22/10/2024 lúc 19:29 (GMT+7)
Breaking News

OCOP Quảng Trị: Công ty Từ Phong đưa cây lạc lên tầm mới

Đau xót khi thấy cây lạc trên quê hương bị ép với giá rẻ, anh Từ Linh Nhân đã quyết định xây dựng nhà máy sản xuất tinh dầu lạc và các phụ phẩm từ lạc nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và tạo ra nguồn thu nhập cao cho người dân.

Lạc là một trong những cây trồng chủ lực ở các địa phương như Cam Lộ, Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Đakrông (Quảng Trị) với diện tích canh tác hàng năm khoảng hơn 3.000 ha, trong đó diện tích canh tác lạc ở huyện Cam Lộ hàng năm từ 1.000 - 1.200 ha, với năng suất hàng năm từ 1.500 - 2.000 tấn lạc hàng hóa.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ lạc đều do các hộ kinh doanh chế biến và tiêu thụ, với giá cả bấp bênh, không ổn định; chưa có tổ chức, doanh nghiệp nào đứng ra ký kết bao tiêu sản phẩm, đặc biệt là sản xuất các sản phẩm từ lạc nhằm tạo ra chuỗi giá trị tăng thêm bền vững cho người nông dân và địa phương. Đứng trước thực trạng trên, doanh nghiệp Từ Phong ở Cam Lộ đã đi tiên phong trong việc chọn cây lạc đưa vào sản xuất, kinh doanh.

Trao đổi với PV, anh Từ Linh Nhân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Từ Phong cho biết, gia đình anh có 20 năm gắn bó với cây lạc và tìm đầu ra bền vững cho cây lạc ở Cam Lộ, tuy nhiên vẫn chỉ mới dừng lại ở việc thu mua và xuất thô sang thị trường Trung Quốc. Sau nhiều năm tìm hiểu kinh nghiệm sản xuất dầu lạc của nhiều nhà máy trong nước, đầu năm 2015, anh quyết định xây dựng nhà máy sản xuất tinh dầu lạc và các phụ phẩm từ lạc. Quyết định của anh Nhân đã được các cấp, ngành địa phương ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi về mặt bằng tại Cụm công nghiệp Tân Thành, huyện Cam Lộ với diện tích hơn 7.000 m2 cùng nhiều cơ chế chính sách thông thoáng khác.

Mùa thu hoạch lạc 

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ 70 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công nhằm triển khai dự án. Giai đoạn 1, doanh nghiệp đầu tư nguồn vốn 4,5 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua sắm các máy móc hiện đại như máy bóc vỏ lạc, máy xay lạc nhân, máy ép dầu, máy lọc dầu, hệ thống máy in ấn bao bì, đóng chai với công suất 1.000 tấn sản phẩm/năm bao gồm tinh dầu và phụ phẩm (khô dầu, vỏ lạc). Tháng 5/2015, dây chuyền sản xuất tinh dầu lạc và các phụ phẩm của Công ty TNHH MTV Từ Phong chính thức đi vào hoạt động. Sản phẩm chủ lực của nhà máy chính là sản phầm tinh dầu lạc mang thương hiệu Super Green được ép nguyên chất từ hạt lạc được trồng trên vùng đất Cam Lộ.

Sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao chuẩn bị ký kết hợp đồng xuất khẩu

Sau khi sản phẩm dầu lạc mang thương hiệu Super Green đưa vào thị trường đã được người tiêu dùng đón nhận, 100% sản phẩm đã được tiêu thụ và nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. Hiện thị trường tiêu thụ chính là trong tỉnh và một số cửa hàng bán thực phẩm sạch trên địa bàn các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Trao đổi nghiệp vụ trong sản xuất kinh doanh tại công ty

Theo anh Nhân, so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, dầu lạc Super Green của doanh nghiệp có giá bán cao hơn, cụ thể giá bán 1 lít là 110.000 đồng nhưng vẫn tạo được sự cạnh tranh bởi bởi tính ưu việt của sản phẩm. Tính ưu việt của sản phẩm được làm từ 100% hạt lạc có chất lượng của địa phương, được ép nguyên chất từ 2,5 kg lạc nhân cho ra 1 lít dầu, đặc biệt sản phẩm không sử dụng chất làm màu, phụ gia. Bên cạnh đó, công dụng của dầu lạc không chứa cholesterol, có hàm lượng chất chống oxy hóa (polyphenol, resveratrol, phytosterol) giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch và ung thư, ngăn ngừa lão hóa đã được các cơ quan chức năng chứng nhận; lượng dùng trong chế biến thực phẩm chỉ bằng 1/3 so với các sản phẩm thông thường.

Thời gian tới, anh Nhân cho biết sẽ tiếp tục mở rộng quy mô nhà máy, nâng công suất tiêu thụ và chế biến, đồng thời triển khai các dự án sản xuất thức ăn gia súc, phân bón từ phụ phẩm lạc. Bên cạnh đó, sẽ tiến hành ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người nông dân theo hướng bền vững, trong đó hướng đến chung tay cùng người nông dân chú tập trung sản xuất có chất lượng, đồng thời mở rộng địa bàn thu mua trong và ngoài tỉnh.

Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ từ nhà nước. Trong đó, các cấp, các ngành cần có chính sách khuyến khích đầu tư, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại để sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường, khẳng định một thương hiệu thực phẩm sạch của địa phương, đồng thời góp phần giải quyết đầu ra ổn định cho cây lạc theo hướng bền vững.

Phan Tiến - Anh Bình

...