30/09/2024 lúc 04:27 (GMT+7)
Breaking News

Những phận đời lênh đênh sau lũ

Hạ lưu sông Đăk Mi qua địa bàn phía đông huyện Nam Giang được gọi là sông Cái. Tại đây, nó nhận một phụ lưu lớn ở phía Tây (tả ngạn), đó là sông Giằng. Từ bao đời nay, phần lớn người dân vẫn sống dọc hai bên dòng sông, canh tác mùa vụ dựa vào lượng phù sa màu mỡ mà con sông lưu lại. Song vài thập niên trở lại đây, trên những con sông này đã hình thành lên hàng loạt thuỷ điện nhỏ tạo nên những con đập và như thế cứ đến mùa mưa lũ, tính mạng và tài sản của người dân nơi đây luôn bị đe doạ và uy hi

Hạ lưu sông Đăk Mi qua địa bàn phía đông huyện Nam Giang được gọi là sông Cái. Tại đây, nó nhận một phụ lưu lớn ở phía Tây (tả ngạn), đó là sông Giằng. Từ bao đời nay, phần lớn người dân vẫn sống dọc hai bên dòng sông, canh tác mùa vụ dựa vào lượng phù sa màu mỡ mà con sông lưu lại. Song vài thập niên trở lại đây, trên những con sông này đã hình thành lên hàng loạt thuỷ điện nhỏ tạo nên những con đập và như thế cứ đến mùa mưa lũ, tính mạng và tài sản của người dân nơi đây luôn bị đe dọa và uy hiếp.

Giành giật sự sống trong vòng xoáy tử thần!

Ngày 28/10/2020 đã trở thành cái mốc không bao giờ quên đối với người dân huyện Nam Giang. Cơn bão Goni (Số 9) vừa đi qua, người dân bồng bế nhau đi tránh bão, nhiều người chưa kịp trở về nhà thì mực nước của con sông Giằng đột ngột dâng cao với tốc độ nhanh, cuốn trôi tài sản của 300 hộ dân dọc con sông từ xã Cà Dy đến thị trấn Thạnh Mỹ trước sự chứng kiến bất lực của người dân.
Nước sông dâng lên áp đảo đúng vào lúc màn đêm buông xuống, chị Thúy tại xóm Mía, thôn Hà Ra buộc phải buông hết tài sản tay bồng tay bế ôm hai đứa con thơ chạy ngược lên thị trấn tìm nơi trú ẩn. Tại khu đất trũng tiếp giáp với con đường lớn mực nước cũng đã lên quá cao khiến cho xóm Mía sớm bị cô lập hoàn toàn. Trước tình hình như thế, đội dân quân tự vệ có mặt kịp thời, trên chiếc thuyền inox nhỏ là anh Ngô Minh Tuấn và Đinh Văn Quý khẩn trương chèo qua đón ba mẹ con. Trớ trêu thay khi dòng nước xiết đã nhấn chìm chiếc thuyền cùng ba người lớn và 2 cháu nhỏ, anh Tuấn và anh Quý chỉ biết bỏ thuyền lại ôm lấy hai cháu. Trong sự hỗn loạn giữa màn đêm, tiếng cầu cứu của chị Thúy trở nên yếu ớt “Cứu lấy hai con giúp em, em sống chết sao cũng được!”. Anh Tuấn một tay bế cháu nhỏ, một tay bơi ngược dòng hét lớn “Còn nước còn tát, cứ nắm lấy chân tôi kéo vào”... Một sự nỗ lực mạnh mẽ đốt cháy thêm lòng dũng cảm, anh Tuấn và anh Quý đã chiến thắng số phận, giành giật được sự sống cho cả ba mẹ con trước sự chứng kiến của nhiều người dân Nam Giang.

 Loại thuyền inox nhỏ mà anh Tuấn và anh Quý đã cứu 3 mẹ con trong đêm 28/10.

Cảnh hoang tàn bao trùm ngôi làng nhỏ!

Cơn bão Số 9 vừa qua mặc dù không gây thiệt hại về người nhưng đã quật đổ, làm hư hại rất nhiều hoa màu, tốc mái hư hỏng nhiều nhà cửa bán kiên cố của người dân trong khu vực Nam Giang. Chưa hết bàng hoàng thì những thôn làng sống dọc bờ sông lại đón đợt lũ dâng bất ngờ khiến 80% hộ dân thôn Hà Ra bị ngập, cuốn trôi và làm hư hỏng nhà cửa và đồ đạc trong nhà, hơn 600 nhân khẩu rơi vào cảnh khốn khó.

Bà Hoàng Thị Ngoan sống cùng với con gái ở tổ 2, xóm Mía vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại: “Nước ngoài sông dâng cao ồ ạt tràn vào làm khu đất cạnh nhà bị sạt lở cuốn trôi nhà bếp cùng đồ dùng bên trong, mực nước cao nhất trong đêm làm ngập nửa nhà gỗ làm hư hỏng hết đồ đạc không thể sử dụng được”. Con gái bà làm công nhân nên cuộc sống cũng chỉ đủ ăn qua ngày. Ngay sau khi nước rút, bà con thân thuộc đã đến động viên và giúp bà dựng tạm nhà bếp bằng tôn để sống qua ngày.

 Đất ven sông sạt lở cuốn trôi nhà của bà Hoàng Thị Ngoan.

Cách đó vài hộ gia đình, chị Đinh Thị Huệ nuôi 2 con heo rừng với 20 con gà để chuẩn bị bán đi lấy tiền sắm sửa đồ đón tết. Lũ tràn về chị phải ôm con trèo tường qua nhà máy nước bên cạnh tìm nơi trú ẩn, nhìn qua nhà chị bất lực thấy khối tài sản bao nhiêu lâu chăm bẵm nay đã trôi theo dòng nước.

Dọc theo con sông qua thị trấn Thạnh Mỹ, thôn Bà Giáo 1 cũng bị ngập hoàn toàn, có những nơi nước ngập 4 – 5 m là hư hỏng nhà cửa, tài sản cũng như hoa màu, nhiều hộ dân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Thấy người dân hô hoán, anh Văn Đình Hải chỉ kịp dẫn vợ (chị Lê Thị Thuyền) cùng 5 con nhỏ lên gác xép nhà bếp trú ẩn, nước dâng quá nhanh khiến nhà anh nhanh chóng bị cô lập. Bên kia sông mẹ của anh cùng cậu em trai (vừa bị gãy chân) không kịp trở tay để tháo chạy, anh đành phải phá cửa sổ chui ra ngoài, bơi đi tìm thuyền ứng cứu, sau khi lo được cho mẹ và em an toàn, quay trở về thì căn nhà gỗ của anh đã bị nước lũ cuốn trôi. Bão lũ đi qua, để có chỗ cho vợ con sinh sống, một mình anh xoay sở tìm vật liệu, dựng lại nhà.

 Anh Văn Đình Hải một mình xây lại căn nhà sau lũ.

Cùng thôn Bà Giáo 1, anh Bling Phấn và chị Bơ Nước Thị Tin cùng 2 con nhỏ ngồi thất thần trước đống đổ nát, toàn bộ nhà cửa giờ chỉ còn là mớ hỗn độn ngập trong bùn đất. Vật nuôi và cây trồng cũng theo dòng lũ trôi xa, từ miếng ăn đến quần áo, sách vở cho con cái đến trường đều phải trông chờ vào sự cứu trợ của các mạnh thường quân.

Anh Bling Phấn và chị Bơ Nước Thị Tin ngồi bất lực bên đống đổ nát

Số phận của người dân sẽ đi về đâu?

Những con sông bồi đắp phù sa màu mỡ cho những làng quê ven sông. Trải qua bao thế hệ, người bản xứ Nam Giang cũng nhờ vào sự màu mỡ, phù sa dọc đôi bờ sông Cả để trồng trọt mưu sinh. Người, đất và dòng sông đã sống gắn bó thủy chung, bao dung qua nhiều thế hệ đời người. Cứ mỗi mùa mưa lũ về, người dân nơi đây cũng đã dần thích nghi ứng phó. Nhà cửa luôn có gác xép để chứa đồ cũng như trú ẩn, những nhà thấp hơn họ cũng tự trang bị cho mình chiếc thuyền nhỏ đề phòng cấp bách. Thiên tai, lũ lụt do biến đổi khí hậu ắt là điều không thể tránh khỏi và họ vẫn đón nhận nó như một sự tuần hoàn hàng năm. Càng ngày, ngành Khí tượng thủy văn dự báo càng chính xác thì tính mạng và tài sản của người dân càng được an toàn bởi có sự chuẩn bị, ứng phó kịp thời.

Từ khi dòng sông bị bức tử bởi đập thủy điện, “lũ lụt nhân tạo” được hình thành từ việc xả lũ diễn biến bất ngờ và sức tàn phá mạnh khiến cho sự ứng phó của người dân không kịp trở tay. Qua những lần xả lũ vào ban ngày và được thông báo từ trước, sự thiệt hại chủ yếu là hoa màu trên đất; trận xả lũ sau bão số 9 lại diễn ra vào buổi chiều tối, đến khi lũ tràn về cũng là lúc màn đêm buông xuống khiến cho việc ứng phó trở nên hết sức khó khăn. Số đông những hộ có nhà cửa bán kiên cố đang đi tránh bão số 9 theo chỉ đạo của chính quyền địa phương. Tai họa kép giáng xuống trước sự bất lực của hàng ngàn con người đã cướp đi tất cả. Biết bao gia đình cảnh màn trời chiếu đất, bao con người mất trắng cơ ngơi, bao đứa trẻ không còn quần áo, sách vở để đến trường,... Nỗi đau bao trùm lên những ngôi làng vốn yên bình bên những dòng sông, số phận của họ không phải do “ông trời” định đoạt mà tương lai của cả một cộng đồng bên sông lại nằm trong tay người vận hành thủy điện./.