22/12/2024 lúc 18:34 (GMT+7)
Breaking News

Phát huy lợi thế, tạo sự phát triển bứt phá, sớm đưa Thanh Hoá trở thành cực tăng trưởng mới

Với mục tiêu sớm đưa Thanh Hoá trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc. Thời gian qua, tỉnh Thanh Hoá rất nỗ lực cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương bằng các nhiệm vụ, chỉ đạo cụ thể; đổi mới, sáng tạo trong hành động, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt; quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế; huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho hoạt động đầu tư; phấn đấu tăng trưởng toàn diện, phát triển bền vững.
Thanh Hoá bứt phá sớm trở thành cực tăng trưởng mới phía Bắc của Tổ Quốc.

Những tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.

Thanh Hóa, vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, cách mạng hào hùng và văn hóa đặc sắc, có nhiều di sản văn hóa, có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng. Với bề dày lịch sử hơn 990 năm, danh xưng Thanh Hóa đã hun đúc nên truyền thống vẻ vang và bản chất tốt đẹp của con người xứ Thanh: Cần cù, sáng tạo trong lao động, anh dũng, quật cường trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm... lập nên nhiều chiến công hiển hách và nhiều thành tích to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa còn là địa phương có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh; là nơi kết nối Đồng bằng sông Hồng với Tây Bắc, Bắc Trung Bộ. Được hội tụ đầy đủ 5 loại hình giao thông (đường bộ, hàng không, đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa); nằm trên tuyến đường huyết mạch Bắc - Nam.

Đặc biệt, ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, mở ra nhiều cơ hội, phát triển mới cho tỉnh vươn lên trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc. Theo đó, Thanh Hóa cùng với Hà Nội, Quảng Ninh và Hải Phòng hình thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc, tầm nhìn đến năm 2045 là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước. Có thể nhận thấy, Chính phủ đã có nhiều kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng tại Thanh Hóa. Tuyến cao tốc Bắc – Nam đoạn Ninh Bình – Thanh Hóa sắp hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tác động tích cực, to lớn đến sự phát triển kinh tế nói chung, du lịch nói riêng của xứ Thanh trong tương lai gần.

Cảng Nghi Sơn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hoá.

Thanh Hóa có một vị trí chiến lược quan trọng với cảng nước sâu Nghi Sơn với năng lực khai thác hơn 100 triệu tấn hàng hóa mỗi năm và có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng 100.000 DWT. KKT Nghi Sơn với diện tích 106.000 ha là một trong số 8 khu kinh tế ven biển được vận hành với những cơ chế ưu đãi đặc biệt về thuế TNDN, tiền thuê đất, thuế nhập khẩu... Trong khi đó, sân bay Thọ Xuân đang được quy hoạch để trở thành sân bay quốc tế, cửa khẩu Na Mèo giúp liên thông với Lào và các quốc gia Đông Nam Á bằng đường bộ. Ngoài ra, Thanh Hóa cũng được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam thắng cảnh, nổi bật là bãi biển Sầm Sơn đã và đang được đầu tư nhiều resort, khách sạn cao cấp, dự án du lịch Bến en huyện Như Thanh, Pù Luông huyện Bá Thước…

Sầm Sơn - Thành phố du lịch thông minh, hấp dẫn và thân thiện.

Thanh Hóa có nguồn nhân lực dồi dào với hơn 2,5 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm đến hơn 60% dân số của tỉnh, vừa là nguồn lao động vừa mang đến nhiều cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực như bán lẻ, các dự án nhà ở hay văn phòng. Theo các đơn vị nghiên cứu thị trường, giá thuê trung bình BĐS KCN tại Thanh Hóa vào khoảng 40 - 50 USD/m2/kỳ hạn thuê. Mức giá này vô cùng hấp dẫn so với các tỉnh và thành phố lân cận. Ví dụ, mức giá ở Hà Nội là 140 USD/m2, Hải Phòng là 95 USD/m2, Hưng Yên là 75 USD/m2 còn Hải Dương khoảng 60 USD/m2 mỗi kỳ hạn thuê. Các KCN thường có thời hạn sử dụng đất trên 50 năm và kỳ hạn mà bên thuê trả phí cho chủ đầu tư khu công nghiệp tùy thuộc vào thời hạn thuê đất còn lại của chủ đầu tư được quy định trong các văn bản pháp lý liên quan.

Nhiều kết quả nổi bật, đột phá, đưa Thanh Hoá bước vào thời kỳ phát triển mới, sớm trở thành cực tăng trưởng mới.

Trong các năm 2020 và 2021, Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có trong lịch sử, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Thế nhưng, trong bối cảnh khó khăn chung đó, Thanh Hóa vẫn hoàn thành mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội", đồng thời, đạt số thu ngân sách cao và vượt mức kế hoạch đề ra (năm 2020 thu ngân sách tỉnh đạt xấp xỉ 29.000 tỷ đồng; năm 2021 đạt mức thu 36.500 tỷ đồng).

Bỉm Sơn - Tiềm năng phát triển công nghiệp công nghệ cao.

Bước vào năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đã từng bước thích ứng linh hoạt và hiệu quả sau đại dịch Covid-19 cũng như trước các biến động khôn lường từ tình hình khu vực và thế giới. Đặc biệt, trong 10 tháng năm 2022, ở trong nước, dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát; Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; song, giá xăng dầu, nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao đã tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng và đời sống của Nhân dân.

Khu Công nghiệp - Nông nghiệp cao Lam Sơn - Sao Vàng.

Trong bối cảnh đó, tỉnh Thanh Hoá đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; kịp thời khắc phục, giải quyết những vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho thực hiện các mục tiêu đề ra và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2022 trên địa bàn tỉnh tiếp tục khởi sắc và đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó nổi bật là tình hình dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt, tạo thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. Hầu hết các ngành, lĩnh vực đều đạt kết quả khá, nhiều chỉ tiêu tăng mạnh so với cùng kỳ như: Sản xuất nông nghiệp tiếp tục ổn định, không xảy ra dịch bệnh lớn trên cây trồng, vật nuôi, rừng trồng tập trung đạt 91,5%; sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 172,177 tấn, tăng 3,0 % so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng đầu năm tăng 16,30% so với cùng kỳ, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 23,25% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 19,4% so với cùng kỳ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,06% so với cùng kỳ; doanh thu vận tải hành khách tăng 43% so với cùng kỳ, doanh thu dịch vụ lưu trú gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước, doanh thu dịch vụ ăn uống tăng 93% so với cùng kỳ, dịch vụ lữ hành gấp 5,2 lần cùng kỳ, dịch vụ khác tăng 29,3% so với cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước lũy kế 10 tháng năm 2022 ước đạt 43.061 tỷ đồng, bằng 145% dự toán và tăng 60% so với cùng kỳ. Trong đó thu nội địa ước đạt 26.078 tỷ đồng, bằng 140% dự toán và tăng 48% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 16.983 tỷ đồng, bằng 154% dự toán, tăng 82% so với cùng kỳ.

Trong phát triển kinh tế, ở lĩnh vực nông nghiệp, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, toàn tỉnh có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, có 346 xã, 902 thôn, bản (trong đó có 690 thôn bản miền núi) đạt chuẩn NTM; 56 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 9 xã, 242 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 236 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (được xếp hạng từ 3-4 sao), trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; các cấp, các ngành đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; tập trung triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Tính đến 20/10/2022, giá trị giải ngân ước đạt 6.973 tỷ đồng, bằng 60% kế hoạch.

Khu kinh tế Nghi Sơn - Đô thị công nghiệp trọng điểm với nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển.

Để trở thành cực tăng trưởng mới, tỉnh xác định công nghiệp - xây dựng và dịch vụ sẽ chiếm tỷ trọng lớn đóng góp vào GDP. Thanh Hoá đã quy hoạch các khu cụm công nghiệp, tập trung hạ tầng để thu hút đầu tư. Qua đó, thời gian qua, Thanh Hoá luôn đứng trong tốp đầu các địa phương về thu hút đầu tư, mỗi năm thu hút khoảng 150.000 tỷ đồng. Điểm nhấn là Khu Kinh tế Nghi Sơn; Cảng nước sâu; Cảng hàng không Thọ Xuân… là những cơ sở hạ tầng kinh tế quan trọng đã được xây dựng trong thời gian vừa qua.

Cùng với các lĩnh vực phát triển kinh tế trên các lĩnh vực, trong 10 tháng năm 2022, ở các lĩnh vực như công tác giáo dục - đào tạo, công tác y tế chăm sóc sức khỏe Nhân dân và các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao đều được quan tâm đầu tư có bước phát triển mới. Công tác an sinh xã hội được quan tâm đặc biệt, ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt, tỉnh chỉ đạo tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2022 về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Song song với đó, Tỉnh quan tâm, tổ chức các lễ kỷ niệm lớn của tỉnh như: 603 năm khởi nghĩa Lam Sơn và Lễ hội Lam Kinh năm 2022, 594 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang, tưởng niệm 589 năm ngày mất của anh hùng Lê Lợi… Tham gia ngày hội giao lưu văn hoá, thể thao và du lịch Việt Nam – Lào lần thứ III, năm 2022 từ ngày 28/9 đến ngày 03/10/2022 tại Điện Biên. Phong trào thể dục thể thao đạt được nhiều thành tích. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự trị an xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân toàn tỉnh được cải thiện và nâng cao đáng kể. Nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào vai trò lãnh đạo của Ðảng, tự hào về sự phát triển của tỉnh.

Với truyền thống "Trung dũng - Quyết thắng", phẩm chất “Đoàn kết - Nghĩa tình - Năng động - Sáng tạo”, tin tưởng rằng với khí thế “bừng sáng của miền đất xứ Thanh, Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thanh Hoá sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục triển khai, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và các chương trình trọng tâm mà Đại hội đã quyết nghị; tranh thủ thời cơ, vận hội mới, đổi mới, sáng tạo hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng vươn lên sớm đưa Thanh Hoá trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc Tổ quốc./.

Vừa qua, trong chuyến công tác và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá ngày 29/8/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận những thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đạt được trong thời gian qua và cho rằng: “Thanh Hóa là địa phương hội tụ đủ các lợi thế như một “Việt Nam thu nhỏ”. Những kết quả mà tỉnh Thanh Hóa đạt được trong thời gian qua là sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Thanh Hoá đang là điểm đến của các tập đoàn kinh tế lớn, các nhà đầu tư lớn, tạo cho tỉnh có nhiều xung lực mới, làn sóng mới, vận hội mới trong phát triển kinh tế - xã hội, sớm đưa Thanh Hoá trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc”. Do đó, Nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa phải tiếp tục có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, tạo sự bứt phá toàn diện, từ việc tăng nhanh quy mô nền kinh tế, tạo những tiến bộ vượt trội về an sinh xã hội, về văn hóa và môi trường chăm lo cuộc sống vật chất lẫn tinh thần cho Nhân dân, để Thanh Hóa thực hiện được ước vọng của các bậc tiên liệt và mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu”.

Hải Nam - Hoàng Trang