24/11/2024 lúc 19:23 (GMT+7)
Breaking News

Nỗ lực vượt qua khó khăn, chủ động nắm bắt cơ hội việc làm

VNHN - Số lao động bị mất việc, thất nghiệp ở nước ta trong những tháng đầu năm cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và dự báo có thể tiếp tục gia tăng trong những tháng cuối năm. Do đó, các cơ quan, đơn vị chức năng cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ, mỗi người lao động, người sử dụng lao động cần nỗ lực vượt qua khó khăn để chủ động nắm bắt cơ hội việc làm…    

VNHN - Số lao động bị mất việc, thất nghiệp ở nước ta trong những tháng đầu năm cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và dự báo có thể tiếp tục gia tăng trong những tháng cuối năm. Do đó, các cơ quan, đơn vị chức năng cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ, mỗi người lao động, người sử dụng lao động cần nỗ lực vượt qua khó khăn để chủ động nắm bắt cơ hội việc làm…    

Có thể gia tăng tỷ lệ lao động thất nghiệp

Những vấn đề nêu trên được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, diễn ra ngày 16-7 theo hình thức trực tuyến trên toàn quốc.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của 30,8 triệu người lao động Việt Nam, trong đó, số người bị giảm thu nhập chiếm tới 57,3%. Điều này dẫn đến những biến động trên thị trường lao động, việc làm. Nổi cộm là quy mô lao động đã giảm từ hơn 54 triệu người từ cuối năm 2019, xuống còn hơn 52 triệu người trong quý II năm nay.

Lãnh đạo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì hội nghị

Tỷ lệ lao động  thất nghiệp, mất việc làm cao nhất trong nhiều năm trở lại đây với 2,56% tổng số lực lượng lao động trong độ tuổi, tương ứng hơn 2 triệu người (năm 2019 là 1,98%). Lực lượng lao động thất nghiệp, mất việc làm tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị với nhóm lao động làm công, hưởng lương, khiến cuộc sống của người một bộ phận không nhỏ người lao động gặp khó khăn. “Thu nhập bình quân của người lao động trong quý II là 5,2 triệu đồng/người/tháng, giảm hơn 500.000 đồng so với quý I, giảm gần 300.000 đồng so với cùng kỳ năm trước”, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho hay.

Trong khi số lao động thất nghiệp, mất việc làm tăng cao, thì kết quả giải quyết việc lại rất thấp. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước giải quyết việc làm cho hơn 574.000 người, đạt 35,7% kế hoạch đề ra. Chưa dừng lại ở đó, theo phản ánh của đại diện các địa phương, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới, dự báo, một số doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ta sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc nhập nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, càng khó khăn hơn trong việc xuất khẩu hàng hóa. Điều này dẫn đến nguy cơ gia tăng tỷ lệ lao động thất nghiệp, mất việc, giãn việc, giảm giờ làm trong những tháng cuối năm.

Nới lỏng tiêu chí hỗ trợ an sinh xã hội

Để gia tăng cơ hội việc làm cho người lao động, các ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động. Nhờ đó, thị trường lao động, việc làm từng bước có tín hiệu khởi sắc. Từ tháng 5 đến nay, mỗi tháng cả nước có khoảng 70.000 - 80.000 người trở lại thị trường lao động. Với người dân, người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19,  Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ an sinh xã hội chưa có tiền lệ thông qua gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.

Đến nay, các tỉnh, thành phố đã phê duyệt hỗ trợ cho 15,8 triệu người với kinh phí gần 18.000 tỷ đồng; thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp với hơn 6.000 tỷ đồng …Tuy nhiên, do các tiêu chí đưa ra quá khắt khe, nên đến thời điểm này, gói hỗ trợ an sinh xã hội chưa đến với nhóm người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động ở đa số các tỉnh, thành phố.

Toàn cảnh hội nghị

Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết, mặc dù các cơ quan chức năng của thành phố đã vào cuộc quyết liệt, khẩn trương, đã tổ chức nhiều cuộc họp, ban hành nhiều văn bản để tháo gỡ vướng mắc, nhưng đến nay, Hà Nội chưa có doanh nghiệp nào đủ điều kiện vay vốn từ gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho người lao động. Trong khi đó, các nhóm đối tượng khác đã có hơn 436.000 người được hỗ trợ với kinh phí hơn 500 tỷ đồng.

Để có thêm nhiều người dân, người lao động, người sử dụng lao động được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội, đại diện các địa phương kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ nới lỏng tiêu chí, mở rộng đối tượng, kéo dài thời gian triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, tại cuộc họp Chính phủ vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý mở rộng đối tượng, giảm các điều kiện, kéo dài thời gian triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội. Theo đó, người lao động là giáo viên các trường tư thục bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19 là đối tượng dự kiến được bổ sung vào nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách. Thời gian hỗ trợ dự kiến kéo dài đến hết năm 2020 với một số nhóm đối tượng, nhưng không làm gia tăng nguồn kinh phí hỗ trợ… Còn về lâu dài, ngoài các giải pháp đến từ các cơ quan chức năng, mỗi người lao động, người sử dụng lao động cần nỗ lực vượt qua khó khăn để chủ động nắm bắt cơ hội việc làm.