Hiện nay, việc phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh đang trở nên cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng. Đây là giải pháp hiệu quả không chỉ trước mắt mà còn về lâu dài, góp phần tích cực bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Kỹ sư và thủy thủ thực hiện nhiệm vụ đo tài nguyên gió tại tỉnh Bình Thuận.
Sản lượng điện tăng hơn 2,3 lần
Theo số liệu từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, trong gần 10 năm qua, sản lượng điện sản xuất đã tăng hơn 2,3 lần, từ 101,4 tỷ kW giờ vào năm 2010 lên gần 235 tỷ kW giờ năm 2019. Trong thời gian tới, sản lượng điện của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh, với tốc độ trung bình 5,6%/năm, từ 245 tỷ kW giờ năm 2020 lên 950 tỷ kW giờ vào năm 2045. Mặc dù tỷ lệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện dự báo giảm nhưng các nguồn nhiên liệu hóa thạch (than và khí đốt) vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Điều này sẽ gây áp lực lớn lên nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, nhu cầu nhập khẩu nhiên liệu cho sản xuất điện ngày càng tăng, sẽ ảnh hưởng lớn đến biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng. Do đó, việc phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) rất cần được quan tâm để phát triển nhanh trong thời gian tới.
Trước bối cảnh đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị không chỉ định hướng phát triển cho lĩnh vực NLTT ở Việt Nam, mà còn nắm bắt được xu thế phát triển, bảo đảm nhu cầu năng lượng của khu vực. Nếu được thực hiện đúng hướng, có thể sẽ có cuộc “đổ bộ” lớn của các nhà đầu tư vào lĩnh vực NLTT, đây thật sự là động lực cho phát triển nền kinh tế Việt Nam. Với cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn điện NLTT mới của Chính phủ Việt Nam, nhiều nhà đầu tư đã tích cực tham gia nghiên cứu và đề xuất đầu tư các dự án nguồn điện NLTT vào một số tỉnh, thành phố có tiềm năng.
Là một trong những địa phương có tiềm năng năng lượng gió, điện mặt trời thuộc loại cao nhất cả nước, đồng thời nhận thức và xác định tầm quan trọng của nguồn NLTT, tỉnh Bình Thuận định hướng phát triển ngành công nghiệp năng lượng sẽ đóng góp tích cực, bảo đảm cung cấp điện cho Bình Thuận và khu vực kinh tế trọng điểm phía nam cũng như an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã có Công văn số 589 /UBND-KT ngày 18-2-2021 đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương xem xét, đưa các dự án điện NLTT của tỉnh Bình Thuận vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch VIII), nhất là dự án điện gió Thăng Long Wind (dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam nhận được giấy phép khảo sát của Chính phủ) nhằm tạo tính đột phá, tạo động lực phát triển trong lĩnh vực NLTT, năng lượng khí và kinh tế - xã hội của địa phương, phát huy hiệu quả hệ thống truyền tải 500 kV từ Hàm Thuận Nam - Bình Thuận về Long Thành (Đồng Nai) và Bình Dương.
Dẫn đầu về năng lượng sạch ở khu vực
Trước đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã thống nhất phương án hỗ trợ, bồi thường cho người dân trong khu vực khảo sát và triển khai dự án điện gió Thăng Long Wind do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì lập và đề xuất. Tập đoàn Năng lượng Enterprize Energy cam kết chịu mọi chi phí trả hỗ trợ, bồi thường cho người dân theo thỏa thuận trong khu vực khảo sát dự án và thực hiện nghiêm túc các quy định, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh Bình Thuận.
Ngày 5-3, tham dự và phát biểu tại Hội nghị đối thoại quốc gia với Việt Nam - Hội đồng Chuyển dịch năng lượng của COP26 do Bộ Công thương và Đại sứ quán Anh chủ trì, ông I. Hat-tơn, Chủ tịch Tập đoàn năng lượng Enterprize Energy, chủ đầu tư dự án điện gió Thăng Long Wind cho biết: “Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu về năng lượng sạch trong khu vực APAC, đặt mục tiêu 21% công suất NLTT vào năm 2030. Với tiềm năng năng lượng gió ước tính khoảng 160 GW trong vùng biển của khu vực, việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi sẽ là chìa khóa để đáp ứng mục tiêu này”.
Tập đoàn Năng lượng Enterprize Energy đã hoàn thành năm đầu tiên đo tài nguyên gió ngoài khơi và thu được kết quả đặc biệt đáng khích lệ. Ngày 26-2 vừa qua, Tập đoàn Enterprize Energy đã hợp tác với Công ty TNHH Hải Dương (Haduco) và Công ty Thiên Nam Position bắt đầu chiến dịch khảo sát biển để thực hiện các khảo sát mô tả đặc điểm đáy biển ngoài khơi. Điều này sẽ giúp xác định các khu vực được ưu tiên để lắp đặt tuabin và định tuyến cáp.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Enterprize Energy đã nộp hồ sơ xin bổ sung dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện) vào ngày 4-7-2019 và gửi lại tài liệu hiệu chỉnh vào ngày 4-3-2020 sau khi nhận được ý kiến của các bộ, ngành liên quan ở Việt Nam. Tập đoàn Năng lượng Enterprize Energy cũng mong muốn dự án Thăng Long Wind sớm được bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện quốc gia trong thời gian sớm nhất để nhà đầu tư có thể triển khai ngay dự án, bảo đảm tiến độ phát điện. Sau khi dự án Thăng Long Wind được đưa vào Quy hoạch điện VIII, Tập đoàn Năng lượng Enterprize Energy sẽ có đủ cơ sở dữ liệu cần thiết và sẵn sàng trình các cơ quan quản lý liên quan đề xuất xin Giấy phép chủ trương đầu tư và báo cáo tiền khả thi theo thông báo của Văn phòng Chính phủ.
Bộ Công thương cho biết, UBND tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản kiến nghị bổ sung các dự án điện, tổng công suất gần 30 nghìn MW vào Quy hoạch điện VIII. Trong số này, có 11 dự án điện gió (gồm tám dự án điện gió ngoài khơi). Tám dự án ngoài khơi có quy mô công suất khoảng 22 nghìn MW, bao gồm dự án điện gió Thăng Long Wind (3.400 MW), Là Gàn (3.500 MW), dự án điện gió ngoài khơi Bình Thuận (khoảng 5.000 MW với 10 nhà máy),… Tỉnh Bình Thuận cũng kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan đầu tư xây mới, nâng cấp các hệ thống đường dây truyền tải và trạm biến áp.