VNHN - Mới đây, NHNN yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM dịp cuối năm và Tết.
Để đáp ứng tốt nhu cầu giao dịch rút tiền mặt trên ATM của khách hàng dịp cuối năm 2018 và dịp nghỉ lễ, Tết Kỷ Hợi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM dịp cuối năm và Tết, bao gồm kế hoạch tiền mặt cho ATM, tiếp quỹ ATM, nhân sự cho ATM, bảo trì, bảo dưỡng ATM…, đảm bảo mạng lưới ATM hoạt động hiệu quả, an toàn và thông suốt.
Ảnh minh họa
Các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ phải thường xuyên giám sát hoạt động của hệ thống ATM, giám sát chặt chẽ mức tồn quỹ ATM (đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn), phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố kỹ thuật, các trường hợp ATM hết tiền, hạn chế để xảy ra tình trạng gián đoạn trong hoạt động, gây bức xúc cho khách hàng.
Rà soát, nắm bắt các thời điểm, các địa bàn thường xảy ra hiện tượng ATM quá tải (như khu công nghiệp, khu chế xuất…), chủ động có các biện pháp phù hợp nhằm giảm tải cho ATM như: tăng cường hoạt động ATM lưu động (đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ đã có trang bị ATM lưu động);
Chủ động làm việc với các doanh nghiệp để điều chỉnh thời gian trả lương hợp lý; xây dựng phương án dự phòng chi trả lương, thưởng dịp Tết bằng tiền mặt; tuyên truyền, quảng bá, hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp nhằm giảm tải việc rút tiền mặt tại các ATM…
Tăng cường truyền thông; làm tốt công tác chăm sóc, hướng dẫn khách hàng phương thức giao dịch an toàn tại ATM; xử lý nhanh và triệt để các giao dịch khiếu nại, khiếu kiện của khách hàng theo quy định.
NHNN cũng yêu cầu rà soát, triển khai phương án phòng, chống tội phạm lắp đặt thiết bị sao chép, trộm cắp thông tin thẻ tại ATM một cách hiệu quả (nhất là thiết bị đọc thông tin thẻ Deep Insert Skimming – DIS được tội phạm sử dụng phổ biến trong thời gian qua tại các ATM nhãn hiệu NCR, loại máy có khe nhận thẻ rộng hơn các ATM khác);
Triển khai các giải pháp giám sát giao dịch qua ATM, phát hiện các giao dịch nghi ngờ gian lận, giả mạo (như các giao dịch sử dụng thẻ có hạn mức cao, các giao dịch rút tiền giá trị lớn tại ATM, các giao dịch rút tiền liên tục, bất thường vào thời điểm nửa đêm…) để kịp thời cảnh báo khách hàng.
Phối hợp chặt chẽ với tổ chức chuyển mạch thẻ nhằm hạn chế các sự cố kỹ thuật, đường truyền, đảm bảo các giao dịch liên ngân hàng thông suốt, ổn định.
Phối hợp, trao đổi thông tin với các đơn vị liên quan (như Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ khác, cơ quan công an, cơ quan truyền thông…) trong việc thông tin, tuyên truyền tới khách hàng về chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn hoạt động ATM cũng như trong công tác phòng, chống tội phạm liên quan ATM; đồng thời báo cáo kịp thời Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi phát sinh các vụ việc liên quan đến ATM.
Tăng cường kiểm tra nội bộ nhằm phát hiện, chấn chỉnh các đơn vị liên quan đến công tác tổ chức vận hành mạng lưới ATM về việc tuân thủ các quy định nội bộ cũng như các quy định, yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đảm bảo ATM hoạt động an toàn, thông suốt.
Cùng đó, NHNN yêu cầu Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam tập trung nguồn lực để thực hiện kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống hạ tầng, kỹ thuật (máy móc, thiết bị, đường truyền…) và theo dõi, giám sát chặt chẽ để đảm bảo hoạt động chuyển mạch thẻ an toàn, thông suốt và ổn định;
Đồng thời cung cấp thông tin cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Thanh toán) khi phát hiện các vụ việc ATM của các ngân hàng thành viên gặp sự cố để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam biết và kịp thời chỉ đạo xử lý./.