08/11/2024 lúc 16:39 (GMT+7)
Breaking News

BHXH Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực trong thực hiện pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp

VNHN – Sáng 13/8, BHXH Việt Nam đã báo cáo với Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác theo dõi tình hình thi pháp luật ngành BHXH từ tháng 10/2017 - 6/2019 với nhiều kết quả tích cực trong thực hiện pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp

VNHN – Sáng 13/8, BHXH Việt Nam đã báo cáo với Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác theo dõi tình hình thi pháp luật ngành BHXH từ tháng 10/2017 - 6/2019 với nhiều kết quả tích cực trong thực hiện pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp

Được biết, Đoàn kiểm tra liên ngành về Thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật và thực hiện Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 26/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018 - 2022” đã có buổi làm việc với BHXH Việt Nam.

Theo đó, ông Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) làm Trưởng đoàn. Tham gia Đoàn kiểm tra có đại diện: Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính… và một số đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp. Tiếp và làm việc với Đoàn kiểm tra có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cùng đại diện một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.

Tại buổi làm việc, BHXH Việt Nam đã có báo cáo cụ thể những kết quả đạt được, cụ thể: Trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật: BHXH Việt Nam đã xây dựng kế hoạch và tổ chức, đảm bảo các điều kiện thực hiện Kế hoạch đúng quy định; thực hiện nghiêm túc quy định về báo cáo; thường xuyên phổ biến, tập huấn về nghiệp vụ thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật đến đội ngũ cán bộ; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. BHXH Việt Nam cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện các hành vi lạm dụng, trục lợi, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp để xử lý và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Là cơ quan thuộc Chính phủ, không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án, chính sách, đặc biệt đối với các văn bản điều chỉnh lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp như: Tham gia xây dựng đề án cải cách chính sách tiền lương; Đề án cải cách chính sách BHXH; Nghị quyết 125-NQ/CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH; tham gia xây dựng dự thảo Luật Lao động (sửa đổi); tham gia xây dựng, sửa đổi 11 nghị định, 7 thông tư hướng dẫn thực hiện Luật BHXH năm 2014…

Trong quá trình theo dõi tình hình thi hành pháp luật toàn Ngành, cơ quan BHXH đã kịp thời nắm bắt những hạn chế, không khả thi hay những vấn đề cần có sự điều chỉnh của pháp luật để chủ động báo cáo và đề xuất hướng giải quyết với các cơ quan chức năng.

Toàn cảnh buổi làm việc

Nhằm bảo đảm chất lượng thi hành pháp luật trong toàn Ngành, BHXH Việt Nam đã thực hiện việc ban hành hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, phù hợp với quy định pháp luật và tình hình thực tiễn.

Việc rà soát văn bản do BHXH Việt Nam ban hành được thực hiện định kỳ hằng năm, trên cơ sở đó tham mưu với lãnh đạo Ngành sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ văn bản không phù hợp. Công chức, viên chức ngành BHXH đều tuân thủ nghiêm túc các quy định về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Một số trường hợp công chức, viên  chức vi phạm quy định trong thực thi công vụ, nhiệm vụ đã bị xử lý kịp thời…

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, ông Đào Việt Ánh nhận định: Từ những kết quả của công tác theo dõi thi hành pháp luật nêu trên đã góp phần quan trọng giúp BHXH Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tăng trung bình 5%/năm. Tính đến tháng 6/2019, toàn quốc toàn quốc đã có 14,8 triệu người tham gia BHXH; 12,7 triệu người tham gia BH thất nghiệp;  84,7 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89,3% dân số. Hằng năm, ngành BHXH phục vụ, giải quyết chế độ cho hàng trăm triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT; hàng chục triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH, trợ cấp hằng tháng. BHXH Việt Nam tiếp tục cắt giảm TTHC thuộc lĩnh vực của Ngành. Năm 2018, BHXH Việt Nam giảm từ 32 TTHC xuống còn 28 TTHC; đến tháng 6/2019, bãi bỏ thêm 01 TTHC trong lĩnh vực chi trả BHXH. Hiện, ngành BHXH có 27 TTHC và 19 trong số đó đã đạt dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3. Việc ứng dụng CNTT cũng được BHXH Việt Nam đẩy mạnh. Năm 2018 là năm thứ 2 liên tiếp BHXH Việt Nam đứng đầu về ứng dụng CNTT trong khối các cơ quan thuộc Chính phủ…

Trên cơ sở ý kiến trao đổi, thảo luận giữa các thành viên Đoàn kiểm tra và BHXH Việt Nam, ông Đặng Thanh Sơn - Trưởng đoàn Kiểm tra đã kết luận sơ bộ về kết quả thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong thời gian qua của BHXH Việt Nam.

Theo ông Sơn, thực hiện công tác này, BHXH Việt Nam đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực, ấn tượng trong việc lập kế hoạch, phối hợp với các bộ, ngành, bố trí nguồn lực thực hiện, triển khai nhiệm vụ trọng tâm… cho thấy sự quan tâm, chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ và lãnh đạo Ngành. Tuy nhiên, ngành BHXH vẫn còn một số hạn chế cũng như khó khăn trong thực hiện công tác này như: Đội ngũ làm công tác pháp chế ở BHXH các địa phương còn thiếu và yếu; tính tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của một số cá nhân, tổ chức chưa tốt; tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp vẫn diễn ra ở một số địa phương; vướng mắc trong thực hiện khởi kiện và xử lý hình sự đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp…

Vì vậy, Đoàn kiểm tra đề nghị: Ban Cán sự đảng và Lãnh đạo BHXH Việt Nam cần tiếp tục tăng cường công tác quán triệt và nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức trong Ngành về ý nghĩa, vai trò của công tác thi hành pháp luật thuộc chức năng nhiệm vụ; tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, bố trí kinh phí và các điều kiện khác theo quy định; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành trong xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra chuyên ngành và tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong thi hành pháp luật, đặc biệt là pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp để kiến nghị, đề xuất với các cấp có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện…/.