27/04/2024 lúc 00:42 (GMT+7)
Breaking News

Nhà thơ Đoàn Mạnh Phương - Trí tuệ và hồn thơ trong mưa ký ức

Xúc cảm trí tuệ là điều có thể nhận ra trước tiên khi đọc kỹ tập thơ Mưa kí ức của Đoàn Mạnh Phương (Nxb Hội Nhà văn, 2021).

Xúc cảm trí tuệ được nhận dạng khi tác giả thi cảm hóa khái niệm và những suy ngẫm trừu tượng khác. Độc giả hãy chú ý đến nhan đề thi phẩm: “Chạm”, “Sau tất cả”, “Giới hạn”, “Đánh thức”, “Ngẫu”, “Cảm thức”, “Chấm”, “Đen trắng”, “Dấu hỏi”, “Đối diện”, “Tốc độ”, “Khởi động”, “Cộng hưởng”, “Luật lệ, “Soi”, “Cuộc trò chuyện với những chữ cái”, “Khởi giác”, “Chuyển động”, “Thế sự”, “Không có gì là không thể xảy ra”,v.v

Chân dung nhà thơ Đoàn Mạnh Phương và Bìa tập thơ Mưa ký ức

Thơ đi theo hướng xúc cảm trí tuệ dễ sa vào khô cứng, nếu cao giọng, nghèo hình ảnh, ý thơ, lời thơ suông nhạt. Đoàn Mạnh Phương tránh được nhược điểm ấy bởi thơ anh động hoạt, thật lòng, có biến ảo về cấu trúc, ngôn từ và giọng điệu. Trường hợp chỉ có lời lẽ mà không có hình ảnh như nêu sau đây là rất hiếm hoi trong thơ Đoàn Mạnh Phương: Tích tụ những tổ hợp tư duy/ để thêm những phép cộng/ đối diện những phép trừ/ thế sự không ngừng gạch xóa/ ký nợ vào cương, nhu (“Luật lệ”). Trước mọi điều phức tạp của đời sống thực tại, Đoàn Mạnh Phương giãi bày bằng xúc cảm trí tuệ. Anh từng viết: Sự xoáy vặn chồng xếp của tư duy thấm bằng con mắt tuệ (PĐÂ nhấn mạnh). Và, phải chăng, khi nói thay “Những người lính thời bình”, nhà thơ đã vô tình thốt lên như chính anh cũng có những hạt ngọc nội tâm phát sáng. Vượt qua cách nói quen thuộc về cái đẹp, cái thiện và cả cái xấu, cái ác, lòng tham của người đời, nhà thơ đề cập cái triết - mĩ của đời sống. Một thí dụ: Sinh ra những con đường không thể đi bằng chân/ mà đi bằng ánh sáng/ Và dấu hỏi lại đặt dọc đặt ngang//Bao tâm thế xoay ngược xoay xuôi/ Và chỉ thấy bốn bề im lặng… (“Dấu hỏi”. Hoặc: Mưu toan đâm cành tủa nhánh/ Rậm rạp xum xuê như rừng// Những câu thơ nhập thế/ giữa một bầy người dửng dưng… (“Sau tất cả”). Anh đưa ra lời khuyên, trước hết là cho bản thân: Trong buông bỏ thì khôn ngoan ló rạng/ Trồi lên một bóng mát muộn màng/ Còn ai lạc đường không đi về phía ấy/ Chậm chân/ dừng bước sang (“Ngẫu”). Nhà thơ định vị một phần hiện thực cần lưu tâm tại thời mình đang có mặt: Mùa đông năm này lạnh giá hơn/ Lạnh buốt hơn sự thật/ Câu thơ chiều giông/ nấc ra nước mắt (“Trong gió lạnh”).

Phải chăng, công việc làm báo chí và tham gia nghiên cứu khoa học về kinh tế, chính sách và pháp luật do cơ quan anh thực hiện đã giúp nhà thơ vươn tới một thành tựu, khiến anh có cái nhìn luận lý về đời sống, để rồi thơ được thăng hoa về yếu tố trí tuệ khi điều kiện ngoại sinh chuyển thành phẩm chất nội sinh ?

Tuy vậy, thơ Đoàn Mạnh Phương không chỉ thuần nhất trí tuệ. Chính phẩm chất trí tuệ đã làm sắc, sâu và dồi dào thêm phẩm chất tâm hồn của anh. 

Những câu thơ hay của thi sĩ Đoàn Mạnh Phương vừa mang chất trí tuệ, duy lý, lại vừa thấm đẫm xúc cảm của một hồn thơ tinh tế:

- Nghe ngực chữ thở trên từng phím nhớ (“Về”)

- từ trong tĩnh chuyển dịch về phía động

  giông gió bên ngoài rung bão bên trong (“Giữa”)

- Nghe hồn lửa

  thở dài trên củi ướt  (“Trong giá lạnh”)

- từ hàng cây trên phố

  thở ra những bóng râm  (“Một ngày”)

- hồn vía của Tết xưa

 thở ra từng câu chữ  (“Khởi giác”)

- Hôm qua, những hàng cây sặc nước

  Nay thở đầy lá tươi… (“Huế”)

Trong thơ Đoàn Mạnh Phương, song hành với xúc cảm trí tuệ là tâm hồn trong trẻo ở trạng thái cân bằng. Giữa muôn ngổn ngang, bề bộn, phức tạp việc đời thuận - nghịch, nhà thơ xác định bản thể mình và thơ luôn luôn ở vị thế sẵn sàng chịu đựng hiện tại, thụ hưởng hiện tại trong mưa ký ức và hướng về phía trước đầy hứa hẹn tốt lành. Anh Thẳm sâu thiện niệm/ gọi về mênh mông/ thẳm sâu tâm thức/ bận vai gánh gồng (“Về”). Anh thấy ngoại cảnh bằng đôi mắt và tâm hồn: Mùa xuân mọc thêm chùm rễ mới/ Đón những cơn mưa từng cười ngập cỏ/ Ngày thản nhiên xanh/ Giữa những mở phơi và khai lộ… (“Khởi giác”); thấy con tàu thời gian lao qua/ Thanh xuân ủ men/ say mềm thực tại (“Thanh xuân”). Anh biết chắt chiu từng tia nắng ấm trong từng nhánh xuân ta cầm… (“Ngày đầu năm”). Anh thấu hiểu Mùa đông năm trước/ ấp ủ nên mùa xuân nay/ mặc bao toan lo luôn luôn mới/ vẫn đang bóc vỏ ngày ngày… (“Chuyển động”). Nhà thơ “Sống chậm trong thành phố của mình” để rồi lúc khác mong ước cho tôi trở lại một tôi xưa/ Cỏ xum họp dưới chân/ mách cho tôi hơn ấm/ “(Đối diện”). Đâu chỉ lí trí, mà cả tâm hồn nhà thơ cũng xao động không ngừng khi trở lại ngày xưa trong hiện tại: Ngày gặp lại, vẫn là người năm ấy/ Mà buồn sao giữa nhớ nhớ quên quên/ Làng cộng hưởng giữa bao điều được mất/ Lòng bần thần nỗi nhớ một thân quen (“Về quê”). Hòa nhập vào ngoại cảnh, chủ thể trữ tình bỗng ngỡ ngàng thấy Ly cà phê đậm đặc/ Pha tôi vào đám đông (“Gặp lại bạn học cũ”). Và đây, thơ lý lẽ sâu xa và thơ hồn nhiên trong trẻo đều dày dặn ngón nghề như nhau đã thuyết phục độc giả: quán vỉa hè mỗi sáng/ cứ cộng dồn tích nợ một tôi xưa/ để một tôi của bây giờ gặp lại/ thành nhiều tôi trong ngách phố chuyển mùa  (“Ăn sáng vỉa hè”).

“Những cơn mưa kí ức”, “Sống chậm trong thành phố của mình”, “Những mảnh ghép kí ức” là những thi phẩm nói nhiều đến kí ức. Ngoài điệp từ 14 lần “kí ức”, thơ Đoàn Mạnh Phương còn nói đến kí ức thông qua một số định danh khác. Kí ức của Đoàn Mạnh Phương là kí ức của trong/ về hiện tại. Nhà thơ không nặng lòng nuối tiếc quá khứ như giọng điệu thơ quen quen của nhiều tác giả. Đành rằng đây là kí ức trong mưa, kí ức nhiều như mưa. Nhưng thơ của Đoàn Mạnh Phương lại vẫn nói nhiều về ngày không mưa, trời sáng tạnh đẹp và cũng nói nhiều về cái hiện tại. Anh chầm chậm ngẫm nghĩ một cách ngọt ngào về khoảnh khắc đắt giá đang có, đang bao hàm quá khứ. Bài “Giây phút” gần cuối tập là một dẫn chứng:

Chầm chậm thôi

mặc thời gian thở dốc

mặc bàn chân dùi đất bước đi

Chậm chậm lại

dù chỉ trong ý nghĩ…

Vừa đủ ấm, trong tim mình tiếng hót

Vừa đủ thơm đơm một cánh hoa mềm

Vừa đủ nhớ một góc chiều đáng nhớ

Vừa đủ tìm một kí ức thiêng liêng…

Chầm chậm lại

dù chỉ trong ý nghĩ

bàn tay mình

đặt lên ngực đêm đêm…

Với hai hướng đắp bù cho nhau: xúc cảm trí tuệ và tâm hồn cân bằng, thơ Đoàn Mạnh Phương đến với độc giả bằng diện mạo riêng ở tuổi năm mươi của anh đang dồi dào sức sáng tạo.

Phạm Đình Ân

...