18/11/2024 lúc 15:38 (GMT+7)
Breaking News

Những học sinh “trường làng” tại Tuyên Quang vượt qua khó khăn để thắp sáng ước mơ

Là một tỉnh còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và trang thiết bị học tập, nhưng các em học sinh tại Tuyên Quang vẫn nỗ lực “chắt chiu” từng khung giờ học trực tuyến thông qua nền tảng Khan Academy để tiếp thu kiến thức mới và tiến bộ trong học tập.

Niềm yêu thích học tập đã tháo gỡ mọi khó khăn

Khi đến thăm và làm việc tại các trường ở Na Hang, Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hóa, chúng tôi thực sự bất ngờ với tinh thần ham học của các em học sinh. Kết thúc giờ học chính lúc 16 giờ, hầu hết học sinh vẫn nán lại 30 phút để được thầy cô kèm cặp và hướng dẫn học trực tuyến qua nền tảng Khan Academy. “Các em học sinh ở lại học thêm đều là học sinh dân tộc thiểu số hoặc gia đình thuộc diện khó khăn,” cô Mai Thị Hiền, Hiệu trưởng trường THCS Tứ Quận - Yên Sơn cho biết.

Với mong muốn tiếp cận những bài giảng sinh động, hấp dẫn và được ôn đi ôn lại nhiều lần để củng cố kiến thức, các em học sinh không ngần ngại tranh thủ thời gian học tập. Em Lệnh Anh Thư, học sinh trường THCS Tứ Quận chia sẻ: “Học Toán trên Khan Academy giúp em tiếp thu kiến thức một cách cặn kẽ hơn. Những bài trên lớp em chưa hiểu rõ, em sẽ xem lại video bài giảng và làm bài tập nhiều lần. Năm học vừa qua nhờ phương pháp học tập như vậy, em đã đạt điểm tổng kết 9.8 môn Toán.”

Thư là một trong số ít học sinh có điện thoại để học tập tại nhà. Hầu hết các bạn cùng lớp sẽ học trên nền tảng vào tiết cuối của ngày thứ Bảy hoặc ở lại trường để học thêm vào các ngày trong tuần. Phòng tin học không có nhiều máy tính, nên 2 - 3 bạn sẽ học cùng và thảo luận bài tập với nhau.

Mặc dù khó khăn về thiết bị nhưng các em học sinh vẫn chăm chỉ học tập
Mặc dù khó khăn về thiết bị nhưng các em học sinh vẫn chăm chỉ học tập

Cũng như trường Tứ Quận, các thầy cô trường Tiểu học Nhữ Khê - Yên Sơn cũng áp dụng phương pháp tương tự để tạo điều kiện cho học sinh học tập. “Nhữ Khê có 70% là dân tộc, với nhiều phân hiệu là đồng bào di dân nên cũng gặp nhiều khó khăn. Nhà trường có 2 phòng máy tính, vào ngày nghỉ, các thầy cô giáo tranh thủ đến trường và cho các bạn sử dụng phòng máy. Đối với các lớp, thầy cô kiểm tra tiến độ học tập, nhận thấy học sinh ôn tập kiến thức tại nhà ít hơn do bố mẹ đi làm ca, đêm mới về, nên học sinh không có thiết bị học tập sẽ tranh thủ tiết học trống vào cuối chiều để mượn máy học tập. Ngoài ra, với những lớp có 4 tiết, nhà trường sẽ dành tiết 5 để các em vào phòng tin học, học từ 20 đến 30 phút,” cô Đinh Thị Tuyết Loan, hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Không chỉ nhận được sự giúp đỡ từ giáo viên, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng nhận được sự hỗ trợ từ các bạn cùng lớp. May mắn hơn các bạn là có máy tính để học tập, em Trần Triệu Doanh và Quan Triệu Vy (học sinh Tiểu học Nhữ Khê) sẽ cùng các bạn học tập. “Em thường gọi các bạn sang nhà để học cùng và thực hiện bài tập cô giáo giao. Khi học cùng nhau như vậy, chúng em được thảo luận và tìm ra cách giải các dạng bài khó.”

Những ước mơ được thắp sáng qua mỗi bài học cùng thầy cô, bạn bè

Chia sẻ với chúng tôi, thầy Nguyễn Văn Hiền - Phó Giám đốc Sở GD & ĐT tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Trong năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh quyết tâm ứng dụng công nghệ vào giáo dục nhằm nâng cao chuyển đổi số toàn ngành. Các trường sử dụng nhiều nền tảng, phần mềm miễn phí chuẩn quốc tế để giúp học sinh học tập dễ dàng như Quizz hay Khan Academy. Việc ứng dụng Khan Academy được giáo viên, học sinh và phụ huynh nhất trí cao. Bên cạnh học Toán, học sinh còn được tiếp cận các môn bằng tiếng Anh hay các môn kỹ năng sống, từ đó nâng cao khả năng tự học. Đây là năng lực cốt lõi cần trang bị cho học sinh để có thể học tập suốt đời và thành công.”

Cùng quan điểm trên, cô Nguyễn Thị Minh Hường, giáo viên trường Tiểu học Nhữ Khê cho rằng việc học trực tuyến hiện đang trở thành xu thế tất yếu. Khi mỗi em học sinh hằng ngày được thầy cô, gia đình tạo điều kiện tham gia học qua Internet chỉ khoảng 20 - 30 phút cũng sẽ nâng cao khả năng tư duy máy tính và học hỏi thêm nhiều kiến thức mới. Chính vì vậy, nhà trường và giáo viên sẽ cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho các em học tập.

Anh Quân - học sinh trường THPT Đầm Hồng, huyện Chiêm Hóa nhận thấy từ khi học trực tuyến qua Khan Academy, bản thân mình chủ động học tập hơn. Mỗi ngày em dành 30 phút đến 1 giờ để ôn lại kiến thức trên Khan. Em thường tìm hiểu bài học trên Khan trước, khi đến lớp cô giảng bài thì sẽ hiểu nhanh hơn. Đặc biệt, niềm vui lớn nhất của em là không chỉ học thêm được phương pháp học Toán mới mẻ để áp dụng vào bài học trên lớp mà còn dùng kiến thức ấy để giảng bài cho em trai và hỗ trợ các bạn cùng lớp.

Các thầy cô mỗi ngày đang “chắp cánh” cho ước mơ của các em học sinh
Các thầy cô mỗi ngày đang “chắp cánh” cho ước mơ của các em học sinh

Tuy còn nhiều khó khăn về trang thiết bị học tập, các em học sinh vẫn còn phải học chung máy tính với bạn bè và thầy cô. Nhưng mỗi ngày trôi qua với mỗi bài học, các em lại có thêm những kiến thức mới về môn Toán, tiếng Anh, Khoa học tự nhiên và các môn kỹ năng như Lập trình, An toàn Internet. Đây được xem là những khởi đầu giúp các em trang bị nền tảng để phát triển tư duy và rèn luyện kỹ năng cần thiết trong kỷ nguyên số, đúng như thầy Lục Anh Tùng - Hiệu phó trường THPT Đầm Hồng chia sẻ: “Các bài học giúp các em khám phá thêm kiến thức mới, tạo hứng thú học tập và học tập cùng nhau để cùng tiến bộ.”

Có lẽ chính bởi còn nhiều khó khăn, khi được hỏi về ước mơ, các em học sinh “trường làng” vẫn còn khá dè dặt. Có em ước mơ trở thành công an, có em ước mơ được là sinh viên của trường quân đội để giảm nỗi lo học phí cho ba mẹ, có em ước mơ làm giáo viên Toán để trở về quê hương dạy học. Mỗi em mang trong mình một ước mơ, một hoài bão nhưng chúng tôi tin rằng dưới sự giúp đỡ và đồng hành của thầy cô cùng sự cố gắng tự học mọi lúc, mọi nơi và cùng nhau học tập, các em sẽ chinh phục được ước mơ và trở thành những người có ích cho xã hội.

Phạm Minh Hòa - Mai Huệ