16/11/2024 lúc 13:07 (GMT+7)
Breaking News

PGS.TS Nguyễn Trung Thành: Không ngừng nỗ lực, phấn đấu vì một môi trường xanh – sạch – đẹp

PGS.TS Nguyễn Trung Thành - Trưởng phòng Phòng Đào tạo trường ĐH An Giang, ĐHQG Tp. HCM là nhà giáo, nhà khoa học có nhiều đóng góp quan trọng trong việc ứng dụng KHCN để xử lý ô nhiễm môi trường hiệu quả, bền vững tại nhiều tỉnh, thành phía Nam. Từ dấu ấn ấy, PGS.TS Nguyễn Trung Thành vinh dự được Liên hiệp các Hội KH & KT Việt Nam (VUSTA) trao tặng danh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu” năm 2024. Anh Thành cũng là nhà khoa học duy nhất của tỉnh An Giang được vinh danh năm nay.

PGS.TS Nguyễn Trung Thành và niềm vui trong ngày được vinh danh là Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2024.

Được biết, PGS.TS Nguyễn Trung Thành là nhà khoa học đã gắn bó với Trường Đại học An Giang gần 20 năm qua và được Trường khen thưởng có thành tích khoa học công nghệ nổi bật nhiều năm liền. Anh sở hữu 04 bằng độc quyền sáng chế; chủ nhiệm 01 đề tài cấp Quốc gia, 01 đề tài cấp Tỉnh, 03 đề tài nghiên cứu cấp ĐHQG-HCM, 06 đề tài nghiên cứu cấp trường và tham gia 03 dự án nghiên cứu Quốc tế. Bên cạnh đó, PGS. Thành đã xuất bản 114 bài báo khoa học trên các tạp chí có uy tín trong và ngoài nước, trong đó có 74 bài báo đăng trong các tạp chí quốc tế thuộc ISI và Scopus; chủ biên 02 giáo trình và 01 sách tham khảo. TS. Nguyễn Trung Thành được Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó giáo sư năm 2017. Trong thời gian công tác tại Trường ĐH An Giang, nhà giáo Nguyễn Trung Thành là một trong những giảng viên tiêu biểu trong công tác nghiên cứu khoa học; năm học 2016-2017, anh đã nhận được khen thưởng của Hiệu trưởng về thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học - công nghệ, vượt định mức nghiên cứu khoa học 200%, trong đó, đề tài “Khả năng xử lý nước thải dệt nhuộm của xúc tác nano oxit phèn sắt trong hệ Fenton rắn” được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Xuất sắc.

Bên cạnh đó, PGS.TS.Nguyễn Trung Thành là thành viên của nhiều dự án trong nước và quốc tế về nghiên cứu ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, PGS.TS. Nguyễn Trung Thành còn là thành viên Ban biên tập và ủy viên phản biện Tạp chí khoa học Trường ĐH An Giang, thành viên xét duyệt Đánh giá tác động môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang. Anh cũng đã chủ trì và tham gia nhiều sáng kiến kinh nghiệm được Trường ĐH An Giang, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Nhà nước công nhận. Trong đó có 01 sáng kiến được công nhận cấp Bộ GD & ĐT và cấp toàn quốc: “Tổng hợp và đánh giá khả năng hấp phụ ion nitrate, phosphate của vật liệu triamine trên chất mang silica xốp”. Sáng kiến này đã mang lại hiệu quả cao trong việc tổng hợp vật liệu và tiết kiệm thời gian, công sức và hiệu quả xử lý môi trường ở điều kiện thực tế với quy mô phòng thí nghiệm và thực tiễn. Sáng kiến đã được triển khai tại nhiều địa phương như: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH & CN, Sở KH & CN, tỉnh An Giang; Trung tâm Thông tin và ứng dụng KHCN Hậu Giang, Sở KH & CN, tỉnh Hậu Giang; Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và dịch vụ KHCN Tiến Giang, Sở KH & CN, tỉnh Tiền Giang; Trung tâm KH & CN Tây Ninh, Sở KH & CN, tỉnh Tây Ninh,... và vẫn đang tiếp tục nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.

PGS.TS Nguyễn Trung Thành chúc mừng Nghiên cứu sinh do anh hướng dẫn bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ.

Theo PGS.TS Nguyễn Trung Thành, nghiên cứu khoa học không chỉ là công việc mà là sứ mệnh góp phần mang lại giá trị cho cộng đồng, xã hội và ngành giáo dục. Anh Thành cho biết, nghiên cứu khoa họcvà giảng dạy là 2 nhiệm vụ quan trọng của một giảng viên. Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học với những khám phá mới sẽ giúp mỗi giảng viên hoàn thiện hơn trong công tác giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Với anh, nghiên cứu khoa học đã mang lại nhiều giá trị quý báu. Trước hết, đó là khả năng tư duy phản biện và sáng tạo, giúp không ngừng phát triển bản thân, đổi mới trong công tác giảng dạy. Bên cạnh đó, những thành tựu nghiên cứu đã giúp anh có thể kết nối với các đồng nghiệp trong và ngoài nước, mở rộng mạng lưới hợp tác, học hỏi. Ngoài ra, đó còn là niềm vui và tự hào khi những kết quả nghiên cứu của mình được ứng dụng vào thực tiễn, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội nhất là vì mục tiêu môi trường không chất thải. PGS.TS Nguyễn Trung Thành chia sẻ: “ Nghiên cứu khoa học cũng giúp tôi giữ vững lòng kiên trì và không ngừng hoàn thiện bản thân. Những thách thức, khó khăn trong quá trình nghiên cứu đã rèn luyện cho tôi khả năng vượt qua thất bại và duy trì đam mê"

Nói về sáng kiến được công nhận cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo và cấp toàn quốc - đề tài: “Tổng hợp và đánh giá khả năng hấp phụ ion nitrate, phosphate của vật liệu triamine trên chất mang silica xốp”, PGS.TS Nguyễn Trung Thành bộc bạch, khi thực hiện công trình nghiên cứu này anh cùng các cộng sự đã gặp không ít những khó khăn từ khi bắt đầu triển khai cho tới lúc nghiệm thu công trình. Sau khi thảo luận với các thành viên trong nhóm, anh và đồng nghiệp đã tìm ra giải pháp nâng cao diện tích bề mặt của vật liệu chất mang silica bằng cách cho phản ứng với HF. Kết quả của quá trình được tăng đáng kể và đạt hiệu quả xử lý ion nitrate, phosphate trong môi trường nước như mong đợi khi so sánh với các vật liệu khác có mặt trên thị trường. Đồng thời, giá thành của sản xuất vật liệu có thể thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Tuy nhiên, PGS. Thành cũng cho biết việc áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn và chuyển giao công nghệ luôn là thách thức lớn do sự khác biệt giữa điều kiện phòng thí nghiệm với môi trường thực tế. Quá trình chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho địa phương cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là do tính chất chuyên môn cao của lĩnh vực khiến việc giải thích và thuyết phục cán bộ địa phương trở nên phức tạp, tốn nhiều thời gian. Dù vậy, nhờ vào sự đoàn kết, nỗ lực và chuẩn bị kỹ lưỡng, PGS. Thành và các cộng sự đã hoàn thành công trình nghiên cứu này.

Khi được hỏi về cơ duyên đưa anh đến với công tác nghiên cứu khoa học, PGS.TS Nguyễn Trung Thành cho biết, anh đã bắt đầu nghiên cứu khoa học ngay từ khi còn là sinh viên tại Trường ĐH Bách Khoa, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Trường ĐH KH & KT Quốc gia Đài Loan đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp nghiên cứu của anh vươn tầm quốc tế. Và không thể không kể đến sự ủng hộ nhiệt thành từ gia đình, nhất là từ cha anh, đã là nguồn động viên lớn trong suốt quá trình nghiên cứu từ giai đoạn phòng thí nghiệm đến khi ứng dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Trung Thành cho hay, thời điểm mang tính bước ngoặt đối với sự nghiệp của anh là khi anh bắt đầu công tác tại Trường ĐH An Giang. Tại đây, anh có cơ hội tiếp cận với thực tiễn nhiều hơn, giúp định hình rõ ràng hơn về hướng đi trong nghiên cứu của mình. Qua đó, anh càng thêm trân trọng nguồn tài nguyên quý giá của đất nước và đặt ra mục tiêu nghiên cứu với định hướng xây dựng “một môi trường không ô nhiễm”, góp phần vào sự phát triển bền vững của một Việt Nam hùng cường. Chia sẻ về công trình nghiên cứu khoa học mà bản thân tâm đắc nhất, PGS. Thành nhớ tới công trình nghiên cứu khoa học cấp ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh mang tên: “Nghiên cứu tổng hợp vật liệu hấp phụ từ nước nhiễm phèn và tro trấu để ứng dụng trong hệ thống thủy canh xử lý nước thải ao nuôi cá tra thâm canh ở đồng bằng sông Cửu Long”. Anh nhận định, nghiên cứu này chính là tiền đề quan trọng trong việc đánh giá và triển khai khai thác các nguồn nguyên liệu từ chất thải nông nghiệp và tài nguyên như nước nhiễm phèn và tro trấu. Mục tiêu là sản xuất các vật liệu có khả năng ứng dụng cao trong xử lý ô nhiễm môi trường. Công trình nghiên cứu này có ý nghĩa đặc biệt to lớn không chỉ đối với bản thân PGS. Thành mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của địa phương, đặc biệt là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, nghiên cứu đã chỉ ra các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường tại tỉnh An Giang và tận dụng tro trấu thải, nước nhiễm phèn làm vật liệu hấp phụ tiên tiến ứng dụng trong xử lý nước thải. Thêm vào đó, nghiên cứu cũng cung cấp giải pháp tận dụng những chất ô nhiễm này làm vật liệu tiên tiến để giải quyết vấn đề ô nhiễm khác đồng thời đem lại nguồn thực phẩm động – thực vật sạch cho người tiêu dùng. Công nghệ này có thể áp dụng tại hầu hết các tỉnh thành ở Việt Nam để kết hợp nuôi cá sạch và trồng rau thủy canh sạch, cung cấp cho người tiêu dùng ở cả quy mô lớn lẫn quy mô hộ gia đình. Đặc biệt, đó còn là đề tài nghiên cứu đầu tiên của PGS.TS Nguyễn Trung Thành thực hiện khi Trường ĐH An Giang trở thành trường thành viên của ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh. Nhờ đó, PGS. Thành và các giảng viên nhà trường có cơ hội được học hỏi kinh nghiệm từ ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh để không ngừng trau dồi, tích lũy kiến thức và nâng cao năng lực nghiên cứu.

Bên cạnh công tác nghiên cứu khoa học, hiện tại, PGS.TS Nguyễn Trung Thành còn phụ trách cương vị Trưởng phòng đào tạo tại Trường ĐH An Giang. Song hành nhiều vai trong công việc, PGS. Thành luôn nỗ lực, cố gắng để sắp xếp, cân đối thời gian hợp lý để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Chia sẻ về dự định trong tương lai, PGS.TS Nguyễn Trung Thành cho biết, anh và các thành viên trong nhóm nghiên cứu đang dần hoàn thiện bản thảo sách chuyên khảo về nước nhiễm phèn ở đồng bằng sông Cửu Long và ứng dụng trong tổng hợp vật liệu tiên tiến cho xử lý môi trường. Anh kỳ vọng rằng, đây sẽ là một đóng góp có ích để cung cấp nguồn tài liệu mang tính khoa học cho người học và các nhà nghiên cứu. Bên cạnh đó, PGS. Thành cũng dự định tìm kiếm các dự án trong và ngoài nước về việc khai thác nước nhiễm phèn, tro trấu,… để chế tạo các vật liệu tiên tiến vừa sản xuất liệu vừa cải thiện chất lượng môi trường tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đồng thời phát triển các giáo trình và tài liệu tham khảo phục vụ công tác đào tạo tại trường.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao tặng Danh hiệu Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2024 cho PGS.TS Nguyễn Trung Thành.

Ghi nhận những đóng góp, cống hiến ý nghĩa, thiết thực của PGS.TS Nguyễn Trung Thành trong công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng KHCN trong việc xử lý ô nhiễm môi trường, Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, Ban ngành đã trao tặng anh nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2022; Danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2023; Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ năm 2021;… nhiều năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh. Đặc biệt, tháng 8/ 2024 vừa qua, PGS.TS Nguyễn Trung Thành là 1 trong 135 nhà giáo, nhà khoa học của cả nước và là trí thức duy nhất của tỉnh An Giang được Liên hiệp các Hội KH & KT Việt Nam tôn vinh là Trí thức Khoa học & Công nghệ tiêu biểu năm 2024.

Tiến Đức