25/11/2024 lúc 18:34 (GMT+7)
Breaking News

Người kế nhiệm bất ngờ của Thủ tướng Đức là ai?

Với tỷ lệ ủng hộ vượt trội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz đang có cơ hội lớn để chiến thắng bầu cử Đức và kế nhiệm bà Angela Merkel.

Với tỷ lệ ủng hộ vượt trội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz đang có cơ hội lớn để chiến thắng bầu cử Đức và kế nhiệm bà Angela Merkel.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz được cho là ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đua kế nhiệm bà Angela Merkel. (Nguồn: EPA)

Thực trạng cuộc đua trước thềm bầu cử Đức cho thấy Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz, chứ không phải Thủ hiến bang North Rhine-Westphalia Armin Laschet hay bà Annalena Baerbock, được dự đoán sẽ kế nhiệm bà Angela Merkel. Vậy ông là ai?

Vẻ ngoài không nổi bật, “chẳng khác nào một nhân viên kế toán”, tính cách điềm tĩnh, thậm chí có phần máy móc là ấn tượng đầu tiên của nhiều người khi gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz.

Còn nhớ khi được hỏi liệu có cảm thấy mình quá “vô cảm”, ông Scholz thủng thẳng rằng mình đang “tranh cử để trở thành Thủ tướng, không phải giám đốc rạp xiếc”.

Chẳng vậy mà nhiều người đã gọi ông là “ngài máy móc” (Scholzomat).

Ở nhiều nơi khác, đây là biệt danh không mấy hay ho song tại Đức, tên gọi này có thể được coi như một lời khen về sự khoa học và tính kỷ luật.

Trong khi nhiều người ngỡ ngàng chứng kiến tỷ lệ ủng hộ của ông Scholz bứt phá, bỏ xa hai ứng cử viên thủ tướng còn lại là ông Armin Laschet và bà Annalena Baerbock sau chưa đầy vài tháng, cá nhân ông Scholz lại chẳng mấy bất ngờ.

Ứng cử viên đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) chỉ ra rằng cuộc bầu cử ngày 29/9 là lần đầu tiên sau Thế chiến thứ Hai, Thủ tướng đương nhiệm không tham gia tranh cử. Trong bối cảnh đó, vị Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính là canh bạc ít rủi ro nhất của nước Đức.

Bởi lẽ, trong ba ứng cử viên Thủ tướng hiện nay, ông Armin Laschet, Thủ hiến bang North Rhine-Westphalia và Chủ tịch đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU), từng gặp rắc rối vì có thái độ không đúng mực khi khảo sát tình hình sau vụ lũ lụt lịch sử tại miền Tây nước Đức hồi tháng Bảy.

(Từ trái sang phải) Ông Armin Laschet, bà Annalena Baerbock và ông Olaf Scholz trước cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình hôm 29/8. (Nguồn: AP)

Bà Annalena Baerbock, niềm hy vọng của đảng Xanh, lại dính líu tới một số cáo buộc về đạo văn.

Quan trọng hơn, ông Scholz là một nhân vật quen mặt với nhiều người hơn ông Armin Laschet và bà Annalena Baerbock.

Ông cũng khéo léo thu hút sự ủng hộ của bộ phận cử tri ủng hộ CDU/CSU do bà Angela Merkel lãnh đạo nhưng vẫn cân nhắc ủng hộ SPD và đảng Xanh khi đương kim thủ tướng rời nhiệm sở.

Hãy nhìn cái cách ông Scholz vận động ở thành phố Leipzig ngày 4/9 vừa qua. Xuất hiện không mấy nổi bật giữa đám đông song chỉ sau vài phút, ông đã thu hút mọi sự chú ý với một thông điệp rõ ràng, dễ hiểu từ cương lĩnh tranh cử của SPD: Không giảm thuế cho người giàu, giữ nguyên mức lương hưu, xây thêm nhà ở xã hội và hướng tới một nền kinh tế trung hòa carbon.

Về đại dịch Covid-19, trên cương vị Bộ trưởng Tài chính, ông đã đề xuất gói cứu trợ trị giá 750 tỷ Euro nhằm giúp các doanh nghiệp và người lao động có thể tiếp tục duy trì qua đại dịch Covid-19: “Đã đến lúc chúng ta dùng mọi cách để chứng minh rằng người Đức có thể vượt qua bất cứ thách thức kinh tế nào từ đại dịch”.

Ông Scholz cho rằng bất cứ ai cũng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19, dù là bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên siêu thị hay người giao hàng, đồng thời cam kết nâng lương tối thiểu lên 12 Euro/giờ ngay trong năm đầu tiên, một khi SPD dẫn đầu chính phủ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng bị thuyết phục bởi ông Scholz.

Một số chuyên gia hoài nghi rằng cam kết của SPD rất khó triển khai trong chính phủ liên minh. Ông Uwe Jun, nhà chính trị học ở Đại học Trier nhận định: “Chiến dịch tranh cử của họ (SPD) chỉ xoay quanh cá nhân ông Scholz”.

Một số cử tri khác lại hoài nghi về “thất bại” của ứng cử viên SPD khi đương nhiệm, từ biểu tình ở Thượng đỉnh G20 năm 2017 tại Hamburg, sự sụp đổ của công ty thanh toán Wirecard hay vai trò của cá nhân ông Scholz trong vụ trốn thuế Cum-Ex, khiến Bộ Tài chính Đức mất nhiều tỷ Euro.

Đáp lại, ông Scholz đã xin lỗi, khẳng định Bộ Tài chính đã có kết luận xác đáng vụ Wirecard và thắt chặt giám sát tài chính, tránh thất thoát.

Tuy nhiên, liệu cam kết và tầm nhìn của ứng cử viên SPD về một nước Đức hậu Thủ tướng Angela Merkel có thể thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho ông trong cuộc bầu cử ngày 29/9 tới hay không? Câu trả lời còn bỏ ngỏ.

Ông Olaf Scholz sinh năm 1958 tại Osnabrück thuộc vùng Tây Bắc của Đức. Tốt nghiệp Đại học Hamburg và từng làm luật sư chuyên về luật lao động, ông gia nhập SPD năm 1975 và trở thành niềm hy vọng của phe trung dung.

Dưới thời bà Angela Merkel, ông từng đảm nhiệm nhiều cương vị như Bộ trưởng Lao động và các vấn đề xã hội Liên bang (2007 - 2009), Thị trưởng Hamburg (2011 - 2018) và Bộ trưởng Tài chính, Phó Thủ tướng Đức (2018 - nay).