15/01/2025 lúc 23:45 (GMT+7)
Breaking News

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam: Mạch nguồn quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước

Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng nhất của nước ta, cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Mặc dù ngày nay cơ cấu kinh tế nói chung đã có những thay đổi đáng kể, nhưng kinh tế nông nghiệp vẫn được coi là trụ đỡ của nền kinh tế đất nước. Vai trò, vị thế của nông nông dân, nông nghiệp, nông thôn (còn gọi là “Tam nông”), vì vậy hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Đảng và Chính phủ đã có những chiến lược cùng nhiều chủ trương, chính sách quan trọng đối với “Tam nông”. Công cuộc phát triển nông nghiệp, nông thôn và không ngừng nâng cao vai trò, vị thế và đời sống của người nông dân đã đạt được những thành quả to lớn...

Ảnh minh họa - Internet

Kỳ 2: 

PHÁT TRIỂN “TAM NÔNG” – THÀNH QUẢ LỚN LAO VÀ HẠN CHẾ CẦN KHẮC PHỤC

Phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn - Những thành quả lớn lao

Có thể nói, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X (từ 2008) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng:  Nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng hiện đại; phát triển về quy mô, trình độ sản xuất, chất lượng tăng trưởng. Thị trường tiêu thụ được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn. Cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn có sự chuyển hướng tích cực; xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước thời hạn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp đồng bộ, hiện đại hơn. Đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Nông dân có bước trưởng thành, mạnh dạn đổi mới tư duy, sáng tạo trong cách làm, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến sản xuất kinh doanh giỏi trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, toàn quốc đã có hơn 73% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM), 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM và 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM; đến hết năm 2022 có 5 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (Đồng Nai, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương). Ở nông thôn còn rất ít nhà cấp 4 đơn sơ, nhà cao tầng mọc lên san sát, giao thông được bê tông hóa kiên cố; các công trình văn hóa được đầu tư xây dựng góp phần nâng cao đời sống văn hóa của người dân…

Diện mạo ấn tượng của một làng quê Nông thôn mới (Ảnh: Cần Thơ Online)

Thành tựu phát triển “Tam nông” còn được thể hiện qua những con số sau đây: Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp đạt từ 2,8% đến 3%/năm (được xem là tốc độ cao của thế giới). Đặc biệt, tính đa dạng về sinh thái, thổ nhưỡng, sinh học, đất đai màu mỡ, nguồn nước ngọt dồi dào, nhân lực trẻ khá phong phú, cho phép các hộ nông dân - hạt nhân của hợp tác xã, cùng các doanh nghiệp sử dụng có hiệu quả hơn 10 triệu héc-ta đất canh tác nông nghiệp và hơn 14 triệu héc-ta rừng để sản xuất được cả ba nhóm nông sản nhiệt đới, á nhiệt đới, ôn đới với hàng nghìn giống cây, con, thổ sản quý hiếm. Trong giai đoạn hiện nay, hằng năm Việt Nam sản xuất được trên 45 triệu tấn thóc, 5 triệu tấn ngô, 5,8 triệu tấn thịt các loại, 8 triệu tấn thủy sản cả khai thác tự nhiên và nuôi trồng; gần 20 triệu mét khối gỗ rừng trồng; sản lượng cà-phê thô đứng thứ hai trên thế giới; hạt tiêu đứng đầu thế giới; cao-su đứng thứ sáu trên thế giới; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng cho nhu cầu của gần 100 triệu dân trong nước và dành phần xuất khẩu đạt trên 45 tỷ USD đến 190 nước trên thế giới. Thành tựu đó đã đưa tỷ lệ nghèo giảm đáng kể, đem đến những cải thiện trong hầu hết các chỉ số về năng suất, vốn và vốn nhân lực.

Đúng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Nông nghiệp có bước chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng và hiệu quả, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế; kinh tế nông thôn tiếp tục phát triển; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành sớm hơn gần hai năm so với kế hoạch đề ra, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân”.

Trên tinh thần định hướng chung của các Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cần tiếp tục quan tâm đầy đủ, toàn diện và đứng mức hơn về người nông dân (địa vị chính trị, thân phận xã hội, vai trò kinh tế). Nói như vậy là vì, lâu nay do quan tâm nhiều hơn đến sản xuất nông nghiệp, đến phát triển kinh tế nông thôn, đến đóng góp của ngành nông nghiệp vào GDP, nên vai trò và vị trí của người nông dân cũng chưa được đặt đúng tầm. Nay phải thay đổi để người nông dân thực sự là chủ thể, có nhiều điều kiện hơn để phát triển và nâng cao đời sống, vị thế của mình, đóng góp tốt hơn vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Những hạn chế và giải pháp khắc phục hạn chế trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn ở nước ta còn có những hạn chế mà để đẩy nhanh sự phát triển, nhất định phải khắc phục, đổi mới.

Đâu là hạn chế?

Những hạn chế chủ yếu bao gồm: Sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào nông hộ nhỏ, không có điều kiện đầu tư hiện đại hóa trong sản xuất; chất lượng, hiệu quả, năng suất chưa cao; công nghiệp chế biến phát triển chậm; nhiều nguyên liệu đầu vào phụ thuộc nhập khẩu. Việc xây dựng NTM còn nghiêng về đầu tư cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng đúng mức đến phát triển sản xuất, tạo sinh kế, việc làm cho người dân. Quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế, nhất là vấn đề phát thải khí metal trong sản xuất nông nghiệp. Thu nhập của phần lớn nông dân còn thấp, có sự chệnh lệch với thành thị và giữa các vùng, miền; tỉ lệ hộ nghèo còn cao. Cùng với đó là những khó khăn, thách thức đến từ sự gia tăng rào cản kỹ thuật, bảo hộ ngành nông sản, các chuẩn mực cao trong sản xuất, kinh doanh nông sản từ bên ngoài; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; nhu cầu tiêu dùng chuyển mạnh sang các sản phẩm chất lượng cao, sạch, hữu cơ, an toàn sức khỏe, thân thiện môi trường, gắn với trách nhiệm xã hội; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt tác động trực tiếp sản xuất nông nghiệp, địa bàn nông thôn.

Bên cạnh đó là một số bất cập giữa yêu cầu và hiện thực phát triển: Nói đến phát triển nông thôn là nói đến các nội dung về không gian kinh tế, hạ tầng, dịch vụ công, nghèo đói, bản sắc văn hóa, suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường... Nhưng thực trạng nông thôn hiện nay vẫn còn thiếu quy hoạch phát triển, hạ tầng yếu kém, dịch vụ công vừa thiếu, vừa kém hiệu quả, chi phí cao, quản lý tài nguyên bất cập, môi trường bị ô nhiễm... Nói đến nông dân là nói đến số lượng và chất lượng cuộc sống của người nông dân, như thu nhập, tổ chức dân cư, liên kết cộng đồng, giám sát xã hội, dân chủ hóa, dân trí... Nhưng tình trạng nông dân hiện nay vẫn còn những bất cập là: thu nhập thấp, bấp bênh, ly nông, ly hương bất đắc dĩ, thiếu việc làm, đối mặt với nhiều loại tệ nạn xã hội, dân chủ bị vi phạm, chất lượng sống thấp, vị thế thấp, tiếp cận dịch vụ công yếu, thiếu bình đẳng ... Đây là những vấn đề liên quan nhiều đến cơ chế, chính sách, đầu tư và công tác quản lý ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Tác giả bài viết thăm một vùng chè sạch ở Mộc Châu – Sơn La

Giải pháp khắc phục

Để Chiến lược phát triển “Tam nông” đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (theo tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương) được triển khai thực hiện có kết quả, điều quan trọng là các cơ quan chức năng đưa ra được những giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế đã nêu ở trên và thực hiện có hiệu quả những mục tiêu mà Nghị quyết đã xác định. 

Các giải pháp đưa ra cần tập trung vào việc xây dựng và hoàn thiện một số nội dung cụ thể mà hiện chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; như: Đẩy mạnh thực hiện quá trình chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng sinh thái; Phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Giải pháp xây dựng nông thôn mới hiện đại gắn với đô thị hóa, đi đôi với tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng; Có chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, đủ sức tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Hướng tới xây dựng đội ngũ nông dân văn minh, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Làm sao để phát triển khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực then chốt cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số; nông nghiệp, nông thôn chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp. Hiện nay, việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng và nhiều thủ tục liên quan đến đất đai, vay vốn, xây dựng, môi trường, vẫn còn là những điểm nghẽn làm mất nhiều thời gian, làm giảm hiệu quả đầu tư. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chính sách đất đai. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội một cách đúng đắn. Cùng với đó, cần có giải pháp nâng cao vai trò, vị thế, năng lực và khả năng làm chủ công nghệ của người nông dân, để có thể làm giàu từ nông nghiệp. Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất, nghiên cứu để có chính sách tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất phục vụ đầu tư hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp; tăng đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn; tín dụng ưu đãi; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư với vai trò dẫn dắt của Nhà nước.

Về dài hạn, để có được tầng lớp nông dân mới, có 2 vấn đề cần thực hiện cho được: Trước tiên là đào tạo họ thành các nông dân chuyên nghiệp, thích làm ruộng, biết làm ruộng, gắn mình với đồng quê, biết tôn trọng thiên nhiên và dám làm giàu cho mình và cho cộng đồng từ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Tiếp đến, Nhà nước trao quyền cho họ, và cùng họ vận hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo cơ chế thị trường.

Đối với vấn đề phát triển nông thôn, rất cần nghiên cứu để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế khu vực nông thôn, gắn với tiến bộ xã hội, chú trọng đến vấn đề công bằng trong phát triển. Cần tăng phúc lợi từ điều chỉnh lợi ích xã hội, Nhà nước chịu trách nhiệm về việc điều chỉnh và phân phối phúc lợi này.  Mặt khác, để xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, cần giải quyết được 3 nút thắt trong kinh tế nông thôn, đó là: kết cấu hạ tầng, chất lượng nhân lực và quản trị cộng đồng

Đặng Đình Chấn

...