Có thể nói, kết quả đạt được của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở Nghi Lộc là minh chứng sinh động cho tinh thần vượt khó và ý chí vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ và Nhân dân Nghi Lộc trong tiến trình xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp hơn. Đó cũng là thành quả của cả một quá trình hơn chục năm nỗ lực không ngừng, nhất là giai đoạn (2010-2020).
Diện mạo mới của huyện đạt chuẩn NTM
Nhìn một cách tổng quan, diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện Nghi Lộc đã có nhiều thay đổi tích cực. Kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, các công trình đầu tư xây dựng đã và đang phát huy hiệu quả…
Thành quả xây dựng NTM của Nghi Lộc cho đến hôm nay được tạo lập chủ yếu trong giai đoạn (2010-2020) với kết quả năm sau cao hơn năm trước. Qua rà soát các tiêu chí NTM năm 2010, bình quân toàn huyện mới chỉ đạt 3,9 tiêu chí/xã, mới có 4 xã đạt trên 10 tiêu chí; Thu nhập bình quân đầu người mới là 13,2 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao tới 16,8%... Đến năm 2020 đã có những đổi thay rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, quy mô nền kinh tế, số thu ngân sách ngày càng chiếm tỷ lệ cao so với toàn tỉnh, cơ cấu kinh chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và thương mại, giảm nhanh tỷ trọng nông nghiệp. Trong đó, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 - 2020 đạt 12,53%/năm; Giá trị sản xuất (theo giá cố định) năm 2010 đạt 4.211 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 17.596 tỷ đồng (xếp thứ 3 toàn tỉnh vào năm 2020). Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ - thương mại năm 2010 chiếm 63,06%, đến năm 2020 chiếm 83,10%, tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn 16,9%. Thu ngân sách năm 2010 trên địa bàn đạt 106,5 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt trên 541 tỷ đồng (nếu tính trên toàn địa bàn, số thu đứng thứ 2 toàn tỉnh). Đến tháng 12 năm 2020, 28/28 xã của huyện đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM.
Trong 10 năm, từ 2010 đến 2020, toàn huyện đã huy động được 6.047 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM (trong đó, nhân dân đóng góp gần 1.500 tỷ đồng). Người dân trong huyện còn hiến 3.505.000 m2 đất, gần 1 triệu ngày công để làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa thôn xóm,... Nhờ vậy kết cấu hạ tầng trên địa bàn được đầu tư đồng bộ. Đến năm 2020, huyện đã đầu tư nâng cấp 3 tuyến Quốc lộ, 6 tuyến Tỉnh lộ với chiều dài 180 km đi qua địa bàn huyện; đầu tư làm mới trên 710 km đường nhựa, bê tông; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã thuận lợi.
Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu có hiệu quả. Sản xuất nông nghiệp đã chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với xây dựng chuỗi giá trị sản xuất. Huyện đã hoàn thành việc chuyển đổi ruộng đất, kết hợp nâng cấp hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng. Giá trị sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng nhanh về sản lượng và giá trị, từ 1.366 tỷ đồng năm 2011 lên 1.706 tỷ đồng năm 2020.
Nghi Lộc đã hình thành vùng sản xuất rau tập trung với diện tích trên 600 ha; xây dựng 8 mô hình sản xuất trong nhà với diện tích trên 40.000 m2 áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, gieo trồng trong giá thể; Nhiều sản phẩm nông nghiệp được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGap… Những kết quả trên đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích canh tác: Đến năm 2020 giá trị sản xuất đạt 103 triệu đồng/ha/năm, tăng 45 triệu đồng/ha so với năm 2010 và tăng 21 triệu đồng/ha so với năm 2015. Hàng năm huyện đều hoàn thành kế hoạch trồng rừng tập trung và trồng cây phân tán, thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng với diện tích rừng là 8.625 ha.
Cùng với thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, huyện Nghi Lộc huy động tổng hợp các nguồn lực để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm của Tỉnh và khu vực nông thôn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Trên địa bàn huyện hiện có khu công nghiệp Nam Cấm, khu công nghiệp WHA của tỉnh đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước; 02 cụm công nghiệp Trường Thạch (Nghi Thạch) và Đô Lăng (Nghi Lâm) với nhiều dự án và nhà máy được đầu tư vào địa bàn hoạt động sản xuất ổn định, hiệu quả như: Tổng kho xăng dầu DKC, Trạm nghiền và cảng xi măng Visai, Công ty nhựa Tiền phong; nhà máy Royal Foods, nhà máy Masan tại Khu công nghiệp Nam Cấm; các Trung tâm dịch vụ Logistics,...Thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn như: Gạch grannit Trung Đô tại Nghi Văn, nhà máy may tại các xã: Nghi Lâm, Nghi Diên, Phúc Thọ, Nghi Trung, khu sản xuất giống lâm nghiệp công nghệ cao tại Nghi Lâm… Công nghiệp và Dịch vụ ở nông thôn phát triển đa dạng với sự tham gia của các thành phần kinh tế, góp phần quan trọng tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân. Đến cuối năm 2020, toàn huyện có 627 doanh nghiệp hoạt động với quy mô vừa và nhỏ, tạo việc làm cho hơn 17.000 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 theo giá so sánh đạt 12.765 tỷ đồng, chiếm 56,1%, tăng hơn 4 lần so với năm 2010…
Về văn hóa, xã hội, cơ sở vật chất trường học được đầu tư đồng bộ, kiên cố đáp ứng yêu cầu dạy và học trên địa bàn. Trong 10 năm, toàn huyện xây dựng mới 95 khu nhà học với số lượng 1.125 phòng bộ môn, phòng phục vụ học tập, phòng hành chính quản trị và phòng tổ chức bán trú đạt chuẩn, nâng cấp, cải tạo, tu sửa được 565 phòng. Đến nay, toàn huyện có 80/90 trường mầm non, tiểu học, phổ thông đạt chuẩn Quốc gia. Cơ sở vật chất khám chữa bệnh được đầu tư xây dựng, nâng cấp kể cả trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các trạm y tế và bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện. Cũng 10 năm qua huyện Nghi Lộc đã đầu tư xây mới 15 trạm y tế xã với tổng kinh phí trên 70 tỷ đồng.
Năm 2021 mặc dù tình hình dịch bệnh Covid19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhưng số tiêu chí đạt chuẩn NTM nâng cao bình quân đã đạt 8,11 tiêu chí/xã, tăng 1,41 tiêu chí/xã so với năm 2020. Trong năm Nghi Lộc đã hoàn thành hồ sơ trình tỉnh thẩm định xã Nghi Long đạt chuẩn NTM nâng cao; toàn huyện tăng thêm được 38 tiêu chí; Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) được tập trung triển khai và chỉ đạo, được tỉnh công nhận 2 sản phẩm OCOP trong đó sản phẩm bộ muôi muỗng gỗ đạt 4 sao và sản phẩm ngũ cốc siêu dinh dưỡng tiện lợi đạt 3 sao...
Văn hóa, xã hội tiếp tục có tiến bộ: Trong năm học 2020-2021 đã công nhận mới thêm 6 trường đạt chuẩn Quốc gia (3 trường đạt chuẩn Quốc gia mức 1, 3 trường mức 2), nâng số trường chuẩn Quốc gia mức 1 lên 81 trường/90 trường (đạt 90%); trường chuẩn Quốc gia mức 2 lên 15 trường/81 trường (đạt 18,51%). Huyện tiếp tục được công nhận đạt chuẩn phổ cập GDTMNNT vững chắc, Phổ cập GDTH mức độ 3 và Phổ cập GDTHCS mức độ 2… Những kết quả xây dựng NTM đã và đang thực sự làm đổi thay diện mạo và không ngừng nâng cao mức sống ở vùng quê thuần nông Nghi Lộc. Nghi Lộc đang đổi thay từng ngày, tạo nên sức sống mới, vẻ đẹp mới, trở thành một miền quê trù phú, một miền quê đáng sống.
Từ chủ trương đúng và những giải pháp đồng bộ, thiết thực
Xác định rõ những khó khăn thách thức, đồng thời nêu cao quyết tâm vượt khó, ngay từ những năm đầu thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (giai đoạn 2010-2020), cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể cùng với sự đồng lòng của nhân dân đã tập trung cao, quyết liệt cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xem nhiệm vụ xây dựng NTM là nhiệm vụ cốt lõi, trọng tâm, xuyên suốt 2 nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ huyện từ 2010 đến 2020. Cấp ủy ban hành và tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM đến các chi bộ cơ sở. HĐND, UBND, UBMTTQ và các tổ chức đoàn thể cấp huyện tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình. Trong quá trình thực hiện chương trình, tính dân chủ, sáng tạo của từng cơ sở được phát huy; đồng thời với việc nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lấy người dân làm chủ thể trong xây dựng NTM.
Bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh, Nghi Lộc sớm thành lập, củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy như: Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc, Văn phòng điều phối nông thôn mới hoạt động có hiệu quả. Đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cả hệ thống chính trị về xây dựng nông thôn mới từ huyện đến cơ sở. Cấp ủy ban hành và tổ chức hội nghị quán triệt Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới đến các chi bộ cơ sở. HĐND, UBND, UBMTTQ và các tổ chức đoàn thể cấp huyện đã tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình. Ban Thường vụ Huyện ủy phân công các đồng chí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ phụ trách các cụm điểm để hướng dẫn các xã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện một cách phù hợp và hiệu quả nhất. Hàng quý, 6 tháng, Thường trực Huyện ủy làm việc với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện để nghe tiến độ thực hiện, tháo gỡ khó khăn và đôn đốc triển khai. Trong quá trình thực hiện chương trình đã phát huy tính dân chủ, sáng tạo, của từng cơ sở. Nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lấy người dân làm chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.
Bước sang năm 2021, để tăng cường thực hiện chương trình xây dựng NTM ở tầm mức cao hơn, Huyện Ủy Nghi Lộc đã ban hành Nghị quyết số 05 NQ/HU ngày 14/5/2021 về nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình MTQG XD NTM giai đoạn 2021-2025, làm cơ sở cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng xây dựng NTM trên địa bàn huyện. Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức 5 cuộc làm việc với các địa phương, các ban, ngành liên quan để giao trách nhiệm, nhiệm vụ, lộ trình cụ thể trong xây dựng NTM. Định kỳ hàng quý, Ban Thường vụ Huyện ủy nghe báo cáo tiến độ thực hiện CT MTQG xây dựng NTM và kịp thời cho ý kiến chỉ đạo, định hướng để triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, UBND huyện đã ban hành kế hoạch xây dựng NTM năm 2021 với những nhiệm vụ chi tiết, lộ trình cụ thể cho các phòng, ban, ngành, địa phương; kiện toàn ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo, các ban ngành, các địa phương. Trên cơ sở đó, các xã, thị trấn rà soát, đánh giá cụ thể kết quả thực hiện của 15 tiêu chí, từ đó xây dựng kế hoạch, xác định lộ trình, phân công nhiệm vụ cụ thể để thực hiện...
Phát huy những thành quả đạt được và để nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí NTM, năm 2022 Nghi Lộc đặt mục tiêu tập trung rà soát, chỉ đạo, hướng dẫn các xã hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng các tiêu chí NTM đồng thời với thực hiện các nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Phấn đấu tăng bình quân 4 tiêu chí/xã, nâng số tiêu chí bình quân đạt 12,11 tiêu chí/xã; Tập trung chỉ đạo xây dựng 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là Nghi Quang, Nghi Trung, Nghi Văn, Phúc Thọ, Nghi Thịnh, Khánh Hợp, Nghi Xuân.
Trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, Nghi Lộc tập trung chỉ đạo thực hiện những giải pháp cụ thể, bao gồm: Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra đôn đốc của huyện và các ngành đối với cơ sở về nhiệm vụ xây dựng NTM. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân về mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM. Tập trung nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư, cơ chế chính sách hỗ trợ đã ban hành để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhất là các địa phương phấn đấu đạt xã NTM nâng cao trong năm 2022. Củng cố nâng cao chất lượng hệ thống chính trị tại cơ sở. Tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao… Đó cũng là những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng NTM ở Nghi Lộc.
Những kết quả của Chương trình xây dựng NTM chắc chắn sẽ là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nghi Lộc phấn đấu hoàn thành mục tiêu trở thành huyện NTM nâng cao vào năm 2025.