15/11/2024 lúc 11:20 (GMT+7)
Breaking News

PGS.TS Nguyễn Minh Tân: Nghiên cứu khoa học để đóng góp cho cộng đồng, xã hội

Mái tóc ngắn giản dị, nụ cười tươi cùng phong thái quyết đoán là những ấn tượng ban đầu thu hút người đối diện khi gặp gỡ, trò chuyện cùng PGS.TS Nguyễn Minh Tân - Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển Ứng dụng các Hợp chất Thiên nhiên (Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội). Dành nhiều tâm huyết trăn trở với bài toán tìm lối ra của nông sản Việt, PGS.TS Nguyễn Minh Tân đã có nhiều đóng góp đáng trân trọng qua các đề tài, công trình nghiên cứu thiết thực và ý nghĩa.

Hiện nay, một vấn đề nổi cộm trong nông nghiệp là nước ta có rất nhiều loại trái cây nhiệt đới chất lượng cao, nhưng năm nào nông sản cũng phải "giải cứu", do sản xuất manh mún, công nghệ sau thu hoạch lạc hậu, chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô. Việc kêu gọi người dân chung tay "giải cứu" chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài và mang tính căn cơ là nâng hàm lượng công nghệ của nông sản. Từ thực tế trên, PGS.TS Nguyễn Minh Tân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp (COSTAS) và các đồng nghiệp đã hợp tác với nhóm nghiên cứu của Giáo sư Samhaber, Viện Quá trình thiết bị (ĐH Johannes Kepler Linz, CH Áo) nghiên cứu, phát triển thành công công nghệ và thiết bị cô đặc dịch mẫn cảm nhiệt tại nhiệt độ thấp và áp suất thường (công nghệ JEVA). Với sự ra đời công nghệ cô đặc nước quả nhiệt đới tích hợp các quá trình màng – JEVA, PGS.TS. Nguyễn Minh Tân được biết đến như một nhà khoa học giải cứu nông sản bền vững bằng công nghệ xanh trong thời điểm dịch Covid – 19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Minh Tân - Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển Ứng dụng các Hợp chất Thiên nhiên (Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội)

Được biết, Công nghệ JEVA có một số lợi thế ưu việt so với các công nghệ cùng loại trên thị trường hiện nay. Ưu thế đầu tiên phải kể đến đó là, cùng với nguyên tắc tách nước từ dịch quả ép, nhưng công nghệ JEVA lại giữ được hương vị, màu sắc và các hoạt chất sinh học có lợi trong sản phẩm chế biến nhiều nhất so với các công nghệ cùng mục đích trên thế giới hiện nay. Đây là kết quả nghiên cứu chị và nhóm cộng sự chứng minh trong phòng thí nghiệm và đã công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học quốc tế. “Nông sản hay thuốc đông y, tây y, sau khi chiết tách đều phải cô lại. Và theo phương pháp của tôi thì các hoạt chất gần như không bị mất”, PGS.TS Nguyễn Minh Tân chia sẻ.Ưu thế thứ hai của JEVA chính là việc cải tiến được nhược điểm to, cồng kềnh, không dễ di chuyển của các công nghệ đang được ứng dụng rộng rãi hiện nay. Theo PGS Nguyễn Minh Tân, từ trước đến nay ở cả Việt Nam và trên thế giới, công nghệ này đều được đặt ở một nhà máy thật lớn và gần như việc di chuyển là không thể. Nhưng bây giờ, với nguyên lý mới của PGS Nguyễn Minh Tân, chiếc máy này được tạo ra chỉ nhỏ bằng một chiếc tủ lạnh, kèm theo bánh xe để di chuyển.Công nghệ JEVA với tên đầy đủ là công nghệ cô đặc nước quả nhiệt đới tích hợp các quá trình màng (Juice EVAporation Technology) và thiết bị cô đặc dịch mẫn cảm nhiệt tại nhiệt độ và áp suất thường có điểm cốt lõi là đưa ra cách kết hợp tối ưu giữa các quá trình màng MF, NF, RO và MD, kết hợp với hệ thống bay hơi bề mặt lạnh, cho phép chế biến nước quả tại điều kiện nhiệt độ thường, áp suất khí quyển nên sẽ tạo ra được sản phẩm có chất lượng tốt, giữ được hương vị tự nhiên của nước quả trong khi vẫn đạt được lượng chất khô rất cao (trên 70°Brix). Ưu điểm nữa của công nghệ JEVA là có thể cô đặc nước quả thông qua phương pháp tách nước từ dịch quả thực hiện tại nhiệt độ thấp (dưới 42°C) nên giữ được các vitamin, chất khoáng và hương vị tự nhiên của nguyên liệu đạt chất lượng xuất khẩu vào các thị trường khó tính châu Âu, Mỹ, Nhật,… Sản phẩm nước quả cô đặc được sản xuất từ công nghệ JEVA có nồng độ chất khô cao (khoảng 70°Brix) nên giảm thể tích vận chuyển, có thể bảo quản ở nhiệt độ thường trong thời gian dài mà không cần dùng bất cứ chất bảo quản nào.Đồng thời, hệ thống thiết bị có thể vận hành với nhiều qui trình khác nhau để chế biến nhiều loại nước quả khác nhau, vì vậy tăng được hiệu quả sản xuất, không lệ thuộc vào mùa vụ, có thể vận hành hệ thống quanh năm.Ví dụ, với các sản phẩm có tính chất nguyên liệu khác nhau, như nước ép chanh dây thường có nồng độ chất tan nằm trong khoảng 12-17°Brix và tương đối đục do có chứa nhiều xơ từ ruột quả, trong khi nước nước ép vải có độ trong cao hơn và thường có nồng độ chất tan nằm trong khoảng 14-16°Brix, việc dùng công nghệ cô đặc nhiệt sẽ đòi hỏi các dây chuyền thiết bị cô đặc với kích thước khác nhau. Tuy nhiên, nếu dùng công nghệ JEVA sẽ cho phép xử lý linh hoạt các nguồn nguyên liệu đầu vào trên cùng một hệ thống thiết bị. Nhóm nghiên cứu cũng đã tích hợp được các thiết bị vào container, tăng tính linh động về mặt địa lý của hệ thống thiết bị. Hệ thống thiết bị có thể được vận chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau để làm việc. Các công ty chế biến hoa quả quy mô nhỏ có thể thuê thiết bị thuộc sở hữu của công ty khác trong thời gian nhất định để sản xuất theo mùa vụ mà không nhất thiết phải đầu tư mua cả hệ thống thiết bị nếu không có nhu cầu vận hành trong thời gian dài.

Đáng chú ý là công nghệ JEVA không sử dụng hóa chất và có tiêu thụ năng lượng thấp hơn trên 80% so với quá trình cô đặc nhiệt thông thường. Khi vận hành, hệ thống thiết bị chỉ thải ra một lượng nhỏ nước có lẫn đường hoa quả trong nước quả. Lượng nước thải này có thể được pha loãng để đưa vào cùng xử lý với nước thải sinh hoạt tại cơ sở sản xuất hoặc được dẫn vào bể phốt của cơ sở chế biến. Như vậy, việc vận hành hệ thống thiết bị không gây ra các tác động bất lợi cho môi trường.Vì vậy, công nghệ JEVA đặc biệt thích hợp để được triển khai áp dụng tại các cơ sở chế biến rau quả tại Việt Nam với qui mô nhỏ, góp phần hình thành kênh tiêu thụ ổn định cho người nông dân ngay cả ở những vùng nguyên liệu thiếu tập trung và thường xuyên biến động.Hiện tại, trên thị trường quốc tế chưa có hệ thống thiết bị cùng loại, do đặc điểm ngành công nghiệp chế biến của các nước rất khác biệt, vậy nên công nghệ và hệ thống thiết bị JEVA còn có tiềm năng phát triển tốt tại các nước xuất khẩu sản phẩm cô đặc như Thái Lan, Malaysia, Srilanca, Ấn Độ…Với những giá trị khoa học và ưu điểm của công nghệ đã đáp ứng được nhu cầu cấp thiết hiện nay, Dự án “hỗ trợ thương mại hóa công nghệ của Hội Nữ trí thức Việt Nam” của Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp do Bộ KH&CN phê duyệt tại Quyết định số 1670/QĐ-BKHCN ngày 18/6/2018 đã lựa chọn công nghệ cô đặc dịch mẫn cảm nhiệt – JEVA của PGS.TS. Nguyễn Minh Tân để hỗ trợ thương mại hóa. Dự án đã hỗ trợ công nghệ của PGS.TS. Nguyễn Minh Tân tham gia Triển lãm Quốc tế về Sáng chế của phụ nữ do tổ chức WIPO, Cục sở hữu trí tuệ Hàn Quốc tài trợ và Hội Phụ nữ sáng chế Hàn Quốc là đơn vị tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc vào tháng 6 năm 2019. Tại đây, công nghệ cô đặc dịch mẫn cảm nhiệt - JEVA của PGS.TS. Nguyễn Minh Tân đoạt Huy chương Bạc.Hiện nay, PGS Nguyễn Minh Tân đang hỗ trợ công nghệ hai công ty tại tỉnh Hưng Yên để xây dựng nhà máy chế biến ba loại nông sản đó là cam, vải, nhãn ứng dụng công nghệ JEVA. Tiếp đó là tại tỉnh Bắc Kạn, chị cũng đang phối hợp với một công ty để xây dựng hệ thống chế biến quýt và mơ. Tháng 10 năm 2020, PGS. Nguyễn Minh Tân đoạt giải Best Innovation Award thuộc cơ cấu giải thưởng The Hitachi Global Foundation Asia Innovation Award do Quỹ Toàn cầu Hitachi (The Hitachi Golobal Foundation) với giải pháp ứng dụng công nghệ JEVA chế biến nông sản Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Minh Tân miệt mài làm việc, nghiên cứu trong chuyến công tác tại CHLB Đức.

Bên cạnh công nghệ JEVA, PGS Nguyễn Minh Tân đã có rất nhiều các công trình nghiên cứu khoa học khác liên quan đến ngành Quá trình Thiết bị Công nghệ Hoá học của chị. Một trong số đó phải kể đến là công nghệ xử lý nước thải của ngành dệt nhuộm bằng công nghệ Nano. Công nghệ này được chị và các đông nghiệp tại CHLB Đức phát triển trong khuôn khổ một đề tài hợp tác nghiên cứu khoa học Việt - Đức theo Nghị định thư. Theo đó, công nghệ đã được thí điểm tại Thành phố Đà Nẵng và đã cho kết quả khoa học rất tốt. Nhưng sau đó, công nghệ lại chưa được không được ứng dụng ở Việt Nam. Một công ty của Đức sau đó đã dựa vào kết quả nghiên cứu đó và sản xuất ra một dòng sản phẩm hiện đang được ứng dụng thành công ở các thị trường Châu Âu, Hàn, Nhật và đặc biệt là Trung Quốc.

Tiến Đức