Vào thời khắc thế giới bước sang năm mới 2022, nhiều nhà lãnh đạo các nước đã phát đi thông điệp về những vấn đề liên quan đến đất nước mình và tình hình thế giới.
Chào đón năm mới tại Vương quốc Anh
Đêm 31/12, trong bài phát biểu mừng năm mới 2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất đến tất cả người dân.
Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, người dân Trung Quốc đã chứng kiến những sự kiện mang tính bước ngoặt trong lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc và đất nước. Theo đó, Trung Quốc đã hoàn thành mục tiêu 100 năm đầu tiên xây dựng xã hội toàn diện khá giả, bước vào chặng đường mới thực hiện mục tiêu 100 năm thứ 2, xây dựng toàn diện nhà nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp vào năm 2049.
Trong thông điệp Năm Mới 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước Nga luôn kiên quyết, nhất quán trong việc bảo vệ lợi ích của đất nước và an ninh của người dân.
Tổng thống Putin nhấn mạnh: "Điều quan trọng nhất là chúng ta đã cùng nhau vượt qua mọi khó khăn của một năm qua. Bảo vệ những con người gặp khó khăn, trước hết bảo vệ thế hệ lớn tuổi và các gia đình có trẻ em - tương lai của nước Nga. Chúng ta kiên quyết và nhất quán bảo vệ lợi ích quốc gia, an ninh của đất nước và người dân".
Tổng thống Putin cũng cho rằng người dân Nga đã phải đối mặt với những thách thức "vô cùng lớn" trong năm 2021 nhưng đã học được cách "vượt qua điều kiện khắc nghiệt và giải quyết các vấn đề phức tạp" nhờ sự đoàn kết dân tộc.
Ông Putin cũng gửi lời chia buồn tới tất cả những ai đã mất người thân và bạn bè trong đại dịch COVID-19.
Trong thông điệp nhân dịp năm mới ngày 1/1/2022, Nhật hoàng Naruhito kêu gọi người dân “sẻ chia khó khăn và giúp đỡ nhau”. Xuất hiện trong video cùng với Hoàng hậu Masako nhân dịp Năm Mới 2022, Nhật hoàng Naruhito nói: “Từ đáy lòng mình, tôi cầu chúc chúng ta vượt qua những thời điểm khó khăn này”.
Nhật hoàng Naruhito gửi lời chia buồn tới gia đình những người đã mất vì đại dịch, đồng thời cảm ơn đội ngũ nhân viên y tế tham gia vào cuộc chiến chống dịch bệnh nguy hiểm này.
Nhật hoàng Naruhito cũng gửi lời chia buồn tới những gia đình mất người thân trong các thiên tai khác trong năm 2021 và khẳng định sự đoàn kết với người dân ở các khu vực bị thiên tai tàn phá.
Cùng ngày, trong phát biểu nhân dịp năm mới, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio khẳng định cải cách Hiến pháp sẽ là “chủ đề quan trọng” trong năm 2022. Ông Kishida cam kết đẩy nhanh các cuộc thảo luận nhằm đạt được mục tiêu của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền là sửa đổi Hiến pháp.
Thủ tướng Nhật Bản cũng cam kết tiếp tục thực hiện mọi biện pháp cần thiết để phòng chống dịch COVID-19.
Thủ tướng Kishida tuyên bố mặc dù việc ứng phó với dịch COVID-19 vẫn là một ưu tiên nhưng một khi Nhật Bản giành chiến thắng trong cuộc chiến này, Chính phủ sẽ tập trung vào các chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong lĩnh vực ngoại giao, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh sự cần thiết phải có ban lãnh đạo giỏi để ứng phó với sự khắc nghiệt và phức tạp của các vấn đề quốc tế, đồng thời cho biết ông sẽ đẩy mạnh ngoại giao thượng đỉnh trong năm nay.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng cam kết thúc đẩy cách tiếp cận ngoại giao dựa trên “chủ nghĩa hiện thực cho kỷ nguyên mới”, bao gồm ba trụ cột là: Tập trung vào các giá trị phổ quát, tham gia vào các nỗ lực giải quyết các thách thức toàn cầu và kiên quyết bảo vệ sinh mạng, sinh kế của người dân.
Tại Hàn Quốc, trong thông điệp đầu Năm Mới 2022 được đăng trên mạng xã hội, Tổng thống Moon Jae-in bày tỏ hy vọng cuộc bầu cử tổng thống sắp tới (ngày 9/3) sẽ mang lại hy vọng cho tương lai.
Tổng thống Moon Jae-in cho biết ông sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ để biến năm 2022 trở thành một năm nhảy vọt của Hàn Quốc.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã kéo dài sang năm thứ 3, Tổng thống Moon Jae-in bày tỏ lòng tri ân đối với các nhân viên y tế đã kiên cường, nỗ lực vì cộng đồng trên tuyến đầu chống dịch suốt thời gian qua. Tổng thống Moon cũng gửi lời cảm ơn đến giới tiểu thương và những người làm nghề tự do, những người bị ảnh hưởng nặng từ những khó khăn kinh tế mà đại dịch gây ra.