Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một trong những mục tiêu đề ra theo Kế hoạch triển khai các hoạt động của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn huyện. Cùng với đó, kế hoạch cũng đặt ra yêu cầu nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc triển khai, tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, vận động người dân và đánh giá kết quả thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn huyện.
Những năm qua, hàng hóa sản xuất trong nước có mặt hầu hết ở các cửa hàng tạp hóa lớn nhỏ trên địa bàn huyện. Nhiều mặt hàng thiết yếu có giá cả hợp lý, mẫu mã đa dạng, chất liệu tốt, nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác rõ ràng... hàng Việt ngày càng chiếm ưu thế trong lựa chọn tiêu dùng của đồng bào dân tộc miền núi, biên giới.
Hiện nay, trên địa bàn Huyện có 12 xã, 1 thị trấn với 26.000 nhân khẩu; 1 chợ trung tâm và 1 cụm chợ Bằng Ca thuộc xã Lý Quốc. Hiện có hơn 900 hộ đăng ký kinh doanh bán hàng tiêu dùng, bách hóa, vật tư nông nghiệp. Trong 14 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Ủy ban MTTQ huyện phối hợp với các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động các nhà sản xuất, phân phối chủ động đưa hàng tiêu dùng sản xuất trong nước đến từng xóm, khu dân cư, đặc biệt là các xã vùng biên như: Lý Quốc, Đồng Loan, Quang Long, Thống Nhất...
Theo đó về công tác tuyên truyền, địa phương tập trung thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, huyện tích cực phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền trực tiếp tại cuộc họp xóm, xã, treo băng rôn; vận động từng hộ gia đình, tổ chức, cá nhân. Khuyến khích, định hướng người tiêu dùng ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Vận động các hộ kinh doanh nhập hàng hóa có thương hiệu Việt Nam đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, ứng dụng chuyển đổi số, quảng bá sản phẩm trên môi trường mạng...
Để người dân biết, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hằng năm, huyện phối hợp với ngành liên quan làm tốt công tác quản lý dịch vụ, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên thị trường nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; xử lý nghiêm các hộ, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật... Các xã duy trì hoạt động của chợ phiên để người dân thuận lợi trong việc mua bán, trao đổi hàng hóa, tiếp cận với hàng Việt. Hiện nay, chợ trung tâm và cụm chợ xã Băng Ca duy trì chợ phiên 5 ngày/lần, đây chính là “kênh” đưa hàng Việt về nông thôn miền núi, biên giới hiệu quả.
Hàng Việt đến với đồng bào vùng biên đã thay đổi nhận thức, đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng nơi đây, từ đó, người dân ngày càng tin tưởng vào hàng hóa trong nước sản xuất, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sức lan tỏa của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Diệu Châu