03/05/2024 lúc 07:33 (GMT+7)
Breaking News

Phát huy vai trò của nhân dân đối với công an nhân dân hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của nhân dân. Người từng khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” (1). Vì vậy, đứng trước mọi yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, Hồ Chí Minh đều chủ trương dựa vào “lực lượng vĩ đại của toàn dân”, trong đó bao gồm việc phát huy vai trò của nhân dân với lực lượng Công an nhân dân (CAND).

Việc nghiên cứu, học tập, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy vai trò của nhân dân với CAND hiện nay có ý nghĩa thiết thực và cấp bách.

Ảnh minh họa (TL)

Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam gắn liền với lịch sử nhận thức về vai trò của quần chúng nhân dân, vận động quần chúng nhân dân tạo nên sức mạnh to lớn chống lại cường quyền, áp bức của các thế lực xâm lược ngoại bang, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và vấn đề trị quốc, an dân, củng cố sức dân, tiềm lực, sức mạnh của đất nước. Thời bình, phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước trong kế sách giữ nước của Trần Hưng Đạo. Và ở những dòng đầu tiên trong Bình Ngô Đại cáo (1428), Nguyễn Trãi viết: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Nhân nghĩa, chăm lo cho nhân dân tư tưởng lớn mà Nguyễn Trãi suốt đời theo đuổi chính. Vì ông nhận thức rõ vai trò, sức mạnh to lớn của nhân dân,...

Khi đề cập đến vai trò của quần chúng đối với nhà nước, xã hội và lịch sử, C.Mác khẳng định: “Chủ quyền của nhân dân không phải là cái phát sinh từ chủ quyền của nhà vua, mà ngược lại, chủ quyền của nhà vua dựa trên chủ quyền của nhân dân”(2), “không phải chế độ nhà nước tạo ra nhân dân mà nhân dân tạo ra chế độ nhà nước”(3). Đến V.I. Lênin, Người khẳng định: “Không có sự đồng tình ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiền phong của mình tức là đối với giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được” (4).

Nhận thức, kế thừa quan điểm của ông cha về vai trò của quần chúng nhân dân, đặc biệt, thấm nhuần, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” (5). “Tất cả những thắng lợi của dân tộc ta không phải là công lao riêng của Đảng ta, đó là công lao chung của toàn đồng bào trong cả nước, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào, thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân” (6).

Trước yêu cầu của lịch sử, của sự nghiệp cách mạng, vai trò của nhân dân to lớn, vĩ đại là vậy nên vai trò của nhân dân với lực lượng CAND lại càng lớn lao, thiết thực và cụ thể. Tháng 3/1948, trong “Tư cách người công an cách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Công an của ta là công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc” (7). Tháng 1/1950, trong “Thư gửi Hội nghị Công an toàn quốc” (Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ năm), Người mong muốn và yêu cầu “những điểm mà công an phải cố gắng thực hiện cho kỳ được”:

“- Xây dựng bộ máy công an nhân dân. Tức là công an phải có tinh thần phục vụ nhân dân, là bạn dân. Đồng thời phải dựa vào các đoàn thể mà tổ chức và giáo dục nhân dân trong công việc phòng gian trừ gian, để nhân dân thiết thực giúp đỡ công an.

- Cách tổ chức công an phải giản đơn, thiết thực, tránh cái tệ quá hình thức, giấy má.

- Lề lối làm việc phải dân chủ… Giúp nhau kinh nghiệm và sáng kiến, giúp nhau tiến bộ. Tự phê bình và phê bình nhau theo tinh thần thân ái và lập trường cách mệnh.

- Phải hoan nghênh nhân dân phê bình công an, để đi đến hiểu công an, yêu công an, và giúp đỡ công an. Mỗi người công an phải là một chiến sĩ” (8).

Chúng ta nhận thấy, với bốn điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu, mong muốn dành cho công an, đã có tới hai đểm - hai nội dung lớn, Người tha thiết lực lượng công an lưu tâm đó là thái độ, tinh thần phục vụ nhân dân, “phải hoan nghênh nhân dân phê bình công an”. Vì sao, Hồ Chí Minh khẳng định vai trò của nhân dân và yêu cầu và mong muốn công an nhân dân những điểm như vậy?

Một là, xuất phát từ bản chất của chính quyền thuộc về nhân dân, nền dân chủ nhân dân mà Đảng, Bác Hồ, toàn quân và toàn dân ta đang xây dựng: “Cách mạng Tháng Tám thành công, ta lập ra Chính phủ mới, quân đội, công an, tòa án, pháp luật mới của nhân dân để chống kẻ địch trong và ngoài, và để giữ gìn quyền lợi của nhân dân” (9). “Đối với nhân dân, thì công cụ của nhà nước dân chủ mới - (Chính phủ, pháp luật, công an, quân đội, vân vân) - là để giữ gìn quyền lợi của nhân dân” (10).

“CAND hoàn toàn khác công an đế quốc. Công an đế quốc là nanh vuốt của đế quốc để hà hiếp áp bức đa số nhân dân. Chắc các cô các chú cũng nhớ chúng nó là bọn đầu trâu mặt ngựa. CAND phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng và Chính phủ cho tốt. CAND phải thực sự phục vụ nhân dân, nhưng hiện nay các cô các chú đã làm tròn nhiệm vụ ấy chưa?” (11).

“Làm công an không phải làm "quan cách mạng". Làm công an là để giữ trật tự an ninh cho nhân dân, xem xét tìm tòi âm mưu phản động làm hại nhân dân. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa” (12). Vì vậy, Hồ Chí Minh luôn yêu cầu: “các cô, các chú phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ của người CAND của một nước dân chủ nhân dân” (13).

Hai là, “Giữ gìn trật tự, an ninh trước hết là việc của công an, bộ đội, cảnh sát. Nhưng chính quyền ta là chính quyền dân chủ, bất kỳ việc to việc nhỏ đều phải dựa vào lực lượng của nhân dân để phụng sự lợi ích của nhân dân. Việc giữ gìn trật tự, an ninh càng phải dựa vào sáng kiến và lực lượng của nhân dân. Mọi công dân, bất kỳ già trẻ gái trai, bất kỳ làm việc gì, đều có nhiệm vụ giúp chính quyền giữ gìn trật tự an ninh, vì trật tự, an ninh trực tiếp quan hệ đến lợi ích bản thân của mọi người” (14).

Tháng 4/1955, trong “Huấn thị trong cuộc Hội nghị cán bộ Đảng”, Người khẳng định: “Không phải là công an, bộ đội hay cán bộ thấy hết âm mưu phá hoại của nó mà nhờ nhân dân thấy. Nhân dân biết con đường xe lửa ấy là của mình, của nhân dân, là lợi ích của nhân dân. Cần phải làm cho nhân dân biết có bọn địch muốn phá hoại, thế là nhân dân giúp sức giữ gìn đường xe lửa. Nếu chỉ bộ đội hay công an, cán bộ không cũng không đủ làm xiết… Nhân dân có hàng chục vạn lỗ tai, hàng chục vạn con mắt, nếu ta không thấy được thì nhân dân thấy, nếu ta không nghe được thì nhân dân nghe”(15).

Như vậy, nhân dân là lực lượng trực tiếp tham gia công tác phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, quản lý,… Các loại tội phạm muốn tồn tại và hoạt động được thì chúng phải ngụy trang, trà trộn, ẩn náu,.. trong nhân dân. Vì vậy, làm cho mọi người dân luôn có tinh thần cảnh giác sắc bén, tạo thành mạng lưới “thiên la, địa võng” khiến không một kẻ phạm tội nào có thể “lọt lướt”. Làm cho tội phạm có nguy cơ cao bị phát hiện, bị tố giác, buộc chúng phải co lại, không dám hoạt động manh động. “Địch không phải tài tình gì đâu. Nó phá hoại được vì ta sơ hở, chủ quan. Nếu công an ta biết giữ gìn và biết dựa vào nhân dân, làm cho nhân dân cũng biết cách giữ gìn, không để sơ hở thì nhất định địch không làm gì được. Địch là bọn ma quỷ, chỉ ăn hiếp được người yếu bóng vía; ta sơ hở nó mới phá hoại được. Nếu ta luôn luôn cảnh giác, cẩn thận, thì nó không thể phá hoại được” (16).

Ba là, nhân dân là nền tảng, là chỗ dựa vững chắc cho sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy ví dụ và phân tích: “Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có 5 vạn cặp mắt, 5 vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn. Dân ta rất tốt. Gặp trường hợp nguy hiểm, nếu công an khéo léo thì được dân giúp ngay. Khéo đây không phải là cái lối khéo bề ngoài, mà khéo có nghĩa là phải thực sự trung thành, tôn kính, thương yêu dân”(17).

Công tác bảo vệ an ninh trật tự của công an là cuộc đấu tranh diễn ra trên diện rộng, khắp mọi địa bàn, mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội. Trong khi đó, lực lượng công an và sự hiểu biết của công an đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội là có hạn. Do vậy, được sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, là chỗ dựa vững chắc cho sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự:; “Phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời nhân dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được. Nhân dân có hàng triệu tai mắt. Nếu công an biết dựa vào nhân dân, thì nhân dân sẽ là người giúp việc rất đắc lực của công an”(18),.v.v..

Trong mọi giai đoạn của tiến trình cách mạng, Hồ Chí Minh luôn yêu cầu tất cả đảng viên, cán bộ phải biết “học hỏi quần chúng để lãnh đạo quần chúng”; “Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân” (19), chứ không chỉ là căn dặn, yêu cầu riêng đối với lực lượng CAND. Đồng thời, tự bản thân Người, cũng luôn lấy làm tự hào, vinh dự và thấy rõ trách nhiệm lớn lao khi được “...sống trong một thời đại mà cán bộ được Đảng, Chính phủnhân dân rèn luyện, tin cậy và yêu mến”(20).

Bốn là, nhân dân là lực lượng tham gia xây dựng lực lượng CAND trong sạch vững mạnh để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự có hiệu quả. Lực lượng công an phải “Nhận rõ nhiệm vụ của công an là bảo vệ và phục vụ nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền nhân dân”, “luôn cố gắng làm tròn nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ giao cho”. Muốn vậy, “công an phải nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và của Chính phủ, hết lòng phục vụ nhân dân và dựa vào nhân dân”(21). Trong quá trình công tác, phải thành tâm, chịu khó, lắng nghe rồi gom góp, sắp đặt lại ý kiến và đề nghị lẻ tẻ của dân chúng cho có ngăn nắp, thứ tự rồi cùng dân chúng ra sức thi hành. Như vậy, “vừa nâng cao trình độ của dân chúng, mà cũng nâng cao kinh nghiệm của mình(22).

Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc sinh hoạt, là quy luật phát triển của Đảng, song Hồ Chí Minh yêu cầu cao hơn, đó là phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa, thì sự phê bình mới hoàn toàn. Riêng với lực lượng công an, Người cũng luôn yêu cầu và mong mỏi:  “Phải hoan nghênh nhân dân phê bình công an, để đi đến hiểu công an, yêu công an, và giúp đỡ công an” (23); “Công an với dân phải đoàn kết nghĩa là phải khuyến khích cho dân phê bình công an”(24).

Công tác xây dựng lực lượng CAND trong sạch vững mạnh có mối quan hệ chặt chẽ với nhân dân nhằm phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc. Lực lượng công am muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình phải dựa vào nhân dân và vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Từ Nghị quyết 31/BCT ngày 2/12/1980 của Bộ chính trị về công tác ANTT, Chỉ thị số 18/CT-BNV của Bộ nội vụ (nay là Bộ Công an) về công tác tổ chức, vận động quần chúng, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 43 ngành Công an đến Chỉ thị số 03CT/BNV ngày 03 tháng 01 năm 1998 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an); Nghị quyết số 40 -NQ/TW ngày 08/11/2004 của Bộ Chính trị đều khẳng định, vận động quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc là một biện pháp công tác cơ bản, chiến lược.

Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân, phát huy vai trò của nhân với lực lượng CAND trong giai đoạn hiện nay là một đòi hỏi vừa mạng tính chiến lược, vừa là một nhu cầu cấp thiết, cấp bách. Vì vậy, “Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; cấp dưới phục tùng cấp trên; dựa vào Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”(25) đã trở thành một trong ba nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Công an nhân dân được quy định trong Luật Công an nhân dân (2018). Bài học “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc", thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới”(26) được Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định là một trong năm bài học kinh nghiệm quý báu sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Đồng thời, nhiệm kỳ Đại hội XIII, Đảng xác định: “Xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, làm nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc… Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước”(27) là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này.

Nhận thức và quán triệt chủ trương nêu trên, mỗi chiến sĩ, cán bộ CAND nêu cao lý tưởng sống, chiến đấu và công tác, “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. “Vì an ninh Tổ quốc”, “Làm hết việc chứ không làm hết giờ”, “Không đợi hết giờ, không chờ giao việc”, “Thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình”, “Mỗi ngày làm một việc tốt vì nhân dân”... đã trở thành những khẩu hiệu, những phong trào thi đua sôi nổi ở nhiều cơ quan/đơn vị trong toàn lực lượng CAND. Đặc biệt, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” không chỉ là ngày hội nữa mà thực sự đã trở thành một phong trào rộng sâu trong toàn ngành công an.

Đặc biệt, trong tình cảnh dịch Covid-19 bùng phát, Bộ Công an đã phát động phong trào thi đua: “Lực lượng CAND - Lá chắn phòng, chống dịch Covid-19 - Thanh bảo kiếm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội” với phương châm “Kiên định bản lĩnh chính trị người chiến sĩ CAND, triệu trái tim, một ý chí, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”. Triển khai thực hiện phong trào, chỉ riêng trong đợt dịch thứ 4, lực lượng CAND đã huy động hơn 100.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia ở hầu hết các hoạt động phòng, chống dịch; điều động gần 9.000 cán bộ, chiến sĩ từ phía Bắc tăng cường cho công an các địa phương phía Nam; cử 1.163 cán bộ y tế (28) tăng cường cho các địa phương có diễn biến dịch phức tạp. Công an các đơn vị, địa phương đã tham mưu hiệu quả cho Đảng ủy, chính quyền địa phương ban hành nhiều chính sách về phòng, chống dịch, đảm bảo an ninh, trật tự, an dân, an sinh; đặc biệt là tại các tỉnh có dịch diễn biến phức tạp. Nhiều đề xuất về chính sách của công an đơn vị, địa phương đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch.

Lực lượng Cảnh sát giao thông đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải, lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch và đời sống nhân dân; kiểm soát phương tiện vận tải có mã nhận diện “luồng xanh” qua các chốt kiểm soát dịch. Đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi lợi dụng việc cấp giấy nhận diện QR Code cho các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu để vi phạm,.v.v.. Nhiều cán bộ, chiến sĩ công an đã hy sinh, tử vong hoặc bị thương, nhiễm bệnh, thiệt hại một phần sức khỏe trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19. Đây là mất mát to lớn đối với gia đình, người thân và lực lượng CAND; song sự mất mát đó càng thắp sáng niềm tin về tinh thần đồng lòng, quyết tâm cao độ, sự nỗ lực, ý chí lớn lao để chiến thắng đại dịch Covid-19.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân với lực lượng CAND cho đến nay còn nguyên giá trị lý luận và sức sống thực tiễn. Ngày nay, chúng ta càng thấm nhuần sâu sắc và quán triệt, từ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội để đi đến thắng lợi hoàn toàn của nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa - “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, sánh vai với các cường quốc năm châu nói chung, xây dựng lực lượng CAND nói riêng “cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân(29) như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn và tin tưởng.

ThS, Phan Tăng Tuấn * & Nguyễn Văn Giang ** 

* Học viện Chính trị khu vực I

** Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1), (5), (18), (21) Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 10, tr.453; tr.453; tr.259-260; tr.260.

 (2), (3) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 1, tr.347; tr.350.

(4) V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1979, tập 39, tr.251.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.672;

(7), (18), (19), (22) Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.499; tr.335; tr.325; tr.335 -336.

(8), (23) Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Sđd, tập 6, tr.313.

(9), (10), (20) Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Sđd, tập 8, tr.262; tr.265; tr.144.

(11), (12), (13), (17), (24)  Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.269 -270.

(14), (15), (16), Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Sđd, tập 9, tr.77; tr.445, tr.46.

(25) Dẫn theo: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-Cong-an-nhan-dan-384487.aspx

(26), (27), Đảng Cộng sản Việt Nam (2016): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia,  Hà Nội, 2016, tập 1, tr.27; tr.49-50.

(28) Minh Phương: “Lực lượng Công an nhân dân: Quyết tâm “Đi trước một bước” trong phòng, chống dịch”; Dẫn theo: http://thiduakhenthuongvn.org.vn/phong-trao-thi-dua/luc-luong-cong-nhan-dan-quyet-tam-di-truoc-mot-buoc-trong-phong-chong-dich

(29) Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.617.

...