26/12/2024 lúc 22:52 (GMT+7)
Breaking News

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động sau động thái của NHNN

Các ngân hàng giảm trung bình 0,5% một năm với các kỳ hạn dưới 6 tháng, tương ứng mức giảm của Ngân hàng Nhà nước. Với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, hệ thống ngân hàng đã giảm trung bình 0,2-0,3% một năm so với cách đây hai tuần.

Nhóm ngân hàng có vốn nhà nước gồm Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank đã giảm tới 0,4% với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, đưa mức lãi suất cao nhất về mức 6,8-7% một năm.

Mức lãi suất niêm yết tại phần lớn nhà băng tư nhân hiện nay cũng không quá 8% một năm. Một số đơn vị trả cao nhất thị trường, dao động từ 8,2% đến 8,5% một năm gồm GPBank, SeABank, ABBank, VietABank và PVCombank...

Nếu cách đây hai tuần, mức lãi suất xấp xỉ 9% vẫn còn xuất hiện thì hiện nay, lãi suất cao nhất chỉ còn 8,5% một năm.

Kể từ 1/6, TPBank điều chỉnh giảm mức lãi suất cơ sở áp dụng cho tất cả các khoản vay hiện hữu đến kỳ điều chỉnh lãi suất. Theo đó, lãi suất cơ sở khách hàng cá nhân kỳ 12 tháng (kỳ điều chỉnh) là 10,97%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 10,75%/năm. Đối với khách hàng doanh nghiệp, lãi suất cơ sở cũng được điều chỉnh xuống 8,9-9,7%/năm đối với ngắn hạn, 9,2-10%/năm đối với trung hạn và 9,3-10,1%/năm đối với dài hạn.

Tại Techcombank, từ ngày 31/5, lãi suất cơ sở chuẩn cho mục đích vay mua bất động sản là 8,8%/năm, thấp 0,6 điểm % so với mức 9,4%/năm được niêm yết trong tháng 4. Lãi suất cơ sở dự án (các khoản vay mua BĐS thuộc điều chỉnh theo LSCS dự án) cũng được điều chỉnh từ 9,4-9,85%/năm xuống 8,8-9,25%/năm.

Tại VPBank, lãi suất cơ sở khách hàng cá nhân vay có tài sản bảo đảm cũng được giảm về 10% kỳ hạn 6 tháng, 10,5%/năm kỳ hạn 12 tháng, trên 11%/năm đối với kỳ hạn từ 3 năm.

Tính đến 28/5, khoản tiền gửi dưới 6 tháng bị khống chế bởi trần lãi suất 5% một năm. Lãi suất bình quân khi gửi tại quầy với kỳ hạn 6-9 tháng là 7% một năm, kỳ hạn 12 tháng là 7,4% một năm. Người gửi tiền sẽ được lợi hơn khi gửi tiền trực tuyến, với lãi suất trung bình 7,4% một năm kỳ hạn 6-9 tháng và 7,7% một năm kỳ hạn một năm.

Trước đó, ngày 25/5, Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp với lãnh đạo các ngân hàng thương mại tìm cách giảm lãi suất cho vay. Tại cuộc họp, NHNN đã đặt ra yêu cầu rất cao đối với việc giảm lãi suất cho vay.

Sau cuộc họp với NHNN, nhiều ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay 0,3-0,5% đối với tất cả khách hàng hiện hữu. Nhóm dự kiến giảm lãi suất tuần tới sẽ tập trung ở các ngân hàng tư nhân từ đầu năm đến nay chưa điều chỉnh lãi với những khoản vay cũ.

Thông tin tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/6, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, sau rất nhiều động thái điều hành của NHNN từ tháng 3 đến tháng 5, mặt bằng lãi suất cũng cho vay đã giảm, số liệu gần đây cho thấy lãi suất cho vay của các bảng vay mới bình quân hiện tại khoảng 9,07%, giảm 0,9% so với cuối năm ngoái.

“Với số liệu như thế này, chúng tôi tin tưởng rằng mặt bằng lãi suất đang giảm và cũng sẽ giảm trong thời gian tới”, ông Hà cho hay.

Theo ông Hà, đối với khoản dư nợ hiện hữu, do khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ cho nên NHNN đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho phép cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ. NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức triển khai chính sách này để hỗ trợ cho các dư nợ đã có đối với doanh nghiệp. Còn dư nợ mới, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tích cực cho vay đối với các khách hàng đủ điều kiện.

“Rõ ràng, hệ thống ngân hàng huy động vốn để cho vay, cho nên những khách hàng đủ điều kiện chắc chắn sẽ tiếp cận được vốn tín dụng”, lãnh đạo NHNN nhấn mạnh.

Thứ hai, ngoài giải pháp ngành ngân hàng, Phó Thống đốc cho rằng giải pháp tăng sức cầu của nền kinh tế rất quan trọng. Do vậy, các bộ ngành cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ trợ doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, xúc tiến, tìm kiếm, phát triển, tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ, thị trường bất động sản, qua đó tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như nâng cao năng lực tài chính, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.

Thanh Bút