Dù hai cuốn sách được bà xuất bản cách nhau hơn hai thập kỉ, chúng luôn được giới chuyên môn và cả những người yêu nhiếp ảnh coi như một nền tảng quan trọng trong lí luận về nhiếp ảnh. Đến giờ, cả hai cuốn sách tiếp tục được trích dẫn và đưa ra tranh luận rất nhiều. Một trong những lí do quan trọng là Susan Sontag đã vượt ra rất xa khỏi nhiếp ảnh để chạm đến những vấn đề nội tâm rất sâu của con người.
Tác phẩm đã diễn tả được những suy nghĩ, những dằn vặt, những trăn trở của Susan Sontag về nhiếp ảnh, về chiến tranh, về tác động tích cực cũng như tiêu cực của các hoạt động nhiếp ảnh đến việc chuyển tải các thông điệp về tội ác của chiến tranh, và cách thức con người nhìn nhận nỗi đau của người khác.
Cuốn sách bắt đầu, kết thúc, và xuyên suốt với chủ đề nhiếp ảnh nhưng dường như ép người đọc phải ngẫm nghĩ nghiêm cẩn hơn rất nhiều về chính mình. Mỗi chúng ta nghĩ gì về chiến tranh hay cụ thể hơn là các bên hay nguyên do trong chiến tranh, nghĩ gì về sự tàn bạo và các nạn nhân, nghĩ gì về đạo đức nghề nghiệp mà trong cuốn sách này là nhiếp ảnh, về vẻ đẹp trong đau khổ và mất mát, và còn rất nhiều chủ đề nội tâm khác.
“Chúng ta không thể tưởng tượng nổi chiến tranh đáng sợ thế nào, kinh hãi thế nào; và nó đã trở nên bình thường thế nào. Không hiểu nổi, không tưởng tượng nổi. Đó là những gì mà mỗi người lính, mỗi nhà báo, mỗi nhân viên cứu trợ, và mỗi người quan sát độc lập, những người đã trải qua thời gian dưới làn đạn và may mắn thoát khỏi cái chết giáng xuống người bên cạnh, cảm thấy một cách dai dẳng. Và họ đúng”.
“Trong 30 năm, Susan Sontag đã khiến cả một thế hệ suy nghĩ về những điều chúng ta sợ hãi nhất: chiến tranh, bệnh tật, chết chóc. Những cuốn sách của bà sáng tỏ mà không đơn giản hóa, phức tạp mà không gây khó chịu, và trên hết nhấn mạnh rằng bỏ qua những gì đang đe dọa chúng ta là điều vừa vô trách nhiệm vừa nguy hiểm”. - O, The Oprah Magazine
Tác giả Susan Sontag (1933-2004) là một nhà văn, nhà làm phim, triết gia, giáo viên và nhà hoạt động chính trị người Mĩ. Bà tích cực đi đến và viết về các khu vực xung đột, bao gồm cả Chiến tranh Việt Nam; về nhiếp ảnh, văn hóa, truyền thông, AIDS và bệnh tật, nhân quyền, và hệ tư tưởng cánh tả. Các tiểu luận của bà đã thu hút nhiều sự quan tâm và bà được mô tả là “một trong những nhà phê bình có ảnh hưởng nhất trong thế hệ của mình”.
Bà là tác giả của bốn cuốn tiểu thuyết, trong đó In America đã giành được Giải thưởng Sách quốc gia (Mĩ) năm 2000 cho thể loại tiểu thuyết; một số vở kịch và chín tiểu luận, trong đó On Photography (Bàn về nhiếp ảnh) đã giành được Giải thưởng của Hội Nhà phê bình Sách Quốc gia (Mĩ). Năm 2001, Sontag được nhận giải Jerusalem.
TRƯỚC NỖI ĐAU CỦA NGƯỜI KHÁC
(Về tính phổ biến, ý nghĩa và tác động của bạo lực)
Tác giả: Susan Sontag
Dịch giả: Chu Đình Cương
Tủ sách Tri thức mới
Nxb Tri thức phát hành tháng 8/2022
Thanh Nhàn