Chính phủ vừa ban hành "Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050" và phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" với mục tiêu đưa đất nước trở thành một trung tâm công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu.
Thời gian từ nay đến năm 2040 và 2050 là một khoảng thời gian không hề ngắn, theo các chuyên gia, chúng ta cần bắt tay vào hành động ngay để làm sao đạt được mục tiêu trên vì đường là do chúng ta đi mà tạo thành, tinh thần là cứ đi sẽ tới.
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng Giám đốc Công ty CoAsia Semi (Hàn Quốc) tại Việt Nam, người sáng lập nhóm Cộng đồng Vi mạch Việt Nam trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về nội dung của Chiến lược phát triển bán dẫn Việt Nam.
Hơn 20 năm qua, Việt Nam đã có nguồn nhân lực hơn 5000 kỹ sư thiết kế chip
Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp bán dẫn
Thưa ông, là một người gắn bó với ngành vi mạch, bán dẫn trong nhiều năm tại một công ty lớn của Việt Nam, theo ông, trong Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành có những điểm nổi bật như thế nào để Việt Nam Nam sớm trở thành một trung tâm công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu?
Ông Nguyễn Thanh Yên: Điểm nổi bật của Chiến lược này là đã đề ra các mục tiêu rất cụ thể và hoàn toàn có thể đo được. Các nhiệm vụ giải pháp cũng minh bạch, ai là người làm, phối hợp với ai và thời hạn khi nào hoàn thành rất cụ thể.
Việc này chắc chắn sẽ giúp chúng ta nhìn rõ và định lượng được tính hiệu quả của mỗi chương trình thực hiện, nhằm kịp thời đưa ra các giải pháp cũng như điều chỉnh cần thiết để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược.
Theo ông, Việt Nam có những lợi thế và khó khăn gì trong phát triển công nghiệp bán dẫn?
Ông Nguyễn Thanh Yên: Việt Nam có vị trí địa lý rất đặc biệt. Nếu lấy Việt Nam là tâm và bán kính quay compa bằng 4 tiếng bay của máy bay thương mại thông thường thì diện tích vòng tròn đó đã bao quát một khu vực rất rộng lớn của châu Á và điều rất quan trọng là khu vực đấy chính là khu vực chiếm tỷ trọng lớn của thị trường bán dẫn toàn cầu cũng như được xem là nơi sẽ định hình sự phát triển trong tương lai của lĩnh vực này. Chính trị ổn định, vị trí tối ưu về chi phí logistics… cũng mang lại lợi thế cho Việt Nam.
Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã có được cho mình nguồn nhân lực hơn 5000 kỹ sư thiết kế chip, các kỹ sư Việt Nam đã dần chứng minh được năng lực trong công việc, từ đó, chiếm được lòng tin của các cấp quản lý ở nước ngoài.
Hiện nay, các kỹ sư Việt Nam được giao những công việc đòi hỏi chuyên môn cao và nhiều thách thức trong các dự án thiết kế chip. Ngày càng có nhiều các dự án quan trọng của tổ chức có sự tham gia của các kỹ sư làm việc tại các văn phòng Việt Nam và các công ty lớn quyết định đặt văn phòng hoặc mở rộng quy mô kỹ sư thiết kế chip ở Việt Nam, có thể kể đến như như RVC, Marvell, Ampere, Synopsys, ...
Đặc biệt những năm gần đây, số lượng kỹ sư từ Việt Nam ra nước ngoài làm việc cho các công ty nằm trong top 15 các công ty vi mạch bán dẫn lớn nhất toàn cầu, gia tăng đáng kể. Hơn 10 năm trước, điều này là hiếm hoi vì hồ sơ xin việc của kỹ sư chỉ làm việc ở Việt Nam thường không được đánh giá cao.
Ngoài ra, hàng năm chúng ta có hơn nửa triệu học sinh đăng ký xét tuyển Đại học. Đây là con số rất ấn tượng vì nó sẽ đảm bảo yếu tố nguồn nhân lực cho bất kỳ kế hoạch đầu tư phát triển lĩnh vực bán dẫn nào ở Việt Nam, nếu có trong tương lai.
Sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn trên thế giới chưa khai thác ồ ạt cũng có thể là một lợi thế vì đất hiếm là nguyên liệu đầu vào quan trọng dùng trong các nhà máy sản xuất chip.
Rõ ràng, Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi trong việc thu hút kêu gọi đầu tư hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn.
Thách thức trong đào tạo
Theo ông, trong đào tạo nhân lực ngành bán dẫn ở Việt Nam hiện nay có những khó khăn như thế nào?
Ông Nguyễn Thanh Yên: Như tôi đã nói, hàng năm chúng ta có hơn nửa triệu học sinh đăng ký xét tuyển Đại học và chỉ cần phần nhỏ trong số này đăng ký học ngành vi mạch thì chỉ vài năm tới, chúng ta có thể phát triển được đội ngũ kỹ sư thiết kế chip với số lượng rất ấn tượng, đó là thuận lợi rất lớn trong việc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn ở Việt Nam.
Tuy nhiên, khi nói về vi mạch là nói về sản xuất hàng loạt số lượng vô cùng lớn, một thiết kế khi đưa vào sản xuất thì mỗi mẻ sản xuất sẽ tạo gia hàng trăm triệu chip. Do đó, chỉ một sai sót nhỏ trong thiết kế có thể sẽ làm hỏng cả mẻ sản xuất, sẽ vứt đi hàng triệu chip mà không thể mang về sửa vá lỗi hay cập nhật lại như phần mềm.
Sai sót xảy ra thì cái giá phải trả sẽ rất đắt, thậm chí có thể phá sản cả công ty. Với thiết kế có tính mới nhiều thì cần sản xuất thử nghiệm, kiểm tra rất kỹ trước khi đem đi sản xuất hàng loạt, quá trình này rất tốn thời gian.
Chính vì lý do trên, mà kỹ sư ngành này có tính "bảo thủ" rất cao, kỹ sư càng có nhiều kinh nghiệm thực tế thì lại càng có giá trị. Điều này dẫn tới việc các công ty thường không có kế hoạch tuyển dụng số lượng lớn sinh viên mới ra trường hàng năm và các bạn sinh viên mới ra trường cũng thường dễ nản khi chưa được tin tưởng giao việc ngay.
Ngoài ra, chúng ta hiện đang thiếu vắng doanh nghiệp nội địa lớn để dẫn dắt ngành bán dẫn phát triển. Việc này làm hạn chế tính chủ động về thị trường đầu ra cho đào tạo nguồn nhân lực. Điều này cũng đặt ra thách thức khá lớn cho công tác đào tạo nguồn nhân lực số lượng lớn.
Một thách thức khác có thể kể tới là Việt Nam chưa có hệ sinh thái bán dẫn hoàn chỉnh, điều này tác động gián tiếp tới chất lượng của đào tạo ở khía cạnh là, khi chúng ta có trang bị phòng thí nghiệm hiện đại thì chúng ta chỉ có thể làm tốt nhất việc tạo ra nguồn nhân lực giỏi về lý thuyết chứ không có các công ty, nhà máy để đội ngũ đó có thể tham gia thực tập, thực hành các bài toán thực tế.
Đây là thách thức không dễ giải quyết trong một sớm một chiều đối với các trường trong việc chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên ở thời điểm hiện tại.
Vậy, với thực trạng này, chúng ta cần làm gì để tiến tới đạt được các mục tiêu về số lượng và chất lượng nhân lực ngành bán dẫn như trong Chiến lược đề ra, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Yên: Chúng ta đã có chiến lược, việc chúng ta cần làm bây giờ là đoàn kết một lòng với tinh thần chỉ bàn làm không bàn lùi. Trước mắt giai đoạn đầu tiên tới năm 2030 là thu hút đầu tư FDI có chọn lọc và phát triển nguồn nhân lực.
Như vậy, mỗi người dân ở bất cứ vị trí nào đều có thể cùng nhau góp phần vào việc thu hút đầu tư FDI, giới thiệu công ăn việc làm nhiều nhất có thể để hình thành và phát triển đội ngũ nhân lực đông đảo.
Cụ thể, Chính phủ thông qua các công cụ quản lý nhà nước, ban hành những chính sách khuyến khích để có thể tạo động lực cho các công ty tích cực tăng số lượng tuyển dụng sinh viên mới ra trường ở Việt Nam.
Chúng ta cũng tranh thủ tối đa cơ hội, phát huy ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân, tiếp tục khai thác các thế mạnh hiện có, kiên trì đàm phán thuyết phục hình thành các liên doanh với các tập đoàn đa quốc gia, thiết lập nhà máy ở Việt Nam với lộ trình chuyển giao công nghệ rõ ràng.
Trong ngắn hạn, Việt Nam hoàn toàn có thể xác định là nơi cung cấp nhân lực kỹ sư bán dẫn không chỉ cho nhu cầu trong nước mà cả khu vực và thế giới.
Điều này tạo tiền đề cho sự chuẩn bị nguồn nhân lực phù hợp, từng bước nâng cao năng lực thiết kế, sản xuất chip của Việt Nam.
Đây chính là cơ sở đảm bảo những điều kiện cần thiết có thể hình thành một số thương hiệu nội địa mạnh, giúp Việt Nam từng bước tự cường trong các giai đoạn tiếp theo.
Theo Chiến lược này, trong giai đoạn 1,2 (từ nay đến 2040), Việt Nam sẽ thu hút đầu FDI, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn giữa tự cường và FDI, vậy đứng ở góc độ của doanh nghiệp FDI, ông có kỳ vọng như thế nào vào mục tiêu này?
Ông Nguyễn Thanh Yên: Các công ty tìm đến Việt Nam có nhiều lý do, tuy nhiên có thể có hai nguyên do chính. Thứ nhất, họ thấy được lợi lớn từ việc tối ưu chi phí (nhà xưởng, nhân công, thuế, ...). Thứ hai, họ thấy Việt Nam là thị trường mà họ có thể kiếm được nhiều tiền.
Hiện nay, có thể nói các công ty tới Việt Nam là do lợi thế thứ nhất đem lại. Tuy nhiên với mục tiêu của giai đoạn 2 trong Chiến lược này, tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ là thị trường mới hấp dẫn đối với các công ty thiết kế và sản xuất bán dẫn chứ không chỉ đơn thuần là nơi cung cấp nguồn nhân công lao động có chi phí thấp.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hiền Minh (thực hiện) - Báo điện tử Chính phủ