18/11/2024 lúc 00:50 (GMT+7)
Breaking News

NHNN đề xuất sửa luật xử phạt trong lĩnh vực tài chính tiền tệ

VNHN – Mới đây, NHNN đã công bố dự thảo sửa đổi xử phạt trong lĩnh vực tài chính tiền tệ, sau vụ việc đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng tại Cần Thơ vào cuối tháng 10 vừa qua.

VNHN – Mới đây, NHNN đã công bố dự thảo sửa đổi xử phạt trong lĩnh vực tài chính tiền tệ, sau vụ việc đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng tại Cần Thơ vào cuối tháng 10 vừa qua.

Trước đó, ông Nguyễn Cà Rê ở Cần Thơ mang tờ 100 USD đến tiệm vàng Thảo Lực đổi thì bị cảnh sát ập vào bắt quả tang, vì nơi này không có giấy phép thu mua ngoại tệ.

Mất 8 tháng để xác định tiệm vàng vi phạm hành chính hay hình sự, đến tháng 10/2018, Công an TP Cần Thơ tham mưu cho UBND TP ra quyết định xử phạt ông Rê 90 triệu đồng, tịch thu 2.260.000 đồng tiền đổi được từ tờ 100 USD. Tiệm vàng Thảo Lực bị xử phạt 295 triệu vì nhiều lỗi, trong đó có 180 triệu đồng vì hành vi thu đổi ngoại tệ sai phép theo Nghị định 96/2014 của Chính phủ.

Ảnh minh họa

Sự việc đã gây ra hoang mang và bức xúc cho người dân vì hành vi đổi 100 USD của người dân được cho là ít gây hậu quả cho xã hội nhưng mức phạt quá lớn. Trao đổi tại buổi tiếp xúc cử tri phường An Phú (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) sau kỳ họp thứ 6, QH khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đã có chỉ đạo yêu cầu NHNN trình Chính phủ sửa lại Nghị định 96.

Viêc Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ ký quyết định phạt 90 triệu đồng là phạt theo quy định tại nghị định 96, nhưng nghị định này chưa phù hợp với thực tiễn, chưa nói rõ đúng bản chất sự việc. Đổi 100 USD khác với kinh doanh hàng trăm ngàn USD.

Thủ tướng cũng đã yêu cầu không được để xảy ra vụ việc nào như vụ Con Cưng hay vụ bán 100 USD bị phạt 90 triệu đồng nữa. Thủ tướng cũng khẳng định sẽ sửa ngay nghị định 96/2014 - NĐCP, trong đó có quy định việc bán ngoại tệ trái phép bị phạt từ 80 - 100 triệu đồng mà dư luận bức xúc vừa qua.

Ngày 17/12, Ngân hàng Nhà nước chính thức công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Với dự thảo trên, Ngân hàng Nhà nước đã có những điều chỉnh liên quan, theo hướng hạn chế mức độ xử phạt nặng khi xem xét mức độ nghiêm trọng hay không của hành vi vi phạm.

Trao đổi với báo chí, Ngân hàng Nhà nước thông tin, sau gần bốn năm áp dụng các quy định của Nghị định 96, đã phát hiện một số quy định về mức phạt không còn phù hợp với tính chất và hậu quả của hành vi vi phạm, đặc biệt là trong trường hợp đối tượng vi phạm là cá nhân.

Ví dụ, quy định phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ; phạt tiền từ 200 - 250 triệu đồng đối với hành vi vi phạm giao dịch, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận, niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật; phạt tiền từ 30 - 60 triệu đồng đối với hành vi vi phạm mua, bán vàng miếng tại tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng…

Như vậy, với mức xử phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm, dự thảo đã bổ sung hình thức xử phạt cảnh cáo đối với một số hành vi vi phạm hành chính không nghiêm trọng.

Vi phạm không nghiêm trọng được dẫn giải cụ thể như hành vi mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau; hành vi mua, bán ngoại tệ với tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ; hành vi mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng… Đây cũng là những tình huống đã phát sinh ở một số trường hợp bị xử phạt nặng gây chú ý dư luận vừa qua.

Trong bản dự thảo, Ngân hàng Nhà nước cũng bổ sung các nguyên tắc xử phạt, trong đó có nguyên tắc: đối với những hành vi vi phạm tại chương 2 Nghị định (bao gồm những trường hợp như phát sinh thực tế nói trên) có quy định hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền, căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm và có tình tiết giảm nhẹ, người có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng hình thức phạt cảnh cáo.

Đồng thời, dự thảo cũng giảm mức phạt với hành vi mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh xuống còn 10-20 triệu đồng, từ mức 30-60 triệu đồng đang áp dụng.

Đối với hành vi sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán sẽ được điều chỉnh mức phạt 200-300 triệu đồng từ mức hiện hành 250-300 triệu đồng. Tương tự hành vi kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng hiện nay đang phạt tiền từ 450 triệu đến 500 triệu sẽ giảm xuống mức phạt 400-500 triệu đồng.

Mặt khác, đi kèm với hình thức phạt tiền Ngân hàng Nhà nước vẫn áp dụng biện pháp tịch thu số vàng trao đổi, yêu cầu nộp lại số tiền thu lợi bất chính từ hoạt động vi phạm./.