09/12/2024 lúc 16:22 (GMT+7)
Breaking News

Nghề làm bánh tráng Túy Loan được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nghề thủ công truyền thống "Nghề làm bánh tráng Túy Loan" (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) được Công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Mới đây, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký Quyết định số 374/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo đó, Quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề thủ công truyền thống "Nghề làm bánh tráng Túy Loan" xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa đối với Nghề thủ công truyền thống "Nghề làm bánh tráng Túy Loan".

 

Ngôi làng cổ Túy Loan được hình thành do năm vị tiền hiền ngũ tộc Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê. Tương truyền, năm vị tiền hiền ngũ tộc này theo chiếu của vua Lê Thánh Tông đi mở mang bờ cõi về phương Nam (năm Hồng Đức nguyên niên 1470), dừng chân chọn nơi đây để lập nghiệp khai khẩn làm ăn và đặt tên cho làng là Thúy Loan (nay gọi Túy Loan).  Làng nghề này gắn kết nhiều giá trị văn hóa, di sản với làng cổ Túy Loan - nơi có Đình làng Túy Loan với lịch sử trên 500 năm tuổi.

Bánh tráng được coi là món ăn phổ biến của người Việt Nam nói chung, Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng, người miền Bắc gọi là bánh đa, miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng (vì công đoạn chủ yếu khi làm bánh là phải tráng mỏng). Tại TP Đà Nẵng, nghề làm bánh tráng còn tồn tại và phát triển ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Nghề làm bánh tráng Túy Loan có lịch sử lâu đời. Hiện, ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang còn 15 hộ gia đình duy trì nghề làm bánh tráng truyền thống, tập trung chủ yếu ở thôn Túy Loan.

Bánh tráng Túy Loan có hương vị thơm ngon đặc trưng của gạo, mè, gừng, tỏi, mắm, muối, đường... và được làm hoàn toàn bằng thủ công, người dân tại làng chỉ làm một loại bánh tráng nướng. Để làm ra một chiếc bánh tráng phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau, trong mỗi công đoạn đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm và thành thạo. Khi ăn, sẽ cảm nhận được độ giòn tan rôm rốp của chiếc bánh tráng được nướng trên bếp than hồng.

Mỗi dịp Tết Nguyên đán hằng năm, toàn xã Hòa Phong có trên 40 hộ cùng tham gia tráng bánh mới đáp ứng đủ nhu cầu cung cấp bánh tráng ra thị trường. Hiện, bánh tráng Túy Loan đã được đăng ký bản quyền.

Bên cạnh đó, Huyện Hòa Vang đã xây dựng đề án phục hồi làng nghề, hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi để đầu tư làm bánh. Mong muốn của địa phương là làm sao có thể kết hợp giữa việc khôi phục, phát triển làng nghề gắn với các tour du lịch tham quan, trải nghiệm thực tế tại làng.                

Sản phẩm của nghề làm bánh tráng Túy Loan không những là thực phẩm ẩm thực trong mỗi bữa ăn hàng ngày của các gia đình mà còn trở thành lễ vật dâng cúng không thể thiếu trên mâm cúng gia tiên, ông bà và các vị tiền nhân vào những dịp giỗ kỵ, Tết cổ truyền, lễ hội đình làng và lễ đầy tháng của các cháu nhỏ… Chính vì vậy, bao đời nay các thế hệ người dân Túy Loan sinh ra và lớn lên đã nối nghiệp nhau gìn giữ và phát triển nghề làm bánh tráng cho đến tận bây giờ.

Việc làng nghề truyền thống Nghề làm bánh tráng Túy Loan được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tạo thêm tiếng vang cho một làng nghề hàng trăm năm tuổi của Đà Nẵng, cũng là điều kiện thiết yếu để địa phương tiếp tục bảo tồn, gìn giữ và phát huy hơn nữa giá trị của làng nghề này.

PV