủ trương phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Để thực hiện chủ trương này, Ninh Thuận đã kêu gọi đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các dự án năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và điện mặt trời cũng như phát triển các dự án điện khí LNG, góp phần đa dạng hóa các dự án năng lượng tái tạo tại địa phương.

Ngày 23/4/2020, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 479/TTg-CN bổ sung Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná vừa là điểm nhấn để phát triển khu kinh tế phía nam của tỉnh, đồng thời góp phần đưa Ninh Thuận sớm trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Ninh Thuận chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan chức năng liên quan tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án nhà máy điện khí LNG thuộc Trung tâm Điện lực LNG tại địa phương, bảo đảm các yêu cầu công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật và hiệu quả tốt nhất cho đất nước.

Thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP, để ưu tiên xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước và xây dựng tổ hợp điện khí Cà Ná với quy mô phù hợp, Tỉnh ủy Ninh Thuận đã chỉ đạo UBND tỉnh Ninh Thuận báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh nhà máy điện khí Cà Ná với quy mô công suất khoảng 6.000 MW thay thế quy mô công suất nguồn điện hạt nhân 4.600 MW.

Ngày 14/10/2020, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Quyết định số 299 về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng (tỉ lệ 1/500) khu vực tổ hợp điện khí LNG. Tiếp đó, ngày 8/12/2020, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Quyết định số 2162 về việc phê duyệt danh mục dự án Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW tại xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam. Mục tiêu đầu tư dự án là kinh doanh phát điện.

Với tinh thần khẩn trương và cấp bách, tỉnh Ninh Thuận đã duyệt và công bố dự án mời gọi các nhà đầu tư quan tâm, thực hiện các bước đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định.

Theo đó, tỉnh Ninh Thuận ban hành 2 nhóm yêu cầu tiêu chí bắt buộc và tiêu chí đánh giá nhằm lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, năng lực kinh nghiệm để triển khai dự án với tiến độ nhanh nhất.

Các tiêu chí bắt buộc bao gồm: Nhà đầu tư đã trực tiếp đầu tư thực hiện các dự án năng lượng có vốn chủ sở hữu tối thiểu chiếm 15% trong tổng vốn đầu tư của từng dự án (ưu tiên tại Việt Nam) đã hoàn thành đưa vào vận hành thương mại trong 10 năm (từ năm 2010 đến 2020) với tổng công suất tối thiểu 1.000 MW. Trường hợp nhà đầu tư liên danh, thành viên đứng đầu liên danh đã trực tiếp đầu tư thực hiện các dự án năng lượng có vốn chủ sở hữu tối thiểu chiếm 30% trong tổng vốn đầu tư của từng dự án (ưu tiên tại Việt Nam) đã hoàn thành đưa vào vận hành thương mại trong 10 năm (từ năm 2010 đến 2020) với tổng công suất tối thiểu 1.000 MW.

Đây là nhóm tiêu chí bắt buộc đặt ra với mục tiêu chọn lựa được nhà đầu tư thực sự có đủ năng lực kinh nghiệm và đã trực tiếp triển khai các dự án tương tự để đầu tư nhanh dự án đang xét, bảo đảm yêu cầu tiến độ thời gian hết sức khẩn trương và cấp bách, đưa dự án vào vận hành năm 2025-2026.

Đối với tiêu chí đánh giá về năng lực tài chính và kinh nghiệm, yêu cầu vốn chủ sở hữu nhà đầu tư phải thu xếp tối thiểu chiếm 15% tổng mức đầu tư của dự án đang xét. Trường hợp liên danh, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư liên danh bằng tổng vốn chủ sở hữu của các thành viên liên danh, nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải có tỉ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 30%, từng thành viên liên danh có tỉ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 15% trong liên danh; có văn bản cam kết cho vay vốn của các tổ chức tín dụng hợp pháp theo quy định của Nhà nước Việt Nam.

Việc phát triển điện khí LNG Cà Ná là động lực quan trọng sau khi có chủ trương dừng xây dựng nhà máy điện hạt nhân, góp phần khai thác hiệu quả lợi thế cảng biển nước sâu Cà Ná, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và an toàn hệ thống điện, ổn định, cân bằng nguồn điện cho các dự án điện gió, điện mặt trời, đồng thời góp phần phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân tỉnh Ninh Thuận trong giai đoạn tới.

Dự án Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná khi đi vào hoạt động sẽ góp phần bảo đảm cung cấp điện cho khu vực miền Nam trong bối cảnh các nguồn điện chậm tiến độ và một số dự án dừng triển khai như nhà máy điện hạt nhân. Đồng thời, dự án sẽ góp phần tăng cường độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất do truyền tải xa, nâng cao chất lượng điện năng, góp phần chia sẻ gánh nặng tài chính cho ngành điện trong đầu tư phát triển nguồn điện. Bên cạnh đó, dự án điện khí LNG sẽ đáp ứng được các tiêu chí về môi trường, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy các ngành công nghiệp, vận tải và dịch vụ, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp trong địa phương.