27/12/2024 lúc 06:30 (GMT+7)
Breaking News

Phát huy nguồn lực văn hóa, phát triển toàn diện vùng Đông Nam Bộ

Lịch sử hình thành phát triển Đông Nam Bộ đã tạo ra nguồn lực mang tính quy luật của sự kết tinh và tiếp biến trong phát triển, đó là gìn giữ, bảo vệ, duy trì các giá trị cốt lõi và tiếp thu cái mới.

Đông Nam Bộ gồm: TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh.

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu phát triển khu vực này trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước.

Góp phần thực hiện mục tiêu trên, phát huy nguồn lực, sức mạnh văn hóa, tạo sự phát triển toàn diện, giữ gìn bản sắc của từng địa phương và toàn vùng là những vấn đề đặt ra trong giai đoạn phát triển mới của Đông Nam Bộ.

Nóc nhà Nam Bộ 

Vùng văn hóa đặc trưng

Theo PGS Huỳnh Văn Tới (Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh), về mặt địa văn hóa, Đông Nam Bộ là nơi có sự giao thoa văn hóa nhiều vùng khác nhau như vùng núi - miền biển, cao nguyên và đồi, miệt rẫy-miệt vườn, phù sa cổ và phù sa mới.

Lịch sử hình thành phát triển Đông Nam Bộ đã tạo ra nguồn lực mang tính quy luật của sự kết tinh và tiếp biến trong phát triển, đó là gìn giữ, bảo vệ, duy trì những giá trị cốt lõi và tiếp thu cái mới trong giao lưu văn hóa ngoại vùng, ngoại quốc, tự đào thải các hủ tục lạc hậu.

Đông Nam Bộ có đặc điểm đa nguồn cư dân, đa dòng mạch văn hóa. Trong các dân tộc chung sống ở đây, người Việt chiếm hơn 90%, tiếp đó là đồng bào các dân tộc như Hoa, Nùng, Chơ Ro, Tày, Mường, Khmer, Chăm, Dao, Mạ, S’tiêng…

Làng ở Đông Nam Bộ là làng khai phá, phân bố theo tuyến sông nước, đường giao thông và tỏa rộng ở vùng cao ráo gắn với nhiều hệ sinh thái sông nước, vườn ruộng, núi rừng, không khép kín trong lũy tre làng.

Chính tính chất hợp cư từ nhiều dân tộc, nhiều đợt di dân đã hình thành sắc thái đa nguồn văn hóa của vùng với đặc tính cởi mở, đa hệ, dễ thâm nhập những nhân tố mới, song khó phai mờ yếu tố cội nguồn.

PGS Huỳnh Văn Tới cho biết đề cập tới văn hóa Đông Nam Bộ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, GS Tô Ngọc Thanh từng khẳng định Đông Nam Bộ là vùng văn hóa thể hiện nét riêng của cái chung trong đặc thù văn hóa Việt Nam.

Trên nền lịch sử hơn 4.000 năm của dân tộc, chỉ mới hơn 300 năm, từ những nguồn văn hóa có bề dày khác nhau, đặc trưng khác nhau, Đông Nam Bộ đã đủ thời gian lịch sử để lắng đọng, hội tụ và kết tinh thành một vùng văn hóa có đặc trưng riêng.

Từ góc độ địa phương, theo lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh, thành phố là nơi hội tụ người dân từ mọi miền Tổ quốc.

Là đô thị đặc biệt, giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, TP.Hồ Chí Minh được xem là trung tâm về kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, có sức thu hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đây chính là nơi hội tụ dân cư của nhiều vùng, miền trong cả nước; nơi tiếp nhận, lan tỏa các giá trị văn hóa các dân tộc, làm nên nét độc đáo, nổi bật của văn hóa thành phố đa dạng, năng động và giàu sức sống.

Chủ tịch UBND  tỉnh Bình Phước, Trần Tuệ Hiền cho biết: Cùng ở Đông Nam Bộ, Bình Phước là địa bàn trung chuyển giữa Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Tỉnh có 41 thành phần dân tộc từ mọi miền đất nước tụ họp về sinh sống, tạo nên đời sống văn hóa vùng, miền phong phú, đa dạng, đã và đang được địa phương phát huy, góp phần xây dựng Bình Phước nói riêng, Đông Nam Bộ nói chung phát triển toàn diện.

Theo lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ở ven biển, thuộc vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời thuộc tứ giác kinh tế khu vực phía Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa đa dạng và chịu ảnh hưởng của các nền văn hóa lâu đời gắn với biển ở những mức độ khác nhau như Đông Sơn, Sa Huỳnh, Đồng Nai...

Trên địa bàn có gần 50 di tích lịch sử-văn hóa đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh.

Đây cũng là địa phương có nhiều lễ hội dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của người dân vùng biển đã và đang được bảo tồn như Lễ hội Nghinh Ông đình thần Thắng Tam, lễ hội Nghinh Cô, lễ giỗ bà Hoàng Phi Yến, lễ hội Sayang va (thần Lúa) và Sayang bri (thần Rừng) của đồng bào Chơ Ro.

Các giá trị văn hóa luôn được tỉnh xem là sợi chỉ đỏ, mạch nguồn lưu giữ bản sắc, truyền thống, cần được phát huy.

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Cùng trong mạch nguồn phát huy nguồn lực văn hóa, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định phát triển văn hóa-xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững.

Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là mục tiêu, nền tảng xã hội cho thành phố phát triển nhanh và bền vững; hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở thành phố mang tên Bác.

Trên cơ sở đó, thành phố xây dựng các không gian văn hóa Hồ Chí Minh mang đậm nét đặc trưng gắn với lịch sử, điều kiện kinh tế, văn hóa, tập quán, dân cư... được hình thành từ vùng đất giàu truyền thống năng động, sáng tạo trong quá trình phát triển, hội nhập.

Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.Hồ Chí Minh, thành phố xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh nhằm phát huy giá trị văn hóa Hồ Chí Minh qua cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác trong công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, thanh thiếu niên và các tầng lớp nhân dân.

Thành phố xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa, con người vùng đất Sài Gòn-Gia Định-TP.Hồ Chí Minh trong sự phát triển của vùng đất Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung; xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc nhân dân.

Thạc sỹ Đặng Văn Khoa, Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, hiện nay tại nhiều trường Đại học, không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã trở thành những hiện thực sinh động, góp phần quan trọng giáo dục truyền thống, chính trị tư tưởng cho cán bộ, giảng viên và sinh viên trong các nhà trường.

Có trường xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh với khu vực triển lãm, trưng bày sách, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu vực tuyên dương các tập thể, cá nhân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác…

Có đơn vị xây dựng không gian văn hóa trên nền không gian mạng với các bài viết, đoạn phim tài liệu liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo sự lan tỏa, mang lại nguồn tư liệu để các cơ sở khai thác, sử dụng trong tuyên truyền, giáo dục.

Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vào sử dụng không gian văn hóa Hồ Chí Minh và không gian trực tuyến với chủ đề “Tuổi trẻ Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh học tập và làm theo lời Bác," ứng dụng công nghệ thông tin trong thời kỳ chuyển đổi số trong hoạt động tuyên truyền giáo dục; đồng thời lan tỏa các gương “Thanh niên tiêu biểu làm theo lời Bác” của đơn vị.

Không gian văn hóa này được thiết kế sinh động, nhiều tư liệu theo 3 mảng nội dung chính: "Hành trình theo chân Bác," "văn hóa-nghệ thuật Hồ Chí Minh," "Học tập và làm theo lời Bác" góp phần bồi dưỡng phẩm chất tốt đẹp của những thầy cô giáo tương lai.

Lan tỏa các giá trị văn hóa

Phát huy giá trị các di sản, gìn giữ bản sắc, đồng thời tăng cường quảng bá, giao lưu văn hóa là những hoạt động nổi bật nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa ở nhiều tỉnh, thành phố, góp phần thiết thực vào xây dựng, phát triển Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình, Phước Trần Tuệ Hiền, một trong những nội dung được tỉnh quan tâm thực hiện là nâng cao hiệu quả hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích, danh lam thắng cảnh.

Tại Bình Phước, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được chú trọng gìn giữ, phát huy.

Các lễ hội dân gian như lễ hội biểu diễn cồng chiêng của dân tộc S’tiêng, lễ hội té nước cầu mưa, cầu phước, hát múa lâm thôn, lễ hội Phá Bàu của dân tộc Khmer được duy trì.

Việc nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng lễ hội, chữ viết, sử thi, nhạc cụ, âm nhạc, nghề dệt thổ cẩm, trang phục, ẩm thực, trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số sống lâu đời ở Bình Phước được triển khai. Cùng với đó, một số ngành nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số dần được khôi phục và phát triển, cung cấp sản phẩm phục vụ các hoạt động giao lưu, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, gắn kết với phát triển du lịch như: các sản phẩm từ nghề mộc, nghề rèn, nghề dệt thổ cẩm, nghề gốm, đan lát, thuốc đông y.

Bà Rịa-Vũng Tàu gắn nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của từng ngành, địa phương.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh, từ đặc thù và lợi thế địa phương, trong quá trình triển khai các hoạt động văn hóa, tỉnh kết hợp chặt chẽ giữa biểu diễn nghệ thuật với chương trình xúc tiến du lịch, quảng bá nghệ thuật Việt Nam nói chung và nghệ thuật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng ra thế giới, trong đó phải kể đến các chương trình giao lưu văn hóa tại Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc...; các chương trình biểu diễn giao lưu với kiều bào về thăm quê hương, lễ hội văn hóa du lịch, Festival Diều quốc tế, các trại điêu khắc đá…

Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

Trên địa bàn tỉnh hiện có 82 trung tâm văn hóa-học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách địa phương, qua đó phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa, phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhu cầu sinh hoạt, sáng tạo, hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân.

... Theo TTXVN