PGS.TS Cao Đình Triều - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Địa Vật lý Việt Nam, Viện trưởng Viện Địa Vật lý Ứng dụng.
PGS.TS Cao Đình Triều sinh năm 1949, nguyên quán ông tại xã Minh Châu, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nghèo khó nhưng tràn đầy tình yêu thương. Vượt qua những khó khăn, gian khổ, những mất mát hy sinh ngay từ khi còn nhỏ, ông đã luôn nỗ lực, phấn đấu học tập những mong thành công trong sự nghiệp sau này. Đi qua cả những thử thách những ngày đất nước chìm trong bom đạn chiến tranh, miệt mài học tập, sau khi tốt nghiệp THPT với thành tích xuất sắc, ông vinh dự được cử đi học tại Liên Xô năm 1968. 6 năm học tập, nghiên cứu bên nước xa xôi, ông không ngừng tích lũy, trau dồi tri thức cho chặng đường sau này của mình. Để rồi, năm 1974, với những thành tích xuất sắc trong NCKH, ông nhận giải Nhì về hoạt động khoa học của sinh viên toàn Liên Xô, trong cuộc thi tìm hiểu về Lênin (khi Lênin mất) ông giành giải Nhất. Cũng năm đó, ông tốt nghiệp ĐH Dầu khí và Hóa học Bacu loại giỏi, chuyên ngành Tìm kiếm thăm dò dầu khí. Về nước, ông được nhận ngay vào công tác tại Viện Khoa học Việt Nam lúc bấy giờ và hiện nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và gắn bó từ đó đến nay. Tiếp tục theo đuổi sự nghiệp học tập, năm 1983, ông bảo vệ thành công Luận án TS, được đặc cách bảo vệ trong nước với đề tài Cấu trúc sâu vỏ Trái đất, Luận án TS của ông đã giải quyết các vấn đề nghiên cứu phục vụ dự báo sinh khoáng và hoạt động động đất. Năm 1984, sau khi thành lập Trung tâm Vật lý Địa cầu, ông chuyển hướng đi sâu hơn về lĩnh vực Vật lý địa cầu. Từ năm 1987 đến năm 2011, với năng lực chuyên môn và kinh nghiệm, ông nắm giữ cương vị Trưởng phòng Địa động lực. Từ năm 2011 đến nay, ông là Viện trưởng Viện Địa vật lý ứng dụng. Có thể nói, với PGS.TS Cao Đình Triều, dù ở bất kỳ cương vị nào, một cán bộ nghiên cứu viên tận tụy, một nhà khoa học nhiệt thành hay nhà quản lý tâm huyết, ông vẫn luôn nhận được sự kính trọng, nể phục của đồng nghiệp.
Trong công tác NCKH, PGS.TS Cao Đình Triều đã thực hiện nhiều đề tài, dự án nghiên cứu cơ bản và phát triển do Nhà nước tài trợ và hợp tác quốc tế, có 175 bài báo khoa học công trình công bố trong nước và quốc tế và 24 cuốn sách là giáo trình, sách chuyên khảo và giáo dục cộng đồng. Các hướng khoa học, đề tài NCKH ông chủ yếu nghiên cứu suốt hơn 40 năm trong ngành Vật lý địa cầu là : “Nghiên cứu cấu trúc sâu, kiến tạo và địa động lực thạch quyển trái đất; Nghiên cứu trường ứng suất và biến dạng; nghiên cứu điều kiện phát sinh và dự báo động đất lãnh thổ Việt Nam và kế cân trên cơ sở tài liệu địa chất – địa vật lý”. Tiêu biểu trong số các đề tài thuộc chương trình cấp NN và cấp Bộ phải kể đến như : “Thiết lập hệ phương pháp hợp lý nghiên cứu dự báo động đất lãnh thổ Việt Nam; Nghiên cứu dự báo động đất mạnh khu vực Đông Nam Châu Á có nguy cơ gây sóng thần ảnh hưởng đến bờ biển và hải đảo Việt Nam; Đánh giá tác động động đất đến tai biến môi trường khu vực hồ thuỷ điện Hoà Bình và Sơn La; Nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư Tây Bắc Việt Nam về tai biến động đất; Đánh giá mức độ phá hoại và giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do động đất gây ra trên lãnh thổ Việt Nam; Đánh giá tác động của quá trình tai biến địa động lực và động đất đến đập thuỷ điện Bản Vẽ; Đánh giá nhanh tình hình động đất khu vực thủy điện Sơn La và lân cận; Đánh giá hoạt động địa động lực đến tình trạng sụt lở đất và hình thành “hố tử thần” khu vực Đông Nam Bộ;Nghiên cứu cổ động đất, cổ sóng thần ven biến Nghệ Tĩnh phục vụ cho dự báo động đất và sóng thần; Đánh giá và phân vùng các tai biến môi trường dọc đường quốc lộ từ Hà Nội đi các tỉnh Tây Bắc. Đề xuất các giải pháp kỹ thuật - công trình và mô hình phòng ngừa, khắc phục tai biến môi trường; Nghiên cứu địa động lực hiện đại, đứt gãy hoạt động và tai biến tự nhiên có liên quan (động đất, trượt lở, nứt sụt đất) ở các lưu vực sông Cả-Rào Nậy, đề xuất các biện pháp ứng phó giảm nhẹ thiên tai phục vụ quy hoạch xây dựng các công trình trên khu vực”…
Bận rộn với công tác NCKH, PGS.TS Cao Đình Triều vẫn luôn dành thời gian hợp tác với các cơ sở ĐH cả nước trong sự nghiệp đào tạo các nhà nghiên cứu trẻ có trình độ và có tâm huyết với đất nước. Là giảng viên kiêm nhiệm cho các trường ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội từ năm 1999, ông đã giảng dạy và hướng dẫn cho nhiều sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh… Ngoài ra, ông cũng tích cực biên soạn sách, tài liệu về đề tài cấu trúc bên trong Trái đất, địa động lực, kiến tạo, động đất, các giáo trình đại học và trên đại học và các sách giáo dục cộng đồng. Trong đó có thể kể đến nhiều cuốn sách có giá trị to lớn hiện đã và đang là tài liệu tham khảo có giá trị khoa học như: Kiến tạo đứt gãy lãnh thổ Việt Nam, Trường địa vật lý và cấu trúc thạch quyển lãnh thổ Việt Nam, Tai biến động đất ở Việt Nam, Tai biến động đất và biện pháp phòng tránh giảm nhẹ thiệt hại, Địa động lực hiện đại lãnh thổ Việt Nam, Biến dạng kiến tạo Biển Đông Việt Nam và vùng kế cận trong Kainozoi và Tiếp cận thông kê hiện đại và trí tuệ nhân tạo (AI) trong nghiên cứu động đất. Bên cạnh đó, PGS.TS Cao Đình Triều đã tổ chức, đồng tổ chức và tham gia nhiều hội thảo, hội nghị khoa học trong nước và quốc tế. Ngay từ năm 1999, ông đã bắt tay vào việc quảng bá, bắt đầu từ hội nghị IUGG1999 tại Bermingham (Anh quốc). Đến năm 2000, một mình ông mở ki ốt để triển lãm tại Hội nghị Hội Địa vật lý Mỹ ở San Francisco để quảng bá và tuyên truyền cho hội nghị khoa học ở Việt Nam.Bên cạnh việc tổ chức, tham gia Hội thảo, Hội nghị trong nước, tham gia hoạt động Hội và hợp tác quốc tế, PGS.TS Cao Đình Triều có quan hệ chặt chẽ với Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba ở Triest (Italy), Đại học tổng hợp Triest, Đại học Mỏ Kracov (Ba Lan), Viện Hàn lâm Khoa học Ucrain, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Bang Nga,… Đã từng là Phó chủ tịch Hội Địa chấn Châu Á trong hai nhiệm kỳ liên tiếp (2004-2008 và 2008-2012). Là Tổng thư ký của hai hội nghị Khoa học quốc tế lớn ở Việt Nam: Hội nghị quốc tế IAGA-IASPEI 2001 về Địa từ - Cao không (IAGA) và Địa chấn - Cấu trúc bên trong trái đất (IASPEI); Hội nghị quốc tế Hội địa chấn Châu Á năm 2010. Năm 2007 ông được mời tham gia nhóm Hội đồng Khoa học quốc tế về thảm họa thiên tai Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ICSU - ROAP) (Hội đồng gồm 8 thành viên do chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Malaysia làm chủ tịch), biên soạn tài liệu về định hướng nghiên cứu thảm họa và thiên tai. Các vấn đề về Lũ lụt, Trượt – lở đất, Động đất – Sóng thần và vấn đề Các đảo nhỏ trong điều kiện biến đổi khí hậu được đặc biệt quan tâm. Về đề tài này, ông và GS. Gupta (người Ấn Độ) chịu trách nhiệm về mảng động đất – sóng thần.
Ghi nhận những đóng góp, cống hiến đáng tự hào xuyên suốt chặng đường dài sự nghiệp quản lý, NCKH và đào tạo đã qua của ông, PGS.TS Cao Đình Triều đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, Ban ngành trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý.