Vừa qua tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học: Tình hình thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhìn lại 40 năm đổi mới trên các lĩnh vực, thời cơ, thách thức đối với việc tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Hội thảo do Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. GS,TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; GS,TS Nguyễn Quang Thuấn, Trưởng Tiểu ban Kinh tế Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS,TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đồng chủ trì Hội thảo.
Sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình với định hướng xã hội chủ nghĩa được giữ vững; vai trò, vị thế và uy tín quốc tế của quốc gia từng bước được nâng cấp; đời sống vật chất tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt; quốc phòng an ninh được đảm bảo vững chắc. Những thành tựu đó là những minh chứng rõ nét cho tính đúng đắn của đường lối phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ tổng kết 40 năm đổi mới, đồng thời cũng là nội dung tổng kết việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Đại hội XIII của Đảng. Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn đề nghị các đại biểu, nhà khoa học tập trung trao đổi ba vấn đề sau: Vấn đề thứ nhất: Đánh giá những thành tựu, kết quả và những hạn chế; nguyên nhân của những hạn chế đó; chỉ ra những bất cập, điểm nghẽn, những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng;
Vấn đề thứ hai: Làm rõ một số mô hình điển hình, những kinh nghiệm mới, cách làm hay để phát triển kinh tế xã hội, văn hóa, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong các ngành, các lĩnh vực, các cấp trong cả nước. Đồng thời, gắn với đó là xem xét, đánh giá những vấn đề quan trọng đặt ra trong 40 năm thực hiện đổi mới;
Vấn đề thứ ba: Phân tích, dự báo bối cảnh mới; xác định rõ những thời cơ, thách thức đối với việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, xây dựng phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Từ đó, đề xuất những quan điểm, giải pháp trọng tâm, đột phá để thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh, đây là nội dung liên quan những vấn đề rất quan trọng, vừa có tính chất bao quát vừa đánh giá thực tế trong các mối quan hệ đa chiều, phong phú, vừa liên quan đến những vấn đề cụ thể, sinh động, gắn với bối cảnh chung của thế giới, khu vực và trong nước.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn nêu rõ, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những chủ trương, quyết sách quan trọng để định hướng và lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, toàn diện quá trình triển khai tổ chức thực hiện phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, xác định những thời cơ và thách thức mới là những nội dung đặc biệt quan trọng không những cung cấp thêm cơ sở khoa học cho việc tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII trong những năm còn lại của nhiệm kỳ, mà còn góp phần tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam.
Tổng kết cũng phục vụ cho việc chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời cung cấp những luận cứ thực tiễn trực tiếp phục vụ cho việc xây dựng các văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng nhằm mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Theo Tiến sĩ Cao Đức Phát, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, trong điều kiện có nhiều diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, Đảng đã lãnh đạo đưa đất nước vượt qua khó khăn, trong đó có đại dịch Covid-19, duy trì ổn định chính trị, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; nền kinh tế tiếp tục phát triển ở mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới. Nhiều mặt xã hội tiếp tục có tiến bộ. Đời sống đa số người dân tiếp tục được cải thiện.
Tiến sĩ Cao Đức Phát cũng đã đưa ra những kiến nghị đề cao vai trò của giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ: tập trung thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư và các nguồn lực để phục hồi và duy trì bền vững tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế; Đảng cụ thể hóa và tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả chủ trương đối với phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Coi đây là hai đột phá chiến lược trong giai đoạn tới.
Tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận ba vấn đề lớn nêu trên với nhiều tham luận, đánh giá và kiến nghị có giá trị, làm cơ sở cho việc tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam.
BBT