09/08/2024 lúc 10:18 (GMT+7)
Breaking News

Những môn sinh hiếu đạo họp lớp tưởng nhớ thầy

Câu chuyện họp lớp, làm giỗ thầy của những môn sinh đều ở tuổi “xưa nay hiếm” vẫn diễn ra hằng năm ở xã Đông La (huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội) thật đặc biệt. Người thầy trân trọng ấy là Nguyễn Văn Bàng sinh 1920 tạị Từ Liêm, Hà Nội và câu chuyện về lớp học cách đây hơn 60 năm thật đáng kính trọng. “Sống Tết, chết giỗ”, câu nói người xưa đã được những người học trò xưa áp dụng để thể hiện tình cảm, đáp đền công ơn, họ vẫn hẹn nhau họp lớp, làm giỗ thầy và ôn lại những kỷ niệm, bài học thuở xưa.

Chúng tôi về Đông La và một sáng đầu thu, trong cái nắng vương lại của mùa hè oi nóng, Đông La nép mình hai bên triền đê xanh mướt màu mỡ từ bãi bồi của dòng sông đấy. Là xã ngoại thành Hà Nội, nơi đây nổi tiếng với nghề trồng hoa lan, cây cảnh. Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa rất nhanh, cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, đời sống người dân đã từng bước được nâng lên rõ rệt. 

Thầy giáo Nguyễn Văn Bàng

Theo lời mời của thầy giáo Đỗ Văn Tập, Trưởng ban liên lạc bạn học trường tiểu học Bình Minh xưa (1950-1954), chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Đình Phán (thôn Đông Lao), năm nay gia đình ông đón mời các bạn học đến gặp mặt họp lớp và làm giỗ thầy giáo cũ. Ông Phán năm nay ngoài tám mươi tuổi, sức khỏe đã không còn được như những năm trước, để có buổi gặp mặt bạn xưa, các con ông đã hỗ trợ thực hiện cùng cha tất bật lên kế hoạch từ mấy hôm.
Ông Nguyễn Đình Phán vui mừng chia sẻ: “Ở cái tuổi gần đất xa trời rồi, nên mong muốn điều gì là phải thực hiện ngay. Covid-19 làm chậm lại dự định gặp mặt nhau của chúng tôi. Mãi giờ mới có điều kiện, mấy hôm nay tôi cứ mong ngóng, dặn dò các con, cháu chuẩn bị cơm nước chu đáo để đón các bạn của bố, của ông. Vậy mà đã hơn 60 năm rồi, từ đầu những năm năm mươi của thế kỷ trước, thời gian chẳng chờ đợi ai, người còn người mất…”. Nói rồi, ông Phán nhìn về phía cổng đôi mắt thẳm sâu nỗi buồn nhớ... không biết còn được mất người, năm trước ông Thạo cũng bỏ chúng tôi đi rồi.

Các môn sinh đều ở tuổi ngoài tám mươi họp lớp làm giỗ thầy giáo Nguyễn Văn Bàng

Chia sẻ thêm về lớp học đặc biệt này, ông Đỗ Văn Tập cho biết: “Có lẽ khó tin rằng tình bạn, tình đồng môn của chúng tôi thấm thoát cũng đã hơn nữa thế kỷ. Ngày đó, Trường tiểu học Bình Minh đóng tại làng Đông Lao, xã Đông La, huyện Hoài Đức còn nhiều khó khăn lắm, thiếu thốn cơ sở vật chất, thiếu cả thầy lẫn trò. Lớp chúng tôi có hơn 100 môn sinh được thầy giáo Bàng chăm lo, dạy chữ, dạy toán… đặc biệt là dạy cách làm người tử tế. Những câu chuyện, bài học của thầy kể năm xưa đã thấm vào máu thịt, trở thành những bài học theo chúng tôi cả quá trình công tác và để nuôi dạy các con, các cháu về sau”.
Sau khi được học chữ của thầy, lớn lên, người vào chiến trường, người vào nhà máy, công xưởng và ở lại quê hương tăng gia sản xuất góp sức cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc. Muôn phương trăm ngả, người còn, người mất đã đến tuổi “thất thập cổ lai hi” vẫn lần tìm đến với nhau, cùng tưởng nhớ người thầy đáng kính đã có công dạy dỗ những bước chập chững vào đời và hồi ức lại những kỷ niệm xưa yêu dấu đã bị thời gian xa ngái. Niềm vui ngày gặp mặt, tình đồng môn… rạng ngời trên mỗi nét mặt già nua ẩn khuất bao chuyện đời chưa kể hết.
Ngoài sân, ông Phán cứ đi ra đi vào rồi quay sang nhìn đồng hồ, sao giờ này mà vẫn thiếu một vài cụ chưa đến. Không biết có đến được nữa không? Mặt ông buồn thiu lê gót chân vào nhà trầm ngâm “có lẽ năm nay lại vài cụ ốm yếu rồi, năm nào cũng thiếu vắng một hai người, phần vì già ốm yếu, hoặc con cháu bận không đưa đến buổi gặp mặt, cũng có những cụ đã vội về thăm tổ tiên, ông bà, nghĩ mà buồn buồn!”. Mỗi năm, gia đình bạn học lại xin được đón các bạn đồng môn đến thăm nhà, quần tụ họp lớp và làm giỗ thầy. Năm nay, gia đình ông Nguyễn Đình Phán ở thôn Đông Lao, xã Đông La được vinh dự đón các cụ về xum họp nhân ngày giỗ thầy, các con ông thấy đó làm vinh dự cũng bớt thời gian giúp ông chuẩn bị chu đáo để đón khách. Các con cháu đều có mặt đông đủ cùng quây quần bên các bác, các ông để nghe chuyện kể ngày xưa. Cách đây gần ¾ thế kỷ, đất nước còn vô vàn khó khăn nên việc học hành của con em chưa được quan tâm đầu tư. Vào thời kỳ ấy mỗi thôn ở làng quê có một lớp học khai tâm còn những ai muốn học lên lớp trên thì phải lên huyện, lên tỉnh mới có trường lớp để học. Số người học lên cao rất ít, phần lớn phải bỏ học bởi kinh tế khó khăn, hoàn cảnh đất nước có chiến tranh…
Trong hoàn cảnh chung của xã hội lúc bấy giờ làng Đông Lao đã xuất hiện một trường tiểu học mang tên Bình Minh do Linh mục chính xứ Nguyễn Văn Bàng làm Hiệu trưởng. Thầy giáo Bàng sinh năm canh thân (1920) quê Từ Liêm, Hà Nội. Ông là người thạo Hán văn, uyên thâm chữ Quốc ngữ, thông thạo cả tiếng Anh, tiếng Pháp, viết chữ rất đẹp và có tâm huyết trong việc dạy chữ. Thầy đã tuyển thêm một số thầy giáo giỏi có đức, có tài và nhiệt tình động viên các gia đình cho con em đi học. Học sinh đến với lớp của thầy tất thảy đều rất ngoan, ham học và viết chữ đều, đẹp.

Kỷ niệm môn sinh về dâng hương tại mộ phần thầy giáo cũ tại xã Bình Chánh, Phủ Lý, Hà Nam

Ông Tạ Công Thăng (người làng Đồng Nhân) kể lại: “Một lần quân lính thực dân Pháp đi qua trường, ném thuốc lá xuống chân đê, học sinh đang chơi ở gần đó chạy ra nhặt liền bị thầy giáo gọi lại phân tích: không được nhặt bất cứ thứ gì của người ngoại quốc. Nay là điếu thuốc, ngày sau là những thứ khác sẽ làm ô nhục tinh thần dân tộc. Rồi, một lần có hai người khách cũng là thầy giáo đến chơi, chào ông bằng tiếng Pháp, ông chào lại bằng tiếng Việt. Sau khi khách ra về ông mới nói với các học trò rằng học tiếng Pháp là để giao tiếp ngoại giao còn nói thì phải bằng tiếng mẹ đẻ…”.
Trường Tiểu học Bình Minh là điểm sáng của tỉnh Hà Đông (cũ), thu hút được hơn trăm học sinh của 10 xã thuộc 4 huyện gồm Quốc Oai, Thanh Oai, Chương Mỹ và Hoài Đức (thuộc 2 tỉnh Hà Đông và Sơn Tây cũ). Nhờ vào sự dạy dỗ của thầy Bàng mà hơn một trăm học sinh đã được khai tâm, khai trí dạy chữ và dạy đạo lý làm người. Qua một thời gian học tập tại trường ai nấy đều viết chữ rất đẹp và viết đúng. Nhìn vào chữ viết của học trò trường Bình Minh là thấy được tài hoa phẩm hạnh con người. Bốn năm dạy và học trường Bình Minh đã đào tạo được hai khoá học sinh dự thi tốt nghiệp lớp nhất năm học 1952 – 1953 và 1953 - 1954, có hơn 50 học sinh về thị xã Hà Đông dự thi đạt kết quả tốt nghiệp rất cao, so sánh với các trường công lập rất xứng tầm. Nhiều người học tiếp để trở thành ông tú, ông cử, số còn lại ai nấy đều tìm cho mình một nghề để lập nghiệp. Qua bao thăng trầm, cuộc sống vui buồn nhưng ai nấy đều trưởng thành, “nên thợ nên thầy nhờ có học/ No ăn, no mặc bởi hay làm”.

Bác Đỗ Văn Tập, trưởng ban liên lạc ôn lại kỷ niệm về thầy xưa, lớp cũ

Những học trò ấy đã đi khắp mọi miền và đảm nhiệm các vị trí công việc khác nhau ai cũng tự hào về những tháng ngày được học nét chữ, nét người của thầy, được sống bên nhau với những kỷ niệm đẹp. Giờ đây, họ ngồi lại đọc cho nhau nghe bài thơ vừa sáng tác, kể chuyện cuộc đời, kể về con cái thành đạt trong cuộc sống … thầy giáo Đỗ Văn Tập một đời dạy học nay về hưu ông vui vầy cùng con cháu và tham gia các tổ chức đoàn thể ở địa phương.
Ông Tạ Công Thăng ngày ngày vui thú cây cảnh, chơi cờ, các con trai, con gái của ông là những phật tử mộ đạo, sống chân thành, thiện tâm và là chủ các trang trại hoa phong lan nổi tiếng. Các cháu nội ngoại cũng đã lớn đều học tập chăm ngoan. Ông Nguyễn Đình Phán người làng Đông Lao, là sĩ quan quân đội nghỉ hưu, có 4 người con đều tốt nghiệp đại học và trên đại học. Hay ông Nguyễn Đình Nghinh ở làng La Tinh giữ cương vị Trưởng Công an huyện Hoài Đức; rồi ông Luyện, ông Toản, ông Thu, ông Tại… các ông đều học tập và thực hành được những gì thầy dạy trong đời sống hàng ngày. 

Cụ Nguyễn Đình Phán chia sẻ bài thơ nhân ngày gặp mặt

Nhớ lại nghĩa tình thầy trò cách đây hơn nửa thế kỷ, ông Đỗ Văn Luyện đã viết tặng Hội Môn sinh khóa học 1950 – 1954 Trường Tiểu học Bình Minh bài thơ “Vui hội tụ”, bài thơ có đoạn viết: “…Về nơi lớp cũ, trường xưa/Ngỡ ngàng, vương vấn – như chưa tin mình/Nếp xưa, thấp thoáng bóng hình/Vui sao cái nghĩa, cái tình còn nguyên/Bồi hồi pha trộn, nhớ quên/Bài thơ thầy viết đủ tên học trò/Đâu rồi, thầy cũ bạn xưa/Ai còn, ai mất, ai vừa đi xa…/Thăng trầm, nửa thế kỷ qua/Gặp nhau, mái tóc điểm hoa, chuyển màu/Lòng riêng ấp ủ bấy lâu/Tình chung như đã, ân sâu tạ thầy…”.
Năm nay, ông Tạ Công Thăng cũng xúc động đọc bài thơ:

Ngày giỗ thầy

Hàng năm ngày giỗ của thầy

Chúng con kính lễ vui vầy gặp nhau

Ơn sâu nghĩa nặng trước sau

Công lao trời biển cùng nhau nhớ thầy

Thầy đi khuất núi về Tây

Chúng con ở lại tháng ngày nhớ thương

Nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ trường

Một thời cắp sách học đường đã qua

Hôm nay ngày giỗ của cha

Chung con hội tụ để mà tri ân

Ơn thầy dạy bảo xa gần

Bình Minh khai sáng mở tâm nên người

Thầy ơi, thầy cứ vui cười

Chúng con xin hứa trọn đời nhớ ơn…

Thiết nghĩ, khi đời sống xã hội có nhiều đổi thay, cái đói, cái rét đã lùi xa, thay vào đó là quan niệm ăn ngon mặc đẹp và nhiều quan niệm mới cũng được ra đời tồn tại ở xã hội một cách hời hợt. Còn đâu cảnh học trò khép nép trước thầy cô, còn đâu nghĩa cử đạo hiếu thầy trò đậm sâu… Giờ đây, khi tận mắt chứng kiến cuộc hội ngộ bạn học đã ở tuổi trên dưới tám mươi vẫn tìm đến nhau để tri ân làm giỗ thầy giáo, ân tình trận trọng và quý mến biết bao. Hơn sáu mươi năm trước những con người này học cùng nhau ở cái tuổi thơ ngây hồn nhiên học trò vậy mà thời gian thấm thoát, giờ đây ai nấy đều tóc bạc, mắt mờ chân chậm, người mất, người còn… họ lại được con cháu đưa đến gặp nhau cùng làm giỗ thầy, quả là điều hiếm thấy.

Cụ Đỗ Văn Luyện đọc thơ nhớ thầy

Thời gian có thể đi qua, nhưng tình cảm về những người học trò dành cho thầy giáo thưở xưa vẫn rất mực kính trọng và vẹn nguyên. Thầy Bàng đã thành người thiên cổ, nhưng những gì thầy dạy về đạo lý làm người, về tam cương, ngũ thường; tam tòng, tứ đức luôn được các học trò ghi nhớ. Nay, họ cùng ngồi lại dâng nén tâm nhang để tỏ lòng biết ơn thầy, kính trọng thầy, thể hiện sự tôn trọng đạo, hành động báo ân, báo hiếu, một nghĩa cử cao đẹp, đó là bài học vô cùng giá trị về nghĩa thầy trò, tình đồng môn đùm bọc sẻ chia lẫn nhau./.

Huy Thủy