16/01/2025 lúc 17:43 (GMT+7)
Breaking News

Người lao động mong ngóng gói hỗ trợ

VNHN - Ngay sau khi ban hành chỉ thị 16, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm đến những người dân bị khó khăn do ảnh hưởng phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là những người thu nhập thấp, bị mất việc, thu nhập khi chấp hành chủ trương cách ly, hạn chế tiếp xúc… Đây cũng là mong mỏi của nhiều hộ dân nghèo tại các đô thị lớn, những người trực tiếp bị ảnh hưởng khi chỉ thị 16 triển khai.

VNHN - Ngay sau khi ban hành chỉ thị 16, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm đến những người dân bị khó khăn do ảnh hưởng phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là những người thu nhập thấp, bị mất việc, thu nhập khi chấp hành chủ trương cách ly, hạn chế tiếp xúc… Đây cũng là mong mỏi của nhiều hộ dân nghèo tại các đô thị lớn, những người trực tiếp bị ảnh hưởng khi chỉ thị 16 triển khai.

Câu hỏi được rất nhiều người dân đặt ra, là đến bao giờ, họ mới được tiếp cận cơ hội hỗ trợ từ chính quyền, giúp bù đắp phần nào những tổn thất mà họ phải chấp nhận để chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Diễn biến dịch bệnh đang đẩy hàng ngàn người lao động vào cảnh bế tắc.

Cả nhà cả xóm… nhìn nhau

Hôm nay đã là ngày thứ 6 bà Thùy ngồi nhà. Bà nói thật ra, bà đã không đủ sức đi bán vé số nữa, trong mấy tháng qua. Bà chỉ dám cầm xấp vé số đảo quanh chợ gần nhà, ai mua giúp thì phúc. Hai tuần trước, bà đã phải đi cấp cứu bệnh viện vì chóng mặt ngã giữa đường, may có bà con lân cận chở đi. Con trai bà đã mất mấy năm, con dâu đi làm phụ hồ công trình, 2 đứa cháu trai đi làm thêm ở công ty tư nhân. Nhưng giờ thì dừng cả rồi. Công trình đóng cửa, doanh nghiệp cũng tạm ngưng hoạt động, tập trung chống dịch. Chỉ duy có câu hỏi, gạo đâu mà ăn trong những ngày tới, thì không ai rõ.

Cả gia đình bà Thùy 4 miệng ăn, lo bữa sớm canh bữa tối, trước đại dịch, không biết cách cầm cự ra sao. Bà thở dài, vì quanh xóm cũng đâu có nhà nào dư dật giúp đỡ. Cả khu lao động nghèo, người bán hàng rong người đổ bánh tráng, trẻ làm thuê già bán vé số, nay đều ngồi lặng nhìn nhau. Xóm chợ kề bên, hàng quán lao xao đó, nhưng không mấy ai mua, trưa nào dân sạp thịt sạp cá cũng cầm thớt cầm rổ đi quanh xóm chào mua, hạ giá hết mức. “Người nghèo chào hỏi người nghèo, nhưng túi không còn cắc bạc thì mua giúp gì nhau? Nên tui cũng không mong được ai giúp đỡ cảnh nhà”. Bà Thùy nói, những giọt nước mắt âm thầm chảy ra vạt nếp nhăn trên má, rơi thẩm xuống vạt áo sờn.

Đà Nẵng hiện đang có bao nhiêu xóm lao động, phố chợ nghèo như xóm của bà Thùy, phía sau chợ Chính Gián (Thanh Khê, Đà Nẵng)? Bao nhiêu con người lầm lũi lao động, chỉ đủ sức kiếm ăn mỗi ngày, không hề có dư dật tích cóp, liệu ai thống kê xong? Tất cả đều đang lặng im, thoi thóp chờ qua đại dịch để mong cứu vãn cuộc sống. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ đều giảm thấp, hàng quán đóng cửa, đường sá thưa người, thì lấy đâu ra cơ hội cho công việc sinh nhai?

Ở làng ở xã, người ta còn vơ kiếm ít rau ít lá mà nấu nồi cháo, chớ dân ở chợ ở phố, nghỉ làm nghỉ bán thì lấy gì ăn? Tôi nghĩ cảnh nhà lao đao, mà cũng nghĩ thương hơn những người tha phương ở xa, Saigon Hà Nội, họ có cách nào để kiếm ăn trong những ngày này? Mình khó, người khác cũng khó, ai có thể nói hơn ai?”. Bà Thùy thở dài như vậy.

Người lao động phố thị tạm nghỉ kinh doanh sẽ ra sao nếu không có gói hỗ trợ kịp thời?

Bao giờ hỗ trợ vào tay?

Sự băn khoăn của bà Thùy, cũng như bao nhiêu bà con lao động khác, đều đang mở ngỏ chờ đợi. Bởi họ biết, chính phủ đang xem xét chính sách hỗ trợ cho người dân, giúp những người có thu nhập thấp, bị tác động bởi đại dịch lâm cảnh gieo neo bế tắc.

Chủ cửa hàng nước đá Huệ Sương (Thanh Khê, Đà Nẵng) thắc mắc, nghe đài báo có nói gói hỗ trợ, nhưng những người lao động tư nhân như em, có được giúp gì không? Chủ lò mì Hồng Vân (Thanh Khê, Đà Nẵng) cũng nói một lời như nhắn nhủ, bao giờ có gói hỗ trợ cho người nghèo? “Nhà tôi đã tạm đóng lò bánh tuần rồi, do hàng quán nghỉ cả, càng làm càng lỗ. Nhưng nghĩ thương mấy thợ làm bánh, họ nghỉ ở nhà, rồi vợ con họ ăn chi?”. Bà chủ lò mì cúi mặt thở dài chua xót.

Theo những thông tin cập nhật, Trung ương đã quyết khoản hỗ trợ từ ngân sách và kêu gọi các nguồn khác, là hơn 62 tỷ đồng, sẽ bố trí dần về các địa phương, giao cho các cơ sở triển khai sâu sát, cụ thể đến những người lao động. Những thông tin này, đều được người lao động háo hức mong ngóng. Nên vấn đề then chốt với họ là khi nào, những khoản tiền hỗ trợ ấy sẽ đến được tay họ, trong tình cảnh khó khăn ngày một nặng nề? Nếu dịch bệnh kéo dài, sẽ có hàng trăm nghìn lao động nữa mất việc làm, thì tốc độ giải ngân các khoản hỗ trợ lúc này, càng khiến người lao động sốt ruột hơn.

Chúng tôi nghe nói, Nhà nước chủ trương sẽ giao cho các xã phường triển khai ứng tiền trước cho dân, rồi cân đối lại sau. Nhưng đã mấy ngày rồi, chưa thấy tổ trưởng hay cán bộ phường nào hỏi thông tin, thống kê điều tra lại với chúng tôi. Hay phải sau 15/4 thì mới tổ chức hỗ trợ?”. Một đại diện tiểu thương chợ Thanh Khê (Đà Nẵng) nêu câu hỏi như vậy.

Sáu nội dung hỗ trợ của Chính phủ với các đối tượng cụ thể

- Hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/người/tháng trong 3 tháng 4, 5, 6 cho người có công cách mạng đang hưởng trợ cấp; các đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

- Hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng trong 3 tháng 4, 5, 6 cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo.

- Hỗ trợ 1,8 triệu đồng người tháng cho người lao động tạm dừng lao động do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đang làm việc tại các doanh nghiệp.

- Người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn tối đa 12 tháng để hỗ trợ 50% mức lương tối thiểu vùng cho người lao động và có trách nhiệm trả lương còn lại cho người lao động.

- Hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng trong 3 tháng 4, 5, 6 cho hộ kinh doanh cá thể có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của Thủ tướng trong chỉ thị ngày 27-3.

- Hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng cho 3 tháng cho người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động không có cam kết hợp đồng lao động và bị mất việc làm.