05/01/2025 lúc 06:08 (GMT+7)
Breaking News

Nguyễn Ngọc Tân - Chàng trai 9x “giữ và truyền lửa” tình yêu cung thuật truyền thống Việt Nam

Bằng sức trẻ và tình yêu lịch sử nước nhà, nhiều năm qua, anh Nguyễn Ngọc Tân đã dành thời gian để nghiên cứu, phỏng dựng lại những mẫu cung cổ, đưa hình ảnh cung truyền thống Việt Nam đến với người dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Trong Ngày hội Việt phục “Bách Hoa Bộ Hành 2024”, vốn được xem là lễ hội diễu hành cổ phục Việt Nam lớn nhất từ trước đến nay, do Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội phối hợp cùng Tạp chí Kiến trúc thực hiện, có một loại di sản không sặc sỡ, nổi bật nhưng lại gây được ấn tượng với nhiều khán giả, đó là những chiếc cung tên truyền thống Việt Nam.

Chủ nhân của chúng là anh Nguyễn Ngọc Tân (32 tuổi, Long Biên, Hà Nội), một nhà nghiên cứu về cung thuật truyền thống Việt Nam, hiện đang làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Long Thành Xạ Nghệ - Câu lạc bộ bắn cung truyền thống đầu tiên tại Việt Nam. Anh cũng đang là giảng viên thỉnh giảng bộ môn bắn cung truyền thống tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Anh Tân trong quá trình phỏng dựng lại một chiếc cung truyền thống Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Từ việc tự tìm tòi, tự nghiên cứu

Xưởng nghiên cứu của anh Tân nằm ẩn mình trong một con ngách nhỏ tại ngõ 70 phố Thạch Cầu (Long Biên, Hà Nội). Chúng tôi tới khi anh vừa bắt đầu ngày làm việc mới. Trong không gian rộng chưa đầy 30 mét vuông, những loại gỗ, dây cao su, máy cắt cầm tay... nằm ngổn ngang phía dưới.

Trên tường, hơn chục mẫu cung tên được treo ngay ngắn. Đối diện đó là một kệ gỗ, là nơi để nhiều sử sách và tài liệu. Ngồi xuống "phòng khách" nhỏ ở xưởng, anh Tân say sưa kể cho chúng tôi nghe về cái duyên lạ khi đến với công việc này cùng những bí ẩn phía sau câu chuyện của những chiếc cung truyền thống Việt Nam.

Một số mẫu cung truyền thống Việt Nam đã được anh Tân phỏng dựng thành công .(Ảnh: Huyền Minh)

Năm 2015, anh Tân bén duyên với bộ môn bắn cung khi tham gia một lớp dạy bắn cung thể thao tại Hà Nội. Đến năm 2019, sự thích thú ban đầu ấy đã “thăng hoa” trở thành niềm đam mê của anh. Từ việc tự mày mò sửa chữa thành công những trường hợp dây cung xơ hay cây cung bị méo, anh đã nghiên cứu và dần làm chủ được cách chế tác cung tên truyền thống Việt Nam.

Trong thời gian này, anh Tân cũng làm quen được với một vài người bạn (từng chung lớp học bắn cung) có chung đam mê, sở thích và cùng khao khát lan toả hình ảnh cây cung truyền thống Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Anh nhớ lại: “Chúng tôi nói chuyện với nhau rằng, nếu muốn bộ môn này phát triển ở Việt Nam thì tại sao mình không tự nghiên cứu làm ra cung rồi quảng bá nó! Thế nên tôi bắt đầu nghiên cứu, từ việc sửa chữa những chi tiết nhỏ nhặt, dần dần mình làm được…”.

Thời gian đầu nghiên cứu phương pháp tập bắn cung, anh Tân gặp nhiều khó khăn. Trong đó vất vả nhất là tài liệu trên mạng không nhiều, phải tìm tài liệu từ nước ngoài nhưng cũng chỉ thấy những mẩu tài liệu rời rạc. Qua quá trình tự nghiên cứu và tổng hợp, nhóm bạn đã rút ra những kinh nghiệm quý báu và phát triển được kỹ thuật, phương pháp tập luyện đặc trưng của riêng mình.

Tính từ thời điểm đó, sau gần một năm rưỡi, anh mới làm chủ được cây cung. Khi đã nghiên cứu sâu sử liệu về cung thuật Việt Nam, những kỹ thuật này đã trở nên rõ ràng hơn, thời gian anh hướng dẫn cho người bắt đầu làm quen với cây cung rút ngắn xuống chỉ còn khoảng một tháng rưỡi.

“Tôi làm nhiều, bẻ đi cũng nhiều. Cung hỏng, cung gãy quanh mình nhiều quá, lúc đấy gọi vui là “nghĩa địa cung”. Phải thử nghiệm, làm ra, làm sai nhiều lần thì mới rút ra được cách làm cung hợp lý”, anh Tân nói.

Bên cạnh khó khăn trên, nhớ lại về những tháng ngày đầu tiên ấy, mặc dù không nhận được sự ủng hộ từ gia đình, chưa kể phải đối diện với không ít áp lực tài chính khi phải gánh thêm “cục nợ” đến từ việc đầu tư mua sắm các trang thiết bị, song anh vẫn miệt mài nghiên cứu để phục dựng thành công các cây cung truyền thống.

Anh hiểu rằng, nếu anh không làm thì sẽ không có ai làm. Sau tất cả, khi nhìn lại, những sự khó khăn ấy sinh ra cũng chỉ để thử sức người mang sứ mệnh của người tiên phong.

… Đến tạo ra những cây cung mang đậm bản sắc Việt Nam

Từ tò mò, thích thú, đam mê rồi anh “say” cây cung truyền thống Việt Nam lúc nào không hay. Tình yêu ấy dần trở thành động lực thôi thúc anh phải lan tỏa hơn nữa hình ảnh cây cung Việt.

Anh cho biết: “Cung truyền thống Việt Nam đã tồn tại từ thời Văn Lang - Âu Lạc cho tới thời Nguyễn, đã bị quên lãng trong thời gian dài. Việt Nam mình có truyền thống bắn cung, lịch sử có ghi lại và hiện vật đến nay vẫn còn đó. Bản thân cung truyền thống Việt Nam cũng có sự độc đáo riêng so với thế giới, nên chúng tôi muốn làm và đưa nó ra thế giới để quảng bá văn hoá dân tộc”.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Long Thành Xạ Nghệ cho hay, một quan niệm rất sai lầm rằng chỉ các nước du mục mới có kỵ xạ (tức cưỡi ngựa bắn cung). Thực tế, các quốc gia định canh định cư như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Ba Lan… cũng rất thịnh hành bộ môn võ thuật này.

Tại Việt Nam, từ thời Lý đến thời Nguyễn, tầng lớp tinh anh vẫn thực hành kỵ xạ. Đầu tiên phải kể đến Vua Lý Anh Tông “tập xạ kỵ ở phía nam thành Đại La, đặt tên là Xạ Đình” (Đại Việt sử ký toàn thư). Thời Trần, nhiều vương hầu lớn nổi tiếng với tài cưỡi ngựa bắn cung như Trần Kiện, Trần Ích Tắc (Đại Việt sử ký toàn thư, An Nam chí lược)...

Mảng chạm gỗ ở đình Đông Viên minh hoạ cảnh cưỡi ngựa bắn cung trong thi Võ thời Lê Trung Hưng (Ảnh: NVCC)

Tranh minh hoạ truyện Lục Vân Tiên vẽ vào thời Nguyễn [1]

Mặt khắc, “Kỹ nghệ chế tác cung của người Việt Nam xưa đã đạt đến trình độ rất cao”, anh Tân khẳng định sau khi nhớ lại trải nghiệm từng được quan sát chiếc cung của vua Đồng Khánh tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. “Đó là cây cung có đôi sừng làm bụng với vân đẹp, rõ và dài. Chưa kể, đây là cung sừng rất kị ẩm và nước, nhưng sau nhiều năm nằm trong lăng, cây cung về cơ bản vẫn giữ nguyên hiện trạng ban đầu”. Anh đang nghiên cứu để phục dựng lại mẫu cung này, bước đầu đã cho ra kết quả khả quan.

Hình ảnh vua Đồng Khánh tay cầm cây cung đang trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế [2]

Qua nhiều tháng ngày nghiên cứu lịch sử dân tộc, tìm hiểu các loại cung trong và ngoài nước, cùng hàng nghìn lần thử sai, anh Tân nhận thấy cây cung truyền thống Việt Nam có 2 đặc trưng. Thứ nhất là phần cán được làm dày lên và bọc khâu đồng để người sử dụng cầm nắm cây cung được dễ dàng. Thứ hai là cánh cung nhỏ hơn tất cả cung đến từ các quốc gia khác, điều này giúp cây cung rất dễ sử dụng và có độ bền cao.

Đặc trưng của cán cung Việt Nam là được bọc khâu đồng (Ảnh: Huyền Minh)

Khao khát đưa hình ảnh cung truyền thống Việt Nam vươn ra thế giới

Một trong những cách mà anh Tân sử dụng để đưa hình ảnh cung Việt Nam lên bản đồ cung thế giới là sản xuất đạo cụ cho phim ảnh và triển lãm, lấy nguyên mẫu từ chính hình ảnh cây cung truyền thống Việt Nam. Một trong số đó là cung của vua Đồng Khánh, hình ảnh cung tên trong tranh thờ Quận công Vũ Công Chấn.

Tranh thờ quận công Vũ Công Chấn & cây cung được dựng ở bên cạnh đặt tại nội điện đền Quán Thánh

(Các sản phẩm của anh đã được xuất hiện tại nhiều sự kiện như: Ngày Hội Di sản Văn hoá Việt Nam 23/11 do Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm UNESCO Hỗ trợ và Phát triển Nghệ thuật Việt Nam tổ chức; Ngày hội Việt phục “Bách hoa bộ hành” 2024 do Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội phối hợp cùng Tạp chí Kiến trúc thực hiện; Chương trình truyền hình trực tiếp chính luận “Cùng nhau giữ nước” do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, UBND TP Hà Nội, giao Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội và các cơ quan tổ chức...

Một trong số nhiều giấy chứng nhận, cúp mà anh Tân cùng những người cộng sự đã được nhận (Ảnh: Ngọc Minh)

Cây cung truyền thống gắn liền với lịch sử giáp trụ Việt Nam được phục dựng bởi anh Tân xuất hiện tại Ngày hội Việt phục “Bách hoa bộ hành” 2024 (Ảnh: NVCC)

Cây cung truyền thống được phục dựng bởi anh Tân xuất hiện trong Chương trình truyền hình trực tiếp chính luận “Cùng nhau giữ nước” (Ảnh: Tuấn Minh - Báo Thanh niên)

Bên cạnh đó, anh Tân đã cùng một số người bạn thành lập nên Câu lạc bộ bắn cung Long Thành Xạ Nghệ - Câu lạc bộ bắn cung truyền thống đầu tiên tại Việt Nam, sinh hoạt đều đặn vào sáng chủ nhật hàng tuần. Anh Nguyễn Hữu Minh (32 tuổi, Ba Đình, Hà Nội), một thành viên tích cực của Câu lạc bộ, tự hào chia sẻ: "Câu lạc bộ không chỉ là nơi để luyện tập mà còn là nơi để mọi người cùng nhau nghiên cứu và gìn giữ một phần văn hóa quý báu của dân tộc. Các thành viên coi nhau như anh em trong một gia đình. Ngoài niềm vui, sự gắn kết, yếu tố an toàn cũng luôn được đặt lên hàng đầu.”

Box thông tin:

“Anh Tân giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa sâu sắc ẩn chứa trong từng chiếc cung gắn liền với lịch sử giáp trụ Việt Nam”, Anh Nguyễn Hữu Minh (32 tuổi, Ba Đình, Hà Nội)

CLB Long Thành Xạ Nghệ giới thiệu bộ môn bắn cung truyền thống tới quý thầy cô, cán bộ, các bạn sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: NVCC)

Câu lạc bộ Long Thành Xạ Nghệ từng tiếp đón nhiều bạn bè quốc tế đến từ Ấn Độ, Anh, Mỹ,... ghé thăm giao lưu. Anh Tân cũng vinh dự khi đã có dịp gặp gỡ “cha đẻ của phong trào cung truyền thống quốc tế” Stephen Selby và nhận được những kinh nghiệm đắt giá từ ông trong việc cải tiến phương pháp giảng dạy, thông qua những bài tập như bắn thấp, ngồi nhìn tên bay, cách thở khi bắn cung...

Ông Stephen Selby cùng anh Tân đang giới thiệu về chiếc nhẫn được sử dụng trong bắn cung . (Ảnh: NVCC)

Anh trải lòng: “Hiện tại, bộ môn bắn cung truyền thống ở Việt Nam chưa được phát triển mạnh mẽ. Nếu phong trào được thúc đẩy thì sẽ có nhiều giải đấu chính thức hơn, hệ thống luật quản lý cũng sẽ rõ ràng hơn. Ở Indonesia hay Malaysia, nước họ có hệ thống giải đấu khá mạnh, họ còn sang Nhật Bản để giao lưu và sang Thổ Nhĩ Kỳ để tham dự giải quốc tế”.

Từ quốc tế nhìn về sự phát triển bộ môn bắn cung truyền thống tại Việt Nam, anh Tân nhận định rằng người Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ đều có xu hướng tìm về cội nguồn, tìm về những gì thuộc về văn hóa dân tộc, do vậy việc phổ biến bộ môn là không khó. Bằng chứng là những sinh viên được anh Tân giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội đều rất hào hứng với bộ môn thể thao này.

Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội tập luyện bắn cung truyền thống hăng say. (Ảnh: NVCC)

Với vốn kiến thức, niềm tự hào về lịch sử dân tộc nói chung và cung truyền thống nói riêng, anh Tân vẫn luôn đau đáu việc phát triển mạnh mẽ hơn nữa bộ môn này, đưa nó trở thành một loại hình thể thao phổ biến, được nhiều người biết đến và tham gia luyện tập.

"Tôi hy vọng các cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ tham gia lan tỏa cung thuật truyền thống Việt Nam nhiều hơn nữa. Bởi đây vừa là văn hóa, vừa là thể thao, cũng có thể mang tính giải trí. Nếu người Việt hiểu hơn về cung truyền thống nước mình, chắc chắn lòng tự hào dân tộc sẽ tăng lên", anh Tân chia sẻ.

Thực hiện: Ngọc Minh - Gia Minh - Thảo Ly

Huyền Minh - Mai Anh

...