Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025. Trước diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức; bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, cùng với việc quán triệt thực hiện chủ đề công tác năm 2024 “Giữ vững kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả thực chất”, UBND tỉnh Ninh Bình luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành theo hướng đảm bảo “rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ thời gian, rõ trách nhiệm”.
Trong Quý I năm 2024, Ninh Bình tập trung phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, triển khai các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt việc đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện thủ tục đầu tư, công tác giải ngân và thi công công trình. Trong đó chú trọng vào các dự án: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình; Dự án mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I); Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường ĐT.482 kết nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 10 và kết nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 12B, tỉnh Ninh Bình; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I và giai đoạn II); Dự án Xây dựng cầu vượt sông Vân và đường dẫn phía Tây sông Vân, tỉnh Ninh Bình; Dự án xây dựng kênh kết hợp đường Vạn Hạnh (giai đoạn I); Dự án xây dựng tuyến đường Đinh Tiên Hoàng (giai đoạn II); Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường chính vào khu du lịch suối Kênh Gà và động Vân Trình (giai đoạn II); Dự án xây dựng tuyến đường du lịch kết hợp phát triển đô thị từ thị trấn Thiên Tôn đến cố đô Hoa Lư…
Trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán, tỉnh đã tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Giáp Thìn 2024 và thông xe kỹ thuật tuyến đường Đồng Giao, tuyến đường Đông Tây (giai đoạn 1) đoạn từ đầu tuyến đến nút giao đường bộ cao tốc Bắc - Nam tạo khí thế, động lực xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội đồng thời góp phần thực hiện thành công Chương trình trồng một tỷ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện tháng 3/2024 đạt 2.648,8 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2023; lũy kế 3 tháng đầu năm đạt 7.535,1 tỷ đồng, tăng 9,3% (trong đó: vốn Nhà nước đạt 1.398,3 tỷ đồng, tăng 7,2%; vốn ngoài Nhà nước đạt 5.515,8 tỷ đồng, tăng 3,8%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 621,0 tỷ đồng, gấp 2,3 lần).
Xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm có ý nghĩa quan trọng tạo ra động lực tăng tốc cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế xã hội của tỉnh gắn với bảo đảm chất lượng, chống tiêu cực, tham nhũng lãng phí. Ngay từ những tháng đầu năm, tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, lựa chọn nhà thầu để sớm khởi công các dự án dự kiến khởi công mới trong năm 2024, nhất là các dự án được dự kiến bố trí nguồn tăng thu ngân sách Trung ương; chủ động rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một số dự án đầu tư công trong quá trình triển khai thực hiện.
Tổng kế hoạch đầu tư công năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao là 6.459,9 tỷ đồng, gồm: vốn ngân sách Trung ương là 611,38 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 5.848,52 tỷ đồng; tính đến ngày 22 tháng 3 năm 2024, tổng số vốn giải ngân đạt 878,68 tỷ đồng, bằng 13,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (gồm: vốn ngân sách Trung ương 10,68 tỷ đồng, bằng 2,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; vốn cân đối ngân sách địa phương đạt 868 tỷ đồng, bằng 14,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQCP ngày 05 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ, Nghị quyết số 158/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tỉnh Ninh Bình và Chương trình công tác năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công các dự án dự kiến khởi công mới trong năm 2024. Đồng thời chú trọng triển khai các dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình; Dự án mở rộng đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và các dự án trọng tâm, quan trọng đang triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó rà soát, tập trung giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, nhất là tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án như: Xây dựng Tổ hợp Bảo tàng - Thư viện tỉnh Ninh Bình; Bảo tồn, tôn tạo, khai quật khảo cổ và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa Khu di tích đặc biệt Cố đô Hoa Lư; xây dựng trụ sở hành chính tỉnh Ninh Bình; Xây dựng Nhà khách tỉnh Ninh Bình. Tiếp tục tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn, nhất là các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng quan trọng như: Đường Đông - Tây, giai đoạn I; xây dựng tuyến đường T21 (đường Lê Duẩn), giai đoạn I; tuyến đường ĐT.482 kết nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 10 và kết nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 12B, tỉnh Ninh Bình; cầu Chà Là; xây dựng tuyến đường bộ ven biển (giai đoạn II); xây dựng kênh kết hợp đường Vạn Hạnh (giai đoạn I); xây dựng tuyến đường Đinh Tiên Hoàng (giai đoạn II).
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh Ninh Bình nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công Nghị quyết 30 - NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, sớm đưa Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng.