Kỷ niệm 100 năm đất và người Nam Định (17/10/1921- 17/10/2021); Tòa soạn Việt Nam Hội nhập trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nam Định.
Thành phố Nam Định nằm ở phía nam và là thành phố trung tâm tiểu vùng nam đồng bằng sông Hồng. Là một đô thị cổ, một trung tâm văn hoá, chính trị và tôn giáo ngay từ thời kỳ đầu thế kỷ 13. Trải dài theo lịch sử, TP Nam Định được biết đến với tên gọi là Thành Nam bắt đầu từ khi nhà Nguyễn cho xây dựng thành Nam Định và cột cờ Nam Định vào khoảng năm 1812. Với bề dày truyền thống cùng những giá trị văn hóa đặc sắc, Thành Nam luôn gìn giữ những di sản, những giá trị nhân văn cha ông để lại để vững bước trên con đường phát triển và hội nhập.
Thành phố Nam Định đã sớm trở thành một trung tâm văn hóa, chính trị, tôn giáo ngay từ giữa thế kỷ XIII trong lịch sử Việt Nam. Năm 1262, nhà Trần cho xây dựng phủ Thiên Trường (phường Lộc Vượng ngày nay) với đầy đủ cung điện, phủ đệ, mở các trang ấp của hoàng tộc. Hành cung Thiên Trường là kinh đô thứ hai của vương triều Trần sau kinh thành Thăng Long. Thế kỷ XIII- XIV, Tức Mặc- Thiên Trường là một trung tâm hành chính, kinh tế, giao thương phát triển. Thời phong kiến nhà Lê, nhà Nguyễn, Sơn Nam - Vị Hoàng là một trong sáu nơi trong cả nước có trường thi Hương. Thời nhà Nguyễn, Nam Định là một trong ba đô thị bao gồm Hà Nội, Huế, Nam Định được dựng cột cờ.
Thương cảng Nam Định – Một trong những thương cảng sầm uất nhất Bắc Kỳ ( Ảnh tư liệu)
Từ giữa thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp chiếm được Nam Định đã xây dựng phố xá, chợ, bến tầu thủy, các nhà máy, xưởng sản xuất nhỏ… Năm 1889, tư bản người Pháp mở rộng quy mô sản xuất, xây nhà máy dệt, nhà máy sợi lớn nhất Đông Dương. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, thành phố Nam Định trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của Bắc Kỳ và toàn xứ Đông Dương.
Trên cơ sở đó, ngày 17/10/1921, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập thành phố Nam Định, hưởng quy chế của thành phố cấp III, đưa thành phố Nam Định trở thành một trong những thành phố đầu tiên được chính quyền thực dân Pháp lập ra ở Liên bang Đông Dương; một trong 3 thành phố ở Bắc Bộ. Nghị định thành lập thành phố Nam Định là cơ sở để chính quyền Pháp xây dựng các công cở như: Tòa Công sứ, Tòa Án tây, Sở Kho bạc, Sở Thương chính, Nhà dây thép, Sở Y tế, Sở Lục lộ (công chính), trường học, Sở Giám binh, Đề lao, Sở mật thám…và xây dựng thêm nhiều nhà máy, xí nghiệp như Nhà máy chai, Nhà máy rượu, Nhà máy tơ, Nhà máy nước, Nhà máy điện… Đồng thời thực hiện quy hoạch, xây dựng chín khu phố và 40 phố, hình thành các phố chuyên sản xuất, kinh doanh 1 mặt hàng như hàng Đồng, hàng Đường, hàng Giấy, phố Khách, hàng Sắt, hàng Rượu…. Tư bản Pháp, Hoa Kiều cũng xây dựng nhiều khách sạn, nhà hàng phục vụ cho nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí như Phẩm Anh Nghi, Nam Việt, Viễn Lai Lầu, Quảng Nguyên, Quảng Hưng... Các chợ phục vụ nhu cầu trao đổi hàng hóa phát triển, có 4 chợ lớn là chợ Rồng, chợ Phượng, chợ Vị Hoàng, chợ Cửa Trường. Diện tích của thành phố đến năm 1942 ước tính trên 6km2 (dài khoảng 4,4km, rộng 1,4km), kết cấu đường phố theo kiểu ô bàn cờ với các vườn hoa, quảng trưởng làm điểm nhấn. Dân số thành phố năm 1928 lên tới 3,5 vạn người, đến năm 1942 tăng lên khoảng trên 4,2 vạn người.
Bến phà Đò Quan Nam Định trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ ( Ảnh tư liệu)
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 77, ngày 21/12/1945 quyết định thành phố Nam Định là một trong số 8 thành phố của cả nước (cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Vinh- Bến Thủy, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Sài Gòn- Chợ Lớn). Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thành phố Nam Định có một số thay đổi về địa giới, ngày 15/9/1950 sáp nhập 4 xã Lộc An, Mỹ Xá, Lộc Hạ, Lộc Hòa của huyện Mỹ Lộc vào thành phố. Đến ngày 03/9/1957, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 405/TTg sáp nhập thành phố Nam Định vào tỉnh Nam Định. Từ 9/1957 đến nay thành phố Nam Định là đô thị trực thuộc tỉnh, thủ phủ của tỉnh Nam Định.
Những năm từ 1955- 1974, thành phố Nam Định được xây dựng, nâng cấp, mở rộng thêm nhiều phố xá, công sở, trường học, xây dựng nhiều công trình giao thông, công cộng như cầu Treo qua sông Đào, sân vận động chùa Cuối (từ 2003 là sân vận động Thiên Trường), xây dựng công viên hồ Vỵ Xuyên, cải tạo hồ, xây bảo tàng, công viên tại hồ Truyền Thống…Từ năm 1962- 1974, với sự đầu tư lớn của Trung ương và sự viện trợ máy móc hiện đại của các nước Xã hội chủ nghĩa, nhà máy Liên hợp dệt Nam Định trở thành trung tâm dệt- sợi- nhuộm lớn nhất miền Bắc. Ngành dệt Nam Định đã trở thành biểu tượng của thành phố và có vị thế, đóng góp to lớn về công nghiệp cho cả miền Bắc XHCN.
Nhà máy Liên hợp dệt Nam Định trở thành trung tâm dệt- sợi- nhuộm lớn nhất miền Bắc ( Ảnh tư liệu)
Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 109/2006/QĐ-TTg, ngày 19/5/2006 về xây dựng thành phố Nam Định trở thành đô thị trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Bằng quá trình vươn lên, phát triển không ngừng, năm 2011, thành phố Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh tại Quyết định số 2016/QĐ-TTg, ngày 28/11/2011.
Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Nam Định đoàn kết, năng động, sáng tạo ( Ảnh: Lê Ngọc Khánh)
Bước vào thời kỳ đổi mới, trên nền tảng những thành tựu đạt được, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân thành phố Nam Định đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, hoạch định đường lối, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển KTXH, tăng cường QPAN, xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao đời sống nhân dân, đạt được những thành tựu quan trọng, tạo ra bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, toàn diện trên mọi lĩnh vực, mang lại sự đổi thay to lớn cho thành phố Nam Định. Đến nay, kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng. Quy mô nền kinh tế phát triển nhanh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Hiệu quả của nền kinh tế được nâng lên. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng: Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 99,6%; nông nghiệp giảm còn 0,4%. Thành phố tập trung phát triển các ngành công nghiệp theo hướng đầu tư công nghệ hiện đại, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Các khu cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đã thu hút nguồn đầu tư lớn góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển của thành phố.
Phát triển thành phố Nam Định trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ. Ảnh: Internet
Về thương mại, dịch vụ, Thành phố thu hút các thành phần kinh tế đầu tư kết cấu hạ tầng kinh doanh hiện đại. Các doanh nghiệp đã tập trung đầu tư mở rộng, chủ động tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu. Chú trọng phát triển loại hình bán lẻ hiện đại, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích... Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Công tác quy hoạch được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư xây dựng; công tác quản lý đô thị, tài nguyên- môi trường được quan tâm và có chuyển biến tích cực. Hạ tầng kinh tế- xã hội được tăng cường đầu tư, tập trung cho các công trình trọng điểm, các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, giao thông, thoát nước… làm thay đổi rõ nét hạ tầng, cảnh quan thành phố, tạo điều kiện phát triển toàn diện các lĩnh vực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội.
Nhiều dự án lớn đã và đang được Trung ương, tỉnh và thành phố đầu tư xây dựng, hướng hiện đại, văn minh. Hạ tầng đô thị được chỉnh trang, nâng cấp đồng bộ, diện mạo thành phố khang trang rõ nét. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại được đầu tư xây mới, nâng cấp có quy mô và sức lan tỏa ra toàn vùng. Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, An ninh quốc phòng… được quan tâm chăm lo phát triển toàn diện. Giáo dục - đào tạo tiếp tục giữ vững thành tích là lá cờ đầu của tỉnh về chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng học sinh giỏi. Phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị được triển khai hiệu quả. Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế, chăm lo và nâng cao đời sống nhân dân nhất là các gia đình chính sách, các gia đình thương binh liệt sỹ, chất độc da cam, gia đình nghèo được coi trọng. Tăng cường quốc phòng, an ninh bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Công tác thanh tra, kiểm tra; phòng chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường. Duy trì nền nếp công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo theo quy định. Đã thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) của Đảng. Thực hiện tốt công tác luân chuyển, điều động đội ngũ cán bộ lãnh đạo nhằm đảm bảo bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Hệ thống chính trị từ thành đến cơ sở được củng cố và phát huy sức mạnh.
Diện mạo đô thị tỉnh Nam Định có sự thay đổi rõ rệt theo hướng hiện đại. Ảnh: Internet
Giai đoạn 2020 - 2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thành phố Nam định đề ra mục tiêu đến 2025 là: Phát huy tiềm năng, lợi thế; xây dựng, phát triển thành phố Nam Định theo hướng hiện đại, đồng bộ, có bản sắc riêng, có tính bền vững, có không gian đô thị mở rộng theo quy hoạch, xây dựng chính phủ điện tử, đô thị thông minh. Mở rộng địa giới hành chính thành phố. Đưa nền kinh tế thành phố tăng trưởng vượt bậc cả về quy mô cũng như giá trị; môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao. Để thực hiện mục tiêu có hiệu quả, Thành phố đang khẩn trương triển khai chương trình phát triển Tthành phố Nam định có tính “đột phá”, đó là:
1. Đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật. Sự phát triển của thành phố cần phải hướng đến cân bằng đô thị hóa, hiện đại hóa và giữ gìn bản sắc độc đáo; tiếp tục bảo tồn thành phố di sản có bề dày lịch sử, đồng thời hỗ trợ mở rộng đô thị.
2. Phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính, xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn thành phố. Khắc phục bất cập về hiện trạng cơ sở hạ tầng giao thông, kiến trúc cảnh quan, định hướng phát triển không gian, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…Khai thác tối đa lợi thế tuyến đường cao tốc QL21B trong việc kết nối các đô thị lớn trong Đồng bằng sông Hồng.
3. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, công khai và quản lý quy hoạch gắn với quản lý tốt tài nguyên, môi trường. Tăng cường kết nối giữa các khu vực trong thành phố, đặc biệt là kết nối khu vực hai bên sông Đào; kết nối linh hoạt giữa các khu vực trong và ngoài tuyến đường vành đai. Khai thác có hiệu quả tuyến đường dẫn cầu Tân phong, đường trục phía Nam sông Đào. Bổ sung không gian công cộng với hạ tầng hiện đại phù hợp với thế hệ lao động mới - xu thế 4.0.
4. Phát triển đặc trưng và bản sắc của Thành phố Nam định như: Văn hóa nhà Trần, truyền thống đất học, không gian khu phố cổ, nhà máy Dệt cũ, làng trồng hoa, cây cảnh… Nâng cao năng lực quản lý đô thị, đặc biệt là trật tự xây dựng, an toàn giao thông, kỷ cương và văn minh đô thị, từng bước xây dựng thành phố thông minh.
Bước vào giai đoạn mới, với khí thế mới, động lực mới, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố đang phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, quyết tâm đoàn kết, năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, đồng sức, chung lòng, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng bộ thành phố đã đề ra, xây dựng thành phố Nam định ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Nguyễn Anh Tuấn
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nam Định