15/01/2025 lúc 23:51 (GMT+7)
Breaking News

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam: Mạch nguồn quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước

Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng nhất của nước ta, cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Mặc dù ngày nay cơ cấu kinh tế nói chung đã có những thay đổi đáng kể, nhưng kinh tế nông nghiệp vẫn được coi là trụ đỡ của nền kinh tế đất nước. Vai trò, vị thế của nông nông dân, nông nghiệp, nông thôn (còn gọi là “Tam nông”), vì vậy hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Đảng và Chính phủ đã có những chiến lược cùng nhiều chủ trương, chính sách quan trọng đối với “Tam nông”. Công cuộc phát triển nông nghiệp, nông thôn và không ngừng nâng cao vai trò, vị thế và đời sống của người nông dân đã đạt được những thành quả to lớn...

Toàn cảnh Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 5 Khóa XIII (Ảnh: ĐCSVN)

Kỳ 1: CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VỀ “TAM NÔNG”

Vai trò, vị thế của nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong hành trình phát triển đất nước

Nước ta là một nước nông nghiệp, nông dân và nông thôn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng dân số và địa bàn sinh sống của dân cư. Mặc dù ngày nay cơ cấu kinh tế nói chung đã có những thay đổi đáng kể, nhưng kinh tế nông nghiệp vẫn được coi là trụ đỡ của nền kinh tế đất nước. Vai trò, vị thế của nông nông dân, nông nghiệp, nông thôn (còn gọi là “Tam nông”), vì vậy hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 5 Khóa XIII (05 – 10/6/2022) đã thông qua việc ban hành Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ngày 16/6/2022 Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghi quyết khẳng định: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế…”.  Trong đó: “Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới”; “Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế”.

Không phải đến Nghị quyết 19, Đảng ta mới xác định vai trò, vị thế quan trọng của “Tam nông”, nhưng Nghị quyết 19 nêu đầy đủ và làm rõ hơn vấn đề này để cán bộ, nhân dân nhận thức đầy đủ hơn.

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân diễn ra tại tỉnh Sơn La ngày 29/5/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: “Chúng ta cần tiếp tục nhận thức đúng về vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát huy sức mạnh, vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải gắn liền với sự phát triển khu vực nông thôn và nâng cao trình độ của người nông dân. Mục tiêu là phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Thực tế đã chứng tỏ: Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng nhất của nước ta, cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai; đó là “nền kinh tế lấy canh nông làm gốc”. Thời gian trước đây, chúng ta cũng đã từng quyết tâm xây dựng nền kinh tế “thoát nông”, lấy ưu tiên phát triển công nghiệp nặng làm nền tảng, làm “then chốt”, theo mô hình phát triển đã qua của các cường quốc công nghiệp, nhưng không thành công. Đối với nước ta phải lấy nông nghiệp làm điểm tựa cho công cuộc công nghiệp hóa đất nước thì mới thực hiện công nghiệp hóa thành công.

Với tinh thần như vậy, chúng ta cần quán triệt quan điểm: Nông nghiệp, nông thôn, nông dân là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội. Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển, mục tiêu cao nhất là lợi ích của người dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn; xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, văn minh, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với đô thị, môi trường xanh, sạch đẹp. Chủ trương, quan điểm của Đảng cũng khẳng định những nội dung cơ bản đó.

Đến năm 2030 vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động (Ảnh: Chinhphu.vn) 

Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề “Tam nông”

Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt về vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chiến lược quan trọng khẳng định vai trò, vị thế của nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong tiến trình phát triển đất nước. Trong đó, phát triển nông thôn theo hướng hiện đại là quyết tâm chính trị của Đảng, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, trình độ và năng lực làm chủ của người dân, để nông dân và người dân nông thôn thực sự là trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, không ngừng nâng cao vị thế làm chủ của người dân nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển của đất nước. Đồng thời phát triển nông thôn toàn diện với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; bảo đảm mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản và có chất lượng; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Từ quan điểm xuyên suốt ấy, Trung ương đã (và sẽ) ban hành các Nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông thôn; bao gồm các chiến lược nhằm giúp cho nông nghiệp có thể phát huy hết tiềm năng, lợi thế để phát triển, nhất là đối với những vùng có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp. Đồng bằng sông Cửu Long là một vùng như vậy. Chẳng hạn với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 28/2/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó chỉ rõ: Phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới; chú trọng phát triển đồng bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Các Nghị quyết về “Tam nông” nhằm “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”; Nghị quyết về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”. Đặc biệt, ngày 16/6/2022, BCH Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 19 – NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những điểm mới của Nghị quyết số 19 của Trung ương là đã nhấn mạnh và lãm rõ hơn vai trò chủ thể của nông dân. Ngày 27/2/2023 Chính phủ đã có Nghị quyết 26/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW. Đây là một Nghị quyết quan trọng, các cấp, các ngành phải quán triệt, tổ chức thực hiện thật tốt cùng các Nghị quyết khác đã được ban hành, để chính sách “Tam nông” của Đảng và Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống. Chương trình hành động cũng đã làm rõ nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tổ chức thực hiện thắng lợi các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 19-NQ/TW. Chú trọng việc điều phối, theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW giữa Chính phủ, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Nghị quyết số 19 đồng thời đề ra Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là: Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hoá nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Trong đó, có các mục thể đến năm 2030, bao gồm: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 3%/năm; Tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5 - 6%/năm; Số xã đạt chuẩn Nông thôn mới trên 90%; Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020… Tầm nhìn đến năm 2045, nông dân và cư dân nông thôn có cuộc sống văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu nhiều loại nông sản đứng hàng đầu thế giới. Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

Nghiên cứu Nghị quyết 19, chúng ta thấy những quan điểm mới về “tam nông” đã được thể hiện rõ hơn, bao gồm: Thứ nhất, dân là gốc; Thứ hai, củng cố và tăng cường liên minh công - nông - trí thức; Thứ ba, chính sách đất đai là cội nguồn của chính sách kinh tế trong nông thôn, vì đất đai gắn với môi trường sống, sinh kế và cơ hội phát triển của nông dân, đất đai gắn với văn hóa, đất đai gắn với chế độ canh tác và tổ chức sản xuất và các mối quan hệ trong xã hội nông thôn (chủ sử dụng - cho thuê, đại điền - tiểu điền, trực canh - gián canh...), đất đai gắn với chính trị, thể chế như đói nghèo, mất đất, thất nghiệp, bất ổn, xung đột, mâu thuẫn… Cũng có thể cho rằng, Nghị quyết về “tam nông” chính là Nghị quyết về người nông dân - những người có sinh kế chủ yếu bằng nghề nông và môi trường sống là nông thôn. Nhìn vào nông nghiệp là để thấy nguồn sống và đóng góp của nông dân vào công cuộc phát triển và bảo vệ đất nước, nhìn vào nông thôn để thấy sự bảo đảm “không gian sinh tồn”, không gian văn hóa, cái làm nên cốt cách của con người, hồn cốt dân tộc. Như vậy, trọng tâm của chính sách tam nông chính là sự thể hiện chính sách và thái độ của chúng ta đối với người nông dân.

Để thực hiện được những mục tiêu nêu trên, Nghị quyết 19 xác định 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp quan trọng. Trong đó đáng chú là nhóm nhiệm vụ giải pháp về nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ và cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Đây là điểm mới của Nghị quyết 19 so với Nghị quyết 26 cũ, vì đã nhấn mạnh đến vai trò chủ thể của nông dân và coi đây là nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu, có tính quyết định đến sự thành công trong tổ chức thực hiện Nghị quyết mới.

Hà Nội nhân rộng mô hình nông nghiệp ứng dựng công nghệ cao trong sản xuất, chất lượng, tăng giá trị  (Ảnh:  Đại biểu nhân dân điện tử)

Phát triển “Tam nông” gắn với đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp, dịch vụ, thực hiện chuyển dịch cơ cấu tinh tế ở nông thôn.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tiếp cận mạnh mẽ khoa học-công nghệ mới, được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm trong việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, giúp giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp.  Việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao là một xu thế tất yếu, giúp phát triển sản xuất nông nghiệp và nâng cao đời sống của người dân. Đây cũng là những vấn đề được đề cập đến trong các Nghị quyết, quyết định của Đảng, Chính phủ về nông nghiệp, nông thôn.

Những định hướng về phát triển nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao như: “Hiện đại hóa, thương mại hóa nông nghiệp, chuyển mạnh sang phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, sản xuất lớn, dựa vào khoa học - công nghệ, có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Chuyển nền nông nghiệp từ sản xuất lương thực là chủ yếu sang phát triển nền nông nghiệp đa dạng phù hợp với lợi thế của từng vùng” (Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Trung ương). Định hướng này cùng với những chính sách được ban hành trước đó về nông nghiệp công nghệ cao như Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 29/1/2010, phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020; Quyết định số 1895/QĐ-TTg, ngày 17/12/2012 phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 đã tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về phát triển nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao. Qua đó, góp phần tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đạt được những thành tựu đáng tự hào.

Đến nay, cả nước có 12 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được các địa phương công nhận; có 51 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Các tiến bộ về khoa học-công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Nhờ ứng dụng công nghệ cao, mức độ tổn thất của nông sản giảm đáng kể, trong đó tổn thất của lúa gạo đã giảm xuống dưới 10%. Những kết quả đó rất đáng khích lệ, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển của nền nông nghiệp nước ta.  

Tại các vùng, miền, địa phương, đã có nhiều mô hình thành công trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mọi miền đất nước; như:  Mô hình nuôi tôm trong nhà kính của Công ty CP Việt Úc chi nhánh tại Bạc Liêu đã đầu tư hơn 180 tỷ đồng cho diện tích 50ha nuôi tôm; so với hình thức nuôi trồng tôm truyền thống thì mô hình nuôi tôm trong nhà kính đã nâng sản lượng lên gấp hơn 10 lần và trở thành một trong những mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam thành công nhất hiện nay. Mô hình Trại nấm mỡ của ông Tăng Đức (Đức Trọng, Lâm Đồng) cũng là một trong những mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao hiện đại tiên tiến bậc nhất ở nước ta trong sản xuất Nấm; sản phẩm từ mô hình đạt tiêu chuẩn VietGAP đồng thời có thể xuất khẩu qua nhiều nước lớn. Mô hình Dưa Kim Hoàng Hậu, Thọ Xuân, Lam Sơn Thanh Hóa. Mô hình trồng Dâu Tây, và hoa công nghệ cao Cao Bằng. Mô hình trồng Dưa lưới – Kim Long Farm Vũng Tàu. Mô hình trồng dưa lưới, dưa leo công nghệ cao tại Đầm Hà – Quảng Ninh.  Mô hình Dưa leo Baby tại Hà Giang… Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái (Bình Dương) do Công ty cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm), thuộc U&I Group, đầu tư đã phủ xanh toàn bộ diện tích với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có thị trường phù hợp và có khả năng nhân rộng cho nông dân. Trong các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam, trồng rau khí canh là một trong những mô hình độc lạ nhất. Một trong các mô hình dạng này là Mô hình nhân giống khoai tây “khí canh” được thực hiện thành công bởi các nhà khoa học của Viện Sinh học Nông nghiệp Việt Nam…

Trong điều kiện hiện nay, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao là rất cần thiết và cũng cần một quyết sách mạnh hơn. Theo đó, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học-công nghệ, tập trung vào sản phẩm chủ lực xuất khẩu, sản xuất giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát triển thị trường khoa học-công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; triển khai thực hiện Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao giai đoạn 2021-2030, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước và mở rộng xuất khẩu.

Đặc biệt, phát triển nông nghiệp công nghệ cao ngày nay không thể không gắn với việc thực hiện chuyển đổi số; đây đã và đang là một yêu cầu, một xu thế tất yếu đối với tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội.  Trong đó, đối với Nông nghiệp, chuyển đổi số là quá trình thay đổi mô hình sản xuất lấy công nghệ làm nền tảng, ứng dụng công nghệ vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp, tận dụng tối đa các nguyên liệu, phế phụ phẩm, tái chế chúng thành các sản phẩm, tạo thành cơ chế tuần hoàn trong sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Đây chính là nội dung cốt lõi của quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng đa chức năng trong nền nông nghiệp tuần hoàn. Đó còn là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giúp hình thành nông nghiệp số, nông nghiệp thông minh. Điểm khác biệt cơ bản giữa nông nghiệp số và nông nghiệp truyền thống chính là ở việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số vào toàn bộ hoạt động, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp từ truyền thống sang hiện đại và thông minh; thể hiện qua các ứng dụng ở 4 nhóm hoạt động chính, bao gồm: Giám sát - Điều khiển - Dự báo - Hậu cần.

Tuy nhiên, để thúc đẩy mạnh mẽ phát triển Nông nghiệp công nghệ cao, bên cạnh việc đầu tư ứng dụng khoa học, công nghệ, rất cần bổ sung, hoàn thiện một số quy định, quy hoạch, giải pháp liên quan; cụ thể như:  Bổ sung các quy định liên quan đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao đa chức năng trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 28-1-2022, của Thủ tướng Chính phủ, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả, hướng đến việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao đa chức năng theo hướng tuần hoàn để phát huy tối đa lợi ích. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch có liên quan nhằm thúc đẩy việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao đa chức năng theo hướng tuần hoàn. Tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, nâng tầm giá trị nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta. Và, nghiên cứu ban hành các chính sách mang tính  đột phá về cơ chế đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhất là nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản cho các vùng, khu nông nghiệp công nghệ cao; Cần có những ưu đãi cho các tổ chức tín dụng được hỗ trợ nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất do thực hiện chính sách giảm lãi suất; chính sách thuế, cơ chế xử lý rủi ro tài chính…

Đặng Đình Chấn

Kỳ 2:  PHÁT TRIỂN “TAM NÔNG” – THÀNH QUẢ LỚN LAO VÀ HẠN CHẾ CẦN KHẮC PHỤC

...