Nghề chọn người…
NGƯT, PGS.TS.GVCC. Đào Ngọc Cảnh sinh năm 1959, quê thầy ở xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Thời chiến tranh, cuộc sống tuổi thơ trải qua nhiều khó khăn, nhưng thầy luôn nỗ lực vươn lên trong học tập. Năm 1975, thầy trúng tuyển vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Năm 1979, sau khi tốt nghiệp thủ khoa ngành Địa lý, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thầy Đào Ngọc Cảnh về công tác tại Khoa Sử - Địa (nay là Khoa Sư phạm), Trường ĐH Cần Thơ - phụ trách giảng dạy chuyên ngành Địa lý Kinh tế - Xã hội. Trong quá trình công tác tại Khoa, thầy đã có nhiều dóng góp cho sự phát triển ngành Địa lý và chuyên ngành Địa lý Kinh tế-Xã hội của Trường ĐH Cần Thơ. Nghề giáo từ đó và chuyên ngành Địa lý Kinh tế-Xã hội như vận mệnh cuộc đời thầy.
Là người cầu tiến ham học hỏi, thầy Đào Ngọc Cảnh không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Năm 1980-1982 học cao học ngành Địa lý, chuyên ngành Địa lý Kinh tế-Xã hội; năm 1997-2002 là NCS và thầy đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Địa lý Kinh tế và Chính trị (Địa lý Du lịch). Thầy thân tình chia sẻ: “Từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới với chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, ngành du lịch Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội phát triển nhằm khai thác nguồn tài nguyên du lịch phong phú để tạo thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
Trước yêu cầu phát triển ngành Du lịch, thầy Đào Ngọc Cảnh đã đầu tư nghiên cứu sâu về lĩnh vực Địa lý Du lịch, nhất là vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin địa lý (GIS) vào tổ chức lãnh thổ du lịch. Năm 1998, thầy là chủ nhiệm đề tài NCKH cấp Bộ: Ứng dụng công nghệ thông tin địa lý GIS để phân tích tài nguyên du lịch ĐBSCL. Năm 2002, thầy bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ, với đề tài: “Tổ chức lãnh thổ các điểm du lịch tỉnh Kiên Giang theo cách tiếp cận hệ thống thông tin địa lý (GIS)”.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực cho ngành Du lịch ở vùng ĐBSCL, thầy Cảnh đã cùng với Ban chủ nhiệm Bộ môn lập Đề án mở ngành Du lịch, chuyên ngành Hướng dẫn du lịch của Trường ĐH Cần Thơ. Năm 2004, Bộ GD&ĐT đã thông qua Đề án, cho phép Trường ĐH Cần Thơ mở ngành đạo tạo cử nhân Du lịch, chuyên ngành: Hướng dẫn viên du lịch. Đây là cơ sở đào tạo ngành du lịch bậc đại học đầu tiên ở ĐBSCL.
Đến năm 2009, trước yêu cầu phát triển nguồn nhân lực các ngành khoa học xã hội và nhân văn vùng ĐBSCL, Trường ĐH Cần Thơ đã thành lập Khoa KHXH&NV, thầy Đào Ngọc Cảnh được cử sang công tác tại Khoa KHXH&NV với nhiệm vụ là Trưởng Bộ môn, phụ trách đào tạo ngành Du lịch (từ năm 2010, đổi tên thành ngành Việt Nam học), chuyên ngành Hướng dẫn viên du lịch.
Năm 2012, thầy Cảnh được bổ nhiệm làm Phó Trưởng Khoa, phụ trách công tác nghiên cứu khoa học của Khoa KHXH&NV. Với cương vị công tác này, thầy đã cùng tập thể Ban chủ nhiệm Khoa đẩy mạnh công tác chuyên môn, nhất là công tác NCKH. Từ một khoa mới thành lập, Khoa KHXH&NV đã nhanh chóng trở thành một đơn vị NCKH mạnh về khoa học xã hội và nhân văn với nhiều đề tài NCKH các cấp, nhiều công trình khoa học được công bố trong nước và quốc tế. Năm 2019, thầy đến tuổi nghỉ hưu nên không tham gia công tác quản lý nhưng vẫn kéo dài công tác để tập trung vào hoạt động chuyên môn.
Là chuyên gia về lĩnh vực tổ chức lãnh thổ du lịch, thầy Cảnh còn là người khởi nguồn cho sự nghiệp đào tạo ngành Du lịch của vùng ĐBSCL. Thầy đã tham gia Hội đồng thẩm định mở ngành đào tạo Du lịch cho các trường đại học Cửu Long, An Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu.
Đến hôm nay, thầy Cảnh vẫn là nhà giáo, giảng viên cao cấp giản dị, cần mẫn, nhà khoa học tràn đầy nhiệt huyết với chuyên ngành yêu thích. Thầy luôn được đồng nghiệp trân quý, sinh viên, học viên quý mến và kính trọng. Năm 2018, thầy vinh dự được Hội đồng chức danh GS Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh Phó Giáo sư. Và thầy là Phó Giáo sư đầu tiên của ngành: Địa lý, chuyên ngành: Địa lý Du lịch ở vùng ĐBSCL. Và niềm vui nhân đôi năm 2021 thầy vinh dự được Chủ tịch nước Phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
Nhà giáo mẫn cán, nhà quản lý, nhà khoa học tâm, tài.
Dù ở cương vị nào, công tác ở đâu, NGƯT, PGS.TS.GVCC. Đào Ngọc Cảnh cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc của mình. Thầy thường xuyên đổi mới về phương pháp, cập nhật về nội dung giảng dạy và đặc biệt chú trọng phát triển khả năng tư duy độc lập, cũng như rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm cho học trò.
Đến nay, thầy Cảnh đã, đang hướng dẫn nhiều NCS, HVCH thực hiện và bảo vệ thành công luận văn ThS, luận án Tiến sĩ. Thầy đã cùng với các giảng viên Bộ môn nghiên cứu biên soạn nhiều giáo trình, bài giảng chuyên ngành phục vụ đào tạo sinh viên ngành Du lịch như: Giáo trình Tổng quan du lịch (NXB ĐHCT, 2011), Giáo trình Hệ thống lãnh thổ du lịch (NXB ĐHCT, 2014), Giáo trình Địa danh Việt Nam (NXB ĐHCT, 2018), Giáo trình Bản đồ Du lịch (đã nghiệm thu, đang làm thủ tục xuất bản), bài giảng: Văn hóa, dân cư, môi trường ĐBSCL, Lữ hành nội địa và quốc tế, Thủ tục Hải quan và cước phí,…; Thầy đã chủ trì 11 nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở; hướng dẫn 04 đề tài NCKH của sinh viên. Ngoài ra, thầy còn tham gia và cố vấn cho nhiều đề tài NCKH khác. Năm 2021, thầy đã được tôn vinh là Trí thức, nhà khoa học tiêu biểu của thành phố Cần Thơ.
Hơn 40 năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người, NGƯT, PGS.TS.GVCC. Đào Ngọc Cảnh đã truyền động lực cho sinh viên, học viên trong học tập và phát triển nghề nghiệp. Thầy muốn các thế hệ sinh viên phát huy năng lực của bản thân với tinh thần của tuổi trẻ để đóng góp thật nhiều cho đất nước, nhất là cho vùng ĐBSCL – quê hương thứ hai mà thầy Cảnh đã gắn bó trong suốt quá trình công tác của mình. Bởi vậy, những năm tháng làm việc tại trường Đại học Cần Thơ, nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất để thầy Cảnh đóng góp sức mình vào sự phát triển của ngành.
Trò chuyện cùng thầy qua điện thoại từ Hà Nội vào Cần Thơ, chúng tôi rất ấn tượng về NGƯT, PGS.TS.GVCC. Đào Ngọc Cảnh. Thầy là một trí thức luôn nỗ lực vì sự phát triển của ngành và khoa học, vì sinh viên, học viên, NCS, để rồi những dấu ấn và kỷ niệm hằn sâu trong tim thầy.