11/01/2025 lúc 19:02 (GMT+7)
Breaking News

ERPA - Nghệ An trên con đường hội nhập thị trường carbon quốc tế

Thị trường carbon quốc tế được thiết lập đầu tiên trên cơ sở các cơ chế trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto (KP). Sau đó, các thị trường carbon nội địa và liên kết dần được hình thành, mở rộng tại nhiều quốc gia, khu vực. Cụ thể:

Việt Nam đang từng bước xây dựng thị trường. Ảnh minh họa: Internet

Năm 1990, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) công bố báo cáo đánh giá lần thứ nhất (AR1), trong đó đưa ra các cơ sở khoa học toàn diện về biến đổi khí hậu. AR1 sau đó trở thành nền tảng cho việc hình thành các chính sách khí hậu quốc tế. Tiếp đó, năm 1992, Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất, được tổ chức tại Rio de Janeiro. Năm 1997, Nghị định thư Kyoto thuộc khuôn khổ UNFCCC chính thức được thông qua tại Hội nghị các bên lần thứ 3 (COP3), trong đó lần đầu tiên, một chính sách khí hậu quốc tế đã ràng buộc các quốc gia tham gia với mục tiêu pháp lý cụ thể: Các quốc gia phát triển phải giảm 5% lượng phát thải khí nhà kính so với mốc năm 1990 trong giai đoạn cam kết từ năm 2008 đến 2012 và theo bản sửa đổi Doha (được thông qua tại COP18 tại Doha, Qatar năm 2012) thì các quốc gia phát triển phải giảm 18% lượng phát thải nhà kính so với mốc năm 1990 trong giai đoạn cam kết thứ hai từ năm 2013 đến 2020… Để đạt được mục tiêu này, các công cụ định giá carbon mang tính thị trường đầu tiên đã được thiết lập, bao gồm: Cơ chế phát triển sạch (CDM) theo Điều 12, Giao dịch phát thải quốc tế (IET) và Thực hiện chung (JI) theo Điều 6. Đây là cơ chế đặt nền móng cho sự phát triển của thị trường carbon quốc tế và sự hình thành các thị trường carbon nội địa cùng các tiêu chuẩn carbon độc lập về sau

Đến năm 2007, trên thế giới hình thành thị trường tín chỉ các-bon rừng theo cơ chế được xác lập trong Kế hoạch hành động Bali được thông qua tại cuộc họp các nước thành viên thực hiện Công ước khung về Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP13) vào tháng 12 năm 2007 tại Bali (Indonesia). Đây là cơ chế khẳng định rõ các hoạt động chống mất rừng, suy thoái rừng góp phần tích cực làm giảm phát thải khí nhà kính (REDD); cho phép chuyển quyền các-bon được tạo ra từ các hoạt động REDD. Thông qua cơ chế này, các nước phát triển đang phát thải vượt quá hạn ngạch cho phép sẽ tìm mua tín chỉ các-bon từ kết quả hoạt động REDD tại các nước đang phát triển chưa sử dụng hết hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Việc thiết lập thị trường carbon chung hoặc trong từng khu vực (ví dụ trong khối ASEAN) không chỉ giúp các nước phối hợp kiểm soát lượng phát thải, mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thêm cơ hội kinh doanh và đầu tư vào các dự án carbon thấp, dự án xanh. Không những thế, khi kết nối với các thị trường carbon lớn sẽ giúp các quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể tiếp cận được nhiều nguồn tài chính quốc tế và công nghệ hiện đại trong giảm phát thải khí nhà kính. Mặt khác, thông qua cơ chế giảm phát thải toàn cầu (Điều 6.4), mỗi nước có thể thực hiện các dự án giảm phát thải trên lãnh thổ của các quốc gia khác và ngược lại, tạo ra một hệ thống linh hoạt cho phép các bên đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các dự án xanh và đổi mới công nghệ...

Việt Nam đã tham gia thực hiện sáng kiến REDD+ và Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Nghệ An là đối tác quan trọng của Dự án Hỗ trợ sẵn sàng thực hiện REDD+ giai đoạn 2 được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2019 với mục tiêu thực hiện các hoạt động chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ tại sáu tỉnh vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế). Đến năm 2020, Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, gọi tắt là ERPA (ERPA là một hợp đồng ràng buộc về mặt pháp lý cho phép một bên cung cấp tín chỉ carbon đã được xác minh cho bên kia) được ký giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển quyền sở hữu lượng giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên cho Quỹ Đối tác các-bon lâm nghiệp ủy thác qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế.

Kết quả giảm phát thải là lượng khí carbon dioxide (CO2) được giảm, hấp thụ hoặc được lưu giữ từ năm 2018 đến năm 2024 tại 06 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) và thực hiện chuyển nhượng đến ngày 31 tháng 12 năm 2025. Lượng giảm phát thải ký kết theo ERPA gồm 10,3 triệu tấn CO2 và lượng giảm phát thải bổ sung nếu có (tối đa 5 triệu tấn CO2), với tổng số tiền là 51,5 triệu đô la Mỹ.

Tháng 8 năm 2023, Ngân hàng Thế giới (WB) đã thực hiện tạm ứng số tiền tương đương 80% (hơn 282 tỷ đồng) kết quả giảm phát thải theo ERPA đã ký. Để kịp thời chi trả nguồn thu từ ERPA cho các chủ rừng và các đối tượng hưởng lợi, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận và thực hiện chi trả cho 40 chủ rừng là tổ chức được giao quản lý rừng, 211 UBND cấp xã được nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên và 27.467 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trong vòng 3 năm từ 2023 đến 2025.

Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng có nhiều tiềm năng tín chỉ Carbon đến từ rừng

Nguồn thu từ ERPA là nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đối với loại hình dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An là cơ quan thực hiện hoạt động quản lý nguồn thu từ ERPA trên địa bàn tỉnh Nghệ An, bao gồm hoạt động điều phối nguồn thu, hoạt động kiểm tra, giám sát đánh giá, hoạt động truyền thông và hoạt động giải quyết thắc mắc, khiếu nại, phản hồi. ERPA chi trả cho các hoạt động đóng góp trực tiếp cho giảm phát thải khí nhà kính, hỗ trợ các hoạt động lâm nghiệp và hỗ trợ phát triển sinh kế cho các cộng đồng tham gia hoạt động quản lý rừng.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP, trong đó giao Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tiếp nhận, tham mưu và triển khai nhiệm vụ này, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Lâm nghiệp, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An đã tham mưu các cấp ban ngành ban hành các văn bản nhằm triển khai thực hiện Chính sách một cách đồng bộ, hiệu quả. Theo Kế hoạch tài chính được cấp thẩm quyền phê duyệt, đến nay Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An đã giải ngân hơn 90 tỷ đồng đến các chủ rừng và phấn đấu đạt 100% theo kế hoạch. Tuy là chính sách mới nhưng bước đầu đã phát huy được hiệu quả có tính lan tỏa cao và được nhân dân đồng thuận vì phần lớn kinh phí đến với hộ gia đình, cộng đồng dân cư.

Thực hiện ERPA sẽ góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có và nâng cao độ che phủ của rừng tại Nghệ An, góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu; thực hiện cam kết của Việt Nam với các tổ chức quốc tế./.

Nguyệt Hằng