Đẩy mạnh cải cách hành chính với phương châm lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo hiệu quả.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nâng cao hiệu quả việc cung cấp DVC của các cơ quan hành chính nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện TTHC, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính quyền số. Đến nay, 100% bộ phận một cửa các cấp đã thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo quy định, đặc biệt là số hoá các hồ sơ phát sinh từ 25 DVC trực tuyến thiết yếu theo Đề án 06. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 69,75%. Đã hoàn thành và đưa vào vận hành chính thức kho dữ liệu của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, kết nối với kho dữ liệu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ việc số hóa, giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.
Về kết quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), hiện tại đã hoàn thành cung cấp 1.758 dịch vụ công trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, trong đó 1.064 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVC trực tuyến một phần 151; DVC trực tuyến toàn trình 913). Trong tháng 4/2024, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã tiếp nhận 44.558 hồ sơ, trong đó: Đã giải quyết 41.403 hồ sơ (đúng hạn và trước hạn là: 41.382 hồ sơ, chiếm 99,9%; trễ hạn 21 hồ sơ, chiếm 0,1%); số hồ sơ trong hạn đang giải quyết 3.155 hồ sơ.
Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã thực hiện hiệu quả việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, thay thế dần phương thức truyền thống góp phần cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ, chi phí thực hiện.
Năm 2024, UBND tỉnh tiếp tục tập trung quán triệt, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện ngay các giải pháp, khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh năm 2024, nhất là những tồn tại đã được Tổ Công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ chỉ ra trong các báo cáo đánh giá và văn bản chỉ đạo. Tỉnh đã hoàn thành hợp nhất Cổng DVC của tỉnh và Hệ thống thông tin một cửa điện tử. Hiện nay, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh tại địa chỉ: https://dichvucong.ninhbinh.gov.vn/ đã đáp ứng chuẩn giao thức dải địa chỉ IPv6. Hệ thống được triển khai và duy trì hoạt động ổn định cho 18 đơn vị nhà nước cấp tỉnh; 08 cấp huyện; 143 cấp xã và 03 cơ quan ngành dọc là: Công an tỉnh; Bảo hiểm xã hội tỉnh; Công ty TNHH MTV điện lực Ninh Bình.
Triển khai dịch vụ thanh toán phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến thông qua một số ngân hàng có chi nhánh trên địa bàn tỉnh, để tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Một số dịch vụ thanh toán trực tuyến của một số ngân hàng đang triển khai kế hoạch tích hợp, kết nối vào Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Ninh Bình nhằm triển khai mở rộng thanh toán trực tuyến đa dịch vụ, đa sản phẩm thanh toán trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính...Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp giải quyết hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử rút ngắn thời gian, giảm chi phí đi lại cho người dân, doanh nghiệp khi giải quyết TTHC.
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết TTHC trên hệ thống phần mềm một cửa điện tử.
Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hiện tại, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã kết nối với 19 cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên ngành của các Bộ, ngành Trung ương. UBND tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo hoàn thành việc kết nối với một số cơ sở dữ liệu: (1) Kết nối với Hệ thống định danh VneID, đã hoàn thành kết nối thử, đang gửi đề nghị Cục C06 - Bộ Công an kiểm tra ATAN thông tin phục vụ kết nối chính thức; (2) Kết nối với Hệ thống thông tin quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp; (3) Kết nối liên thông với Hệ thống Dịch vụ công đổi giấy phép lái xe.
Ngày 24/10/2023, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 58/UBNDPVHCC lựa chọn 28 dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành để triển khai thí điểm một số dịch vụ không tiếp nhận hồ sơ giấy, một số ngày không tiếp nhận hồ sơ giấy. Kết quả đến nay đã tiếp nhận 12.656 hồ sơ trực tuyến (không tiếp nhận bản giấy), đạt tỷ lệ 66,3% số lượng hồ sơ phát sinh, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tạo được sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC.
Quan tâm rà soát bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật
Hiện nay, các thiết bị vận hành đều được đầu tư đồng bộ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng phần mềm công nghệ trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính, đảm bảo thuận tiện trong quá trình giao dịch cho các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh. Vị trí làm việc của cán bộ các sở, ngành, lĩnh vực cũng được bố trí rộng rãi, trang bị đầy đủ hệ thống máy tính, thiết bị hiện đại. Đây được coi là cầu nối giữa nhân dân và chính quyền trong việc tạo điều kiện cho người dân trong giải quyết cải cách TTHC. Đồng thời, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc tìm hiểu, tra cứu thông tin về thủ tục hành chính, từ đó việc giải quyết TTHC được thuận lợi, dễ dàng, nhanh chóng hơn.
Quan tâm rà soát, bổ sung trang thiết bị kỹ thuật và các điều kiện cần thiết khác để triển khai việc số hóa đạt chất lượng, hiệu quả. Áp dụng số hóa hồ sơ và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa cấp huyện và cấp xã. Đẩy mạnh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến, huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và Tổ công nghệ số cộng đồng trong việc phổ biến, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh ngày càng được nâng cao, hoạt động giải quyết TTHC được thông suốt, liên tục, không bị gián đoạn, tiết kiệm chi phí, bảo đảm tiến độ và thời hạn trả kết quả cho tổ chức, cá nhân theo đúng quy định.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Ninh Bình đã thực hiện kết nối toàn diện với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (Hệ thống EMC); kết nối và đồng bộ trạng thái hồ sơ TTHC lên Cổng dịch vụ công quốc gia, triển khai cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử; các dịch vụ công về hoạt động khuyến mại; đã kết nối với nền tảng thanh toán trực tuyến, thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trên cổng DVCQG. Tính đến nay, số trang thiết bị phục vụ hoạt động của Bộ phận một cửa các cấp hiện tại là: 5.511 máy tính (cấp tỉnh 1.824 máy; cấp huyện 901 máy; cấp xã 2.786 máy); 1.659 máy in (cấp tỉnh 745 máy; cấp huyện 587 máy; cấp xã 372 máy); 326 máy scan (cấp tỉnh 86 máy; cấp huyện 34 máy; cấp xã 206 máy), vì vậy cơ bản đáp ứng yêu cầu trong việc tiếp nhận, giải quyết TTHC.
Để giảm thời gian giải quyết TTHC, nâng cao hiệu quả công tác giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp, tại Bộ phận Một cửa các cấp đã áp dụng nhiều giải pháp để giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp như: Trang bị máy lấy số tự động có hiển thị trên màn hình và được kết nối với các Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả; bố trí máy công dân, tổ chức tự nộp hồ sơ trực tuyến để trải nhiệm các tiện ích của dịch vụ công; triển khai thực hiện ký số, số hóa hồ sơ, luân chuyển và phê duyệt, trả kết quả trên môi trường điện tử. Đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận và trả kết quả tại Bộ phận Một cửa các cấp; hỗ trợ tư vấn thông tin TTHC cần giải quyết qua tổng đài điện thoại; hỗ trợ kê khai thông tin TTHC ban đầu; hướng dẫn tạo lập tài khoản và nộp hồ sơ trực tuyến, thực hiện thu phí, lệ phí qua biên lai điện tử; trang bị thêm hệ thống máy scan hỗ trợ quy trình số hóa, luân chuyển hồ sơ TTHC; thực hiện thí điểm “một số dịch vụ không tiếp nhận bản giấy, một số ngày không tiếp nhận bản giấy”. Công khai đường dây nóng trong tiếp nhận, phản ánh, kiến nghị liên quan đến TTHC; quá trình xử lý, kết quả giải quyết TTHC được cập nhật thường xuyên trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh và Fanpage Bộ phận một cửa, trên nền tảng mạng xã hội Facebook, zalo,…
Với những cách làm cụ thể, phù hợp, thiết thực, đã nhanh chóng đem lại nhiều lợi ích cho tổ chức, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Minh chứng rõ nét là các TTHC được giải quyết nhanh chóng, tiện lợi, thực hiện trên môi trường mạng ở bất cứ đâu (ở nhà, tại cơ quan hay địa phương khác), giúp tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại, tạo sự công khai, minh bạch, ngăn ngừa tiêu cực có thể phát sinh trong giải quyết TTHC.