22/01/2025 lúc 22:46 (GMT+7)
Breaking News

Nhiều tín hiệu “khởi sắc” từ dòng vốn ngoại đầu năm mới

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, Việt Nam nói chung và khu vực Đông Nam Bộ nói riêng đang là “ thỏi nam châm” thu hút các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) đến đầu tư hoặc mở rộng sản xuất.

Theo Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai, trong năm 2023, toàn tỉnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2022. Trong đó, cấp mới 72 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 416 triệu USD, 88 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung hơn 743 triệu USD.

Ngay trong những ngày đầu năm 2024 (ngày 8/1), UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 9 dự án; trong đó có 8 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn gần 500 triệu USD.

Trong 8 dự án FDI có 4 dự án cấp mới, lớn nhất là Dự án SLP Park Lộc An Bình Sơn (khu công nghiệp Lộc An – Bình Sơn) với số vốn hơn 120 triệu USD. Bốn dự án FDI tăng vốn, tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo như: Dự án sản xuất cà phê của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nestlé Việt Nam - Nhà máy Trị An, tăng 100 triệu USD; Dự án nhà máy sản xuất Công ty cao su Kenda Việt Nam (khu công nghiệp Giang Điền), tăng 80 triệu USD.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 9 nhà đầu tư trong những ngày đầu năm là tín hiệu tích cực, mang đến khởi đầu tốt đẹp cho bức tranh kinh tế-xã hội của địa phương trong năm 2024.

"Đồng Nai cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh; sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư sớm triển khai dự án; quá trình thực hiện dự án, các đơn vị trong tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng khẳng định.

Tiếp tục tạo động lực mới thu hút FDI

Với môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn, trong những năm gần đây, Bình Dương luôn là một trong số những tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Năm 2023 "thủ phủ công nghiệp" này thu hút gần 1,5 tỷ USD, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, với 100 dự án đầu tư đăng ký mới.

Theo ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, để chủ động đón các nhà đầu tư lớn, trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Trong điểm sáng thu hút vốn đầu tư FDI của khu vực Đông Nam Bộ, TPHCM dẫn đầu khu vực và cả nước với 5,85 tỷ USD trong năm 2023, tăng gần 50% so với năm 2022. Trong số đó, Thành phố có 1.202 dự án đầu tư được cấp mới, 296 dự án điều chỉnh vốn và 2.314 lượt góp vốn mua cổ phần. "Đây là một điểm sáng của môi trường đầu tư Thành phố, khẳng định việc thực thi các cam kết của lãnh đạo TPHCM với các nhà đầu tư, doanh nghiệp", bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM nhấn mạnh.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết, năm 2024 TPHCM tiếp tục tập trung nâng cao tỉ trọng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có giá trị gia tăng cao, bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, có hiệu ứng lan tỏa tích cực đối với khu vực kinh tế tư nhân và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn Thành phố.

Đây là một trong những mục tiêu được UBND TPHCM đặt ra trong Đề án nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2023- 2025, tầm nhìn 2030 vừa ban hành. Trong Đề án này, Thành phố tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách để khuyến khích thu hút đầu tư FDI của thành phố; trong đó cải tổ toàn diện khung chính sách ưu đãi hiện hành và chuyển hướng sang ưu đãi dựa trên kết quả, hiệu quả công việc, hỗ trợ sau đầu tư cho các dự án đã hoàn thành; hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực mới cho thu hút và sử dụng FDI vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao.

DN FDI tin tưởng vào triển vọng tươi sáng của kinh tế Việt Nam

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, Việt Nam nói chung và khu vực Đông Nam Bộ nói riêng vẫn đang là "thỏi nam châm" thu hút các doanh nghiệp FDI đến đầu tư hoặc mở rộng sản xuất.

Kết quả công bố mới đây (ngày 8/1) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy, các doanh nghiệp (DN) châu Âu hoạt động tại Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi khi chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) mới nhất đạt 46,3 trong quý IV/2023. Đồng thời, những số liệu khảo sát và thống kê của BCI cũng báo hiệu động lực tăng trưởng mạnh mẽ và cơ hội cho Việt Nam trong năm 2024.

Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit đánh giá: Kết quả BCI cho thấy xu hướng tích cực trong niềm tin DN châu Âu tại Việt Nam, dù vẫn còn một chặng đường dài để phục hồi hoàn toàn nhưng các DN đang cảm thấy lạc quan hơn. Cộng đồng DN châu Âu cũng thể hiện niềm tin đã vượt qua thời kỳ kinh tế được cho là đầy thách thức và khó khăn nhất.

Với bối cảnh quý cuối cùng của năm 2023 chứng kiến mức độ hài lòng của DN tăng lên rõ rệt như DN tự tin vào tình hình hiện tại đã tăng từ mức 24% trong quý III/2023 lên mức 32% trong quý IV/2023. Con số này cũng cho phép kỳ vọng cho quý I/2024 sẽ rất tích cực, với 29% doanh nghiệp đánh giá triển vọng của họ là "xuất sắc" hoặc "tốt".

Kết quả công bố cuối năm 2023 của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JETRO) khi "Khảo sát thực trạng các DN Nhật Bản tại nước ngoài năm tài chính 2023" cũng cho thấy, nhiều DN Nhật Bản tin tưởng vào triển vọng kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới. Cụ thể, về phương hướng triển khai kinh doanh trong 1-2 năm tới, tỉ lệ DN Nhật Bản trả lời "mở rộng" tại Việt Nam là 56,7%. Dự báo về lợi nhuận kinh doanh năm 2024, hơn 50,4% DN Nhật Bản kỳ vọng sẽ "cải thiện".

Trước sự cạnh tranh kinh tế ngày càng tăng trong khu vực và toàn cầu, các chuyên gia EuroCham chia sẻ, Việt Nam vẫn nên tiếp tục hoàn thiện chính sách, chiến lược để thu hút và duy trì đầu tư trực tiếp nước ngoài. Một lĩnh vực quan trọng cần tập trung là đơn giản hóa thủ tục hành chính, đầu tư vào cơ sở hạ tầng để giảm chi phí hậu cần và nâng cao trình độ của lực lượng lao động cũng rất quan trọng... sẽ giúp Việt Nam duy trì tính cạnh tranh và quỹ đạo tăng trưởng.

Anh Lê - Cổng TTĐT Chính phủ

...