20/01/2025 lúc 16:02 (GMT+7)
Breaking News

Nghệ thuật phục vụ du lịch còn nhiều đất diễn

VNHN - Khách du lịch không thể không xem "Nụ cười Angkor" khi đến Campuchia, Alangkarn show khi đến Thái-lan. Hàn Quốc thì có hàng loạt chương trình biểu diễn nghệ thuật đương đại hút khách như The Painters Hero, Cookin’ Nanta... Còn Việt Nam vẫn rất thiếu những chương trình nghệ thuật được định danh dành cho du khách.

VNHN - Khách du lịch không thể không xem "Nụ cười Angkor" khi đến Campuchia, Alangkarn show khi đến Thái-lan. Hàn Quốc thì có hàng loạt chương trình biểu diễn nghệ thuật đương đại hút khách như The Painters Hero, Cookin’ Nanta... Còn Việt Nam vẫn rất thiếu những chương trình nghệ thuật được định danh dành cho du khách.

 

Tiềm năng lớn

Với 54 dân tộc sinh sống trên khắp chiều dài của đất nước, mỗi dân tộc, mỗi vùng miền lại có phong tục tập quán, truyền thống văn hóa khác nhau. Chính sự đa dạng và phong phú này là điều kiện để Việt Nam có thể phát triển các chương trình văn hóa nghệ thuật để phục vụ phát triển du lịch.

Nét trù- tác phẩm ấn tượng du khách trong Galina Show Hoa Đất Việt

Mặc dù vậy, theo thạc sĩ Trịnh Lê Anh, Phó bộ môn quản trị sự kiện, Khoa Du lịch, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Việt Nam lại có rất ít chương trình nghệ thuật đủ tầm cỡ, quy mô để làm thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của số lượng lớn người dân và du khách.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam mới có một số buổi diễn thành công, thu hút được sự quan tâm của đông đảo du khách. Đầu tiên phải kể đến "Tinh hoa Bắc Bộ" lấy cảm hứng lịch sử về chùa Thầy, một trong những điểm đến tâm linh ở Hà Nội, với sự tham gia của hàng trăm diễn viên trên một sân khấu thực cảnh là mặt hồ rộng 4.300 m2. Đến với "Tinh hoa Bắc Bộ", khán giả sẽ được trải nghiệm sáu khía cạnh: thi ca, hoài cổ, cõi Phật, nhạc họa, an vui và ngày hội. Buổi diễn không chỉ mở ra không gian văn hóa của vùng đồng bằng Bắc Bộ với các hoạt động sinh hoạt thường ngày của người dân, mà còn tái hiện lại nghệ thuật rối nước đỉnh cao một cách sinh động.

Bên cạnh đó, mới đây còn có thêm Galina Show Hoa Đất Việt tại Nha Trang. Sau một tháng ra mắt, chương trình nghệ thuật này đã thu hút hơn 10 nghìn khán giả - khách du lịch. Toàn bộ buổi trình diễn gồm 12 tiết mục múa dân gian đậm chất nghệ thuật như "Lời ru Âu Lạc", "Hoa núi" của dân tộc Thái, "Khèn tình" của người Mông, Thời trang các dân tộc Việt Nam, ca cảnh "Nét trù" hay làn điệu chèo "Đào liễu"… Đây được xem là buổi diễn thuần Việt từ con người, đạo diễn, diễn viên… cho đến nội dung kịch bản, âm nhạc tác phẩm.

Trong một giờ trình diễn, du khách sẽ được đến với hành trình tìm về miền di sản UNESCO, thưởng ngoạn tinh hoa văn hóa các vùng miền từ thuở hồng hoang dựng nước cho tới đương đại. Mỗi tiết mục được thể hiện một cách tinh tế qua các động tác hình thể, lúc khoan thai, nhịp nhàng, khi thì mạnh mẽ, dứt khoát của những diễn viên múa chuyên nghiệp.

Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật dân gian Á Châu Hoàng Dùng cho biết: "Các chương trình nghệ thuật không chỉ làm cho các tour du lịch trở nên sinh động và đa dạng hơn cho hành trình khám phá của du khách, mà còn đem lại nguồn thu đáng kể cho các nghệ sĩ và cho chính những người làm du lịch. Tính trung bình mỗi ngày từ một đến hai ca diễn, mỗi vé giá dao động từ 15-40 USD/người, khoản tiền thu được từ hoạt động này cũng là một con số lớn".

Thế nhưng, Việt Nam vẫn còn thiếu những chương trình nghệ thuật đến để xem gắn với vùng miền. Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty Du lịch Vietsense, cho rằng, chương trình nghệ thuật "Tinh hoa Bắc Bộ" ở Hà Nội công diễn một lần một tuần, Galina show Hoa Đất Việt dù chiếu hằng ngày nhưng chỉ du khách đến Nha Trang mới có thể đón xem. Du lịch cần có nhiều hơn nữa những buổi diễn đến phải xem ở các địa phương khác nhau để thu hút du khách".

"Hoa núi" của dân tộc Thái trong Galina Show Hoa Đất Việt

Cần sự chung tay

Có thể thấy, mặc dù hoạt động đầu tư cho các chương trình văn hóa nghệ thuật nhằm thu hút du khách đang là xu hướng mới của cả các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Tuy nhiên, mọi việc vẫn đang ở giai đoạn đầu, việc chạy chương trình vẫn mang tính manh mún, mạnh ai nấy làm. Ngoài một số chương trình thu hút khách du lịch như Tinh hoa Bắc Bộ, Nha Trang Dream Show, Galina Show Hoa Đất Việt, À ố, Làng tôi, Tứ phủ, Thuở xứ Đoài… hay của Nhà nước như rối nước, hầu hết các Nhà hát Chèo, tuồng… vẫn chỉ là những sân khấu nhỏ mang tính địa phương, chưa thể sáng đèn hằng đêm, chưa đạt đến quy mô, tầm cỡ để thu hút khách du lịch.

Nguyên nhân là do các chương trình biểu diễn chưa phù hợp với thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của số đông, gần gũi, dễ hiểu với nhiều đối tượng du khách, da dạng hóa sự lựa chọn. Đặc biệt, nguồn kinh phí để xây dựng được một chương trình nghệ thuật có quy mô không nhỏ. Chính vì vậy, để tạo ra những không gian nghệ thuật "đến là phải xem" dành cho du khách, rất cần sự vào cuộc để hoạch định chính sách, sách lược, chiến lược của cơ quan quản lý nhà nước, sự chung sức đầu tư của các nhà đầu tư tư nhân.

Đạo diễn - biên đạo múa - Nghệ sĩ Nhân dân Hữu Từ chia sẻ: "Nếu chỉ là một chương trình nghệ thuật truyền thống nho nhỏ, tươm tất thì không cần phải đầu tư nhiều, nhưng để có một chương trình văn hóa nghệ thuật đích thực gắn với thương hiệu du lịch quốc gia thì cần phải có sự đầu tư lớn, bài bản, cần có sự hỗ trợ của cơ quan Nhà nước; và cần có những doanh nghiệp đủ tâm, đủ tầm mới có thể cho ra mắt những show diễn "đến là phải xem" thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước".

Tuy nhiên, để làm được điều này rất khó, vì ngay cả những chương trình lớn ở Las Vegas (Mỹ) đều phải nhờ có sự đầu tư, hỗ trợ của các ông chủ tư nhân casino. Nhưng nếu là một chương trình thiếu tính thương mại thì sẽ khó thu hút đầu tư. Vì vậy, sự quan tâm, hỗ trợ của cơ quan nhà nước là rất cần thiết để thu hút các đơn vị tư nhân quan tâm, đầu tư vào làm các các chương trình văn hóa nghệ thuật phục vụ du lịch.

Lấy thí dụ của Nhà hát Nghệ thuật dân gian Á Châu, với sự đầu tư mạnh tay từ Hải Đăng Group, dựa trên nền tảng lấy yếu tố nghệ thuật dân gian truyền thống phục vụ kinh tế du lịch, đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ cả chất và lượng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện được. Con số 40 tỷ đồng cho Nhà hát Nghệ thuật dân gian Á Châu quả là con số không nhỏ, nhưng sản phẩm thu được cũng như sự đón nhận của du khách, đặc biệt là khách quốc tế với con số ấn tượng hơn thu hút gần 400 nghìn khách sau một năm hoạt động của Nha Trang Dream Show và hơn 10 nghìn khách của Galina Show Hoa Đất Việt đã tạo ra một xu hướng mới cho tư nhân đầu tư vào lĩnh vực văn hóa nghệ thuật vốn ảm đạm.

Với những tiềm năng văn hóa nghệ thuật cùng nhu cầu, yêu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng lớn của du khách, có thể nói, các show trình diễn phục vụ du lịch của Việt Nam vẫn còn nhiều đất diễn và cũng là nguồn khai thác hiệu quả dành cho các nhà đầu tư. Hy vọng rằng, Việt Nam sẽ có nhiều hơn những chương trình nghệ thuật "đến là phải xem" nhằm làm sinh động hơn cho các tour, thu hút hiệu quả nguồn khách du lịch./.

Theo Nhandan.com.vn