26/06/2024 lúc 17:09 (GMT+7)
Breaking News

Nhận diện đầy đủ thực tế để có giải pháp nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế

Việc nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh phát triển mới bởi đây là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, tạo tiền đề để xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ, giảm phụ thuộc, chi phối bởi các nguồn lực bên ngoài, đồng thời mở rộng không gian phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng, hiệu quả nội tại của nền kinh tế đất nước.

Chính nhờ các chính sách, giải pháp đúng đắn, kịp thời, chưa từng có tiền lệ thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cùng sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, nhìn tổng thể nửa nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức trước “những cơn gió ngược” và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện.  

Nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng và là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, định hạng tín nhiệm quốc gia và vị thế quốc tế tiếp tục được cải thiện. Các cân đối lớn được bảo đảm, tỷ lệ nợ công, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách đều dưới ngưỡng Quốc hội cho phép; nợ xấu được kiểm soát, tỷ giá khá ổn định. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, an ninh lương thực được bảo đảm. Các công trình, dự án quan trọng quốc gia, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, vùng và cả nước được đẩy mạnh; củng cố thêm niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, hỗ trợ hướng tới phát triển bền vững các ngành, lĩnh vực.  

Bên cạnh những thành tựu đạt được, nền kinh tế vẫn tồn tại một số yếu kém, như: Chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh còn thấp, thiếu bền vững; chưa tạo được đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển; hiện đại hóa còn chậm, chưa tạo được chuyển biến căn bản về mô hình tăng trưởng…Vì vậy, việc nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh phát triển mới, Đây cũng là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, tạo tiền đề để xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ, giảm phụ thuộc, chi phối bởi các nguồn lực bên ngoài, đồng thời mở rộng không gian phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng, hiệu quả nội tại của nền kinh tế.

Ngoài ra, nền kinh tế nước ta còn tồn tại một số điểm nghẽn cần giải quyết; bao gồm:

Thứ nhất, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, khả năng kết nối các phương thức vận tải còn hạn chế; một loạt dự án giao thông vận tải lớn chưa hoàn thành, như: Chưa hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam, cảng hàng không cửa ngõ quốc tế Long Thành, chưa triển khai xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, một số cao tốc vùng chậm được triển khai (Nội Bài - Hạ Long, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương, Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài…), mật độ đường cao tốc khu vực Nam Bộ thấp, kết cấu hạ tầng vùng đồng bằng sông Cửu Long chậm phát triển...

Thứ hai, phát triển còn dàn trải, số lượng khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu quá nhiều, quy mô diện tích lớn, trong khi chưa đảm bảo các điều kiện về hạ tầng, cơ chế chính sách để thu hút đầu tư. Mặt khác, uy mô các vùng kinh tế trọng điểm quá lớn, lại chưa có cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội, chưa được đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại nên các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự trở thành các vùng động lực, nhiều địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm có trình độ phát triển dưới hoặc tương đương mức trung bình cả nước.

Thứ ba, liên kết phát triển nói chung, liên kết vùng nói riêng còn hạn chế, chưa thực chất, một số địa phương phát triển không dựa vào tiềm năng, lợi thế của mình, phát triển theo “phong trào”, không dựa trên các lợi thế so sánh, thiếu tầm nhìn dài hạn, nhất là trong xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch… dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, khó thu hút đầu tư...

Thứ tư, các vành đai, đô thị vệ tinh, khu đô thị lớn chậm triển khai, đặc biệt tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Hạ tầng đô thị chưa đồng bộ, thiếu kết cấu hạ tầng giao thông kết nối giữa các đô thị và giữa đô thị - nông thôn. Chậm mở rộng không gian phát triển cho vùng Hà Nội và vùng Thành phố Hồ Chí Minh; nhiều dự án đầu tư ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội còn sử dụng nhiều lao động và đất đai; các đô thị trung tâm vùng, trung tâm tỉnh phát triển chưa cân xứng.

Thứ năm, chưa hình thành được các trung tâm tài chính lớn mang tầm khu vực, quốc tế; hệ thống thể chế, nhất là thể chế về tiền tệ chưa bảo đảm hỗ trợ hình thành và phát triển các trung tâm tài chính…

Để nâng cao khả năng chống chịu, tăng tính tự cường của nền kinh tế đất nước: Cần xây dựng và vận hành hệ thống chỉ tiêu đánh giá, đo lường khả năng chống chịu và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế; tăng cường phối hợp chính sách nhằm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi và phát triển bền vững. Cùng với đó, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn; có chiến lược, giải pháp cụ thể nâng cao sức chịu đựng, tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp Việt Nam và có kế hoạch cụ thể huy động nguồn lực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra về sức chống chịu, tính tự chủ và tự cường của nền kinh tế. Mặt khác, cần tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và làn sóng dịch chuyển đầu tư. Bởi việc thực thi các hiệp định thương mại tự do với các tiêu chuẩn cao hơn và các quy định, cam kết như không sử dụng lao động trẻ em, nâng cao dần mức độ bảo vệ môi trường, thúc đẩy năng lượng tái tạo… sẽ tạo ra thách thức và cũng là động lực để nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững. Tận dụng tiềm năng, đẩy nhanh chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế số. Xây dựng chiến lược khung để làm nền tảng cho các định hướng và hành lang pháp lý, thể chế cho việc chuyển đổi số…

Cùng với những giải pháp nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang tập trung triển khai 5 nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành, cụ thể như sau:

Một là, chủ trì hướng dẫn xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh (TTX) cấp ngành và địa phương, hướng dẫn tích hợp TTX trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp, các ngành, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các mục tiêu TTX ở quy mô toàn bộ nền kinh tế cũng như các ngành, lĩnh vực, địa phương.

Hai là, tiếp tục tăng cường xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan, nhất là về đầu tư - doanh nghiệp; chính sách về khu công nghiệp sinh thái, áp dụng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn trong xây dựng, quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế hay thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo…

Ba là, xây dựng và ban hành “Lộ trình hiện thực hóa các mục tiêu TTX gắn kết với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng trung hòa các-bon” nhằm đảm bảo tính hướng đích của toàn bộ nền kinh tế cũng như của các ngành.

Bốn là, giám sát, đánh giá, báo cáo thực hiện Chiến lược và các công cụ quản lý hỗ trợ thực hiện dựa trên Bộ chỉ tiêu quốc gia về TTX, triển khai Chỉ số TTX tổng hợp nhằm đánh giá mức độ thực hiện TTX trên phạm vi toàn quốc; xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại xanh quốc gia; xác định và tổ chức triển khai những nhiệm vụ, dự án TTX trọng điểm…

Năm là, thúc đẩy huy động nguồn lực, điều phối các nguồn tài trợ trong và ngoài nước, nguồn tài chính khí hậu trên cơ sở bám sát Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) 2022 mà Việt Nam đã công bố tại Hội nghị COP27. Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng để hiện thực hóa TTX trong giai đoạn 2021-2030 và những giai đoạn tiếp theo. Theo đó, để có thể hấp thụ được vào các mục tiêu xanh, phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp cho Chính phủ về huy động nguồn lực sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu, đề xuất với Chính phủ những giải pháp để các nguồn lực cho TTX trong thời gian tới được sử dụng hiệu quả, định hướng vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững, tạo động lực để đầu tư tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế xanh theo đúng quan điểm xuyên suốt được nhấn mạnh rõ nét tại Chiến lược quốc gia về TTX.

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới:  Chính phủ ưu tiên thúc đẩy mạnh tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, đặc biệt cho những mô hình kinh tế mới và động lực tăng trưởng mới, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, sân bay, bến cảng, đường cao tốc, đường gom, nút giao kết nối, dự án có tính liên vùng, dự án ứng phó biến đổi khí hậu, sạt lở, xâm nhập mặn, dự án hạ tầng đô thị, chuyển đổi số. Tiếp tục thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Chính phủ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực mới nổi, sản xuất chíp, bán dẫn…; phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường… Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội./.

Ths. Phan Xuân Tám

...