27/12/2024 lúc 08:21 (GMT+7)
Breaking News

Người phụ nữ thúc đẩy giảm nhiệt điện than ở Việt Nam

VNHN - Với nỗ lực cùng cơ sở khoa học thuyết phục, chị cùng đồng nghiệp đã giúp loại bỏ 115 triệu tấn khí thải cacbon dioxide từ Việt Nam mỗi năm.

VNHN - Với nỗ lực cùng cơ sở khoa học thuyết phục, chị cùng đồng nghiệp đã giúp loại bỏ 115 triệu tấn khí thải cacbon dioxide từ Việt Nam mỗi năm.

Chị Ngụy Thị Khanh (42 tuổi) - Giám đốc Trung tâm sáng tạo xanh (GreenID), cuối tháng 4 được trao giải Goldman - giải thưởng lớn nhất thế giới cho các nhà hoạt động môi trường cơ sở.

"Vinh dự lắm vì không chỉ là người Việt Nam đầu tiên mà còn là người đại diện châu Á nhận giải thưởng. Tôi nhận tin vào nửa đêm và gần như thức trắng vì quá bất ngờ", chị Khanh chia sẻ.

Mối nhân duyên với năng lượng

Ngụy Thị Khanh sinh ra tại Bắc Am, một ngôi làng ở Bắc Giang, cách nhà máy nhiệt điện than 7 km. Lúc nhỏ, mỗi buổi chiều đi chăn trâu, cô bé Khanh và đám bạn thường ngửa cổ lên trời, đôi khi thích thú nhìn khói từ đường ống bay ngút trời mây. "Hồi đó chúng tôi ngây thơ, dồn mọi sự quan tâm vào ống khói đó mà không biết sự nguy hại đang tới", chị nhớ lại.

Chị Khanh bảo lĩnh vực môi trường sức khỏe hay năng lượng có duyên với chị từ bé. Đến thời đại học, chị tiếp tục hứng thú với nó. Học chuyên ngành chính trị và ngoại giao (Học viện Ngoại giao), từng ước mơ trở thành nhà ngoại giao, nhưng sau khi tốt nghiệp, chị lại làm về phát triển cộng đồng, bảo tồn tài nguyên nước và năng lượng bền vững, bước chân rong ruổi trên nhiều nẻo đường đất nước.

"Khi học về Nghị định thư Kyoto về môi trường, tôi được thầy truyền cảm hứng, càng học càng thích, càng đọc càng ngấm. Sự thích thú này đã dẫn tôi đến con đường phát triển hoạt động bảo vệ môi trường, đúng là nghề chọn người", chị nói.

Chị Nguỵ Thị Khanh. Ảnh: Greenid.

Quá trình làm về bảo vệ nguồn nước từ tác động của thủy điện ở Quảng Nam, hình ảnh bà con sống trong căn nhà dột nát, đời sống chông chênh, nước dùng không có khiến chị day dứt. "Liệu có cách nào để giúp người dân thoát khỏi cảnh tượng đó, phát triển năng lượng liệu có con đường nào khác ít gây ra tác động môi trường?", chị tự hỏi.

Tuy nhiên, đến nay thủy điện gần như đã được quy hoạch và khai thác tối đa trên các dòng sông. Khi nghiên cứu về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 xét đến 2030 (quy hoạch điện 7), chị thấy kế hoạch mở rộng phát triển nhiệt điện mới bắt đầu. Nhận thấy nếu làm ngay từ đầu thì sẽ giảm tổn hại cho xã hội, vì vậy chị lập tức cùng các chuyên gia và đồng nghiệp nghiên cứu, tìm các giải pháp thay thế nhiệt than.

Chị bắt đầu tìm hiểu, đọc tài liệu về năng lượng than. Càng nghiên cứu chị càng bất ngờ bởi cảnh báo về hiểm họa từ nhiệt điện than, như than đá gây ra 40% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, là nguồn chủ yếu gây ô nhiễm không khí và nước.

Nỗ lực giảm nhiệt điện than

Năm 2011, Việt Nam công bố quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 xét đến 2030, trong đó vạch ra nhu cầu năng lượng của đất nước trong tương lai và đặt ra mục tiêu đạt tổng công suất 75.000 MW nhiệt điện than đến năm 2030.

Để tập trung nghiên cứu về năng lượng, chị Khanh thành lập Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID). Chị chủ yếu làm việc với các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách về năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng, nhằm giảm sự lệ thuộc vào các dạng nhiên liệu hóa thạch và điện than.

Chị học hỏi mọi thứ có thể liên quan nhiệt điện than và biến đổi khí hậu, đồng thời cùng với đồng nghiệp và cơ quan chức năng phát triển một kế hoạch thay thế mang tính bền vững hơn. Năm 2013, chị hợp tác cùng chuyên gia năng lượng và cho ra đời một nghiên cứu về cơ hội giảm tỷ trọng nhiệt điện than trong tổng cơ cấu nguồn cung năng lượng theo hướng ủng hộ sự phát triển của các nguồn năng lượng bền vững.

Nghiên cứu đã chỉ rõ sự đắt đỏ và nguy hại của nhiệt điện than khi nó được chọn là một nguồn phát điện chủ yếu và đề xuất giải pháp thay thế. Cùng thời điểm đó, những vụ việc về môi trường liên quan đến năng lượng than ở Việt Nam đã nêu bật lên hiểm họa của nhiệt điện than và thúc đẩy dư luận thảo luận nhiều hơn về tương lai năng lượng Việt Nam.

Chị Khanh thường xuyên tham gia các dự án cộng đồng và luôn trăn trở phải làm gì đó để phát triển năng lượng bền vững. Ảnh: Greenid.

Nghiên cứu và sự hợp tác của chị Khanh về một kế hoạch năng lượng quốc gia bền vững hơn về mặt môi trường đã tích cực hỗ trợ chính phủ Việt Nam cho ra đời Quy hoạch điện 7 điều chỉnh công bố tháng 3/2016.

Quy hoạch này giảm đáng kể số nhà máy nhiệt điện than so với kế hoạch trước đây, đồng thời tiếp thu đề xuất của chị và GreenID trong việc tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối lên 21% trong kế hoạch nguồn điện tổng thể đến năm 2030.

Chị đã sử dụng các nghiên cứu khoa học và làm việc với cơ quan nhà nước Việt Nam để vận động cho các dự án năng lượng dài hạn bền vững và giảm sự lệ thuộc nguồn than ở Việt Nam. Những nỗ lực của chị đã giúp loại bỏ được 115 triệu tấn khí thải carbon dioxide từ Việt Nam mỗi năm.

Luôn cố gắng cân bằng cuộc sống gia đình

Làm trong lĩnh vực thường dành cho đấng mày râu, Ngụy Thị Khanh luôn nỗ lực bền bỉ. Lúc nào chị cũng trăn trở "phải làm gì đó để phát triển năng lượng bền vững, làm gì đó giúp ích cho môi trường cộng đồng".

Nghĩ lại quãng thời gian đã qua, chị không nghĩ bản thân có thể làm được điều đó, nhất là thời điểm thành lập GreenID, chị mang thai đứa con thứ ba nhưng vẫn lo phát triển tổ chức.

Chị thừa nhận bản thân may mắn vì có người chồng tâm lý, các con ngoan ngoãn, người thân trong gia đình luôn hỗ trợ vì chị thường xuyên đi công tác, cả trong và ngoài nước. Bản thân chị cũng luôn nhắc nhở cần chu toàn việc nhà, cùng chăm lo các con.

"Làm phụ nữ phải dung hòa nhiều thứ, ngay cả công việc và chuyên gia đình”, chị chia sẻ./.

Theo Vnexpress.net