Hà Long là xã Nông thôn mới của huyện Hà Trung, những năm qua, cùng với sự phát triển chung của cả nước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Long đã có những tiến bộ đáng kể; Đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận Nhân dân ngày càng được cải thiện, bộ mặt làng quê ngày càng đổi mới, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp, các giá trị truyền thống văn hóa từng bước được phát huy, trường lớp khang trang, công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm thu được nhiều kết quả quan trọng, hệ thống chính trị cơ sở được tăng cường, quyền dân chủ được phát huy, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Những kết quả thiết thực đó là nền tảng để xã Hà Long vượt khó, tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.
Những năm qua, người dân xã Hà Long đã không ngừng nỗ lực, cố gắng tìm cách khai thác lợi thế của vùng bán sơn địa để phát triển kinh tế vườn đồi, thay vì diện tích trồng lúa, mía, dứa kém hiệu quả, người dân xã Hà Long đã nhân rộng mô hình trồng ổi lê theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn xã Hà Long có 4 sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo mô hình VietGap, trong đó có 2 sản phẩm được tỉnh công nhận đạt OCOP gồm: Gạo nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang (sản phẩm OCOP 3 sao), sản phẩm ổi Lê Quý Hương (OCOP 3 sao), Dứa Queen và bưởi ruột hồng. Đặc biệt, sản phẩm ổi Lê Quý Hương đem lại nguồn thu nhập cao và cải thiện cuộc sống cho bà con Nhân dân ở địa phương, góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của Hà Long.
Giống ổi lê trồng trên đất Quý Hương, xã Hà Long huyện Hà Trung, được các hộ dân mua từ Học viện Nông nghiệp về trồng, quả có hình dạng như quả lê, quả to trung bình 300gam, quả to nhất 700gam. Ổi chín có màu trắng, dày cùi, ít hạt, có vị ngọt, giòn, mùi thơm đặc trưng. Mặc dù ổi lê không phải là giống cây trồng truyền thống của địa phương, nhưng du nhập vào chân đất nơi đây và được người dân xã Hà Long dày công chăm sóc, đang mang lại giá trị kinh tế lớn.
Phát huy lợi thế đất đai, thời gian qua, xã Hà Long đã vận động người dân chuyển đổi cây lúa, đất trồng mía, dứa giá trị kinh tế thấp sang trồng ổi và đã thu hút được nhiều hộ dân tham gia. Từ hiệu quả kinh tế bước đầu, năm 2021, Hội Nông dân xã Hà Long đã vận động 5 hộ dân trong xã có nhiều diện tích ổi (nhiều nhất 2,5ha) tại các khu vực vườn làng, Đồng Rào, Gò Hóp, Đồng Ngang liên kết thành lập Tổ hợp tác trồng ổi lê theo tiêu chuẩn VietGAP. Hội Nông dân xã còn phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các hộ dân nắm được kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào trồng ổi.
Để tạo dựng được thương hiệu cho sản phẩm, Tổ hợp tác được UBND xã Hà Long hỗ trợ 30 triệu đồng, Hội Nông dân huyện hỗ trợ 20 triệu đồng để các hộ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau thời gian ngắn triển khai thực hiện, tháng 11/2021 sản phẩm ổi lê Quý Hương của xã Hà Long đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, góp phần tạo thêm động lực cho các thành viên tiếp tục sản xuất. Nhận thấy tiềm năng phát triển của ổi lê đã và đang mang lại giá trị kinh tế cao, tháng 4/2022, 15 thành viên của Tổ hợp tác trồng ổi lê đã thành lập và ra mắt Hợp tác xã Dịch vụ Thương mại Quý Hương với vốn điều lệ 150 triệu đồng, trụ sở làm việc tại thôn Gia Miêu, đưa diện tích trồng ổi lê từ 4 ha tăng lên 20ha, thu nhập bình quân đạt từ 400 – 500 triệu đồng/ha/năm. Đến nay, toàn xã có gần 200ha trồng ổi lê dải rác trên địa bàn toàn xã, trong đó theo tiêu chuẩn VietGap, OCOP là gần 20 thành viên với 75ha, tập trung tại các thôn Đồng Toàn, Đồng Hậu, Quảng Bình là nhiều nhất. Kết quả trên thể hiện những chuyển biến lớn trong tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa và nỗ lực làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương của người dân xã Hà Long.
Bén duyên với cây ổi lê từ nhiều năm nay, gia đình anh Trịnh Xuân Hoà, thành viên của HTX Dịch vụ Thương mại Quý Hương, là một trong những hộ dân tiên phong phát triển mô hình trồng ổi lê theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hà Long. Đưa chúng tôi đi thăm mô hình, anh Hoà chia sẻ: “Gia đình có diện tích hơn 1ha với 2000 cây ổi lê, đem lại thu nhập từ 60 -70 tấn/1 năm, trừ chi phí thì lợi nhuận khoảng gần 400 triệu/năm. Năng suất ổn định, cây ổi quanh năm thu hoạch, không ảnh hưởng bởi thời tiết, khí hậu. Đầu ra luôn ổn định, các thương lái tự chủ động đến tại vườn để mua, công chăm sóc không nhiều, đem lại kinh tế ổn định cho gia đình”.
Qua quá trình tìm hiểu của chúng tôi được biết, quá trình trồng cây ổi lê Quý Hương theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hà Long cho thấy: Ổi lê rất dễ trồng, phù hợp với đất thịt, đất cát pha, độ pH của đất trồng từ 4,5 – 8,2. Mật độ trồng tùy thuộc vào từng chân đất và khả năng thâm canh, có thể 3m x 4m (mật độ 600 cây/ha). Ổi lê có thể trồng quanh năm hoặc vào đầu mùa mưa đất ẩm, trồng mùa khô phải đủ nước tưới. Trồng từ 2 - 3 hàng ổi/rãnh thoát nước, thực hiện tưới cây nhỏ giọt tiết kiệm, hoặc máy bơm tưới nước theo hệ thống vòi nhựa cho cây đảm bảo độ ẩm, tỉa cành và tạo hình để cho cây chỉ có một thân chính mọc chồi, phân tán thành nhiều tầng lá… Sau khoảng 4 đến 5 tháng, cây ổi bắt đầu ra hoa và thụ quả. Để cây có đủ chất dinh dưỡng nuôi quả người nông dân sẽ tiến hành tỉa bớt hoa, quả, chỉ giữ lại những quả đẹp nhất của mỗi chùm. Khi quả đạt kích thước 2 - 3cm, người dân bắt đầu bọc quả ổi bằng mút xốp và bao nilon giúp hạn chế sâu bệnh, ngăn chặn các loại côn trùng, giúp đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng. Chu kỳ cây ổi phát triển từ 5 - 6 năm hoặc dài hơn tùy theo kỹ thuật chăm sóc. Ổi lê cho năng suất khá cao, từ 3 năm trở đi đạt từ 25 – 50 tấn/ha, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân.
Trái ổi lê Quý Hương sau khi thu hoạch được bán cho tư thương trong tỉnh, ngoài tỉnh như Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đến mua tận vườn. Với việc được trồng đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng cao, giá thành phải chăng, có tem nhãn, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, ổi lê Quý Hương ngày càng được nhiều khách hàng ưa chuộng và tìm hiểu, sử dụng như một loại quả tươi ngon, sạch, giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe.
Theo đồng chí Nguyễn Hữu Thành – Chủ tịch UBND xã Hà Long chia sẻ: “Mô hình trồng ổi lê đang là hướng đi đúng cho người dân xã Hà Long trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng và cho thu nhập cao hơn từ 3 đến 5 lần so với các cây trồng khác như lúa, mía, dứa. Nhận thấy được hiệu quả mang lại kinh tế cao từ cây ổi lê là một trong những cây trồng ăn quả chủ lực của địa phương, đem lại sức sống mới cho vùng đất nơi đây. UBND xã Hà Long đã từng bước định hướng cho các hộ dân sản xuất, chăm sóc ổi lê theo tiêu chuẩn VietGAP và hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu ổi lê Quý Hương – là tên vùng trồng loại ổi lê này cũng chính là nơi phát tích Vương triều Nguyễn. Bên cạnh đó, xã hỗ trợ tập huấn để chuyển giao kỹ thuật về quy trình trồng và chăm sóc ổi lê Quý Hương cho người dân. Đồng thời, xã còn đầu tư làm đường giao thông, hệ thống kênh mương tưới tiêu đến tận vườn ổi lê cho các hộ sản xuất. Cùng với đó, chú trọng công tác tuyên truyền quảng bá, hỗ trợ Hợp tác xã làm sản phẩm OCOP. Trồng ổi lê chi phí đầu tư thấp, thu nhập nhanh, nên quan trọng nhất vẫn là nhận thức của người dân, quyết tâm làm giàu”.
Có thể khẳng định mô hình sản xuất ổi lê Quý Hương theo tiêu chuẩn VietGAP ở Hà Long đã mang lại hiệu quả rõ nét cho người dân, cả về mặt hiệu quả kinh tế và xã hội. Tin tưởng rằng, thương hiệu ổi lê Quý Hương ngày càng phát triển rộng rãi hơn nữa, góp phần đưa xã Hà Long ngày một phát triển văn minh và giàu đẹp./.