Do vậy, trước những biến chuyển hết sức sâu rộng của nền kinh tế thế giới, tác động lớn đến nền kinh tế các nước, trong đó có Việt Nam, việc tiếp tục phát huy tốt vai trò của ngoại giao kinh tế nhằm thu hút nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước
Trên cơ sở tổng kết Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 14-4-2010, của Ban Bí thư khóa X, “Về tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 10-8-2022, “Về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030”, trong đó nhấn mạnh vai trò tiên phong của ngoại giao kinh tế trong huy động các nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước. Chỉ thị số 15-CT/TW nêu rõ: “Ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững; đóng vai trò tiên phong trong huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng cường tiềm lực, sức cạnh tranh và năng lực thích ứng của nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả”. Theo đó, ngày 20-2-2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP, ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022 - 2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, qua đó thúc đẩy công tác ngoại giao kinh tế chuyển biến mạnh mẽ từ tư duy, nhận thức đến hành động trong các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, thực sự trở thành nhiệm vụ trung tâm của toàn ngành ngoại giao.
Trên thực tế, thời gian qua, “đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần quan trọng trong việc huy động các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội”(1). Việt Nam đã có quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm gần 90% GDP thế giới, tham gia hơn 500 hiệp định thương mại song phương và đa phương (trong đó có 17 hiệp định thương mại tự do - FTA)(2). Với gần 200 hoạt động đối ngoại cấp cao (2020 - 2023), hợp tác kinh tế được coi là một trong những trọng tâm, ghi nhận nhiều kết quả đột phá về mở rộng thị trường, tạo dựng các động lực tăng trưởng mới như thiết lập đối tác số, đối tác xanh, ODA thế hệ mới… Không chỉ vậy, hợp tác kinh tế đi vào chiều sâu, thực chất hơn với nhiều đối tác, các khuôn khổ quan hệ mới mở ra nhiều cơ hội hợp tác và không gian phát triển mới, tranh thủ được các xu thế phát triển mới và nguồn lực mới cho nền kinh tế. Mạng lưới các FTA tiếp tục được mở rộng đi đôi với triển khai hiệu quả các FTA đã ký kết(3).
Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 (tháng 12-2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: “Công tác đối ngoại và ngoại giao đã đi đầu trong việc huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại. Từ năm 2021 đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế, thương mại thế giới, kinh tế nước ta vẫn là một điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng màu của kinh tế toàn cầu; kinh tế vĩ mô vẫn cơ bản ổn định; lạm phát, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02% và dự báo năm 2023 có thể đạt trên 5%, là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới; lần đầu tiên GDP của nước ta vượt 400 tỷ USD, đứng thứ 3 trong ASEAN và thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài”(4).
Trong năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023, với hoạt động ngoại giao kinh tế, Việt Nam tổ chức hơn 120 đoàn làm việc tới các địa phương, gần 100 hoạt động kết nối các đối tác quốc tế, doanh nghiệp kiều bào với địa phương, hỗ trợ ký kết hơn 250 văn bản hợp tác quốc tế. Các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài làm việc với 9 bộ, ngành, trên 100 hiệp hội, doanh nghiệp lớn của Việt Nam để nắm bắt nhu cầu hỗ trợ thúc đẩy hợp tác và tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động cập nhật thông tin cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam về các xu thế, quy định mới trong thương mại, đầu tư quốc tế tác động đến xuất khẩu và thu hút đầu tư; tăng cường thông tin thị trường, thẩm tra, xác minh đối tác; tích cực hỗ trợ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam trong các tranh chấp thương mại quốc tế(5).
Có thể thấy, công tác ngoại giao kinh tế đã có những bước phát triển mới theo hướng toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn, đóng góp tích cực trong huy động các nguồn lực bên ngoài, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ vừa phòng, chống, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Chỉ thị số 15-CT/TW cũng chỉ rõ những hạn chế sau 12 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW, đó là nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngoại giao kinh tế chưa đầy đủ; ngoại giao kinh tế chưa theo kịp tình hình và yêu cầu phát triển đất nước, chưa gắn kết chặt chẽ với ngoại giao về quốc phòng, an ninh, văn hóa - xã hội để tạo thành sức mạnh tổng hợp. Quan hệ kinh tế với một số đối tác quan trọng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đan xen lợi ích chưa thật sự sâu sắc và phát huy hiệu quả thực chất; nguồn lực bên ngoài chưa gắn kết với nguồn lực trong nước. Công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về ngoại giao kinh tế có lúc, có nơi chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ. Việc hỗ trợ các ngành, địa phương và doanh nghiệp trong kinh tế đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế còn bất cập, hiệu quả chưa cao.
Phát huy thế mới, lực mới, phục vụ phát triển đất nước
Để ngoại giao kinh tế có thể phát huy tốt vai trò tiên phong trong thu hút nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay như Chỉ thị số 15-CT/TW đã đề ra, cần chú trọng một số giải pháp:
Thứ nhất, cần xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của ngoại giao kinh tế trong thu hút nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay, đó là thu hút nguồn lực bên ngoài nhằm thực hiện các đột phá chiến lược để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số, kinh tế xanh. Cụ thể hơn là thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ hoàn thiện thể chế cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh; phát triển kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học - công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số và kinh tế xanh.
Đây là nhiệm vụ trọng tâm bởi: Một là, việc thực hiện các đột phá chiến lược sẽ tạo tác động lan tỏa, tích cực, tạo sự đột phá trong phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế và điều này đã được khẳng định trong các văn kiện của Đảng, nhất là Văn kiện Đại hội XIII(6); hai là, kinh tế số, kinh tế xanh là những hình thức kinh tế mới, được xác định là động lực mới giúp cho nền kinh tế phát triển đột phá hơn, nhanh hơn, bền vững hơn(7); ba là, giúp nền kinh tế bắt nhịp với xu hướng phát triển chung của khu vực và thế giới, tạo ra sự cộng hưởng trong phát triển và tận dụng những tác động tích cực của những xu hướng này, nhất là của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trên cơ sở đó, giúp đạt được các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045(8).
Thứ hai, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt các quan điểm của Đảng được thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII và Chỉ thị số 15-CT/TW về vai trò của ngoại giao kinh tế trong phát triển đất nước trong bối cảnh mới, qua đó, tạo sự thống nhất và nâng cao nhận thức của tất cả các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về vai trò tiên phong của ngoại giao kinh tế trong thu hút nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước, nhất là thực hiện các đột phá chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số, kinh tế xanh; về quan điểm thu hút có chọn lọc đầu tư nước ngoài; về chủ trương lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ…
Thứ ba, phát huy cao nhất những lợi ích tích cực của những hoạt động ngoại giao đã được thực hiện như kết quả của các chuyến thăm cấp cao của các nước đến Việt Nam, như chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 12-2023), Tổng thống Mỹ Joe Biden (tháng 9-2023); tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hình thức ngoại giao mới đã được triển khai như ngoại giao kinh tế số, ngoại giao khí hậu, ngoại giao công nghệ… Kế hoạch hành động ngoại giao khí hậu giai đoạn 2022 - 2026, Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G-7) và châu Âu, Đối tác kinh tế số, kinh tế xanh với Singapore, Đối tác chiến lược xanh với Đan Mạch, Đối tác chiến lược tài chính xanh với Luxembourg, ODA thế hệ mới với Ngân hàng Thế giới (WB) và Nhật Bản, Biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác với Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) giai đoạn 2023 - 2026… và những hoạt động ngoại giao nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn với công nghệ cao, nhất là trong lĩnh vực bán dẫn; thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư và phục vụ phát triển đất nước…
Thứ tư, hướng các hoạt động ngoại giao trong thu hút các nguồn lực bên ngoài để thực hiện các đột phá chiến lược cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh vào những lĩnh vực có tính thiết thực, cấp thiết và mang tính dẫn dắt đối với phát triển đất nước; gắn chặt với nhu cầu của địa phương và doanh nghiệp. Cụ thể nhằm:
1- Phục vụ cho việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, các khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát “sand box” cho đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế số nói chung và cho các vùng, địa phương có nhiệm vụ đi đầu, dẫn dắt quá trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, như vùng đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội, vùng Đông Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh; cơ chế, chính sách cho thị trường tín chỉ carbon, tài chính xanh, mua sắm công xanh; gắn kết các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp về tăng trưởng xanh với các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội…; xây dựng văn hóa số và văn hóa sống xanh với người dân là trung tâm và không để ai bị bỏ lại phía sau. Những điều này rất quan trọng bởi vì chuyển đổi số và chuyển đổi xanh không chỉ là sự chuyển đổi về công nghệ và kỹ thuật, mà quan trọng hơn còn là sự chuyển đổi về nhận thức và thể chế.
2- Phục vụ cho việc xây dựng các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có khả năng chống chịu với thiên tai, bão lũ, khí hậu khắc nghiệt, nhất là ở các vùng như trung du, miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên hay kết cấu hạ tầng có khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, giúp thực hiện triết lý phát triển “thuận thiên” như ở vùng Tây Nam Bộ; hay mục tiêu xây dựng hệ thống, chuỗi đô thị thông minh, có khả năng chống chịu với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; xây dựng mạng lưới điện thông minh, phát triển các loại hình năng lượng tái tạo...; xây dựng các trường đại học số…
3- Phục vụ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân(9), xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, làm chủ công nghệ, đáp ứng yêu cầu của phát triển nền kinh tế số, kinh tế xanh, như nhân lực công nghệ số, nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn…
Thứ năm, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác nghiên cứu, tham mưu và dự báo các xu hướng phát triển kinh tế mới; kinh nghiệm của các nước trên thế giới về hoàn thiện thể chế; xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế số và kinh tế xanh.
Thứ sáu, tiếp tục phát huy cao độ các trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; ngoại giao của tất cả các cấp, ngành, địa phương để thu hút đa dạng nguồn lực bên ngoài (tài lực, vật lực, nhân lực, trí lực) nhưng có chọn lọc đối với việc thực hiện các đột phá chiến lược nhằm phát triển kinh tế số và kinh tế xanh, chẳng hạn như nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao, công nghệ xanh, công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo (AI), tài chính xanh, vốn ODA xanh…
Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Đây là giai đoạn phát triển với thế và lực mới, với tầm nhìn và mục tiêu đặt ra cụ thể hơn và khát vọng hơn về phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc; là giai đoạn phát triển mang tính bền vững hơn, bao trùm hơn, dựa nhiều hơn vào nâng cao hiệu quả các nguồn lực và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi nhanh, mạnh và khó lường. Chính vì vậy, việc quán triệt sâu sắc các chủ trương, quan điểm, phương châm và định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phát huy vai trò tiên phong của ngoại giao kinh tế trong thu hút nguồn lực bên ngoài cho thực hiện các đột phá chiến lược nhằm phát triển kinh tế số và kinh tế xanh, sẽ tiếp thêm động lực, khí thế mới và củng cố thêm quyết tâm để ngành ngoại giao cùng các ngành, các địa phương và doanh nghiệp thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời gian tới.
PGS, TS NGUYỄN HỒNG SƠN
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương