TIẾP CẬN VĂN HÓA TRONG QUẢN TRỊ QUỐC GIA
Để hiện thực hóa khát vọng, tầm nhìn phát triển đất nước, Đại hội XIII nêu một điểm mới, đột phá chiến lược: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”(1) - phản ánh sự nhạy bén, chuyển biến về nhận thức bám sát thực tiễn về tư duy quản trị nổi lên trong thời gian gần đây.
Quản trị quốc gia được hiểu là “cách thức thực thi quyền lực trong việc quản lý nguồn lực kinh tế và xã hội của một quốc gia vì sự phát triển”(2). Đây là khái niệm xuất phát từ phương Tây, được dung nạp ở nhiều quốc gia và biến đổi phù hợp với đặc trưng hệ thống chính trị - hành chính, truyền thống, văn hóa của mỗi quốc gia cụ thể. Tùy thuộc vào trình độ phát triển, đặc thù bối cảnh mà mỗi quốc gia theo đuổi những triết lý và mô hình khác nhau trong nền quản trị quốc gia. Cho nên, hiểu khái niệm quản trị quốc gia không chỉ áp dụng nghiên cứu quốc tế mà phải gắn với truyền thống, bối cảnh, văn hóa và các điều kiện thực tế của mỗi quốc gia, địa phương. Theo Francis Fukuyama khi bàn về quản trị quốc gia, không có nguyên tắc toàn cầu nào, kinh nghiệm tiên tiến nào một cách rõ ràng có thể áp dụng cho tất cả, mà giải pháp tốt phải mang tính địa phương, kiến thức về quản lý có đặc tính địa phương đến từ cơ hội, thói quen, tiêu chí và các điều kiện đặc thù của các địa phương, quốc gia cụ thể(3). Khi cố gắng làm cho những nghiên cứu về thể chế quản trị quốc gia trở nên “khoa học” cần phải đồng thời nhận ra tính phức tạp của những tác động xã hội và tác động của các nhân tố văn hóa.
Quan niệm quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam hiện nay đang được triển khai theo hướng: Là quá trình nhà nước dựa trên những nguyên tắc, chuẩn mực phổ quát của quản trị tốt để sử dụng các công cụ, phương tiện và huy động mọi nguồn lực quốc gia trong việc ban hành, tổ chức thực hiện các quyết sách, mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm đưa quốc gia phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả. Các nguyên tắc, chuẩn mực phổ quát mà quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả gồm: Sự tham gia rộng rãi của người dân và trách nhiệm, bổn phận công dân; Tính pháp quyền toàn diện và trách nhiệm của nhà nước; Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của khu vực công; Đáp ứng kỳ vọng của người dân và xã hội ở mức cao; Đồng thuận và công bằng xã hội; Trách nhiệm quốc gia trong tham gia giải quyết những vấn đề toàn cầu; Phát triển bền vững…
Cũng cần hiểu rằng, quản trị quốc gia không chỉ bởi Chính phủ. Nhà nước là một trong những chủ thể quản trị quốc gia quan trọng nhất nhưng không phải duy nhất. Điều này đã được khẳng định, “Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa”(4). Đây cũng là cũng chính là cơ sở đặt ra yêu cầu năng lực quản trị quốc gia của Đảng trong lãnh đạo Nhà nước và nhân dân thực hiện các mục tiêu, tầm nhìn phát triển đất nước. Những thể chế tích cực và tiến bộ được tạo nên từ những chủ thể văn hóa tiến bộ. Ngược lại, khi thể chế không phù hợp, thiếu vắng tư duy văn hóa sẽ dẫn tới xung đột, khủng hoảng các giá trị, phá vỡ sự ổn định và phát triển bền vững. Do đó, những chủ thể quản trị quốc gia phải là chủ thể văn hóa, chủ thể đại diện cho những giá trị cốt lõi của quốc gia.
Lịch sử và thực tiễn cho thấy, những thành công, thành tựu lớn lao có được đến từ sự hun đúc sức mạnh tinh thần và vật chất, tổng lực các yếu tố trong đó có vai trò quan trọng của văn hóa. Đồng thời lịch sử và thực tiễn cũng cho thấy những sai lầm mắc phải, có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, xét cho cùng là do xa rời, quay lưng, ngoảnh mặt với văn hóa, với các giá trị cốt lõi vốn là “kim chỉ nam” định hướng, soi đường. Nhìn vào nhiều vấn đề bức bối của đời sống hôm nay, có thể nhận ra biểu hiện xáo trộn, tiêu cực, tắc nghẽn, phi lý là do thiếu vắng điểm tựa văn hóa, tư duy văn hóa, thiếu tôn trọng các giá trị cốt lõi đã được mặc định.
Trong hoạch định chính sách, sự hời hợt, vô cảm, động cơ không trong sáng dẫn đến những chính sách xa rời mục tiêu, giá trị cốt lõi. Nếu không tôn trọng các giá trị thì sẽ không gắn kinh tế với văn hóa, không gắn kinh tế với xã hội, với trách nhiệm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước đi, từng chính sách và trong quá trình phát triển. Những sai lầm, hạn chế hoặc thao túng chính sách, tham nhũng chính sách, chính sách không tạo ra sự bình đẳng, không tạo ra động lực, nguy hiểm hơn có thể trở thành nút thắt, điểm nghẽn, cản trở, tước đoạt tiềm năng, nguồn lực quý giá của quốc gia, để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với xây dựng và bảo vệ các giá trị, làm biến đổi thiết chế xã hội, chuẩn mực đạo đức, cấu trúc xã hội, các mối quan hệ bên trong xã hội đó, làm mất niềm tin, suy yếu đồng thuận xã hội, gây mất ổn định chính trị-xã hội.
Trong những xung lực của phát triển, nhiều biểu hiện tiêu cực, lệch chuẩn, phản văn hóa, phản giá trị, loạn giá trị, đảo lộn giá trị, khủng hoảng giá trị đều là những cản trở cho nền quản trị quốc gia. Môi trường quản trị vận hành bề bộn bởi tệ quan liêu, nạn tham nhũng, lãng phí, vô cảm, thờ ơ trước mối quan tâm của nhân dân, thiếu ý thức pháp luật, tính kỷ luật và trách nhiệm, thiếu dân chủ và tập trung; Chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, sùng bái đồng tiền, quá đề cao danh vọng, quyền lực mà tài năng thực chất bị xem nhẹ, coi trọng địa vị hơn chuyên môn. Tinh thần trọng dụng người tài không trở thành văn hóa của đất nước mà phổ biến là bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ, trọng bằng cấp, không coi trọng thực học thực nghiệp, nạn chạy chức, chạy quyền; thiếu chuyên nghiệp…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, cá lớn nuốt cá bé, vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và, chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”(5).
Những gì chúng ta “CẦN” hay “những mong muốn tốt đẹp” như Tổng Bí thư đã nhấn mạnh chính là Khát vọng, là Mục tiêu, là con đường mà chúng ta đang hướng đến. Mục tiêu đó chuyên chở và thống nhất với những Giá trị cốt lõi của quốc gia đã được khẳng định trong Hiến pháp, Cương lĩnh, các Văn kiện của Đảng… Đó là: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc...
Trong xây dựng hệ giá trị quốc gia Việt Nam, hệ giá trị văn hóa Việt Nam, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, yêu cầu của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 là một chỉ dẫn khái quát và cũng rất cụ thể: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia – dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”(6).
Với những bảng/tệp/tập hợp các giá trị đã được khẳng định qua thời gian và thực tiễn, chúng ta không sợ “khủng hoảng giá trị” vì thiếu vắng các giá trị định danh, dẫn đường mà điều cần quan tâm hơn chính là tìm ra phương thức hữu hiệu để đưa những giá trị từ nền tảng, cơ bản cho đến cốt lõi trở thành hiện thực trong đời sống, trở thành căn tính của cá nhân, quốc tính của dân tộc, là dòng chảy chính định hình nên gương mặt, phẩm giá của con người Việt Nam, tạo nên sức hấp dẫn, uy tín và sức bứt phá của quốc gia trên con đường phát triển.
Bên cạnh tuân thủ những giá trị chung, các quốc gia, địa phương và ngay cả mỗi cá nhân đều có thể chọn lựa giá trị nền tảng, cơ bản để ưu tiên cho phù hợp với đặc thù điều kiện, mục tiêu, bối cảnh, truyền thống và văn hóa của riêng mình làm giá trị cốt lõi trong vận hành, chuyển động. Văn hóa chính là chìa khóa. Văn hóa ở đây cần được hiểu là những giá trị nền tảng, cơ bản, có khả năng định hướng, chi phối, tác động đến hoạt động của mỗi chủ thể trong xã hội, trong mọi lĩnh vực, là cơ sở để xác lập các giá trị cốt lõi trong việc xây dựng và hoàn thiện mô hình phát triển, thể chế phát triển, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước ta. Như Tổng Bí thư đã viết: “nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ…”(7).
Với những bảng/tệp/tập hợp các giá trị đã được khẳng định qua thời gian và thực tiễn, chúng ta không sợ “khủng hoảng giá trị” vì thiếu vắng các giá trị định danh, dẫn đường mà điều cần quan tâm hơn chính là tìm ra phương thức hữu hiệu để đưa những giá trị từ nền tảng, cơ bản cho đến cốt lõi trở thành hiện thực trong đời sống, trở thành căn tính của cá nhân, quốc tính của dân tộc, là dòng chảy chính định hình nên gương mặt, phẩm giá của con người Việt Nam, tạo nên sức hấp dẫn, uy tín và sức bứt phá của quốc gia trên con đường phát triển. |
HỆ GIÁ TRỊ LÀ NHÂN TỐ SOI ĐƯỜNG ĐỂ XÂY DỰNG NỀN QUẢN TRỊ HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ
Quản trị toàn cầu, quản trị quốc gia, quản trị địa phương là mối quan tâm lớn của thời đại. Biến động, bất định, phức tạp, không chắc chắn được coi là những đặc điểm của thế giới hiện đại với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Nền quản trị tốt là nền quản trị có thể huy động, kết nối được các nguồn lực cả ở bên trong và bên ngoài quốc gia, bên trong và bên ngoài địa phương để vượt qua thách thức, thấy cơ trong nguy, vững tay chèo lái qua sóng gió và trưởng thành, lớn mạnh, bước lên con tàu đi đến tương lai tăng trưởng thông minh, phát triển bền vững. Để đạt được hiệu quả đó, cần tập trung vào một số tiếp cận sau:
Trước tiên, các giá trị đã được chế định cần được chuyển hóa, thể hiện trong chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch… trong từng bước đi và hành động, trong từng chính sách và quyết sách cụ thể và trong suốt quá trình phát triển như những nguyên tắc nhất quán. Lòng yêu nước, sự đoàn kết, niềm tin và đồng thuận xã hội không tự đến, nó chỉ có thể được phát huy khi các giá trị, lý tưởng, mục tiêu, tầm nhìn đã được chế định trong Hiến pháp, Cương lĩnh, nghị quyết được chuyển hóa, thấm sâu vào đời sống, vào mỗi chủ thể tham gia vào nền quản trị quốc gia, biến nó thành sức mạnh tinh thần và vật chất to lớn.
Hai là, quản trị quốc gia, quản trị địa phương hiệu lực, hiệu quả phải là nền quản trị khoa học, chuẩn mực, tôn trọng nguyên tắc và các giá trị cốt lõi là Dân chủ, Pháp quyền, Bình đẳng, Minh bạch, Trách nhiệm… Trong đó, điều kiện tiên quyết là xây dựng thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện thể chế vận hành trên một nền tảng pháp luật đầy đủ, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả, nâng cao ý thức pháp quyền, kỷ luật, trách nhiệm. Pháp luật đó phải phản ánh đầy đủ tính chất tiến bộ, nhân văn, công bằng xã hội, vì con người, đề cao lợi ích tập thể, lợi ích cộng đồng, tôn trọng và bảo vệ lợi ích chính đáng của cá nhân. Cần thiết phải tạo ra những không gian bảo vệ, khuyến khích và tạo điều kiện cho con người phát triển, tự chủ, ra quyết định, chịu trách nhiệm, dấn thân, cống hiến, đi hết các biên độ của lao động và sáng tạo. Giải quyết thỏa đáng, kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả những bức xúc xã hội trên cơ sở cân bằng, hài hòa, minh bạch lợi ích giữa các bên. Nhìn ra mối liên hệ và thực thi hiệu quả tính kết nối giữa các vùng miền, địa phương, giữa các quốc gia, khu vực. Trong thế giới ngày nay, sẽ không có sự rời rạc, đơn lẻ, thiếu tính kết nối nào có thể đưa đến thành công.
Ba là, phải nhìn ra động lực của văn hóa trong phát triển, văn hóa phải là một thành phần quan trọng trong các dự án và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, do đó cần lượng hóa chính xác, kịp thời tác động của nhân tố văn hóa. Trước, trong và sau khi ban hành, thực thi chính sách đều phải luôn đặt câu hỏi: Chính sách có vì con người không, chính sách này đã huy động cao nhất nhân tố con người chưa, sự tham gia của văn hóa ở đâu và được bao nhiêu hàm lượng?…
Bốn là, cần thiết lập môi trường xã hội lành mạnh, tích cực, tạo điều kiện cho các giá trị sinh sôi, nảy nở. Giá trị chuẩn mực, hành vi chuẩn mực phải thông qua nhiều con đường, nhiều chủ thể, “nội công, ngoại kích” từ nhiều “kênh” khác nhau. Cụ thể là được chiết xuất tổng thể từ nỗ lực giáo dưỡng tự thân của mỗi cá nhân, vun trồng của tế bào gia đình, bồi dưỡng trong môi sinh giáo dục, chắt lọc từ nền tảng văn hóa và truyền thống của dân tộc, đồng thời được kiểm soát, khuyến khích, bảo vệ, thiết lập, vun đắp từ những định chế xã hội. Vai trò của dư luận xã hội, báo chí-truyền thông, giới luật của các tôn giáo, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, lối sống, ứng xử xã hội, định chế của các cộng đồng, tổ chức… đều là những tác nhân đưa các hệ giá trị đi vào đời sống. Kiên quyết đấu tranh, sửa đổi chiếc áo cơ chế chật hẹp, cũ kĩ, khiếm khuyết, không còn phù hợp, bảo vệ những giá trị tốt đẹp, Chân – Thiện – Mỹ.
Giá trị chuẩn mực, hành vi chuẩn mực phải thông qua nhiều con đường, nhiều chủ thể, "nội công, ngoại kích" từ nhiều "kênh" khác nhau. Cụ thể là được chiết xuất tổng thể từ nỗ lực giáo dưỡng tự thân của mỗi cá nhân, vun trồng của tế bào gia đình, bồi dưỡng trong môi sinh giáo dục, chắt lọc từ nền tảng văn hóa và truyền thống của dân tộc, đồng thời được kiểm soát, khuyến khích, bảo vệ, thiết lập, vun đắp từ những định chế xã hội. Vai trò của dư luận xã hội, báo chí-truyền thông, giới luật của các tôn giáo, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, lối sống, ứng xử xã hội, định chế của các cộng đồng, tổ chức… |
Năm là, quản trị tốt cần phải là một nền quản trị gương mẫu, những chủ thể quản trị gương mẫu, có kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm. Sự dẫn dắt, nêu gương, lan tỏa tích cực, có sức hút, sức hấp dẫn, quy tụ, gây dựng niềm tin, cải tạo xã hội của các chủ thể tham gia quản trị là cách thức hữu hiệu đưa các giá trị thành sức mạnh. Trong xu hướng quản trị đa chủ thể, bộ máy công quyền buộc phải cải cách, thay đổi ứng xử với người dân từ cơ chế xin - cho, hành chính, mệnh lệnh sang hợp tác và đồng thuận. Ứng xử trên nền tảng văn hóa, đạo đức công vụ sẽ đưa đến những tương tác thành công với cộng đồng hơn, tạo nên sức hấp dẫn, sự thu hút của bộ máy công quyền, nơi kết nối và kêu gọi nguồn lực cho phát triển…
Sáu là, trên tinh thần mở, tiếp biến của văn hóa Việt Nam, dung nạp và học hỏi các kinh nghiệm và phương thức quản trị tiên tiến của các quốc gia đang phát triển, tiếp thu các giá trị tiến bộ và phổ quát nhưng không thoát ly điều kiện chính trị - xã hội, bối cảnh, văn hóa và truyền thống, lịch sử đặc thù của đất nước, của từng địa phương.
Văn hóa là chìa khóa để mở cánh cửa đi tới tương lai, mà các hệ giá trị là “kim chỉ nam”, là nhân tố soi đường, định hướng, nhắc nhở, cổ vũ, khích lệ, kết nối các thành tố tạo ra sức lan tỏa, hun đúc năng lượng bứt phá, phát huy mạnh mẽ các nguồn lực quý báu trở thành động lực cho phát triển./.
Bùi Thị Thu Thanh
Phó Tổng Biên tập Tạp chí Tuyên giáo
---------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, t1, tr.54.
(2) WB, World Development report: Governance and Development, Washington DC, 1992.
(3) Francis Fukuyama: Xây dựng Nhà nước: Quản trị quốc gia và trật tự thế giới trong thế kỷ 21, https://fsppm.fulbright.edu.vn/cache/MPP04-542-R04V-2012-11-16-14060988.pdf.
(5) (6) (7) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2022, tr. 158-159, tr. 21-22, 170-171, 172.